Hiệu quả lớn từ mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”
Mô hình “ Con nuôi đồn biên phòng” do Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) phát động đang tạo cơ hội cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng cao, vùng biên giới vươn lên trong học tập.
Sau một năm triển khai, hiệu quả thu được từ mô hình khá rõ nét, Bộ tư lệnh BĐBP đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị mở rộng phạm vi, đối tượng, số lượng, đồng thời tìm cách tháo gỡ những khó khăn để các cháu có điều kiện được học tập lâu dài.
Đổi thay những mảnh đời
Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chương trình an sinh xã hội, giúp đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao dân trí. Năm 2014, Bộ tư lệnh BĐBP đã phát động Chương trình “Nâng bước em đến trường”. Trải qua hơn 5 năm triển khai, các đơn vị BĐBP đã nhận đỡ đầu gần 3.000 học sinh, trong đó có hơn 800 cháu mồ côi, nhiều cháu là con liệt sĩ…
Thời gian hỗ trợ các cháu là từ lúc nhận đỡ đầu đến khi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) với mức hỗ trợ 500.000 đồng/cháu/tháng. Cùng với việc hỗ trợ kinh phí, các đơn vị BĐBP đã cử cán bộ kèm cặp, giúp đỡ các cháu không ngừng tiến bộ về học tập, rèn luyện thể chất, dạy bảo các cháu từng bước khôn lớn, trưởng thành.
Cán bộ Đồn Biên phòng A Vao, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị chăm lo bữa ăn cho các con nuôi đồn Biên phòng.
Tuy nhiên, trong quá trình công tác, các đồn biên phòng đều nhận thấy tại các địa bàn biên giới, ven biển, hải đảo… còn nhiều cháu ở vào cảnh mồ côi hoặc gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ thất học.
Từ đó, các đơn vị đã đề xuất với Bộ tư lệnh BĐBP xây dựng và triển khai mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, với mục đích nhận các cháu nhỏ mồ côi, con liệt sĩ, các cháu có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn… ở khu vực biên giới về nuôi dưỡng tại các đồn biên phòng.
Mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” được phát động từ tháng 6-2019, sau gần một năm triển khai, đến nay đã có 136 đồn biên phòng thuộc 27 bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, thành phố tham gia và nhận nuôi 318 cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trong đó có 171 cháu là người dân tộc thiểu số).
Nói về những kết quả bước đầu của mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, Đại tá Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Vận động quần chúng, Cục Chính trị BĐBP cho biết: “Quá trình triển khai mô hình đã nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng. Hiện nay, 318 cháu học sinh “Con nuôi đồn biên phòng” đang được các đơn vị chăm lo khá tốt. Ở tại các đồn, các cháu đang tiến bộ khá toàn diện”.
Video đang HOT
Quá trình các cháu ăn, ở tại các đồn biên phòng được cán bộ, chiến sĩ chỉ bảo, kèm cặp trong sinh hoạt, học tập. “Ngay từ đầu, khi đơn vị xác định đón các cháu về nuôi dưỡng, chúng tôi đã thống nhất giao cho một cán bộ phụ trách việc sinh hoạt, học tập. Hằng ngày, bộ đội ăn như thế nào, các cháu cũng ăn như vậy. Sau gần một năm về làm con nuôi của đồn, các cháu có tiến bộ nhiều về thể chất, tinh thần và kết quả học tập”, Thượng tá Ngô Đức Tuyến, Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Vao (Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị) phấn khởi cho biết.
Ngoài ra, căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể và tình hình đơn vị, các đồn biên phòng bố trí cho các cháu tham gia hoạt động tập thể, vui chơi giải trí để bồi dưỡng kỹ năng sống, khuyến khích các cháu phát huy năng khiếu, sở trường để phát triển. Các đồn biên phòng cũng cử cán bộ giữ mối liên hệ chặt chẽ với địa phương, gia đình và nhà trường nơi các cháu theo học, thường xuyên trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện của từng cháu.
Được tham gia các hoạt động chung cùng các chú BĐBP đã giúp các cháu mạnh dạn, tự tin hơn, học hỏi được nhiều kỹ năng, kinh nghiệm. Thông qua việc nhận nuôi các cháu, mối quan hệ giữa các đồn biên phòng với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình các cháu càng thêm gắn bó, góp phần tăng cường tình đoàn kết quân dân, tạo thuận lợi trong xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Có thể nói, mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” mang tính nhân văn sâu sắc, tạo điểm tựa vững chắc cho các cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp sức cùng các cấp, các ngành, chính quyền địa phương nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh ở khu vực biên giới. Mô hình này là sự cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển, nâng cao nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy, Bộ tư lệnh BĐBP tiếp tục duy trì, mở rộng phạm vi, nâng cao số lượng các cháu có hoàn cảnh khó khăn được đỡ đầu, nuôi dưỡng.
Tuy nhiên, quá trình triển khai mô hình, các đơn vị cũng đã phát hiện những bất cập, khó khăn cần phải tháo gỡ. Cụ thể, ở các địa bàn có đồn biên phòng đóng quân thì số lượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn khá lớn, do đó việc bình xét, lựa chọn, đưa các cháu về đồn biên phòng nuôi dưỡng cũng gặp phải không ít áp lực.
Điều khiến ban chỉ huy các đồn lo lắng nhất là việc bảo đảm sinh hoạt, học tập lâu dài cho các cháu. Bởi phần lớn các cháu chỉ có thể ăn ở, sinh hoạt tại đơn vị khi còn ở bậc tiểu học, trung học cơ sở. Còn khi các cháu học lên bậc THPT thì đều phải đi khá xa nên việc quản lý, chăm sóc của đơn vị sẽ gặp nhiều thách thức. Nói về điều này, Thượng tá Ngô Đức Tuyến chia sẻ: “Chúng tôi nhận cả 9 cháu trong một gia đình về nuôi ăn học.
Các cháu sinh hoạt trong môi trường quân đội và đang rất tiến bộ. Tuy nhiên, về lâu dài, khi các cháu phải ra trung tâm huyện học tập, thậm chí học đại học, cao đẳng thì nguồn kinh phí sẽ rất lớn và chắc chắn việc nuôi dưỡng sẽ gặp khó khăn”. Đây cũng là lo lắng chung của chỉ huy nhiều đồn biên phòng khác đang thực hiện mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”.
Trước trăn trở của cán bộ các đơn vị, đồng chí Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam khẳng định: “Mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” của Bộ tư lệnh BĐBP đã thực sự là điểm tựa để những học sinh vùng cao, biên giới có cơ hội vượt qua hoàn cảnh, vươn lên học tập tốt hơn.
Ngành giáo dục sẽ nghiên cứu, phối hợp cùng BĐBP tháo gỡ khó khăn để các em học sinh có điều kiện thực hiện được ước mơ của mình. Trong trường hợp các em thi đậu vào các trường cao đẳng, đại học thì chúng tôi sẽ có trách nhiệm cùng phối hợp với BĐBP vận động các nhà trường, cộng đồng, doanh nghiệp bảo đảm cho việc học tập của những sinh viên đặc biệt này”.
VIẾT LAM – NGUYỄN LINH
Theo bienphong.com
Đắk Lắk nhân rộng mô hình "Con nuôi Biên phòng"
Mô hình "Con nuôi đồn biên phòng" được triển khai mới đây đã giúp nhiều trẻ em thiệt thòi có cuộc sống ổn định được cắp sách tới trường.
Cùng với hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, thời gian qua, các cán bộ chiến sỹ các đồn Biên phòng ở Đắk Lắk còn thực hiện hiệu quả hỗ trợ an sinh xã hội giúp nhân dân ở khu vực biên giới phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt mô hình "Con nuôi Đồn biên phòng" được triển khai mới đây đã giúp nhiều trẻ em thiệt thòi có cuộc sống ổn định được cắp sách tới trường.
Bộ đội biên phòng Đắk Lắk tặng quà cho các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh.
Cháu Y Phú Mlô 5 tuổi, dân tộc M'nông, ở buôn Đrang Phốk, xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn từ nhỏ đã không được bố thừa nhận, mẹ lại mất sớm lúc chưa đầy 3 tuổi. Không có bố lại mồ côi mẹ, ông bà ngoại đã đón cháu về nuôi. Do tuổi cao sức yếu, gia đình thuộc diện hộ nghèo, việc nuôi dưỡng cháu gặp không ít khó khăn. Trước hoàn cảnh éo le của Y Phú, chỉ huy ồn Biên phòng Srêpốk, thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk quyết định xin nhận cháu về làm con nuôi của đồn.
Trung tá Đỗ Văn Nhương - Đội phó Đội vận động quần chúng đồn biên phòng Srêpốk cho biết, ban đầu, ông bà ngoại nhất quyết không đồng ý. Họ lo lắng Y Phú sẽ thiếu tình yêu thương của người thân. Tuy nhiên, sau nhiều lần thuyết phục, ông bà cũng đồng ý để các cán bộ đồn đón cháu về nuôi dưỡng. Tháng 8/2019, đại diện đồn biên phòng Srêpốk đã lên UBND xã Krông Na, huyện Buôn Đôn làm thủ tục nhận Y Phú về làm con nuôi.
Trung tá Đỗ Văn Nhương kể:"Lúc lên thì cháu cũng yếu, sau quá trình chăm sóc đến nay, cháu phát triển rất tốt, cơ thể cao lớn khỏe mạnh có da có thịt hẳn lên, tâm lý không còn rụt rè hay tự ti như trước. Anh em chúng tôi cố gắng sắp xếp thời gian để nuôi dậy cháu, uốn nắn từng lời ăn tiếng nói, chúng tôi dùng tình thương và tấm lòng để nuôi dạy cháu nên người. Coi cháu như con trong nhà, mong cháu sau này sẽ trường thành và là người có ích cho xã hội".
