Hiệp hội Điện gió Toàn cầu kiến nghị Việt Nam sớm gia hạn Biểu giá FIT
Theo thông tin từ Hiệp hội Điện gió Toàn cầu ( GWEC), hiệp hội này đã có kiến nghị, kêu gọi Việt Nam sớm gia hạn Biểu giá FIT, hay còn gọi là biểu giá điện hỗ trợ, áp dụng cho điện gió.
Dư án điên gió ngoài khơi Thăng Long nằm ngoài khơi mui Kê Gà (Bình Thuân) có tổng công suất 3.400 MW. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN
GWEC cho hay, ngành điện gió của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng giảm đà đầu tư trong năm 2020 do sự không chắc chắn xung quanh khuôn khổ đầu tư; trong đó, sự chậm trễ trong việc gia hạn biểu giá FIT sẽ cản trở sự phát triển của chuỗi cung ứng và gây trở ngại cho việc giảm chi phí tại thị trường điện gió mới hình thành này, và kết quả là sẽ đẩy lùi mục tiêu của Việt Nam về một tương lai có được nguồn điện sạch, đáng tin cậy và giá phải chăng.
Việt Nam là thị trường điện gió phát triển nhanh nhất trong khu vực, với công suất 500 MW trên bờ và ngoài khơi đang được lắp đặt và ít nhất 4.000 MW dự kiến sẽ được đưa vào vận hành vào năm 2025.
Tuy nhiên, sự quan tâm của các nhà đầu tư đến phát triển dự án điện gió ở Việt Nam đã chậm lại đáng kể trong năm 2020, vì các dự án điện gió trên bờ thường yêu cầu 2 năm để phát triển trong khi đó biểu giá điện FIT hiện tại chỉ áp dụng cho các dự án hoàn thành trước tháng 11 năm 2021.
Do chưa có sự rõ ràng về kế hoạch giá FIT từ năm 2022 trở đi nên các nhà đầu tư phải đối mặt với nhiều bất trắc khi cam kết đầu tư cho các dự án điện gió mới, điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới lưới điện trong tương lai và dẫn tới cắt giảm việc làm.
Ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Điện gió Toàn cầu nhận định: “Việt Nam được công nhận rộng rãi là quốc gia dẫn đầu khu vực về năng lượng sạch ở Đông Nam Á và thu hút cam kết đầu tư từ một số doanh nghiệp lớn thế giới trong lĩnh vực này. Chính phủ Việt Nam cần tránh làm chậm lại các khoản đầu tư thực sự cần thiết cho ngành này bằng cách gia hạn thời gian áp dụng biểu giá FIT; từ đó, đảm bảo các khoản đầu tư dài hạn được thực hiện, tạo ra hàng chục nghìn việc làm có tay nghề cao và cung cấp năng lượng sạch, cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam”.
Với tiềm năng to lớn của năng lượng gió trong việc sản xuất điện sạch và tăng trưởng xanh, tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung thêm 7.000 MW từ các dự án điện gió mới vào quy hoạch tổng thể ngành điện của Việt Nam (Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh). Tuy nhiên, thực tế là phần lớn trong số 7.000 MW này có thể không đạt được do không chắc chắn về việc gia hạn biểu giá FIT.
Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á của Hiệp hội Điện gió Toàn cầu cho rằng, Việt Nam đang trên đà đạt được lợi thế về quy mô và giảm chi phí trong ngành điện gió và đà này cần được duy trì nếu muốn tránh chu kỳ phát triển bùng nổ và suy thoái. Do quy định về khuôn khổ thời gian thực hiện dự án nên chậm trễ trong gia hạn biểu giá FIT dẫn tới nguy cơ xảy ra giai đoạn “suy thoái” của ngành, khi đó rất ít dự án được kết nối với lưới điện trong giai đoạn 2022-2023.
Về lâu dài, ông Mark Hutchinson cho rằng, điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu tới nỗ lực giảm chi phí nhờ phát triển chuỗi cung ứng nhất quán, quy mô lớn và kết quả là Việt Nam sẽ có ít năng lượng tái tạo hơn với giá thành cao hơn.
