Hiệu quả trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC ở Thạch Thành
Nhằm nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp, tăng cường quản lý và phát triển rừng bền vững, thời gian qua huyện Thạch Thành đã tích cực triển khai đến người dân trên địa bàn thực hiện trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC của Châu Âu, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế rừng cho người dân.
Trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ dân.
Những ngày giữa tháng 6-2021, chúng tôi có dịp trở lại huyện Thạch Thành được chứng kiến những cánh rừng xanh bạt ngàn, tươi tốt mới cảm nhận được sự khác biệt về môi trường ở những khu rừng trồng của người dân, không còn rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi, tình trạng đốt thực bì trước khi trồng rừng cũng giảm hẳn, ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường được nâng lên… Đây chính là kết quả của việc trồng, chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn FSC.
Qua tìm hiểu thực tế được biết khi triển khai trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC người dân không mặn mà tham gia, có người còn phản đối kịch liệt. Trước tình hình này, các xã đã tích cực tuyên truyền về lợi ích, ý nghĩa của việc tham gia trồng rừng FSC tới tất cả các hộ gia đình có đất lâm nghiệp. Thấy được lợi ích khi tham gia mô hình trồng rừng FSC các hộ gia đình đã hăng hái đăng ký tham gia.
“Hiện nay các hộ trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC thuộc lòng từng công đoạn, cách trồng rừng, từ đào hố, đặt cây giống, bón phân, bảo vệ, theo dõi, đo đếm quá trình phát triển của cây cho đến tuổi khai thác, tiêu thụ sản phẩm”, bà Bà Đỗ Thị Phiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thạch Thành cho biết.
Là một trong những hộ dân có diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC đầu tiên ở xã Thạch Cẩm, anh Nguyễn Đình Lương, thôn Cẩm Lợi 2, cho biết: “Gia đình tôi có 10 ha đất lâm nghiệp, trước đây trồng rừng không chú ý đến cây giống, số lượng cây trên một đơn vị diện tích, kỹ thuật chăm sóc, nên năng suất và hiệu quả kinh tế không cao. Mặt khác, giá bán gỗ cũng không ổn định, thường xuyên bị thương lái ép giá, phải bán gỗ non”.
Theo anh, năm 2016 được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, gia đình cũng như nhiều hộ dân trong xã đã tham gia nhóm hộ quản lý rừng bền vững để nâng cao hiệu quả sản xuất. Cuối năm 2019 gia đình thu hoạch 10 ha keo, trừ chi phí còn lãi hơn 600 triệu đồng, cao gấp đôi trồng rừng theo kiểu truyền thống trước kia, đầu ra của cây keo lại có doanh nghiệp đứng ra thu mua. Sau khi thu hoạch, gia đình lại tiếp tục trồng mới theo tiêu chuẩn FSC, hiện 10 ha cây keo đang sinh trưởng, hứa hẹn cho năng suất, chất lượng cao.
Hiện xã Thạch Cẩm có 66 hộ dân tham gia với trên 235 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng trồng theo tiêu chuẩn Quốc tế FSC.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Đăng Hải, Chủ tịch UBND xã Thạch Cẩm cho biết: Trồng và chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn FSC giúp những người trồng rừng tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật, cách thức canh tác mới, xóa bỏ hẳn tình trạng trồng tự phát như trước đây, toàn bộ các khâu từ giống, sử dụng phân bón đến bao tiêu sản phẩm đều có hợp đồng rõ ràng.
Ngoài ra, trồng rừng theo tiêu chuẩn này sẽ gia tăng số ngày công lao động do phải trực tiếp làm cỏ, phát dọn thực bì, đổi lại sau khoảng 1 – 2 năm lớp thực bì đó sẽ hoai mục, tạo độ tơi, xốp cho đất, cây sẽ sinh trưởng phát triển nhanh hơn.
Rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC sẽ cho sản lượng gỗ cao hơn theo cách trồng rừng truyền thống thường từ 15 – 20 %, giá cả cũng tăng từ 5 – 10% nên người trồng rừng rất phấn khởi.
Cùng như xã Thạch Cẩm, cấp ủy, chính quyền các xã Thạch Sơn, Thành Tân, Thành Công, Thạch Đồng, Thạch Bình, Thành Long, Thành An, Thạch Lâm, Thạch Tượng… thấy được lợi ích của việc trồng, chăm sóc rừng theo tiêu FSC đầu ra ổn định, lợi nhuận cao và tăng độ che phủ của rừng, đất được bảo vệ, hạn chế xói mòn rửa trôi, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm sẽ chịu chi phí thẩm định cấp chứng chỉ FSC cho các hộ trồng rừng… Vì vậy các xã đã tích cực vận động Nhân dân tham gia trồng và chăm sóc theo theo tiêu chuẩn FSC. Đây chính là lý do thời gian gần đây diện tích rừng FSC của huyện Thạch Thành không ngừng tăng lên, đến nay đã có trên 3.300 ha rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC.
Công ty cổ phần chế biến gỗ Xuân Sơn phối hơp các hộ trồng rừng thực hiện dự án phát triển rừng bền vững theo tiêu chuẩn rừng quốc tế FSC và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Trao đổi với chúng tôi ông Trần Bá Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch cho biết: Để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, đẩy mạnh kinh tế lâm nghiệp, năm 2016 huyện Thạch Thành đã phối hợp với Công ty cổ phần chế biến gỗ Xuân Sơn thực hiện dự án phát triển rừng bền vững theo tiêu chuẩn rừng quốc tế FSC.
