“Hiện tượng Đỗ Nhật Nam” qua ý kiến chuyên gia nước ngoài
Theo một số chuyên gia làm trong ngành giáo dục tại Nhật Bản, việc có được một hoặc nhiều cậu bé còn nhỏ mà ham học, ham mê đọc sách, dịch sách như Đỗ Nhật Nam là một điều tốt cho Việt Nam. Nên trân trọng và tôn trọng niềm đam mê của cậu bé.
Xung quanh những tranh luận, chỉ trích về phát ngôn của dịch giả 11 tuổi Đỗ Nhật Nam khi trả lời phỏng vấn của một tờ báo, tôi có cùng quan điểm với nhà báo Trương Anh Ngọc, ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, ca sỹ Tạ Quang Thắng, rằng: “Cần tôn trọng suy nghĩ của một cậu bé 11 tuổi khi cháu dám nói lên suy nghĩ của mình. Câu chuyện về một cậu bé thích đọc sách, dịch sách và từ nhỏ đã coi sách là một người bạn cần được nhân rộng và coi là tấm gương lớn cho nhiều người, đặc biệt là với giới trẻ hiện tại”. (Trích ý kiến của nhà báo Trương Anh Ngọc).
Bé Đỗ Nhật Nam trong đoạn clip trả lời phỏng vấn.
Xem clip bé Đỗ Nhật Nam trả lời phỏng vấn, không ít người chỉ trích (ném đá) bé Nam, cho rằng:
1. Cậu bé còn nhỏ mà thiếu khiêm tốn.
2. Thành công sớm quá để làm gì trong khi tuổi thơ bị đánh mất?
3. Câu nói “truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn” là sai lầm.
Tôi đã cùng với những người bạn nước ngoài làm trong ngành giáo dục, cùng phòng nghiên cứu với tôi tại Japan Foundation và Học viện nghiên cứu chính sách GRIPS (Nhật Bản) xem video clip phỏng vấn bé Nam. Sau đó, tôi dịch lại cho họ nghe phần trả lời phỏng vấn của bé, rồi hỏi để có thể nhận được những ý kiến khách quan từ những chuyên gia nước ngoài. Và những chuyên gia nước ngoài đã có những ý kiến về những chỉ trích vô lý, thái quá đối với bé Đỗ Nhật Nam như sau:
Video đang HOT
Tác giả: Các bạn nghĩ sao về bé Đỗ Nhật Nam và một số ý kiến chỉ trích hiện nay về bé?
Chuyên gia: Việc có được một hoặc nhiều cậu bé còn nhỏ mà rất ham học, ham mê đọc sách, dịch sách như thế này là một điều rất tốt cho Việt Nam. Chúng ta nên trân trọng và tôn trọng niềm đam mê của cậu bé ấy. Các nước như Nga, Mỹ, Nhật đều luôn coi trọng và tuyển mộ những người tài từ khắp nơi đấy thôi. Chúng ta có thể nhìn vào tấm gương của bé để khích lệ con cháu mình thêm tự tin, có niềm đam mê đọc sách và ham học hỏi như thế.
Có một số ý kiến cho rằng, cậu bé không khiêm tốn khi liệt kê một loạt thành tích trong môn học tiếng Anh của mình. Các bạn nghĩ sao?
Có vẻ như nhiều người Việt Nam thấy rằng, cậu bé chưa thực sự khiêm tốn khi kể ra một loạt thành tích trong môn học tiếng Anh của mình trước đông đảo khán giả. Nhưng chúng tôi cho rằng, cậu bé đang đưa ra những dẫn chứng, bằng chứng cụ thể cho thành tích học tiếng Anh của cậu. Những thành tích đó rất có thể, sẽ là động lực cho các trẻ em khác ở Việt Nam noi theo và hướng đến. Chúng tôi cho rằng, cùng với những trải nghiệm trong tương lai, cậu bé sẽ học hỏi thêm được nhiều điều, và sẽ điều chỉnh để cách diễn đạt của mình thể hiện được sự khiêm tốn. Cậu bé mới chỉ 11 tuổi thôi mà.
