Hiệu quả phong trào “Dân vận khéo” ở TP Thanh Hóa
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém.
Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, những năm qua, TP Thanh Hóa đã có nhiều đổi mới trong thực hành “Dân vận khéo” theo hướng gần dân, sát dân, tập trung vào những việc mới, việc khó.
Thông qua “Dân vận khéo” đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tạo động lực cho sự phát triển của thành phố hôm nay.
Đồng chí bí thư chi bộ thôn Kiều Tiến, xã Hoằng Đại vận động Nhân dân xây dựng vườn hộ.
Trở lại xã Hoằng Đại, đi trên những con đường hoa chạy dài đến từng thôn xóm và thỏa mắt ngắm nhìn các khu vườn mẫu, chúng tôi mới cảm nhận rõ sự đổi thay của một xã vùng ngoại ô thành phố. Ngay sau khi được thành phố lựa chọn xây dựng xã nông thôn mới (NTM) nâng cao trong năm 2020, xã Hoằng Đại đã tập trung đánh giá lại các tiêu chí. Trên cơ sở đó, xây dựng lộ trình thực hiện các tiêu chí của xã NTM nâng cao. Với quyết tâm chính trị cao, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân đóng góp kinh phí để đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa trạm y tế, đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, chỉnh trang nhà văn hóa. Cùng với đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, việc xây dựng vườn mẫu, vườn hộ theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ cũng là cái đích mà xã Hoằng Đại đang hướng đến. Cấp ủy đảng, chính quyền xã xác định, các khu vườn mẫu với những sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao vừa giúp người dân có thu nhập, vừa nâng cao các tiêu chí NTM ở địa phương. Phát huy vai trò của hệ thống dân vận ở cơ sở, xã đã vận động được 10 hộ dân thực hiện cải tạo vườn tạp để xây dựng vườn hộ, vườn mẫu, với các loại cây có giá trị kinh tế, như: Ổi Đài Loan, bưởi Diễn, mít Thái, măng tây xanh.
Đi thăm một số vườn mẫu ở thôn Kiều Tiến, chúng tôi rất thán phục trước sự đầu tư bài bản, khoa học với từng ô thửa được quy hoạch rõ ràng, hàng lối thẳng tắp và lắp hệ thống tưới nhỏ giọt của các hộ dân nơi đây. Ông Lê Văn Nghĩa, bí thư chi bộ thôn, cho biết: “Đầu năm 2020, chi bộ thôn đã phối hợp với hội nông dân xã triển khai chủ trương xây dựng các mô hình vườn hộ, vườn mẫu. Thời gian đầu triển khai còn gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi đã kiên trì tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu xây dựng vườn hộ, vườn mẫu vừa là trách nhiệm, cũng vừa là vì lợi ích kinh tế của mỗi gia đình”. Do đó, các hộ dân trong thôn đã đồng thuận hưởng ứng, tham gia nhiệt tình. Hiện nay, ở thôn Kiều Tiến có 13 hộ dân đã và đang thực hiện cải tạo, xây dựng vườn hộ, vườn mẫu với các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Trong đó, có 4 vườn hộ đã cho thu hoạch, tiêu biểu như vườn hộ ông Nguyễn Văn Toàn, bà Nguyễn Thị Mai cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.
Với quyết tâm của toàn đảng bộ và đồng thuận, chung sức của Nhân dân, cuối năm 2019, TP Thanh Hóa đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM sớm trước 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Đóng góp vào thành quả lớn lao đó, có vai trò quan trọng của hệ thống dân vận cơ sở. Ở nhiều xã của thành phố, các tổ dân vận thôn chính là “đội tiên phong” trong việc vận động Nhân dân đóng góp tiền, công sức, hiến đất để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng. Từ cuối năm 2018, xã Thiệu Vân bước vào giai đoạn nước rút trong xây dựng NTM. Xác định, chỉ có làm tốt công tác dân vận mới sớm hoàn thành mục tiêu “về đích” NTM, đảng ủy xã đã chỉ đạo MTTQ và các đoàn thể, các chi bộ thôn thực hành “Dân vận khéo” ở cơ sở.
