Hiệu ứng kỳ vọng phủ xanh chứng khoán toàn cầu
Trong ngắn hạn, có lẽ không mấy ai còn ngạc nhiên nếu TTCK tiếp tục chứng tỏ sức mạnh và tăng trưởng một cách độc lập với các tin tức kinh tế xấu trên toàn cầu.
“Sau cơn mưa, trời lại nắng”
Sau tất cả, chỉ số S&P 500 vừa trải qua 50 ngày tăng điểm nhanh nhất trong 90 năm qua, trong khi chỉ số Nasdaq 100 thiết lập kỷ lục mới, bỏ lại cú sốc đại dịch phía sau lưng.
Nếu chỉ nhìn vào TTCK, chắc ít người nghĩ tới việc có 21 triệu cư dân Mỹ đang chưa có việc làm, các tổ chức kinh tế lớn liên tục cảnh báo về cuộc khủng hoảng có thể là tồi tệ nhất…
Nếu TTCK là phong vũ biểu của nền kinh tế toàn cầu, chắc chắn thế giới đang ổn, thậm chí mọi guồng quay kinh tế phải đang ở trạng thái rất tốt.
Trong tuần kể từ 1/6/2020, chỉ số S&P 500 đã tăng gần 5% với động lực tới từ báo cáo số liệu việc làm tích cực hơn dự đoán trước đó. Chỉ số này chỉ cần tăng khoảng 1% nữa để rũ bỏ sạch đà bán tháo dữ dội khi đại dịch Covid-19 mới xuất hiện.
Không ít chuyên gia nhận định, chứng khoán còn nhiều không gian để tăng trưởng. Theo Michael Purves, CEO Tallbacken Capital Advisor, điểm dừng tiếp theo của S&P 500 có thể là mức 3.400 điểm, vượt qua mức cao nhất mọi thời đại đạt được vào tháng 2/2020.
Trong khi đó, Nicholas Colas, nhà kinh tế tại DataTrek Research nhìn thấy triển vọng ở mức 3.340 điểm, với nhóm cổ phiếu tài chính và công nghiệp dẫn đường.
Đáng chú ý, giới đầu tư dần cảm thấy yên tâm hơn bởi TTCK đang tỏ ra tăng tốc bền vững, nhất là khi có sự “chống lưng” từ nhà cầm quyền.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện tại vẫn coi sự tăng trưởng của chỉ số Dow Jones là biểu hiện của thành công trong vai trò quản lý, thậm chí coi TTCK là “trận địa” với lợi thế lớn trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
Cùng với đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang xem xét TTCK trở thành trọng tâm trong chương trình hành động của mình, bên cạnh việc làm và bình ổn giá cả.
Chứng khoán tăng không phải câu chuyện riêng tại nước Mỹ. Thực tế, có nhiều động lực hỗ trợ đà leo dốc của các loại tài sản rủi ro, nhất là cổ phiếu và khó có thể thấy rào cản nào đủ sức ngáng đường leo dốc của chứng khoán tại các thị trường mới nổi, ít nhất là trong những ngày tới.
Với việc số liệu việc làm trong tháng 5 tại Mỹ tốt hơn dự báo và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh chấp thuận gia tăng thời hạn cắt giảm sản lượng, tâm lý của nhà đầu tư trở nên hứng khởi, bởi đó là các dấu hiệu cho thấy việc mở cửa trở lại nền kinh tế bước đầu thuận lợi.
Theo JPMorgan Chase & Co, tính chất bất ổn tại các thị trường mới nổi vừa có tuần giảm mạnh nhất kể từ năm 2011 tới nay. TTCK khu vực này cũng có tuần tăng điểm mạnh nhất kể từ năm 2011.
“Dù vẫn còn nhiều yếu tố khó đoán định về tác động của đại dịch Covid-19 tới hoạt động của doanh nghiệp, giới đầu tư vẫn hào hứng khi nền kinh tế dần khôi phục và kỳ vọng lợi nhuận sẽ khởi sắc về cuối năm”, Iyad Abu Hweij, đối tác quản lý tại Allied Investment Partners PJSC nhận định.
Video đang HOT
Đà tăng liệu có vô lý?
Tháng 4/2020 là tháng chỉ số S&P 500 tăng trưởng mạnh nhất kể từ những năm 1950. Kể từ đây, mọi chuyện dường như trở nên khó lý giải hơn bao giờ hết. Tại sao TTCK duy trì được đà tăng cho tới nay, bất chấp nền kinh tế chịu nhiều tổn thương và cần nhiều thời gian để lành lại?
