Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở huyện Bá Thước
Thời gian qua, huyện Bá Thước thực hiện nhiều giải pháp, nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, qua đó góp phần gia tăng giá trị canh tác, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống Nhân dân.
Người dân thị trấn Cành Nàng đưa cây trồng hiệu quả kinh tế vào sản xuất.
Năm 2015, anh Hà Văn Tuấn, thôn Tôm, xã Ái Thượng quyết định chuyển đổi gần 1 ha vườn tạp, để xây dựng mô hình trang trại tổng hợp, trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi. Được cán bộ nông nghiệp xã hướng dẫn kỹ thuật lựa chọn cây trồng trọt, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, cùng sự chịu thương, chịu khó trong lao động, sau hơn 5 năm đã hình thành vườn cây ăn quả với 200 gốc bưởi da xanh, ổi, nhãn mang về nguồn thu nhập đáng kể. Dưới tán cây, anh kết hợp nuôi lợn thương phẩm, lợn nái, trâu bò và một số gia cầm khác… cho thu nhập khoảng 170 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 5 lao động địa phương, với mức thu nhập ổn định. Anh Hà Văn Tuấn cho biết: Việc chuyển đổi từ đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây, con giống cho năng suất là quyết định đúng đắn, nó không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2 – 3 lần mà còn giúp gia đình hạn chế được tình trạng đất bỏ hoang…
Cũng như gia đình anh Hà Văn Tuấn, từ khi địa phương phát động chủ trương về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhiều hộ gia đình ở xã Ái Thượng đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, từ đó xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp VAC, kinh tế trang trại hiệu quả…
Để khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện Bá Thước ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về phát triển vật nuôi có lợi thế giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. Trong đó, lựa chọn 6 loại vật nuôi, gồm: bò lai sind, bò Úc, lợn cỏ, vịt Cổ Lũng, dê núi, gà đồi và các loại thủy sản lồng bè trên sông Mã, hồ thủy điện. Đối với cây trồng thì khuyến khích đưa các loại cây, như: lúa, khoai tây, ngô dùng cho chăn nuôi, phát triển vùng rau an toàn… Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường sinh thái; trồng rừng gỗ lớn; khoán khoanh nuôi; bảo vệ rừng phòng hộ; thâm canh khôi phục rừng luồng…
Từ những giải pháp trên, đến nay, huyện Bá Thước đã hình thành được 4 ha rau an toàn, 50.000 ha lúa, 250 ha nuôi trồng thủy sản sản lượng đạt 1.400 tấn; tỷ lệ che phủ rừng đạt 68,5%; số lượng gia súc, gia cầm gần 50.000 con…
Định hướng trong thời gian tới, huyện Bá Thước sẽ triển khai thực hiện tốt một số chương trình trọng tâm, khâu đột phá mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Trước mắt, tập trung làm tốt công tác quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm và vùng phụ cận đến năm 2040, bảo đảm khoa học, kết nối hài hòa với quy hoạch phát triển chung của tỉnh và các địa phương trong vùng; thực hiện đồng bộ, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững, từng bước hình thành một số sản phẩm hàng hóa chủ lực, có lợi thế, xây dựng thương hiệu gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…
Phát triển cây dược liệu trên đất Quan Sơn
Những năm qua, dựa vào lợi thế, tiềm năng của địa phương (có độ che phủ rừng chiếm trên 87% đất tự nhiên), huyện Quan Sơn đã quan tâm phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng, vừa tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cây dược liệu được trồng tại xã Sơn Thủy.
Với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập, thực hiện có hiệu quả công cuộc giảm nghèo bền vững; tháng 3-2018, Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa đã xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây dược liệu tại huyện Quan Sơn, quy mô 5 ha (trong đó có 2 ha hà thủ ô đỏ, 2 ha thổ phục linh và 1 ha mã tiền) với 30 hộ dân tham gia. Kinh phí thực hiện dự án trên 3,5 tỷ đồng; trong đó Nhà nước hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng, số kinh phí còn lại tự huy động các nguồn hợp pháp khác. Để nhân rộng và phát triển cây dược liệu, huyện Quan Sơn đã quy hoạch vùng trồng dược liệu tập trung có chất lượng cao tại Vũng Cộp, bản Chanh, xã Sơn Thủy, quy mô 250 ha. Đồng thời, mời doanh nghiệp tư nhân sản xuất thuốc y học cổ truyền Bà Giằng Thanh Hóa vào đầu tư, liên kết sản xuất (là đơn vị hợp tác, liên kết đầu tư xây dựng vùng trồng cây dược liệu, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho bà con nơi đây)... Do vùng đất Vũng Cộp khí hậu ôn hòa, mát mẻ, nhiệt độ dao động từ 18 độ C đến 25 độ C, độ cao khoảng 1.200m so với mặt nước biển, đất đai phù hợp, nên cây dược liệu trồng nơi đây cho năng suất cao, chất lượng tốt. Sau hơn 3 năm xây dựng, người dân xã Sơn Thủy đã phát triển được hàng trăm ha cây dược liệu. Hàng năm, cung cấp khoảng 160 tấn quả sa nhân, 60 tấn mã tiền, 75 tấn hà thủ ô tươi, 60 tấn thổ phục linh... tạo nguồn dược liệu tươi có chất lượng cao cho các doanh nghiệp chế biến. Một số loại dược liệu mang lại giá trị kinh tế cao, như: mã tiền, hà thủ ô đạt 400 triệu đồng/ha; thổ phục linh đạt 200 triệu đồng/ha... Việc áp dụng thành công dự án, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tăng giá trị sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Thay đổi thói quen canh tác nhỏ lẻ, tự phát, trồng cây có giá trị thấp sang trồng theo mô hình công nghiệp có giá trị cao.
