“Hiệp sĩ cứu sốc” vốn là người nghiện
Gương mặt sạm đen, dữ dằn, cộng thêm những hình xăm chằng chịt trên người, khiến bất cứ ai khi mới tiếp xúc với Hiệp cũng có phần e ngại. Nhưng chỉ cần ngồi xuống chuyện trò, nghe anh kể về cuộc đời mình, với giọng từ tốn, trầm ngâm, mới thấy đằng sau vỏ bọc “giang hồ” ấy là một trái tim khao khát được làm người- một con người lương thiện.
“Bác sĩ”, “chuyên gia” bất đắc dĩ
Với “thành tích” gần 20 năm nghiện ma túy, 2 lần vào trung tâm cai nghiện, 2 lần vào nhà đá vì tội tàng trữ trái phép chất ma túy, trên người lại mang căn bệnh thế kỷ, ngày trước, người ta vẫn gọi Hiệp là “Hiệp xì ke” hay “Hiệp H”. Nhưng gần chục năm trở lại đây, người Hải Phòng gọi anh với những biệt danh khác: hiệp sĩ, bác sĩ, chuyên gia… trong lĩnh vực chống sốc ma tuý. Không có bằng cấp chuyên môn nhưng số lượng người Hiệp cứu sống đã lên tới mấy trăm người. “Phòng cấp cứu” của Hiệp chính là những gầm cầu, khu ổ chuột, bãi tha ma, những khu đường tàu nhếch nhác, chi chít ống kim tiêm. “Bệnh nhân” của Hiệp là những con nghiện đang đứng giữa hai bờ sinh tử, những thân phận của tận cùng xã hội. Có khi co giật sùi bọt mép, có khi đã lịm đi tím tái, cũng có khi vừa mới nhập viện chờ xử lý. Ở những “xóm nghiện”, người ta kháo nhau, số điện thoại cứu thương hay cứu hoả có thể quên chứ số điện thoại của Hiệp là phải luôn ghi nhớ.
Hà Quang Hiệp (sinh năm 1977) là một trong 9 thành viên nòng cốt của nhóm “Vòng tay bè bạn”. Đây là tổ chức được thành lập từ năm 2007 của những người sử dụng ma túy tại Hải Phòng, nhằm tiếp cận người nghiện ma túy, truyền thông giảm hại, chuyển gửi họ đến cơ sở điều trị methadone, điều trị HIV bằng thuốc ARV… Đơn vị điều phối hoạt động của nhóm là SCDI (Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam). Những tình nguyện viên như Hiệp được SCDI đào tạo kỹ năng chống sốc cho người nghiện, hàng tháng cấp bơm kim tiêm, thuốc naloxone, sổ ghi chép… và hỗ trợ một khoản tiền nhỏ đủ để xăng xe, điện thoại.
Chia sẻ về “ hiệp sĩ cứu sốc”, chị Cao Thị Kim Giang, Phó trưởng nhóm “Vòng tay bè bạn” cho biết: “Từ khi Hiệp điều trị nghiện bằng methadone, tâm tính thay đổi hẳn, sống lương thiện nên được kết nạp vào nhóm. Mặc dù chỉ được hỗ trợ khoản kinh phí mang tính “động viên”, bản thân lại bị khuyết tật ở chân, đi lại khó khăn, nhưng anh rất nhiệt tình, chịu khó, luôn sẵn sàng lên đường cứu người”.
Không chỉ làm công việc cứu sốc mà hàng tuần, Hiệp cùng các đồng nghiệp trong nhóm “Vòng tay bè bạn” vẫn đến những nơi được xem là tụ điểm của các con nghiện để trò chuyện, động viên, tuyên truyền các con nghiện từ bỏ ma túy làm lại cuộc đời. Với những con nghiện có tinh thần hướng thiện, anh sẽ cùng với các đồng nghiệp tư vấn, hướng dẫn họ tiếp cận những cơ sở cai nghiện bằng methadone trong thành phố.
Hiệp lôi ra cuốn sổ tay nhỏ vẫn luôn mang theo người. Ở đó, Hiệp tỉ mẩn ghi lại những ca sốc thuốc được anh và nhóm cứu chữa, tính từ lúc anh tham gia là năm 2013 đến nay đã gần 500 người. Vì nguyên tắc công việc không được tiết lộ thông tin cá nhân của nạn nhân nên Hiệp chỉ cho tôi xem mà không chụp ảnh. Nhìn anh vuốt lại phẳng phiu những trang giấy hầu như được viết vội trong hoàn cảnh éo le, mới thấy anh quý nó như báu vật. Vừa là để phục vụ báo cáo công việc, vừa mang đến cho anh niềm hạnh phúc mỗi ngày. Cái hạnh phúc được làm người tử tế sau những năm tháng lỗi lầm. “Nhưng hạnh phúc nhất vẫn là khi những con số này giảm dần em ạ, mà thất nghiệp luôn càng tốt, vì chứng tỏ những gì mình làm, mình tuyên truyền đã hiệu quả”- Hiệp nói.