Lý giải phần nào diễn biến khác thường này, giới chuyên gia đưa ra 5 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, số liệu kinh tế phản ánh quá khứ, trong khi thị trường nhìn về tương lai. Bất kể tại thời điểm thông thường hay có nhiều biến động, một sự thật không thay đổi là các dữ liệu kinh tế được thống kê dựa vào những chuyện đã xảy ra, trong khi đó, TTCK luôn nhìn về phía trước.
Với tính chất này, một khi các thông tin kinh tế được công bố, đó có thể là tình hình từ cách đây 6 tháng, thậm chí dài hơi hơn và thị trường đã phần nào “chiết khấu” các diễn biến vào giá.
Cùng với đó, kỳ vọng của giới đầu tư vào sự khởi sắc trong thời gian tới phản ánh vào giá cổ phiếu, thúc đẩy giá trị của loại tài sản này tại các sàn giao dịch. Như vậy, ngay cả khi tình hình hiện tại nhiều bất lợi, giá cổ phiếu vẫn có thể leo dốc nếu tạo được niềm tin.
Thứ hai, thị trường ghét sự mơ hồ hơn những tin xấu. Lấy ví dụ, trong tháng 4/2020, có hơn 20 triệu việc làm mất đi tại Mỹ, đánh dấu tháng tệ nhất kể từ khi các số liệu được thống kê.
Dù vậy, chỉ số S&P 500 tương lai vẫn tăng 1,7% ngay trong phiên thông tin được công bố. Tại sao như vậy?
Câu trả lời là bởi thị trường trước đó dự báo số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lên tới 22 triệu. Thông tin được công bố không tệ như tưởng tượng và dù xấu nhưng sự rõ ràng chính là yếu tố khiến TTCK vẫn có thể… lạc quan.
Thứ ba, nhà đầu tư thiếu các ngã rẽ mới. Ngay từ trước khi đại dịch diễn ra, lãi suất trái phiếu đã ở vùng rất thấp.
Vào khoảng giữa tháng 2, trước khi đại dịch bùng nổ toàn cầu, lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm ở mức 1,6%/năm. Vào tháng 10/2007, trước khi khủng hoảng tài chính diễn ra, lãi suất loại trái phiếu này ở mức 4,7%/năm.
Đây là lý do khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhà đầu tư không có nhiều lựa chọn để thay thế kênh đầu tư cổ phiếu. Vào ngày 12/5, lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm thậm chí chỉ ở mức 0,7%/năm.
Khi đó, ngay cả khi lợi tức từ các cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500 mang lại vào khoảng 2%/năm, sức hấp dẫn của cổ phiếu vẫn lớn hơn nhiều so với trái phiếu. Bởi vậy, nhà đầu tư khó có thể tái cơ cấu danh mục đầu tư của mình từ cổ phiếu sang trái phiếu.
Thứ tư, thời gian đình trệ và phục hồi kỳ vọng sẽ không quá dài. Ngay cả khi mất tới 1 năm để kiểm soát tình hình dịch bệnh và chưa có vắc xin chữa trị, đây cũng không phải thời gian quá dài đối với TTCK.
Dòng tiền của doanh nghiệp trong 12 tháng tới chỉ là một phần nhỏ được phản ánh trong giá trị của cổ phiếu. Chưa kể, nhà đầu tư rót tiền vào cổ phiếu của doanh nghiệp chủ yếu bởi đặt cược vào dòng tiền trong tương lai.
Điều này được thể hiện ở việc chỉ số P/E vẫn ở mức cao. Chỉ số P/E thể hiện mức giá mà nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra cho một đồng lợi nhuận thu được từ cổ phiếu và P/E dự tính (P/E forward) hiện nay tại TTCK Mỹ là khoảng 20,5 lần. Trong 25 năm qua, P/E forward trung bình ở mức hơn 16 lần.
P/E và P/B thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thứ năm, các chính sách tiền tệ và gói hỗ trợ tài chính khiến dòng tiền lỏng hơn, từ đó hỗ trợ tích cực cho dòng chảy vào TTCK. So với thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, giá trị của các gói hỗ trợ mà chính phủ nhiều quốc gia thực hiện tại thời điểm đại dịch Covid-19 bùng nổ lớn hơn rất nhiều lần.