Trước đây, tuyến đường Cồn Cá qua trung tâm xã nhỏ, hẹp, ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại, thông thương kinh tế của địa phương. Đầu năm 2019, tuyến đường Cồn Cá được triển khai thi công mở rộng lên 20,5m, Nhân dân trong xã ai cũng phấn khởi. Qua rà soát, có 23 hộ dân của thôn 2 và thôn 5 phải thực hiện thu hồi đất sản xuất nông nghiệp phục vụ công trình. Để tiết kiệm chi phí trong công tác giải phóng mặt bằng, xã đã thành lập 2 tổ công tác với sự tham gia của các đồng chí trong đảng ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đến từng hộ dân tuyên truyền, giải thích về những lợi ích lâu dài khi tuyến đường được mở rộng. Các tổ công tác đã thực hành “Dân vận khéo”, vận động 23 hộ dân đồng thuận hiến hơn 570m2 đất cho công trình.
Video đang HOT
Song song với đó, công tác dân vận chính quyền ngày càng được thành phố chú trọng. Nổi bật là các cấp chính quyền của thành phố đã làm tốt công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn. Nhờ “Dân vận khéo” nên từ năm 2015 đến nay, toàn thành phố đã tổ chức triển khai giải phóng mặt bằng thành công cho 248 dự án, với 18.343 hộ dân bị ảnh hưởng, thu hồi hơn 629 ha đất. Không chỉ tập trung vào những việc mới, việc khó, phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở TP Thanh Hóa còn được triển khai sâu rộng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, gắn kết chặt chẽ với các cuộc vận động, các phong trào thi đua ở cơ sở, nhất là việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhờ vậy, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn đã có bước phát triển mới, với nhiều cách làm hay, mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính trị đã được xây dựng; nhiều tấm gương tiêu biểu về “Dân vận khéo” đã xuất hiện tại cơ sở, từ đó tạo sức lan tỏa, tác động sâu sắc đến đời sống Nhân dân. Hiện nay, TP Thanh Hóa có 1.867 mô hình “Dân vận khéo” hoạt động có hiệu quả ở cơ sở.
Bước vào chặng đường mới, TP Thanh Hóa tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân vận, bằng việc thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị quyết số 25/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Đặc biệt, thành phố tập trung chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chú trọng thực hành “Dân vận khéo” theo hướng gần dân, sát dân, hiểu dân nhằm đưa công tác dân vận thật sự đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận từ cơ sở, góp phần sớm đưa TP Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.
Bắc Ninh: Nông dân trồng măng tây xanh lập chi hội nghề nghiệp, quyết chơi lớn với loại "rau hoàng đế"
Ngày 4/9, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức ra mắt Chi hội nghề nghiệp măng tây xanh tỉnh Bắc Ninh với 32 hội viên.
Chi hội được thành lập nhằm tạo sự liên kết giữa các hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh măng tây xanh trên địa bàn, qua đó xây dựng thương hiệu để nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm.
Tại buổi ra mắt, ông Vũ Huy Tuấn, thôn An Cường, xã Minh Tân, huyện Lương Tài được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp măng tây xanh Bắc Ninh với 32 hội viên, gồm 30 hộ trực tiếp sản xuất, kinh doanh và 2 hội viên là đại diện đơn vị của Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh.
Ông Trần Đăng Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh trao quyết định cho Ban chấp hành Chi hội nghề nghiệp măng tây xanh Bắc Ninh.
"Việc thành lập Chi hội nghề nghiệp măng tây xanh Bắc Ninh nhằm tạo điều kiện cho các hội viên có cơ hội liên kết, trao đổi, hỗ trợ nhau về kỹ thuật trồng măng tây xanh cũng như việc bảo quản, chế biến và đảm bảo ổn định nguồn tiêu thụ sản phẩm măng tây xanh trên địa bàn" - ông Tuấn cho biết.
Khi đi vào hoạt động, Chi hội sẽ tổ chức sinh hoạt 3 tháng 1 lần. Cùng với đó, Chi hội cũng lập diễn đàn trao đổi trên mạng xã hội, tổ chức giao lưu chia sẻ kinh nghiệm...
Đây là dịp để các hội viên trao đổi, chia sẻ những khó khăn, thuận lợi của từng thành viên trong chi hội và đưa ra giải pháp tốt nhất để phát triển sản xuất, chế biến và kinh doanh măng tây xanh.
Qua các hoạt động này, Chi hội sẽ hỗ trợ các hội viên nâng cao giá trị sản phẩm và từng bước xây dựng thương hiệu và đăng ký sản phẩm OCOP cho sản phẩm măng tây xanh. Chi hội đặt mục tiêu kết nạp thêm khoảng 10 hội viên trong năm 2020-2021.