Theo đó, công ty sẽ liên kết với các hộ trồng rừng trên địa bàn 8 xã của huyện tham gia dự án trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC của châu Âu với diện tích gần 1.500 ha keo, 1.301 hộ tham gia. Để thực hiện thành công dự án, công ty đã mời chuyên gia khảo sát diện tích ban đầu cho nhóm hộ, mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực về trồng rừng, quy trình trồng, chăm sóc, khai thác đạt kết quả cao, tránh tàn sát môi trường, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cấm lưu hành theo quy định của FSC. Sau 2 năm thực hiện dự án, gần 1.500 ha keo đã được Tổ chức FSC công nhận và cấp chứng chỉ FSC Qualifor quốc tế.
Để đầu ra sản phẩm ổn định, Công ty cổ phần chế biến gỗ Xuân Sơn đã liên kết với Công ty cổ phần lâm sản Nam Định (Đây là đơn vị chế biến gỗ xuất khẩu FSC sang thị trường các nước châu Âu) thu mua sản phẩm keo cho bà con.
Thấy được lợi ích của việc trồng rừng theo tiêu chuẩn FCS, cũng như đầu ra của sản phẩm ổn định, Nhân dân rất hào hứng tham gia. Hiện huyện Thạch Thành đã có 13 xã tham gia trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của rừng trồng khi được cấp chứng chỉ; xây dựng, hoàn thiện chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn của Hội đồng quản trị rừng thế giới; phối hợp với doanh nghiệp tổ chức rà soát, đánh giá và phấn đấu mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC. Qua đó giúp các hộ trồng rừng có thêm hướng đi mới trong phát triển kinh tế rừng, xóa đói giảm nghèo.
Sơn La: Dấu ấn trong xây dựng nông thôn mới
Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cùng sự đồng sức, đồng lòng của nhân dân, sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Sơn La đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Diện mạo khu vực nông thân đang từng ngày "thay da, đổi thịt", đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Sơn La có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Nhân dân đồng tình hưởng ứng
Năm 2011 toàn tỉnh Sơn La có 188 xã mới chỉ đạt 1,61 tiêu chí/xã (những tiêu chí chưa đạt chủ yếu về quy hoạch, giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, lao động có việc làm, môi trường và an toàn thực phẩm, hộ nghèo, thu nhập...); sản xuất nông nghiệp còn manh mún, chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm tới 40,1%.
Tuy nhiên, sau chặng đường 10 năm hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Sơn La đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Ông Hà Như Huệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La - cho biết: Triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, tỉnh Sơn La đã ban hành các Nghị quyết, Đề án, Chương trình hành động... giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành. Cùng với đó, tổ chức bộ máy thực hiện chương trình được thành lập theo quy định và thường xuyên được kiện toàn. Từ đó, các cơ chế, chính sách được ban hành kịp thời và có tính thực tiễn cao, tạo điều kiện cho các địa phương khai thác các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với phát triển sản xuất...
Vượt qua những khó khăn, bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng mừng; diện mạo hầu hết vùng quê đã "thay da, đổi thịt", khang trang, sạch đẹp hơn. Đời sống của người dân khu vực nông thôn từng bước cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người ở các xã đạt chuẩn NTM tăng lên trên 36 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm từ 34,4% (năm 2015) xuống còn 18,6% (năm 2020), bình quân giảm trên 3%/năm, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra...
Ông Hà Như Huệ chia sẻ: Đích đến trong xây dựng NTM là nâng cao chất lượng đời sống, thu nhập cho người dân. Để làm được điều đó, các huyện, thành phố đã căn cứ vào điều kiện thực tiễn của địa phương để lựa chọn khâu đột phá có trọng tâm, trọng điểm, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, đóng góp trí tuệ, công sức, tiền của, đất đai cùng chung tay. Rõ nét nhất là việc các hộ dân đã hưởng ứng việc hiến đất làm đường giao thông, nhà văn hóa, trường học... và tích cực lao động sản xuất, tạo nên sức bật cho xây dựng NTM.
Tập trung phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản bền vững, ứng dụng công nghệ cao
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là khơi dậy được tinh thần đồng sức, đồng lòng của toàn dân. Tính đến năm 2020, toàn tỉnh Sơn La đã có 49 xã về đích NTM; 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; bình quân tiêu chí NTM toàn tỉnh đạt 13,5 tiêu chí/xã. Trong đó, thành phố Sơn La hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và được công nhận là đô thị loại II; còn huyện Quỳnh Nhai và huyện Phù Yên đã thoát khỏi danh sách huyện nghèo nhất nước.
Với quan điểm "Xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc", Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV xác định, hết năm 2025 có 83 xã đạt chuẩn NTM và 1 huyện đạt chuẩn NTM. Để đạt được mục tiêu đó, cũng với sự hỗ trợ từ nguồn vốn của Nhà nước, các địa phương cần rà soát lại các quy hoạch, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch sát với tình hình thực tế, nhất là giải pháp hỗ trợ các bản ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa để từng bước hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, khi bước vào xây dựng NTM, tỉnh Sơn La xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, trên cơ sở phân tích tiềm năng thế mạnh từng vùng, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất hàng hóa và liên kết tiêu thụ. Cùng với đó là việc triển khai các tiêu chí "cứng" (đường giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế... ).
Để tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 định hướng đến năm 2030.
Diên Khánh: Hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ nông dân Sau 5 năm xây dựng, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đã tăng gấp đôi. Nhờ dòng vốn này, hơn 900 lượt hội viên có nguồn lực để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập. Đáp ứng nhu cầu vốn cho hàng trăm hội viên Được vay 50 triệu đồng từ Quỹ...