Chưa kể, dòng vốn được điều chỉnh để chảy trực tiếp vào thị trường, với việc Fed tiến hành mua vào trái phiếu và cả cổ phiếu, duy trì thanh khoản cao tại thị trường tiền tệ, hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp bằng cách mua vào cả trái phiếu lãi suất cao (junk bonds).
Ngân hàng Trung ương châu Âu vừa tăng quy mô chương trình mua vào trái phiếu lên tới hơn 1.500 tỷ USD… Việc lãi suất ở gần mức 0% cũng tạo tác động tâm lý tích cực tới giới đầu tư tại các thị trường tài chính toàn cầu.
Trong bối cảnh TTCK duy trì sắc xanh, vẫn còn đó những câu hỏi với nhiều lo ngại được đặt ra. Liệu chúng ta có thổi phồng kỳ vọng? Liệu thị trường đã chạm tới đáy? Đợt điều chỉnh tiếp theo sắp sửa xảy ra hay chưa? Có nên tiếp tục đầu tư hay dừng lại?…
Trong khi khi các nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại và giới nghiên cứu khoa học bận bịu tìm kiếm phương thuốc cho đại dịch, chỉ có thời gian mới nắm giữ câu trả lời cho những câu hỏi kể trên.
Năm 2020, lợi nhuận doanh nghiệp dự kiến giảm khoảng 12%
Tại Việt Nam, báo cáo mới nhất của FiiPro cho biết, đến cuối tháng 5/2020, có 426/1644 công ty đại chúng phi ngân hàng, chiếm 71% tổng vốn hóa, được cập nhật kế hoạch kinh doanh 2020.
Theo đó, các doanh nghiệp tự tin duy trì mức tăng doanh thu 2,5% so với 2019 bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19. Một số ngành vẫn đặt kế hoạch doanh thu khá cao như bất động sản ( 26,2%); thực phẩm và đồ uống ( 24,5%); tài nguyên cơ bản ( 13,3%); và công nghệ thông tin ( 14,7%).
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2020 giảm 12,1% so với 2019. Đây là mức giảm khá lớn nếu so với số thực tế tăng trưởng 14,7% trong năm 2019 và 18,2% trong năm 2018 của 426 doanh nghiệp này.
Với khối ngân hàng, các ngân hàng dự kiến có lợi nhuận sau thuế giảm 11,9% cả năm 2020. Số liệu đươc tổng hợp từ 12/18 ngân hàng niêm yết, chiếm 91,8% vốn hóa toàn ngành đã công bố chỉ tiêu kế hoạch 2020 cho ra con số này.
Sức ảnh hưởng của Covid-19 hiện vẫn đang được các ngân hàng phân tích, đánh giá ảnh hưởng và có thể điều chỉnh mục tiêu kinh doanh trong 2020 này.
Trong 16 ngành phi tài chính, báo cáo của FiiPro cho biết có sự tương quan giữa thị giá cổ phiếu và giá trị được thể hiện khá rõ nét trong giai đoạn từ đầu năm đến nay. Chẳng hạn, ngành tài nguyên cơ bản, với sự dẫn đầu và bứt phá của HPG, cổ phiếu ngành này vẫn tăng 10,6% kể từ đầu năm và tăng 44,9% kể từ “đáy tạm thời”.
Sự tăng giá này được dẫn dắt bởi mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 25,4% trong quý I/2020 và dự kiến cả năm nay vẫn tăng 35,1% trong bối cảnh toàn thị trường chung dự kiến sự suy giảm về lợi nhuận.
Với ngành công nghệ thông tin, với sự “miễn nhiễm” của FPT và các doanh nghiệp trong ngành trong dịch Covid-19, lợi nhuận sau thuế quý I/2020 của ngành tăng trưởng 15,9% và dự kiến cả năm 2020 này tăng 18%.
Điều này đã hỗ trợ giá cổ phiếu nhóm ngành này chỉ giảm nhẹ 4,5% kể từ đầu năm và tăng tới 24,8% từ lúc “đáy tạm thời” ngày 24/3/2020.
Với ngành bất động sản, cổ phiếu ngành này vẫn tăng 31,5% kể từ “đáy tạm thời” và được hỗ trợ bởi tăng trưởng lợi nhuận 17,3% trong quý I vừa qua và dự kiến tăng nhẹ 3,3% trong cả năm 2020.