GWEC cho hay, ít nhất 1.650 MW từ các dự án điện gió được dự báo sẽ được lắp đặt trước khi giá FIT hiện tại hết hạn vào tháng 11 năm 2021. Năng lượng gió là nguồn năng lượng sạch, sẵn có, đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường an ninh năng lượng của Việt Nam và đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng. Hơn nữa, lĩnh vực năng lượng tái tạo đang phát triển này có thể tạo ra hàng tỷ đô la vốn đầu tư và hàng trăm nghìn việc làm trong dài hạn.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang xem xét việc gia hạn giá FIT hiện hành và đưa ra một biểu giá FIT mới. Ngành điện gió ngày càng rơi vào tình trạng khó khăn, sự quan tâm của các nhà đầu tư bị trì hoãn trong năm 2020 cộng thêm với sự gián đoạn do đại dịch COVID-19.
Thị trường điện gió ở Việt Nam đã được hưởng lợi từ dòng vốn trong nước và nước ngoài ngày càng lớn. Khoảng 4.000 MW dự kiến được lắp đặt vào năm 2025 có thể mang lại tới 65.000 việc làm và khoảng 4 tỷ USD vốn đầu tư.
Để hiện thực hóa tiềm năng này, GWEC cho rằng, Chính phủ Việt Nam sớm hành động để gia hạn thời gian áp dụng giá FIT cho điện gió và tránh tình trạng chậm trễ kéo dài trong đầu tư và lắp đặt năng lượng sạch trong những năm tới…
Video đang HOT
Khuyến nghị phát triển điện gió tại Việt Nam
Chiều 22/9, tại Hà Nội, Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới đã tổ chức hội thảo "Lộ trình Phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam".
Các dự án năng lượng tái tạo đưa vào vận hành thương mại đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển ngành công nghiệp của Ninh Thuận. Ảnh: Công Thử/TTXVN
Hội thảo đã trình bày các nghiên cứu và đề xuất các khuyến nghị về lộ trình phát triển ngành điện gió ngoài khơi với Chính phủ Việt Nam. Các nghiên cứu và khuyến nghị này được đưa ra tại hội nghị khi Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia 8 phác họa lộ trình phát triển ngành điện Việt Nam 10 năm tới và định hướng đến năm 2045 đang ở giai đoạn hoàn thiện.
Theo báo cáo tại hội nghị, với tiềm năng to lớn, ước tính khoảng 160 GW trong vòng 5-100 km tính từ bờ, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi. Bờ biển dài, các nguồn gió dồi dào là những yếu tố then chốt để ngành công nghiệp xanh này phát triển và sản xuất ra nguồn điện xanh với giá hấp dẫn đồng thời tạo thêm nhiều việc làm và thu hút đầu tư.
Các nghiên cứu do Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới thực hiện cũng khuyến nghị rằng từ nay đến năm 2030, Việt Nam có thể đưa vào vận hành 10 GW điện gió ngoài khơi.
Tại hội nghị này, những nghiên cứu trong nhiều khía cạnh khác nhau như đánh giá tiềm năng, đánh giá về khả năng truyền tải, năng lực chuỗi cung ứng nội địa, những cơ hội, thách thức trong việc phát triển điện gió ngoài khơi, những kinh nghiệm về chính sách, hệ thống quản lý ngành từ các nước có ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi phát triển..., cũng như khuyến nghị liên quan đến lộ trình phát triển lĩnh vực điện gió ngoài khơi sẽ được các chuyên gia trình bày, thảo luận để tiếp tục hoàn thiện báo cáo và đệ trình lên Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới.
Kết quả của hội nghị sẽ là thông tin đầu vào quan trọng cho việc hình thành các mục tiêu chính sách trong Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia 8 của Việt Nam, cơ sở chính sách quan trọng nhất để phát triển ngành năng lượng của Việt Nam cho giai đoạn 10 năm tới với tầm nhìn đến năm 2045.
