Hiện trường đẫm nước mắt 24 nhà dân bị vùi lấp lúc rạng sáng
Chỉ trong chốc lát, tài sản tích góp cả đời của người dân bản Sáng Tùng đã bị vùi lấp trong hàng nghìn m3 đất.
Em Hạng Thị Thứ (SN 2000) sáng 28/6 trở về nhà sau kỳ thi THPT Quốc gia đau xót khi biết gia đình của chú và bác bị đất đá vùi lấp
Chiều 29/6, đi bộ qua quãng đường dài 2km trơn trượt do sạt lở đất và mưa lớn, PV Báo Giao thông có mặt tại bản Sáng Tùng (xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu). Không còn những ngôi nhà sàn san sát, tiếng trẻ chăn trâu gọi nhau í ới, bản Sáng Tùng giờ hoang tàn và xác xơ đến nao lòng.
Trên mảnh đất từng là nơi sinh sống của 28 hộ dân của bản là một núi đất đá bị sạt lở đã vùi lấp toàn bộ 24 ngôi nhà cùng tài sản của các hộ dân. Những chiếc mái nhà chỏng chơ, xiêu vẹo nhô lên khỏi đống đổ nát càng khiến người nhìn thêm ám ảnh bởi sức tàn phá khủng khiếp của mưa lũ, sạt lở đất diễn ra nơi đây.
Ông Sùng A Binh, Chủ tịch UBND xã Tả Ngảo cho biết, vào khoảng 14h chiều ngày 26/6, người dân thôn Sáng Tùng (xã Tả Ngảo, Sìn Hồ, Lai Châu) phát hiện có vết nứt ở trong bản. Ngay sau khi nhận được thông tin, chính quyền UBND xã Tả Ngảo đã chỉ đạo tập trung di dời toàn bộ người dân đi ra khỏi khu vực có vết nứt. Đến 21h cùng ngày, 28 hộ dân với 162 người đã được đưa ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Nhờ đó, sạt lở đất xảy ra lúc 4h sáng 27/6 đã không gây thiệt hại về người. 28 hộ dân không kịp mang theo tài sản đã rơi vào cảnh “màn trời, chiếu đất”
Dưới đây là một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi lại tại hiện trường sạt lở đất ở bản Sáng Tùng:
Sáng 28/6, đoạn đường từ huyện Sìn Hồ vào xã Tả Ngảo gặp nhiều khó khăn do sạt lở đất, lực lượng chức năng phải huy động nhiều máy xúc làm việc liên tục để thông đường tạm cho mọi người đi lại.
Chỉ trong chốc lát 24 hộ dân bản Sáng Tùng bị đất đá vùi lấp toàn bộ nhà cửa cùng tài sản
Video đang HOT
Con đường bê tông và chiếc cầu nối vào bản Sáng Tùng cũng bị dòng nước lũ và đất đá làm hư hỏng nghiêm trọng
Sau sạt lở đất, những mái nhà sàn nhô lên khỏi đống đất đá, hư hỏng nằm trơ trọi đến xót xa
Người dân dựng tạm lán để ở sau khi bị đất đá vùi lấp nhà cửa cùng tài sản
Gương mặt thất thần của người dân bản khi toàn bộ tài sản tích góp được bỗng biến mất chỉ trong chớp mắt
Một số hộ dân chỉ sơ tán được vài đồ dùng không mấy giá trị khi di chuyển ra khỏi nơi nguy hiểm trước khi sạt lở đất xảy đến
Những đứa trẻ còn quá nhỏ chưa thể hình dung được những khó khăn gia đình đang phải trải qua
Người dân tìm kiếm những vật dụng của gia đình còn sót lại trong đống đổ nát vì sạt lở đất
Với người dân bản Sáng Tùng hi vọng được chính quyền và các tổ chức, xã hội hỗ trợ để ổn định cuộc sống
Từ ngày bị mất nhà đến nay, người dân chủ yếu ăn bánh mì, uống sữa và ăn mì tôm.
Theo Yến Chi (Báo Giao thông)
10 phút kinh hoàng ở Lai Châu
Trận lũ kinh hoàng như sóng thần ập đến trong khoảng 10 phút cuốn trôi người và toàn bộ trang trại cá của người dân ở bản Chu Va 12 (Sơn Bình, Tam Đường, Lai Châu).
Trang trại nuôi cá ven suối cạnh quốc lộ 4D (huyện Tam Đường, Lai Châu) của 3 hộ gia đình trị giá hàng chục tỷ đồng bị cơn lũ kinh hoàng cuốn trôi trong khoảng 10 phút. Ảnh: Ngọc Thành.
Ngồi rũ rượi trên nền đất trống của gia đình, chốc chốc bà Vũ Thị Mai Phương (bản Chu Va 12) lại khóc nấc lên từng cơn, không ngừng gọi tên chồng. Trận lũ lịch sử kinh hoàng vừa xảy ra đã cuốn mất người chồng và trang trại cá tầm của gia đình bà Phương. "Bao giờ tôi mới tìm được chồng? Bốn ngày rồi vẫn chưa tìm thấy chồng, mất hết rồi, không còn gì nữa, chồng cũng mất đâu rồi...", bà Phương òa khóc.
Anh Dương Hải Long, con trai bà Phương kể lại sự việc xảy tối ngày 24/6. Nước lũ đưa rác về phía ao nuôi cá gia đình, anh và bố (ông Dương Ngọc Hưng, 58 tuổi) vội lấy cột sắt, lưới đi ngăn dòng nước chảy vào 30 bể cá tầm. Gần 9h tối, bùn đất đục ngầu cuồn cuộn theo dòng suối đổ xuống. Hàng xóm xung quanh túa ra la hét, người đi đường vứt xe máy bỏ chạy, kêu cứu. Trong giây lát, từng mảng lớn đất đá trên quả núi đối diện nhà đổ ập xuống cùng dòng nước. Nhanh chân, Long cùng mẹ nhảy lên mỏm đá cao cạnh nhà, thoát được dòng nước cuốn, còn ông Hưng bị nước cuốn trôi cùng trang trại cá đến nay vẫn chưa tìm thấy. "Giờ chúng tôi đang ngóng tin bố từ cơ quan chức năng, hi vọng có điều kỳ diệu đến với bố", anh Long nghẹn ngào nói.
Theo anh Long, gia đình xây dựng trang trại nuôi cá tầm từ năm 2013 với số vốn ban đầu gần 10 tỷ. Sau nhiều năm, gia đình mua thêm đất nền mở rộng diện tích nuôi cá lên 12.000 m2, hơn 30 bể cá với sản lượng hàng năm gần 80 tấn. Cá tầm phải nuôi ở chỗ nước sạch nên gia đình anh chọn ven Quốc lộ 4D, nơi có dòng suối chảy xiết làm trang trại.
Đồng cảnh ngộ, hơn 10 bể cá tầm xây bằng bê tông trị giá gần 3 tỷ đồng của gia đình ông Đoàn cũng bị lũ cuốn trôi trong tích tắc. Cả trang trại hơn 3.000 m2 giờ ngổn ngang bùn đất, rác thải. Ông Đoàn kể, khoảng 8h tối ngày 24/6 ra thăm cá thấy nước suối chảy mạnh và đục hơn mọi ngày, ông cùng các thành viên trong gia đình chặn dòng nước để bảo vệ 10 bể cá tầm của gia đình. "Tôi đang về lấy lưới thì nghe thấy một tiếng ầm ầm như động đất, dòng nước xiết như sóng thần bất ngờ ập đến. Mọi người hô hoán nhau tháo chạy lên quả đồi gần nhà. Đứng nhìn dòng nước cuốn trôi nhà, bể cá trong tích tắc, tôi như bị chết đứng. Chúng tôi còn may mắn là các thành viên trong gia đình đều an toàn", ông Đoàn nhớ lại.