Bỏ qua mọi rủi ro, giới đầu tư rót tiền vào chứng khoán
Dù một báo cáo mới công bố cho thấy kinh tế Mỹ đã kết thúc chu kỳ tăng trưởng và bước vào thời kỳ suy thoái, nhưng phố Wall vẫn khởi sắc, thậm chí Nasdaq còn thiết lập đỉnh cao lịch sử mới trong phiên đầu tuần (8/6).
Ảnh AFP
Báo cáo của một nhóm nghiên cứu độc lập cho biết, nền kinh tế Mỹ đã chấm dứt thời kỳ tăng trưởng của mình vào tháng 2 và bước vào chu kỳ suy thoái do đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, bất chấp báo cáo trên, giới đầu tư kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế sẽ giúp kinh tế Mỹ sớm hồi phục trở lại nên tiếp tục tự tin xuống tiền, khéo phố Wall tiếp tục có phiên tăng điểm. Đà tăng càng được nới rộng thêm về cuối phiên khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, sẽ nới lỏng các điều khoản của chương trình cho vay trị giá 600 tỷ USD cho các công ty có 10.000 nhân viên trở xuống, hoặc có doanh thu dưới 2,5 tỷ USD.
Bên cạnh đó, theo một cuộc khảo sát được công bố vào hôm thứ Hai bởi Cục Dự trữ Liên bang New York, người tiêu dùng Mỹ cảm thấy lạc quan hơn một chút về tài chính và bảo đảm công việc vào tháng 5 khi các doanh nghiệp bắt đầu mở cửa trở lại sau thời gian đóng cửa vì giãn cách xã hội.
Với phiên tăng mạnh tiếp theo này, Nasdaq đã chính thức thiết lập đỉnh cao lịch sử mới, còn Dow Jones và S&P cũng chỉ còn cách đỉnh lịch sử một vài bước chân.
Kết thúc phiên 8/6, chỉ số Dow Jones tăng 461,46 điểm ( 1,70%), lên 27.572,44 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 38,46 điểm ( 1,20%), lên 3.232,39 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 110,66 điểm ( 1,13%), lên 9.924,74 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu quay đầu điều chỉnh nhẹ từ mức cao nhất 3 tháng do áp lực chốt lời nhóm cổ phiếu công nghệ và chăm sóc sức khỏe sau chuỗi tăng ấn tượng trước đó.
Kết thúc phiên 8/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 11,71 điểm (-0,18%), xuống 6.472,59 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 28,09 điểm (-0,22%), xuống 12.819,59 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 22,27 điểm (-0,43%), xuống 5.175,52 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường tiếp tục duy trì đà tăng, nhưng ngoại trừ chứng khoán Nhật Bản giữ được đà tăng tốt, còn lại đều hạ nhiệt trước áp lực chốt lời sau chuỗi phiên tăng mạnh liên tiếp trước đó.
Kết thúc phiên 8/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 314,37 điểm ( 1,34%), lên 23.178,10 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 6,97 điểm ( 0,24%), lên 2.937,77 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 6,36 điểm ( 0,23%), lên 24.776,77 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 2,42 điểm ( 0,11%), lên 2.184,29 điểm.
Báo cáo mới về việc nền kinh tế Mỹ chính thức bước vào suy thoái giúp giá vàng lấy lại được vai trò trú ẩn, bất chấp chứng khoán tiếp tục tăng, qua đó giúp giá kim loại quý hồi trở lại sau phiên lao dốc cuối tuần trước.
Kết thúc phiên 8/6, giá vàng giao ngay tăng 14,6 USD ( 0,87%), lên 1.698,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 22,1 USD ( 1,31%), lên 1.705,1 USD/ounce.
Trong khi đó, báo cáo mới về kinh tế Mỹ suy thoái, cùng áp lực chốt lời khiến giá dầu thô quay đầu điều chỉnh khá mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần mới.
Kết thúc phiên 8/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,36 USD (-3,56%), xuống 38,19 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,50 USD (-3,68%), xuống 40,80 USD/thùng.
Trước giờ giao dịch 8/6: Cơ hội chinh phục ngưỡng 900 điểm ở phía trước Chứng khoán Mỹ tăng ấn tượng nhờ số liệu việc làm sẽ là động lực lớn cho thị trường tăng đầu tuần. Ảnh minh họa. Thế giới Chỉ số Dow Jones tăng 829,16 điểm, khoảng 3,15% lên mức 27.100,8 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 81,58 điểm, khoảng 2,62% lên mức 3.193,93 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq tăng 198,27 điểm lên...