Ông Nguyễn Đăng Khang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại buổi lễ ra mắt Chi hội nghề nghiệp măng tây xanh Bắc Ninh.
Măng tây được con người biết đến đã từ rất lâu, xuất phát từ châu Âu và được du nhập vào Việt Nam từ những năm 1960 nhưng gần đây mới được chú trọng và mở rộng phát triển. Tại Bắc Ninh, măng tây xanh được đưa vào trồng thương mại từ năm 2012 với 1 - 2 hộ trồng quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa có thu nhập chính từ sản xuất măng tây xanh.
"Lúc cao điểm có khoảng 29 hộ trồng với diện tích gần 20ha, đến năm 2020 còn khoảng 27 hộ sản xuất, kinh doanh măng tây ở các huyện, thị xã. Phần lớn diện tích trồng măng tây xanh đã có giấy chứng nhận VietGap, trồng theo hướng hữu cơ, có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm đạt yêu cầu cung cấp vào siêu thị" - ông Vũ Huy Tuấn cho biết.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh và Chi hội nghề nghiệp măng tây xanh Bắc Ninh giới thiêu các sản phẩm măng tây xanh tươi và bột măng tây, chè túi lọc măng tây, măng tây sấy khô.
Trung bình mỗi ngày các chủ hộ, chủ trang trại thu 50 - 60 kg măng/ha và bán ra với giá 60.000 - 100.000 đồng/kg. Ngoài sản phẩm măng tây xanh tươi, các hội viên trong Chi hội đã sơ chế, chế biến măng tây xanh như: bột măng tây, chè túi lọc măng tây, măng tây sấy khô.
Măng tây nổi tiếng với hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu hàm lượng vitamin và khoáng chất, rất tốt cho cơ thể con người, được liệt kê vào danh mục cây dược liệu, có tác dụng bảo vệ tim mạch, phòng và chữa bệnh ung thư, tốt cho đường tiết niệu và đường ruột, chống lão hóa...
Đóng góp ý kiến thảo luận, ông Nguyễn Văn Tiệp, thôn Thượng Trì Ấp, xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành - một hội viên của Chi hội nghề nghiệp măng tây xanh Bắc Ninh cho biết, cây măng tây xanh được đưa vào trồng ở tỉnh Bắc Ninh được 6-7 năm, nhưng diện tích có lúc mở rộng, có lúc thu hẹp.
Vì thế, ông mong muốn Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh và các cấp chính quyền quan tâm, đưa cây măng tây xanh vào danh mục ưu tiên phát triển và hỗ trợ giống, vốn vay ưu đãi cho các hộ nông dân.
Đồng thời, đẩy mạnh giới thiệu các sản phẩm măng tây chế biến như: chè túi lọc măng tây, bột măng tây... để tìm kiếm các doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đăng Khang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh cho biết, việc thành lập Chi hội nghề nghiệp măng tây xanh tỉnh Bắc Ninh là việc làm thiết thực để cụ thể hóa Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW ngày 5/8/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII về việc đẩy mạnh xây dựng Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.
Đây là chi hội nghề nghiệp đầu tiên mang quy mô toàn tỉnh nhằm tập hợp, liên kết các hội viên sản xuất, chế biến, kinh doanh măng tây xanh, tạo sức cạnh tranh, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu măng tây xanh trên địa bàn tỉnh.
Tính đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã thành lập 3 Chi hội Nông dân nghề nghiệp và 32 Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân sẽ tiếp tục thành lập thêm các Chi hội Nông dân nghề nghiệp và các tổ hội nông dân nghề nghiệp, qua đó, đa dạng hóa các hình thức tập hợp hội viên và đổi mới cách thức sinh hoạt của hội và góp phần xây dựng mẫu hình nông dân thế hệ mới, xuất sắc, tiêu biểu và đổi mới.
Ngược chiều: Giá mít Thái tăng "vù vù" giữa thời dịch Covid, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng Trong khi nhiều loại trái cây ở mức thấp thì giá mít Thái tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục tăng thêm ít nhất 10.000-12.000 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tháng và hiện ở mức khá cao. Ngày 19-8, mít Thái loại 1 (trái tròn đẹp, trong lượng từ 9 kg/trái trở lên) ở TP Cần Thơ và...