Hiền Mai: Bị hắt nước vào người, phục vụ bàn tới 12h đêm nhưng từ chối lời dụ dỗ tặng nhà, xe
“Lúc đó, nhiều người theo đuổi, dụ dỗ, muốn dâng tặng xe xịn, nhà cửa, tiền bạc, quần áo đồ hiệu nhưng Mai nghèo nhưng không hèn, đừng hòng có ai đụng được tới người”, Hiền Mai nhớ lại.
Những ai đã quen biết đủ lâu để hiểu con người của Hiền Mai thường hay dành cho chị những từ như “Hiền Mai dễ thương quá”, “Hiền Mai đáng yêu quá”, Hiền Mai hòa đồng quá”, “Hiền Mai bình dân quá…”.
Khi nghe những lời khen ấy, Hiền Mai thường chỉ biết cười cảm ơn. Chị bảo, để nhận được những lời khen như thế từ mọi người, chị đã phải trải qua một “quá trình” nhiều gian khổ.
Hiền Mai kể: “ Ngày xưa, nhà Mai nghèo, ba má là nhà văn nhà thơ, nhà báo. Thời bao cấp, đi đóng phim dù nổi tiếng nhưng không bao giờ có nhiều tiền.
Năm lớp 10, vì nhà nghèo quá, Mai quyết định đi làm thêm vào buổi tối, phục vụ bưng bê nước cho khách coi ca nhạc ở tụ điểm ca nhạc ngoài trời Hội Nghệ sĩ Thành phố trên đường Trần Quốc Thảo. Đó là cơ quan ba má Mai làm việc. Ngày đó, chỉ có con cháu nhà văn nhà thơ mới được vô làm phục vụ thôi.
Cực khổ lắm với một con bé mới 16 tuổi và học lớp 10 như Mai. Mai học ở trường từ trưa tới 5h30 chiều. Vừa tan học là chạy thục mạng về nhà, thay đồ phục vụ để đúng 6h chiều là có mặt tại tụ điểm.
Hiền Mai
Hiền Mai thời trẻ – một người mẫu diễn viên nổi tiếng thập niên 90.
Mai làm đầu tắt mặt tối, bưng bê nước, rửa ly rửa chén tới 12h đêm mới được về nghỉ và thường 1h sáng mới được ăn tối. Có lẽ đó là lý do Mai bị đau bao tử đến bây giờ.
Hồi đó, Mai xin vô làm trễ nhất so với mọi người nên được phân công làm ở khu tệ nhất, gần cổng, nơi mà khách tới xem chương trình chỉ được đứng chứ không có chỗ ngồi nên nhiều khi chen chúc đông quá, không coi được, khách rời đi chỗ khác.
Lúc mình bưng nước tới thì khách đã đi mất, khách khác tự động lấy uống, thế là mình phải đền tiền.
Bị đền tiền nước vài lần thì mình cũng khôn ra. Tự làm cái bảng số, cứ đưa bảng số cho ai thì giao nước cho người đó. Vậy mà cũng gặp nhiều khách khó chịu.
Thời điểm đó, Sài Gòn ít tụ điểm ca nhạc ngoài trời nên khách rất đông. Chờ lâu quá, không được uống, khách bực mình. Khi Mai bưng nước ra thì họ tức quá, cầm nguyên ly nước hắt vào người mình ướt hết.
Mình ngỡ ngàng nhưng cũng chỉ biết ngậm miệng cười.
Mai làm như vậy suốt mấy tháng trời, tối ngủ rất ít, sáng phải dậy sớm học bài nên hầu như ngày nào đi học, buổi trưa cũng ngủ gật trong lớp.
Lúc đầu, Mai bị thầy cô la dữ lắm vì suốt ngày ngủ gục nhưng tới khi thầy cô biết mình đi làm thêm thì ai cũng thương. Có lần Mai ngủ gục nhưng vẫn biết cô giáo tới chỗ mình, Mai sợ quá ráng dậy mà dậy không nổi. Các bạn tính kêu dậy thì cô nói “để bạn ngủ chút đi, đừng gọi”.
Nhắc tới kỷ niệm này, Mai chỉ muốn khóc vì thương thầy cô. Thầy cô giáo ngày xưa là vậy đó. Yêu thương học trò hết mình, dù tiền lương lúc đó chẳng có bao nhiêu.