Có một số ý kiến cho rằng, việc bé Nam mới 11 tuổi mà đã có thành tích về tiếng Anh như vậy là do bé đọc quá nhiều sách, học quá nhiều. Do vậy, bé không có một tuổi thơ đúng nghĩa. Nam hoặc chính bố mẹ Nam đã đánh mất đi tuổi thơ của bé. Các bạn nghĩ sao về điều này?
Chúng tôi thấy thế này, một người mạnh về mặt này, đương nhiên, người ta sẽ thiếu đi mặt khác. Bé Nam cảm thấy hạnh phúc với niềm đam mê của mình, đó chẳng phải là một điều tốt với bé rồi hay sao? Chính bé đang cảm thấy rất hài lòng trong thế giới sách của mình đấy thôi?
Tôi cũng nghĩ như vậy. Một số người đã thái quá khi nói về việc “đánh mất tuổi thơ của bé Nam”. Dường như họ đang áp đặt rằng, mọi trẻ em phải có một tuổi thơ giống nhau. Tôi cũng cho rằng, Nhật Nam đang tận hưởng tuổi thơ với những hứng thú của chính bản thân bé. Còn về việc bé nói “truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn” thì các bạn nghĩ sao?
Chúng tôi không bàn tới chuyện đúng hay sai trong câu nói này của cậu bé. Điều chúng tôi muốn nói là cậu bé đã thể hiện sự tự tin khi phát ngôn, thể hiện quan điểm khi nói lên chính kiến của mình. Đó là một điều tốt mà chúng tôi nhận thấy. Chúng tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, Nam mới chỉ là một cậu bé 11 tuổi. Cùng với những trải nghiệm, những kiến thức mà cậu bé tiếp tục học trong tương lai, cậu bé sẽ nhận thức vấn đề một cách sâu sắc hơn. Chúng tôi tin rằng, cùng với nhận thức ngày một lớn, cậu ấy sẽ khác, sẽ thể hiện sự trưởng thành của mình thôi mà.
Theo Dantri
Cùng bàn luận về sách với Á hậu Ngọc Oanh, Dâu Tây và bình luận viên Anh Ngọc
Hàng trăm bạn trẻ Hà Nội đã đến tham dự buổi thảo luận "Quyển sách thay đổi cuộc đời" tổ chức tại café My way (60 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sáng ngày 17/3.
Buổi thảo luận có sự tham gia của tác giả Joe (Mr. Dâu Tây), bình luận viên (BLV) Trương Anh Ngọc và Á hậu Ngọc Oanh cùng MC Diệp Chi. Chương trình do công ty Điện tử Samsung, Công ty Văn hoá Phương Nam và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức.
Chênh vênh văn hoá đọc của giới trẻ
Câu chuyện văn hoá đọc của người Việt bắt đầu bằng những con số thống kê khá bất ngờ của Joe: "Một tiểu thuyết văn học nổi tiếng nếu bán ra được 2 triệu bản ở Anh - một đất nước có dân số chỉ bằng 2/3 dân số Việt Nam - thì ở nước ta con số này chỉ ở mức 10.000 bản. Và trong con số 10.000 ấy, ở thành thị bán được khoảng 9.000 bản, trong khi các tỉnh nhỏ chỉ khoảng 1.000 bản mà thôi."
Hàng trăm bạn trẻ Hà Thành đến tham dự và chia sẻ ý kiến sôi nổi tại Buổi thảo luận "Quyển sách thay đổi cuộc đời".
Lý giải cho sự trái ngược trong văn hóa đọc này, BLV Trương Anh Ngọc đã đề cập đến một vấn đề nóng hổi hiện nay là sự "xâm chiếm" của mạng xã hội vào "lãnh thổ" của những trang sách. Anh cho biết, nhiều bạn trẻ hiện nay thích chat, thích đọc những câu viết ngắn hơn là lật những trang sách dày. Thêm vào đó, có một sự "chênh" trong văn hoá đọc ở đây là, tại sao Yahoo hay Facebook chỉ tác động đến thói quen đọc sách của người Việt mà ít ảnh hưởng đến thói quen đọc sách của giới trẻ toàn cầu? Ví dụ như ở Ý - đất nước từng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng số lượng sách chưa bao giờ giảm, thậm chí số lượng đầu sách trong thư viện và lượng độc giả cũng không ngừng gia tăng. Trong khi đó, điều này lại đi theo hướng ngược lại ở Việt Nam.