Bà Vũ Thị Mai Phương (bản Chu Va 12) khóc nấc, không ngừng gọi tên chồng. Ảnh: Ngọc Thành.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo huyện Tam Đường (Lai Châu) cho biết, bốn trang trại nuôi cá nước lạnh trên địa bàn huyện đã bị nước lũ cuốn trôi, ước tính thiệt hại khoảng 130 tấn cá thịt và gần 400.000 cá giống với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Tăng thêm người chết, thiệt hại 315 tỷ đồng
Tin cuối giờ chiều qua (27/6), tỉnh Lai Châu đã có 40 người chết, mất tích và người bị thương do sạt lở, lũ quét, trong đó các lực lượng đã tìm kiếm được hai tử thi do lũ cuốn. Thiệt hại tài sản ước tính 315 tỷ đồng.
Mặc dù mưa đã giảm và các sông, suối đang rút vơi, nhưng công tác khắc phục hậu quả đang gặp rất nhiều khó khăn do địa hình bị chia cắt, nguy hiểm đối với lực lượng cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn. Hiện vẫn còn 9 người mất tích chưa được tìm thấy. Với nỗ lực của hàng ngàn lượt chiến sỹ công an, quân đội, đoàn viên thanh niên được huy động toàn tỉnh, nhiều đường dân sinh, liên xã, tỉnh lộ và quốc lộ đã tạm thông tuyến. Riêng quốc lộ 4D nối từ Lào Cai sang Lai Châu tiếp tục bị sạt lở gây ách tắc từ rạng sáng 27/6. Đây là tuyến huyết mạch nhưng có nhiều điểm sạt lở nhất với lượng đất đá khổng lồ, nước tràn mặt đường, kết cấu giao thông bị phá hủy nặng nề, ách tắc giao thông kéo dài, lực lượng chức năng đã tập trung đông nhân lực, máy móc và phải mất nhiều thời gian san gạt mới có thể cho xe qua lại. Nghiêm trọng hơn, hai công nhân lái máy xúc đang thi công khơi thông quốc lộ 12 điểm sạt lở qua xã Pa Tần (Sìn Hồ) thì bị núi sạt xuống kéo theo hai máy xúc xuống vực sâu, khiến một người bị thương nặng, một người may mắn chỉ bị thương nhẹ.
Huyện Sìn Hồ là địa bàn bị thiệt hại nặng nhất với 9 người chết. Lực lượng chức năng đã phải đào bới sâu hàng mét đất đá mới có thể di chuyển thi thể các nạn nhân. Giao thông địa bàn này có tới hơn 10 tuyến hiện vẫn tê liệt vì sạt lở.
Tỉnh Lai Châu đã di dời được 155 hộ ra khỏi vùng nguy hiểm. Việc thăm hỏi, động viên hỗ trợ (hàng trăm triệu đồng kèm lương thực) đã được thực hiện kịp thời. Tỉnh cũng đã bắt đầu tiếp nhận vật chất đến từ nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức hảo tâm, trong đó Trung ương Hội Chữ thập đỏ cấp cho Lai Châu 150 triệu đồng.
Theo QUANG LỘC- TÙNG DUY- NGỌC THÀNH (Tiền Phong)
Thung lũng bị vùi dưới 30 m đất đá trong chớp mắt ở Lai Châu Ba quả núi đổ ập xuống thung lũng ở Sìn Hồ, lực lượng cứu hộ đào 3 ngày chưa đến được nóc nhà để tìm người bị vùi lấp. Ngày 27/6, người dân thôn Nậm Há 1, xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) dùng cuốc xẻng để tìm kiếm bốn nạn nhân trận lũ quét, lở núi ba hôm trước....