Video đang HOT
Dù cuộc sống ngày xưa rất cực khổ, tiền kiếm không được bao nhiêu, nhưng Hiền Mai vẫn chọn cách sống ngẩng cao đầu dù xung quanh biết bao người theo đuổi, dụ dỗ cho nhà cho xe, cho tiền bạc đồ hiệu…
Sau lần làm phục vụ bưng bê nước là rất nhiều lần Mai đi làm công nhân hợp đồng, làm thợ nề dãi nắng đội mưa. Mai không bao giờ ngại khó ngại khổ. Vất vả tới mấy vẫn đứng vững, vẫn cười thật tươi và làm thật tốt công việc của mình.
Mai kể như vậy để muốn chia sẻ rằng, mình có thể nghèo nhưng không hèn. Mai nhớ lúc đó có rất nhiều người theo đuổi, dụ dỗ, muốn dâng tặng xe xịn, nhà cửa, tiền bạc, quần áo đồ hiệu cho Mai. Nhưng dù Mai rất nghèo nhưng Mai không cần, đừng hòng có ai đụng được tới người Mai. Bởi vậy, Mai mới được như bây giờ.
Nhìn lại mọi thứ đã qua, Mai nghĩ, mình có thể nghèo nhưng không được hèn. Mình phải biết trân trọng chính bản thân mình, lạc quan bởi cuộc sống này, chẳng ai đứng mãi một chỗ, chẳng ai nghèo mãi mãi cả.
Mai tin rằng, chính cách nghĩ đó đã tạo lập nên tính cách, tương lai và cả một cuộc đời Mai như bây giờ“.
Theo Trí Thức Trẻ
Từ bỏ giàu sang, dành nửa thế kỷ chăm mẹ bệnh nặng, Hiền Mai tạo nên "giai thoại" đẹp nhất showbiz
"Từ lúc chưa lấy chồng, má đã phải phẫu thuật não. Khi Hiền Mai được sinh ra, gần như trong người má, bệnh gì cũng có và lần nào vô viện cũng trong tình trạng sợ không qua khỏi được", Hiền Mai thổ lộ.
Hiền Mai lấy chồng Việt kiều - một người đang có sự nghiệp vững chắc tại Mỹ nhưng lại từ chối ra nước ngoài định cư, an hưởng cuộc sống giàu sang để được ở gần mẹ, chăm sóc mẹ cho tròn chữ hiếu.
Thậm chí Hiền Mai còn kiên quyết " em không thể bỏ mặc má được, em bắt buộc phải ở với má và lo cho má. Nếu anh chấp nhận về Việt Nam thì chúng ta kết hôn, không thì chia tay".
Cho tới giờ phút này, Hiền Mai vẫn luôn biết ơn chồng vì đã từ bỏ sự nghiệp ở Mỹ để về Việt Nam với mình. Bởi từ nhỏ, Hiền Mai đã luôn tâm niệm rằng, mình sẽ ở với mẹ, chăm sóc mẹ bằng tất cả những gì tốt nhất mà bản thân có thể lo được.
Được sống với má là những ngày tháng hạnh phúc nhất
Câu chuyện Hiền Mai hiếu thảo, chăm sóc mẹ bị bệnh suốt mấy chục năm qua đã trở thành một giai thoại khiến cả giới showbiz ngưỡng mộ. Cảm nghĩ của chị thế nào khi nhận lời khen này từ đồng nghiệp?
Má của Hiền Mai là nhà văn, nhà báo. Thời chiến tranh, má là phóng viên chiến trường và làm giao liên. Có lần má bị giặc Pháp đuổi lên đỉnh núi. Chúng rượt gần tới nơi, má nghĩ nếu mình bị bắt, bị tra tấn thì sợ chịu không được sẽ phải khai ra đồng đội nên má nhảy từ đỉnh núi xuống.
May là người mắc vào cành cây. Tới khuya, má đau đớn quá mà tỉnh dậy, bò về với đồng đội. Cũng kể từ đó, má bị bệnh nhiều và mắc những di chứng nặng nề.
Từ ngày chưa lấy chồng, má đã phải phẫu thuật não. Khi Hiền Mai được sinh ra, gần như trong người má bệnh gì cũng có và lần nào vô viện cũng trong tình trạng sợ không qua khỏi được. Trong đó, bệnh nặng nhất của má là suy tuỷ, một dạng ung thư máu tức là tuỷ không làm ra hồng cầu.
Diễn viên Hiền Mai.
Ngày đó thuốc men không có nhiều như bây giờ nên bác sĩ chỉ chích corticoid cho má nhưng má phản đối. Bởi trước khi chích, bác sĩ cũng giải thích rõ là chích thuốc này để kích thích tuỷ sản sinh hồng cầu nhưng về lâu dài sẽ bị mục xương.
Má đành phải chấp nhận vì nếu không chích thì má sẽ chết ngay còn nếu chích thì phải chục năm nữa, xương mới mục.
Mỗi lần má vô nhà thương, Mai cứ nghĩ là mình sẽ mất má. Chính điều đó khiến Mai hiểu má cần thiết như thế nào đối với cuộc đời mình. Và đó cũng là lý do mà mình yêu thương và chăm sóc má hết lòng.
Hơn ai hết, Mai hiểu rất rõ tình cảm của người con dành cho mẹ, khi mà không biết mình còn được ở với mẹ bao lâu nữa.
Hiền Mai không dám nhận mình có hiếu. Bản thân Mai nghĩ là do hoàn cảnh tạo ra thôi. Mai cứ luôn nghĩ rằng, những ngày được sống với má là những ngày hạnh phúc nhất của đời mình nên luôn cố gắng làm tốt hết sức những gì có thể để lo cho má.
Nổi tiếng ở bệnh viện Thống Nhất vì chữa khỏi bệnh suy tuỷ
Mấy chục năm chăm sóc cho mẹ, chị có nhớ được, mẹ đã phải nhập viện bao nhiêu lần không?
Hầu như năm nào má cũng nhập viện. Má nhập viện nhiều đến mức, một người bà con rủ một người bà con khác đi thăm má của Mai bị bệnh thì người kia nói "trời ơi, một năm bà Tám ở viện 9, 10 tháng, có gì lạ đâu mà đi thăm".
Nói thế để thấy là rất mệt mỏi và cực khổ những lần vô viện chăm nuôi má nhưng sau đó là niềm hạnh phúc được đón má về nhà, được nhìn thấy nụ cười của má.
Mai cảm thấy mình may mắn vì đến giờ này vẫn còn được ở với má, được mỗi đêm ôm hôn má, được má vuốt mặt, hôn và nói chuyện với mình. Đối với một người con, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất.
Như những gì chị chia sẻ thì thời gian mẹ ở viện có lẽ còn nhiều hơn cả thời gian ở nhà. Và với từng đó chứng bệnh trong người, mẹ sống được tới bây giờ đã là một kỳ tích. Chị có nghĩ vậy không?
Đúng vậy. Mai rất nể phục sự kiên cường của má. Sự kiên cường của má đã cho Mai nhiều bài học quý giá bởi từ thời trẻ, mọi người đã nghĩ má không thể sống lâu được. Ai cũng nói, má chỉ cầm cự được vài ba năm.
Thời còn bao cấp, má từng được nhà nước cho đi Đông Đức ghép tuỷ nhưng lúc đó nhà rất nghèo và không có tiêu chuẩn cho người nhà theo chăm sóc. Má sợ qua Đức chữa bệnh vừa không biết tiếng, vừa không có người nhà bên cạnh, lỡ chết ở xứ người thì buồn nên má quyết định không đi.
Má ở nhà, ai bày thuốc gì má cũng làm theo. May mắn là má tìm ra bài thuốc chữa bệnh suy tuỷ: máu thỏ với nước dừa xiêm. Với bài thuốc đó, chỉ trong vài tháng, má hết bệnh. Ở bệnh viện Thống Nhất, má Mai rất nổi tiếng vì là người vượt qua được bệnh suy tuỷ.
Xin đổi 10 năm tuổi thọ của mình lấy 5 năm cho mẹ
Còn người ngoài nhìn vào lại nể phục Hiền Mai, bởi chị chính là người đã cùng mẹ làm nên kỳ tích đó?
(Cười) Lần cuối gần đây nhất là hai năm trước, má bị đột quỵ nhẹ và phải vô viện tim. Suốt mấy tháng trời, má không nói chuyện được, không nhớ được ai và cũng không ăn uống được gì.
Thời điểm đó, một chén sữa mà Mai phải đút cho má từng muỗng, nhiều khi 2, 3 tiếng mới hết vì má cứ ngậm, nhất quyết không chịu nuốt. Mai phải gọi điện cho bạn bè, bà con để má nghe, má dòm thấy lạ lạ rồi biết đâu má nuốt.