Theo ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, Chính phủ Việt Nam luôn cam kết phát triển ngành năng lượng bền vững và thời điểm này có ý nghĩa quan trọng với Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia 8 đang được Bộ Công Thương xây dựng. Do đó, Việt Nam đánh giá cao những ý kiến tư vấn và khuyến nghị của Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới - những đối tác truyền thống của Việt Nam và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Tại hội thảo, Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới đã trình bày những khuyến nghị trong báo cáo "Các nghiên cứu đầu vào cho Lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam", liên quan đến việc lập bản đồ xác định tiềm năng và lựa chọn địa điểm, tính toán giá điện quy dẫn (LCOE) và phân tích lưới truyền tải điện, cùng với những thông tin bổ sung liên quan đến quy định pháp luật, cấp phép, các cơ chế khuyến khích và những thành phần của chuỗi cung ứng từ đó đề xuất khuyến nghị cho phát triển ngành.
Ông Kim Hojlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho hay, khi Việt Nam đã xác định sẽ chuyển đổi ngành năng lượng theo hướng xanh, điện gió ngoài khơi chắc chắn là một trong những lựa chọn hiệu quả nhất và điều này đã được chứng minh ở nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Đan Mạch. Ngành công nghiệp điện gió phát triển sẽ không chỉ là nguồn cung cấp năng lượng sạch và góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu mà còn tạo ra một số lượng lớn việc làm cho người dân địa phương đồng thời tạo ra nền kinh tế biển mới và thu hút nguồn đầu tư lớn.
"Tất nhiên chính phủ Việt Nam là người đưa ra các quyết định cuối cùng cho tiến trình này nhưng Đan Mạch, với tư cách là đối tác lâu dài và gần gũi với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, luôn muốn chia sẻ với Việt Nam những kiến thức, kinh nghiệm và bài học thành công thu được từ quá trình 30 năm phát triển điện gió ngoài khơi", ông Kim Hojlund Christensen nói.
Giám đốc Hợp tác toàn cầu, Cục Năng lượng Đan Mạch, Anton Beck cho biết thêm, Tua bin điện gió ngoài khơi là loại hình công nghệ năng lượng tái tạo mạnh nhất khi chỉ cần một tua bin 8 MW có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện hàng năm cho 43.000 hộ gia đình của Việt Nam. Ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ở Việt Nam đã khởi động được một thời gian và các đối tác Việt Nam luôn khao khát thúc đẩy ngành công nghiệp này không những phát triển nhanh mà còn phải đi đúng hướng.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, đơn vị này đã thực hiện nhiều nghiên cứu chứng minh lợi ích kinh tế của điện gió ngoài khơi. Ông Rahul Kitchlu, Trưởng nhóm Hạ tầng và Điều phối viên Năng lượng, Ngân hàng Thế giới cho hay, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy những lợi ích kinh tế quan trọng của việc triển khai điện gió ngoài khơi ở quy mô công suất lên đến 10 GW vào năm 2030. Vì vậy, điều quan trọng cần làm là tính toán và cân nhắc đưa các yêu tố này vào trong quá trình xây dựng Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia 8.
Hội thảo cũng đề cập đến một loạt các vấn đề được quan tâm trong phát triển điện gió ngoài khơi, từ góc nhìn của các nhà phát triển dự án đến chuỗi cung ứng và mối quan tâm của các nhà đầu tư. Các trao đổi thảo luận trong hội thảo đã cung cấp một bức tranh toàn cảnh về tương lai của điện gió ngoài khơi Việt Nam...
Trường Thành Group (TTA) sẽ đẩy mạnh phát triện điện gió và điện mặt trời 2020-2025 Ngày 11/09/2020, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành (Trường Thành Group, mã chứng khoán TTA) tổ chức hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu Trường Thành Group. Tại buổi Roadshow, đại diện Công ty cho biết 6 tháng đầu năm doanh thu thuần đạt gần 170 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng...