‘Hiệp sĩ đường phố’ thành dịch vụ bảo vệ phi lợi nhuận?
Công an TP.HCM đã báo cáo Bộ Công an về việc quản lý, huấn luyện “hiệp sĩ đường phố”. Ý tưởng xem các nhóm “hiệp sĩ” như mô hình dịch vụ bảo vệ phi lợi nhuận cũng rất được chú ý.
“Hiệp sĩ đường phố” – cánh tay nối dài của công an
Theo đại tá Đinh Thanh Nhàn, Phó giám đốc Công an TP.HCM, hiện trên địa bàn TP.HCM có 83 loại mô hình tự phòng, tự quản về an ninh trật tự. Trong đó, khối đoàn thể thành phố quản lý 45 loại mô hình; khối cơ quan doanh nghiệp 3 loại mô hình; công an các cấp là 35 loại mô hình.
Với các mô hình tự phát trên địa bàn TP, có 4 nhóm mô hình với 25 người, thường được gọi là “hiệp sĩ đường phố”. Hiện Công an TP đã chỉ đạo công an các quận, huyện quản lý để có hướng dẫn, huấn luyện các “hiệp sĩ đường phố” tự phát có kiến thức về pháp luật, kỹ năng trong quá trình hoạt động.
Đối với vị trí của “hiệp sĩ đường phố” trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, nói: “Chúng tôi rất quan tâm đến lực lượng này, trong đó có bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng; định hướng, động viên, khuyến khích họ hoạt động theo mô hình toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương. Quan trọng là đảm bảo an toàn cho họ về tính mạng sức khỏe; huấn luyện để họ trở thành “cánh tay nối dài”, “tai mắt” – những cộng sự tích cực của lực lượng công an. Nhưng họ phải tuân thủ pháp luật. Chúng tôi mong ước, mỗi công dân là mỗi chiến sĩ công an”.
“Hiệp sĩ đường phố” Nguyễn Trọng Nghĩa, một điển hình tích cực tham gia phòng chống tội phạm thời gian qua
ẢNH: ĐÌNH PHÚ
Theo trung tướng Lê Đông Phong, Công an TP đã có đánh giá, báo cáo lãnh đạo TP để động viên “hiệp sĩ đường phố”, đưa họ vào những mô hình cụ thể tại cộng đồng ở địa phương. Đối với một số người có nghề nghiệp lưu động, dựa trên tính chất nghề của họ, có thể liên kết thành nhóm theo hình thức tự quản, xung kích về an ninh trật tự; có mối liên hệ, được quản lý, định hướng; đảm bảo hoạt động của họ nằm trong khuôn khổ pháp luật và hỗ trợ cho công an.
“Không thể có lực lượng trinh sát hay thực thi pháp luật không nằm trong hệ thống tổ chức chính thức. Nếu để hình thức nhóm tự phát, hoạt động ngoài pháp luật – tức tự phát theo dõi, muốn xử lý thì xử lý, muốn không thì không; phát hiện vi phạm pháp luật của đối tượng nhưng không báo cáo cơ quan chức năng – là không đúng quy định pháp luật. Công an phải biết người nào làm việc tích cực sau đó đưa vào mô hình thích hợp để hoạt động và có sự gắn kết với chính quyền, công an”, trung tướng Lê Đông Phong nhận định.
Để hoạt động chính danh
Theo Giám đốc Công an TP, hiện nay mô hình hiệp sĩ hoạt động tích cực, được người dân ủng hộ nhưng không chính danh.
Video đang HOT
Nói về tính “hai mặt” của “hiệp sĩ đường phố”, trung tướng Lê Đông Phong dẫn ra những trường hợp chính các “hiệp sĩ” bị “gài” để rồi có thể dính vào tội “cưỡng đoạt tài sản” vì thiếu kiến thức pháp luật. Bên cạnh việc bắt nhầm, một số vụ việc bắt đúng nhưng xử lý không tốt gây ra hậu quả chết người. Điển hình là vụ “hiệp sĩ đường phố” truy đuổi các đối tượng cướp tài sản và bị tấn công khiến 2 hiệp sĩ tử vong, có 3 người bị thương ở Q.10 vào ngày 13.5.2018.
Trung tướng Lê Đông Phong cho biết phải giải quyết những thiếu hụt về kiến thức của “hiệp sĩ đường phố”. Tuy nhiên, hiện các cơ quan quản lý chưa biết quản lý mô hình “hiệp sĩ” theo quy định gì và đây là cốt lõi của vấn đề. Trong khi tất cả mô hình tại TP hiện nay là cố định, do địa phương quản lý, thì “hiệp sĩ đường phố” là mô hình lưu động.
Công an TP cũng phân tích những yếu tố rủi ro và công tác quản lý, tổ chức cho lực lượng tự phát này hoạt động an toàn, không vi phạm pháp luật. “Chúng ta không nhìn nhận một cách tiêu cực và định kiến, nhưng phải dựa trên căn cứ pháp luật để xây dựng, phát triển “hiệp sĩ đường phố” đúng quy định”, ông Phong nói.
Hiện trường vụ các hiệp sĩ ở TP.HCM truy bắt các đối tượng cướp tài sản và bị tấn công khiến 2 hiệp sĩ tử vong, có 3 người bị thương vào ngày 13.5.2018
ẢNH: TIẾN HUY
Công an TP đang đề nghị Bộ Công an theo hướng xem xét trong các quy định pháp luật hiện hành để lực lượng này có thể hoạt động một cách chính danh.
Ý tưởng này được trung tướng Lê Đông Phong chia sẻ: “Xem các nhóm hiệp sĩ như mô hình dịch vụ bảo vệ phi lợi nhuận vì chúng ta có dịch vụ công ty bảo vệ. Trên cơ sở này mới có tư cách pháp lý để công an đào tạo họ và cho phép họ sử dụng một số công cụ hỗ trợ nhất định”. Công an TP cũng khuyến cáo, người tham gia mô hình “hiệp sĩ đường phố” cần phải xác định đây là công việc nguy hiểm và phải có những giới hạn. Người tham gia cần hiểu về quyền, pháp lý và năng lực của mình ở nhiều vụ việc tới đâu là dừng và phải báo công an, có sự hiện diện của công an.
Công an TP cũng đã có kế hoạch sẵn sàng huấn luyện, định hướng về pháp luật cho những nhóm “hiệp sĩ đường phố”, nhưng đang chờ ý kiến thống nhất của Bộ Công an. UBND TP cũng đang chờ kế hoạch của Bộ Công an để chỉ đạo triển khai việc quản lý, bồi dưỡng, trang bị cho mô hình “hiệp sĩ đường phố”.
Biết Công an TP đang đề xuất Bộ Công an nhằm xây dựng mô hình “hiệp sĩ đường phố” theo hướng quy củ hơn, các “hiệp sĩ” rất ủng hộ.
Anh Nguyễn Trọng Nghĩa, người có “thâm niên” làm “hiệp sĩ đường phố” hơn 10 năm nay, cho biết từ trước đến nay, các “hiệp sĩ” hoạt động vì tinh thần nghĩa hiệp. Bởi nếu có sự quản lý thì các “hiệp sĩ” làm việc trên tinh thần tuân thủ pháp luật hơn, chuyên nghiệp hơn, được hưởng chế độ… Sự hỗ trợ của cơ quan công an giúp “hiệp sĩ đường phố” xử lý vụ việc nhanh hơn, yên tâm hơn trong việc đối phó với các loại tội phạm nguy hiểm.
Thẩm quyền của các địa phương
Trao đổi với PV Thanh Niên về một số vấn đề liên quan đến mô hình “hiệp sĩ đường phố” tại TP.HCM cũng như một số tỉnh thành phía nam, thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết: “Từ trước tới nay, mô hình “hiệp sĩ” vốn mang tính tự phát nên Công an TP đã đề nghị đưa lực lượng này vào để huấn luyện thêm các kỹ năng về bảo vệ an ninh trật tự và có sự cam kết, có sự quản lý”. Thiếu tướng Lương Tam Quang cho biết thêm, việc huấn luyện, đào tạo “hiệp sĩ đường phố” nêu trên là thẩm quyền của các địa phương, không cần đến việc Bộ Công an đồng ý hay ra chủ trương.
Theo thiếu tướng Lương Tam Quang, trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, lực lượng “hiệp sĩ đường phố”, hay bất cứ người dân nào, khi góp phần cùng với lực lượng công an nhân dân bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thì đều được khuyến khích.
Mô hình doanh nghiệp xã hội
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn luật sư TP.HCM, việc đề xuất quy các “hiệp sĩ đường phố ở TP” về một mối, như mô hình dịch vụ bảo vệ phi lợi nhuận là ý kiến hợp lý, cần xem xét để áp dụng. Vì khi trở thành thành viên hoặc người lao động của doanh nghiệp (DN) xã hội thì ít nhất các hiệp sĩ được chính danh làm việc, có khoản thu nhập hợp pháp; quan trọng là được trang bị công cụ hỗ trợ và được đào tạo, huấn luyện bài bản, chuyên nghiệp hơn.
Công ty dịch vụ bảo vệ phi lợi nhuận có thể áp dụng theo mô hình DN xã hội theo quy định tại luật DN 2014. Theo đó, điều 10 của luật DN 2014 quy định DN xã hội phải đáp ứng các tiêu chí: mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng; sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của DN để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.
Nghĩa vụ của DN xã hội là phải duy trì mục tiêu và điều kiện như trên trong suốt quá trình hoạt động. Về quyền, được huy động, nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau từ các cá nhân, DN, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức khác của VN và nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý, chi phí hoạt động của DN…
Theo luật sư Chánh, sau khi thành lập công ty dịch vụ bảo vệ phi lợi nhuận, cơ quan công an có thể ký thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ, như: hỗ trợ huấn luyện, đào tạo… để hiệp sĩ hoạt động bài bản hơn, có hiệu quả hơn.
Theo Thanhnien
Nữ Phó trưởng Công an quận là người phát hiện manh mối băng trộm đâm 5 hiệp sĩ
Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TPHCM cho biết, người đầu tiên lần ra manh mối nhóm trộm đâm 5 hiệp sĩ thương vong là một nữ Phó trưởng Công an quận 3.
Trong buổi họp báo cung cấp thông tin về quá trình điều tra, truy bắt 2 nghi can đâm thương vong 5 hiệp sĩ trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3, TPHCM) gây xôn xao dư luận, Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TPHCM cho biết, một nữ Phó trưởng Công an quận 3 là người đầu tiên phát hiện manh mối của băng trộm.
Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TPHCM
Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết, trong quá trình điều tra vụ án nhóm hiệp sĩ bị đâm khi vây bắt trộm trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Trung tá Trần Thị Kim Lý - Phó trưởng Công an quận 3 là người đã phát hiện ra một băng nhóm có một số đối tượng từng bị bắt ở các quận: Tân Bình, 12 và huyện Hóc Môn.
Ngay trong tối xảy ra vụ án (tối 13/5), Phó trưởng Công an quận 3 đã tổ chức trích xuất các đối tượng bị bắt ở các quận ra xét hỏi.
Từ đây, cơ quan công an đã thu thập được những thông tin hết sức quý giá để từ đó xác định đồng bọn còn bên ngoài của nhóm này có khả năng gây ra vụ trộm xe máy và đâm thương vong 5 hiệp sĩ.
Thiếu tướng Phan Anh Minh giải thích thông tin công an phường bị tố vô cảm khi xảy ra vụ án
"Trung tá Kim Lý phụ trách điều tra và phòng chống tội phạm ở quận 3. Trung tá này có con nhỏ, từ nửa tháng nay kể từ khi xảy ra vụ 2 băng nhóm chém nhau ở đường Trường Sa (phường 14, quận 3) và mới đây xảy ra vụ trộm đâm 5 hiệp sĩ, Trung tá Kim Lý hầu như không gặp mặt con mình vì liên tục tham gia vào hoạt động truy xét và tìm ra nhiều manh mối quan trọng", Thiếu tướng Minh nói về cấp dưới của mình.
"Đến khoảng 9h sáng 14/5 (khoảng 12 tiếng sau khi xảy ra vụ án- PV), Công an huyện Hóc Môn đã bắt giữ được nghi can Nguyễn Hoàng Châu Phú nhưng công an chưa thể thông tin cho báo chí vì Phú không thừa nhận. Sau đó, qua đấu tranh và thu giữ tang vật như chiếc xe Exiter sử dụng gây án và quần áo tư trang dính máu của các nghi can nên công an mới tổ chức bắt giữ Nguyễn Tấn Tài", Phó giám đốc Công an TP thông tin.
Nguyễn Tấn Tài và Nguyễn Hoàng Châu Phú
Bước đầu, khi bị bắt, 2 đối tượng này thừa nhận đã thực hiện vụ trộm chiếc xe máy SH tại một cửa hàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 10, quận 3) và có hành vi dùng hung khí đâm thương vong 5 hiệp sĩ khi bị vây bắt.
Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết, từ dữ liệu camera cho thấy, thời gian nhóm trộm rút dao tấn công nhóm hiệp sĩ diễn ra trong khoảng 13 giây. Cũng theo Thiếu tướng Minh, Tài là đối tượng cực kỳ manh động, đã có tiền án, tiền sự.
Công an khám xét chiếc xe là phương tiện mà 2 đối tượng sử dụng đi trộm và gây án
Theo ông Minh, vụ việc đau lòng này không chỉ là nỗi mất mát, đau thương của gia đình nạn nhân mà còn gây sự phẫn uất trong dư luận, đây cũng là nỗi ray rứt của lãnh đạo và chính quyền TP, nên công an phải quyết tâm phá án nhanh, nhằm xoa dịu phần nào đau thương cho các gia đình nạn nhân.
Đình Thảo - Nguyễn Quang
Theo Dantri
Lực lượng vũ trang TP Hà Tĩnh quyết giữ vững ANTT để nhân dân vui tết Sáng 8/1, TP Hà Tĩnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Năm 2018, Ban chỉ huy Quân sự và Công an thành phố đã phối hợp chặt chẽ trong thực hiện công tác QP-AN, tăng cường tuần...