“Cứu thêm một người tôi nhẹ đi một gánh”
Hiệp sinh ra và lớn lên ở con phố Hàng Kênh ( thành phố Hải Phòng), cái nơi mà “cứ ra ngõ là gặp nghiện”, nơi nổi tiếng tập trung các tệ nạn xã hội và sản sinh ra các đại ca khét tiếng giang hồ. Bị bạn bè lôi kéo, sau khi tốt nghiệp THPT, Hiệp cũng sa chân vào ma tuý. Nhắc đến quá khứ, giọng Hiệp chùng xuống: “Thực sự không muốn nhớ lại quãng thời gian ấy nữa. Tôi từng là người nghiện ngập, cũng quyết tâm cai nghiện, chặt cả ngón tay để nhắc mình nhưng vẫn không làm được. Rồi tôi nhiễm HIV, thậm chí bệnh viện trả về vì nghĩ tôi sắp chết. Nhưng rốt cuộc thì tôi vẫn sống và nhờ được uống Methadone, tôi đã đoạn tuyệt được với ma túy và được chữa trị HIV”.
“Với tôi, các tình nguyện viên cứu sốc như anh Hiệp, chính là những người hùng thầm lặng”, bà Khuất Thị Kim Oanh – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến Phát triển cộng đồng
Video đang HOT
Bước ngoặt đến với Hiệp khi anh tham gia đội cứu sốc của nhóm “Vòng tay bè bạn”. Khi ấy, tình trạng sốc ma tuý nhiều hơn bây giờ. Có ngày nhóm anh cứu đến 20 người. Hiệp cho biết, cứu sốc không đơn giản là tiêm thuốc chống sốc, ép tim, mà phải thực hiện quy trình nhanh chóng, chính xác. Trước hết, cần đánh giá người bị nạn có phải sốc thuốc hay cảm nắng, nếu sốc thuốc mới cần tiêm chống sốc, trên cơ thể có vết chích mới không, quanh người có bơm kim tiêm không… Sau khi người bị nạn tỉnh táo, anh chăm sóc, lau mồ hôi, và cho uống nước… rồi thăm hỏi, chuyện trò.
Vốn nắm hết các địa điểm tập trung con nghiện, Hiệp lặng lẽ để lại số điện thoại, phát tờ rơi, hoặc dặn dò các hộ dân sống xung quanh, thậm chí cả chính những người nghiện ngập để mỗi khi có trường hợp nào sốc thuốc, họ có thể gọi tới anh. Bản thân anh đi tập tễnh do hồi nhỏ bị bại liệt chân trái nhưng dù mưa hay nắng, nửa đêm hay gần sáng, cứ nghe điện thoại là anh và cả nhóm lại lập tức lên đường. Nhiều hôm đang bưng bát cơm cũng phải đặt xuống, mang túi đồ nghề chạy đi cứu người rồi mới về ăn tiếp.
“Làm ơn” nhưng không ít lần anh “mắc oán”. Hiệp kể, có lần anh cứu sốc xong cho một con nghiện, điện cho người thân đến đưa về, họ còn mắng anh té tát vì “loại đó mày cứu làm gì”. Những lúc ấy, Hiệp lại bỏ tiền túi thuê xe ôm đưa họ về. Cũng có lần, người thân của con nghiện nghĩ anh là bạn nghiện, là tác nhân rủ rê lôi kéo nên xông vào đấm thâm tím mặt mày, chảy cả máu miệng. Không chỉ vậy, Hiệp còn thường xuyên bị chính con nghiện khi tỉnh dậy đổ cho tội ăn cắp đồ đạc của họ.
“Cũng quen rồi, thỉnh thoảng được lời cảm ơn, còn không thì anh em trong nhóm vẫn vui vẻ. Bởi cứu được thêm một mạng người khiến tôi thấy nhẹ đi một gánh, thấy cuộc đời mình có ý nghĩa hơn. Tôi coi những việc mình đang làm là trả nợ cuộc đời, để mẹ không ân hận khi đã sinh ra một thằng như tôi”.
Ở một góc độ khác, nhận xét về Hiệp và các thành viên trong nhóm “Vòng tay bè bạn”, bà Khuất Thị Kim Oanh – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến Phát triển cộng đồng cho hay: “Ban đầu khi mới tiếp cận các bạn ấy, chúng tôi nghĩ rằng mình sẽ đến để hỗ trợ, giúp đỡ bằng cách này hay cách khác. Thế nhưng, bất ngờ nhất đối với tôi cho đến thời điểm hiện nay đó là, không phải chúng tôi thay đổi suy nghĩ được các bạn ấy mà ngược lại là chính các bạn ấy đã thay đổi nhận thức của chúng tôi về cuộc sống, tình người. Với tôi, các tình nguyện viên cứu sốc như anh Hiệp, chính là những người hùng thầm lặng”.
Hiện tại, ngoài công việc cứu sốc, Hiệp dành thời gian để điều trị methadone và uống thuốc ARV điều trị HIV. Hiệp khoe, anh mới lập gia đình hơn 1 năm nay. Đó là một người phụ nữ cùng cảnh ngộ nên thông cảm, thấu hiểu và luôn động viên anh mỗi lần điện thoại reo máy. Giờ, điều mà Hiệp mong muốn lớn nhất là giữ được sức khoẻ để yên tâm làm tiếp công việc của mình và gia đình nhỏ sẽ sớm có tiếng cười con trẻ.