Phát huy kết quả đạt được từ mô hình trồng dược liệu tại xã Sơn Thủy, đầu năm 2021, dự án trồng cây quế dược liệu theo hướng công nghệ cao của gia đình ông Vi Văn Lợi, ở bản Khạn, xã Trung Thượng được triển khai thực hiện với tổng diện tích 30 ha. Dự án được hỗ trợ thực hiện theo Nghị quyết 192/2019/NQ-HĐND ngày 16-10-2019 của HĐND tỉnh, về việc ban hành chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025. Ngoài hộ ông Lợi, tại bản Cha Lung, xã Tam Thanh còn có các hộ ông Lữ Văn Lý (trồng 10 ha), Hà Văn Nượng (trồng 15 ha), Hà Văn Thám (trồng 10 ha)... Hiện cây quế dược liệu đang trong quá trình sinh trưởng và phát triển tốt.
Quế là loại cây đa tác dụng, cung cấp tinh dầu làm dược liệu cho các ngành dược phẩm, mỹ phẩm. Đồng thời, cũng là nguyên liệu gỗ cho ngành chế biến lâm sản, sản xuất đồ mỹ nghệ và có tác dụng phòng hộ, có tiềm năng xuất khẩu rất lớn. Mặc dù vòng đời của cây quế là 15 năm nhưng việc thu hoạch sản phẩm có thể thực hiện từ năm thứ 5 khi tiến hành tỉa thưa và tỉa cành, lá. Tổng chi phí cho trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng quế cho mỗi ha trong 15 năm khoảng 160 triệu đồng. Còn tổng thu bắt đầu từ năm thứ 5 cho mỗi ha khoảng 1,2 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân khoảng 1,05 tỷ đồng/ha; lợi nhuận bình quân 1 năm khoảng 70 triệu đồng/ha. So với cây keo lợi nhuận bình quân chưa đầy 2 triệu đồng/ha/năm thì rõ ràng trồng quế cho thu nhập cũng như hiệu quả kinh tế vượt trội...
Kết quả đạt được từ những mô hình trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện Quan Sơn bước đầu khẳng định hiệu quả của việc ứng dụng khoa học công nghệ trong việc trồng và phát triển cây dược liệu. Qua đó giúp giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị đất canh tác, sử dụng tài nguyên nước bền vững, hợp lý. Nhiều mô hình được đầu tư hiệu quả cho thấy sự mạnh dạn, năng động, dám nghĩ, dám làm trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện hiệu quả quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của huyện. Đồng thời, góp phần thay đổi tập quán sản xuất, tận dụng được lao động nông nhàn, khai thác tốt thế mạnh từng địa phương để phát triển một cách ổn định, nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp cũng như góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương... Để phát triển loại cây trồng này, thời gian qua huyện Quan Sơn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp cùng chung tay tham gia phát triển các sản phẩm dược liệu. Đồng thời quy hoạch, bố trí đất đai, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ các vùng sản xuất; ưu tiên phát triển hệ thống đường giao thông, công trình thủy lợi và hệ thống điện... trong vùng sản xuất tập trung tại khu trồng dược liệu. Bên cạnh đó, huyện đã tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm lợi thế, đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường tiêu thụ, gắn với chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn. Có chính sách tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất.
Để phát huy kết quả đạt được, thời gian tới huyện Quan Sơn tiếp tục triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong thực hiện các mô hình như: cải tạo giống cây dược liệu, nhân rộng các giống cây chất lượng và giá trị cao, khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Ứng dụng công nghệ mới vào tất cả các khâu: sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân trong quá trình triển khai thực hiện các mô hình; chú trọng giới thiệu, biểu dương những gương điển hình tiên tiến, sáng kiến, bài học kinh nghiệm trong thực tiễn sản xuất. Huy động tích cực và linh hoạt, tranh thủ lồng ghép tất cả các nguồn vốn theo phương châm, đa dạng hóa các nguồn vốn và hình thức huy động vốn từ bên ngoài. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng tỷ lệ tích lũy từ nội bộ nền kinh tế của xã, huyện; đảm bảo sử dụng ngân sách đúng mục đích, có hiệu quả; tăng cường nguồn vốn đầu tư cho phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu.
Lũ ập tới trở tay không kịp, nhiều gia đình phải "bỏ của chạy lấy người" Nước lũ lên nhanh tràn vào nhà khiến hàng trăm hộ dân tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An phải sơ tán đồ đạc, vật nuôi, nhiều gia đình không kịp trở tay phải "bỏ của chạy người". Trong những ngày qua, mưa lớn liên tục xảy ra khiến nhiều địa phương tại Nghệ An bị ngập úng, chia cắt bởi nước lũ....