BLV bóng đá Trương Anh Ngọc: "Ở Việt Nam, sách lậu bán thì tràn lan, nhưng lượng người đọc thì ít. Đây là một nghịch lý".
Quyển sách nào đã thay đổi cuộc đời bạn?
Đó là câu hỏi được đặt ra cho cả ba vị khách mời của Buổi thảo luận, và cả ba đều chia sẻ những câu chuyện rất thú vị xung quanh quyển sách đã góp phần thay đổi cuộc đời họ. Với Joe, trong thời điểm anh "khủng hoảng" vì không biết cách sử dụng dấu phẩy và dấu chấm phẩy thế nào cho đúng, anh đã tìm đọc quyển "Những thành tố của phong cách" (The elements of style). Quyển sách không những đã giúp anh thay đổi hẳn quan điểm ngây ngô "dấu chấm phẩy thể hiện sự dừng lại nhiều hơn một dấu phẩy" mà còn giúp Joe bén duyên với văn học Việt và trở thành một cây bút của những tác phẩm dán nhãn "best seller".
Joe chia sẻ về quyển sách thay đổi cuộc đời anh: "Đôi khi, chính những quyển sách đơn giản lại có giá trị thay đổi cả cuộc đời".
BLV Trương Anh Ngọc cũng chia sẻ một quyển sách anh đọc được khá tình cờ trong một kỷ niệm nho nhỏ khi bị "ép buộc" phải ở nhà một mình. Quyển sách nói về quy chuẩn phiên âm của 26 ngôn ngữ. Từ tâm thế đọc sách giải khuây khi ở nhà một mình mà sau này anh đã nhận thấy rõ giá trị quyển sách này. Quyển sách đã giúp anh phát âm chuẩn tên của nhiều cầu thủ trên thế giới trong lúc tác nghiệp bình luận viên bóng đá, giúp anh hiểu người bản địa nhanh và dễ dàng hơn khi đi qua nhiều nơi trên thế giới.
Á hậu Ngọc Oanh lại thiên về những quyển sách mang tính kinh doanh. Quyển "Suy nghĩ lớn để thành công" đã giúp cô tiếp cận các vấn đề về kinh doanh một cách nhạy bén, quyết liệt hơn trên thương trường, đặc biệt là lĩnh vực tài chính đầy nhạy cảm và biến đổi từng phút giây mà cô đang theo đuổi.
Á hậu Ngọc Oanh chia sẻ: "Mỗi giai đoạn khác nhau của cuộc sống lại cần đọc những quyển sách khác nhau".
Rất nhiều bạn trẻ đến tham gia đã đặt câu hỏi giao lưu với ba vị khách mời. Từ học sinh sinh viên, đến những người đã thành công trong cuộc sống đều cùng chia sẻ và cảm nhận được những trải nghiệm thú vị từ những câu chuyện về sách trong Buổi hội thảo.
Buổi thảo luận "Quyển sách thay đổi cuộc đời" là một trong những hoạt động nằm trong dự án "Thư viện thông minh" - dự án trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng do Samsung thực hiện từ tháng 9/2011. Đây là dự án cải tạo và nâng cấp thư viện tại các trường học vùng ven trên cả nước.
Đến tháng 12/2012, "Thư viện thông minh" đã đến với gần 20.000 học sinh tại 18 trường trung học. Mỗi thư viện được trang bị thêm sách, trang thiết bị hiện đại cùng hệ thống quản lý thư viện khoa học góp phần tạo thói quen đọc sách cho các em học sinh, giúp các em có điều kiện đọc sách và học tập tốt hơn.
Theo mực tím
Nhạc Việt bùng nổ gương mặt trẻ Với một làn sóng trẻ giàu cả chất lẫn lượng, khán giả có lý do để mong chờ vào một năm tươi sáng của nền âm nhạc Việt Nam. Với mong muốn gửi tới khán giả yêu nhạc một món quà đầu xuân năm mới, dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, bốn giọng ca trẻ Đinh Mạnh Ninh, Bùi Anh Tuấn, Văn Mai...