Các cháu được nhận làm con nuôi các đồn Biên phòng ở Đắk Lắk được chăm sóc và nuôi dạy tử tế.
Y Phú Mlô tâm sự: Từ ngày được về ở với bộ đội biên phòng, bản thân được ăn no, dạy kiến thức và những điều hay lẽ phải. Hàng ngày, sau thời gian đến lớp, em được tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, tập thể dục rèn luyện sức khỏe cùng bộ đội. Khi không hiểu bài thầy cô giáo giao, về đồn em được "những người bố mang quân hàm xanh" chỉ dạy phụ đạo. Đi học em còn được các chú dùng xe máy chở đến tận cổng trường và đón về đơn vị. Ở với bộ đội biên phòng, em có cuộc sống no đủ, đầy ắp tình yêu thương".
"Mẹ con chết rồi, ông bà ngoại thì nghèo lắm, không có nhiều cơm cho con ăn. Khi lên ở với các chú biên phòng, các chú ấy cho ăn no, được vui chơi, được các chú ấy dậy cho con biết viết hết bảng chữ cái. Sang năm vào lớp 1, con hứa sẽ học thật giỏi để không phụ lòng ông bà, các chú biên phòng", Y Phú Mlô nói.
Bộ đội biên phòng Đắk Lắk đẩy mạnh công tác dân vận ở vùng biên giới.
Mô hình "Con nuôi đồn biên phòng" do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động nhằm giúp đỡ các cháu nhỏ hiếu học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa, con em gia đình chính sách ở biên giới, qua đó tạo điều kiện cho các em được ăn ở, học tập, phát triển toàn diện, mai sau trở thành những công dân tốt cho gia đình và xã hội. Thông qua chương trình, sẽ góp phần tăng cường mối đại đoàn kết giữa quân và dân ở địa bàn biên giới, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.
Đại tá Đỗ Quang Thấm - Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, những năm qua, các Đồn Biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk đã triển khai thành công các chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", "Xuân biên phòng ấm lòng dân bản"; hỗ trợ gần 100 học sinh mỗi cháu 500.000 đồng/tháng trong chương trình "Nâng bước em đến trường"; trao tặng 340 nhà "Mái ấm biên cương", "Nhà nghĩa tình đồng đội"; hỗ trợ an sinh xã hội cho các gia đình chính sách; trao tặng cây, con giống, phân bón cho hơn 700 hộ nghèo phát triển kinh tế, với số tiền lên tới trên 2,3 tỷ đồng mỗi năm.
Bộ đội biên phòngĐắk Lắk đang đẩy mạnh mô hình "Con nuôi Biên phòng" trên địa bàn toàn tỉnh.
Về mô hình "Con nuôi Biên phòng", từ đầu năm 2019 tới nay, các đồn biên phòng đã nhận nuôi dưỡng 4 cháu có hoàn cảnh khó khăn đến từ hai huyện biên giới Ea Súp và Buôn Đôn. Mô hình đã hỗ trợ các cháu cả vật chất lẫn tinh thần, góp phần tạo điều kiện cho các cháu tiếp tục theo đuổi ước mơ đến trường. Thời gian tới, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục khảo sát, nhân rộng mô hình "Con nuôi Đồn Biên phòng" trên địa bàn toàn tỉnh.
"Những năm tiếp theo thì xuất phát từ vai trò trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng, điều kiện khó khăn của người dân ở khu vực biên giới cũng như tính nhân văn của chương trình, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt hơn nữa chương trình này. Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp ngành địa phương, tổ chức ra soát lập danh sách các cháu có hoàn cảnh đặc biể khó khăn để nhận về đỡ đầu, hỗ trợ các cháu có thể tiếp nhận nguồn hỗ trợ để được học tập, giáo dục thành những công dân tốt cho xã hội", Đại tá Đỗ Quang Thấm nói.
Với tình thương trách và nhiệm, các cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng ở Đắk Lắk đã và đang dành những tình cảm yêu thương, chân thành cho các cháu con nuôi của đồn, giúp các cháu vươn lên trong học tập, trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ. Có thể nói, mô hình "Con nuôi Đồn biên phòng" ở biên giới Tây Nguyên thật sự mang lại hiệu quả tích cực, nhân lên những việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của những người lính quân hàm xanh nơi phên dậu của Tổ quốc./.
Theo VOV
Bỗng chốc có nhiều cha, trẻ miền biên giới lấy đồn biên phòng làm nhà Những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn tình cảm ở vùng cao Quảng Trị bỗng có nhiều 'cha'. Các em coi đồn biên phòng là nhà khi được cán bộ chiến sĩ nhận làm con nuôi. Với đường biên giới dài gần 180km, miền biên viễn Quảng Trị có hàng ngàn hộ dân sinh sống, trong đó chủ yếu là...