Bác sĩ Huân là Giám đốc viện tim xuống phòng thăm má, thấy Mai cực khổ quá nên đề nghị gia đình bơm thức ăn bằng đường ống dẫn xuống dạ dày cho má, vừa đỡ cực người nhà và cũng tránh tình trạng bệnh nhân ngậm dễ bị sặc, vào phổi thì nguy hiểm.
Sau khi Mai hỏi ý kiến một số bác sĩ quen thân và cả người nhà thì quyết định không làm. Mai sợ truyền thức ăn như vậy sẽ vô tình tạo thói quen cho má, khiến má không ngồi dậy được nữa và còn làm má đau, tội nghiệp.
Thà Mai ráng chịu cực chút, không sao!
Hiền Mai đang kiểm tra huyết áp và nhịp tim cho mẹ.
Mẹ của Hiền Mai nở nụ cười, ánh mắt hạnh phúc khi ở bên con gái.
Suốt mấy tháng trời má nằm như vậy, tim thường xuyên ở tình trạng đập nhanh. Mai vốn là người rất lạc quan, không bao giờ muốn đưa điều gì khó khăn hay đau khổ lên facebook nhưng đến lúc đó, Mai tuyệt vọng quá.
Mai đăng facebook và xin bạn bè, anh chị em mỗi người vô chúc má một câu, biết đâu những lời chúc ấy sẽ làm động lòng ông Trời, cho má nhiều năng lượng để khoẻ khoắn hơn.
Sau đó, Mai ra bàn thờ Phật Bà Quan Âm ở viện Tim cầu nguyện. Mai xin đổi 10 năm tuổi thọ của mình để xin cho má thêm 5 năm tuổi thọ, vượt qua cơn bệnh hiểm nghèo này. Nếu đến năm 2021, tức là lúc má 90 tuổi, má vẫn được khoẻ mạnh thì Mai nguyện ăn chay trường để tạ ơn Trời Phật.
Có lẽ lời nguyện cầu của Mai đã động lòng Trời Phật và má đã vượt qua. Khoẻ mạnh thì chưa nhưng má bắt đầu nói chuyện được và minh mẫn trở lại, hàng ngày đọc báo và đùa giỡn được với con cháu. Đó là hạnh phúc lớn nhất của Mai.
Mai không dám nhận hết công sức về mình. Nhớ hồi má hơn 40 tuổi, má bị bệnh nặng lắm. Má thấy trong người không ổn. Nghe tiếng một ông thầy coi bói rất giỏi nên má tới. Ông thầy đó nói má bị bệnh ra máu và sẽ không qua khỏi, nên chuẩn bị lo hậu sự. Tuy nhiên, ông thầy cũng nói "đức năng thắng số, nếu cô sống có đức thì mới qua được kiếp nạn này".
Má từ xưa đến giờ được rất nhiều người yêu quý và nể trọng. Mai nghĩ, má sống được đến giờ này là là đức năng thắng số. Bản thân Mai cũng từng đi qua cửa tử và rất thấm câu này.
Hiền Mai rớt nước mắt khi nhớ lại những ngày mẹ liên tục nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, không biết có qua khỏi không.
Nhờ sự chăm sóc kỹ lưỡng của Hiền Mai mà mẹ của cô đang sống mạnh khoẻ và minh mẫn ở tuổi 88.
Cảm ơn Hiền Mai đã chia sẻ!
Đã từ nhiều năm nay, Hiền Mai có một thói quen, dù đi quay phim, đi chơi hay đi công việc, về nhà khuya cỡ nào, chị cũng bước vào phòng nhìn mẹ một cái rồi mới yên tâm lên phòng mình. Nếu mẹ còn thức hay bị tỉnh giấc, Hiền Mai sẽ kiểm tra huyết áp cho mẹ, nói chuyện với mẹ, ôm hôn mẹ, cho mẹ uống nước, uống thuốc rồi mới đi ngủ.
Theo Trí Thức Trẻ
Á hậu Thùy Dung thăm biệt thự của Hiền Mai Á hậu Việt Nam 2016 có dịp khám phá biệt thự ven sông của đàn chị tại quận 2, TP HCM khi làm MC một chương trình truyền hình. Á hậu Thùy Dung (phải) đảm nhận vai trò MC chương trình 'Nét xanh trong kiến trúc'. Cô vừa có dịp đến thăm biệt thự ven sông của diễn viên Hiền Mai tại quận...