Không nên thử ma túy dù chỉ một lần
Năm năm gắn bó với công việc cứu người nghiện thoát khỏi tử thần, mỗi “con nghiện” anh gặp là những câu chuyện, cuộc đời khác nhau. Có những người vì ham chơi, nhưng cũng có người vì một phút lầm lỡ mà nhúng chân cả đời, có người vì buồn chán gia đình, có người theo bạn bè lôi kéo, đặc biệt là khi nhìn những người trẻ sử dụng ma tuý, anh thấy bóng dáng của mình năm xưa.
“Là người từng trải, tôi vẫn khuyên các em không nên thử dù chỉ một lần. Giới trẻ bây giờ hay sử dụng các loại ma túy tổng hợp. Nó còn nguy hiểm hơn heroin vì kích thích thẳng lên hệ thần kinh. Việc một số bạn trẻ bị sốc thuốc dẫn đến tử vong tại đêm nhạc hội gần đây, theo tôi có thể là do các em ham vui nhưng lại thiếu hiểu biết nên sử dụng nhiều loại ma tuý cùng lúc, thường là các em hay kết hợp giữa đá và cỏ, mà không biết chúng đối lập nhau. Cộng với tiếng nhạc mạnh và bia rượu kích thích, gây ảo giác, càng làm thần kinh không chịu nổi, đứt dây thần kinh, chết não. Những trường hợp này chưa có phương pháp cứu sốc. Mà nếu không sốc thì dùng lâu dần cũng để lại nhiều di chứng lên thần kinh”.
“Bác sĩ ” Hiệp đang hướng dẫn thao tác cứu người bị sốc ma túy
Hà Quang Hiệp. Tranh: Nguyễn Văn Hổ
Theo Thanh Hương
Tiền phong
GĐ tổ chức lễ hội âm nhạc có 7 người chết được trả tự do
Công an TP Hà Nội đã trả tự do cho giám đốc 26 tuổi, đơn vị tổ chức lễ hội âm nhạc có 7 người chết "Du hành tới mặt trăng" -Trip To The Moon diễn ra tối 16/9, tại Công viên nước Hồ Tây.
Diễn biến mới nhất liên quan đến vụ 7 người chết ở lễ hội âm nhạc "Du hành tới mặt trăng" - Trip To The Moon diễn ra tối 16/9, tại Công viên nước Hồ Tây. Tối ngày 22/9, trao đổi với PV luật sư Trần Thanh (Đoàn luật sư TP Hà Nội), là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh Lê Thái Sơn (SN 1992, Giám đốc Công ty TNHH Kết nối Á Châu) cho biết, anh Sơn vừa được Công an TP Hà Nội trả tự do.
Luật sư Thanh cho hay: "Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội không phê chuẩn lệnh bắt của cơ quan công an cùng cấp nên thân chủ của tôi được trả tự do. Việc này là rất kịp thời, tránh oan sai".
Hình ảnh Công an tạm giữ Lê Thái Sơn trước đó. Nguồn: CAND.
Theo luật sư Trần Thanh, ngay khi Công an TP Hà Nội ra lệnh tạm giữ người khẩn cấp đối với thân chủ, ông đã có đơn kiến nghị gửi tới cấp tới VKSND TP Hà Nội và VKSND tối cao, nêu rõ đây là lỗi vô ý và các nạn nhân đã mang ma túy vào khu vực nhạc hội.
Nguyên nhân dẫn tới việc họ thiệt mạng là do sử dụng ma túy chứ không phải an toàn lao động hay an toàn trong khu vực đông người.
Trước đó, chiều 21/9, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra lệnh giữ khẩn cấp đối với Lê Thái Sơn. Giám đốc 26 tuổi này bị tạm giữ khẩn cấp để điều tra về hành vi "Vi phạm các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người", quy định tại Điều 295 Bộ luật hình sự năm 2015.
Một nạn nhân ngất sau khi tham dự đêm hội âm nhạc tại công viên nước Hồ Tây.
Ngoài ra, cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội còn ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Bùi Mạnh Duy (19 tuổi, ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) về tội "Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy".
Bùi Mạnh Duy được xác định đã rủ 15 thanh niên gom tiền mua 10 viên thuốc lắc cùng cần sa sau đó phân phát cho nhóm bạn sử dụng tại Lễ hội âm nhạc diễn ra ở Công viên nước Hồ Tây đêm 16/9. Trong nhóm của Duy có 1 người nhập viện cấp cứu.
Hiện vụ việc đang được làm rõ.
Bảo Ngân
Theo kienthuc
PCT Hà Nội Ngô Văn Quý giải thích việc đến thăm nạn nhân sốc ma túy Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, người bị dư luận chỉ trích trước hành động đi thăm nạn nhân sốc ma túy tại lễ hội âm nhạc đã chính thức lên tiếng giải thích hành động này vào sáng nay (19/9). Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý Cụ thể, sáng 19/9, ông Ngô Văn Quý...