Hiếm nơi nào thủy điện “gây họa” nhiều như Việt Nam
Sự cố xảy ra ở thủy điện Sông Bung 2 tiếp tục nối dài danh sách những dự án thủy điện gây ra tai họa cho người dân. “Tôi chưa thấy nơi nào có nhiều thông báo về sự cố thủy điện nhỏ và vừa như ở Việt Nam, năm nào cũng có”, GS.TSKH Phạm Hồng Giang thốt lên.
Dồn dập sự cố
Kể từ 2011 đến nay, hầu như năm nào, những scandal liên quan đến thủy điện cũng xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng gắn với những thiệt hại khôn lường về người và của.
Tháng 6/2011, đường ống dẫn nước từ đập về Nhà máy thủy điện Đam Bol (tỉnh Lâm Đồng) đã bất ngờ bị vỡ. Sự cố khiến một người chết, một người mất tích và ba người bị thương nặng.
Năm 2012, vụ vỡ đập chắn thủy điện Đakrông 3 cũng khiến dư luận xôn xao. Cụ thể, hai khoang tràn (ngang 20 m, cao 6 m) bên trên của đập chính nhà máy đã bị vỡ. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 20 tỷ đồng.
Thủy điện sông Bung 2 gặp sự cố làm thiệt hại về người và của.
Trong năm này, thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam) cũng gây ồn ào khi phát hiện nhiều vết nứt, rò rỉ nước ở thân đập chính của công trình. Sự cố khiến dư luận hoang mang khi đây là một trong những vùng có nhiều nguy cơ xảy ra động đất. Sau cùng, nguyên nhân được chỉ ra là do lỗi thiết kế đã quên đường ống thoát nước kết nối từ dãy tầng hầm bên trái với dãy bên phải dẫn về phía hạ lưu.
Năm 2013, cũng vào khoảng tháng 6, đập dâng thủy điện Ia Krêl 2 (công suất 5MW trên suối Ia Krêl – Gia Lai) đã bị vỡ toác, đe dọa tính mạng hàng trăm hộ dân phía sau đập và phá hủy hàng trăm hécta hoa màu, khoảng 200ha diện tích cây trồng của người dân và cao su của công ty 72 bị thiệt hại, khoảng 69 ngôi nhà chòi bị ngập, nhiều xe ôtô, xe máy và các phương tiện phục vụ thi công bị hư hỏng,…
Cũng trong năm 2013 này, khoảng độ giữa năm, tại Dự án thủy điện Vĩnh Hà (Lào Cai), mưa lũ đã gây vỡ đê bao kỹ thuật đập thủy điện Vĩnh Hà, làm thiệt hại cho công ty khoảng 20 tỷ đồng và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống nhiều hộ gia đình trong vùng dự án xây đập thủy điện.
Sự cố thủy điện vẫn chưa dừng lại. Đến tháng 8/2014, Dự án thủy điện Ia Krel 2, lại vỡ đê quai thượng lưu, đây là lần thứ hai thủy điện này gặp sự cố. Đến năm 2016, sự cố thủy điện lại tái diễn khi đường hầm dẫn dòng thi công tại đập thủy điện Sông Bung 2 (Nam Giang, Quảng Nam) bị vỡ, khiến 2 công nhân thiệt mạng, cuốn trôi nhiều người, máy móc, nhà cửa,…
Trao đổi với PV. VietNamNet, GS.TSKH Phạm Hồng Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, thốt lên: “Tôi chưa thấy nơi nào có nhiều thông báo về sự cố thủy điện nhỏ và vừa như ở Việt Nam. Thủy điện nhỏ và vừa ở nước ta năm nào cũng có sự cố”.
Thủy điện không có lỗi, lỗi ở con người
Trên thế giới, thủy điện phát triển rất mạnh. Bất cứ nơi nào có thể khai thác được nguồn thủy năng thì đều có thủy điện vì dẫu sao, thủy điện vẫn được đánh giá là năng lượng sạch và tái tạo. Ở nhiều nước, nguồn thủy năng dồi dào và được tận dụng ở mức rất cao.
Video đang HOT
Thủy điện sông Tranh 2 từng bị rò rỉ nước khiến nhiều người lo sợ.
Chẳng hạn, ở Na Uy, 97% tổng sản lượng điện là từ thủy điện. Trong điều kiện cần hạn chế các năng lượng phát ra từ dầu, than, người ta còn có chủ trương tận dụng làm hết thủy điện nhỏ ở những vùng núi cao mà đến nay còn chưa khai thác do địa thế hiểm trở.
Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo các chuyên gia, ở nước ta thủy điện chiếm hơn 30% tổng lượng điện quốc gia. Giả sử không có thủy điện thì cứ 3 ngày Việt Nam có 1 ngày mất điện.
Thế nhưng, với những sự cố thủy điện liên tục xảy ra gần đây, GS. Phạm Hồng Giang nhấn mạnh: Bản thân thủy điện chả có lỗi gì, lỗi ở con người. Việc làm thủy điện của ta còn thiếu trách nhiệm. Quản lý quy hoạch và quá trình đầu tư được phân cấp cho các địa phương, không có người am hiểu chuyên môn. Rồi ai cũng có thể làm chủ đầu tư. Xoay sở ra dự án rồi thì tìm cách vay ngân hàng để đầu tư. Chọn đơn vị thiết kế rẻ, thiếu kinh nghiệm cũng được. Thi công cũng thế. Như vậy trình độ, ý thức trách nhiệm của chủ đầu tư, thiết kế, thi công đều kém.
“Cho nên sự cố xảy ra tại một số đập mấy năm qua cho thấy những người chịu trách nhiệm của dự án không am hiểu kĩ thuật, làm rất ẩu, làm bừa, cứ tưởng làm thủy điện thì ai cũng làm được”, GS Giang nói.
Theo các chuyên gia, cấp phép thủy điện phải dựa trên cơ sở quy hoạch. Nhưng hiện nay quy hoạch đang bị buông lỏng nên nhiều khi có phần dễ dãi với thủy điện.
Nhiều doanh nghiệp đổ xô đầu tư thủy điện vì tuy suất đầu tư ban đầu cho thủy điện cao nhưng làm xong rồi thì chi phí quản lý vận hành lại rất nhỏ.
“Theo tôi biết hiện có doanh nghiệp tiềm lực yếu vẫn làm thủy điện. Vì có dự án vẽ ra cho đẹp thì dễ thuyết phục để vay tiền. Vay được làm thủy điện rồi thì yên tâm thu lợi. Nếu chẳng may bị nợ xấu lại tìm cách xoay sở để thoát”, GS Phạm Hồng Giang chia sẻ.
Theo Hà Duy
VietnamNet
Vụ vỡ cống dẫn dòng thủy điện: Dân tưởng vỡ đập vì bất an với "quả bom nước"
Sự cố vỡ cống dẫn dòng dự án thủy điện Sông Bung 2 làm mất tích 2 công nhân và gây thiệt hại tài sản cho người dân một số xã của huyện Nam Giang nằm trên dòng sông Bung. Điều đáng nói là thông tin "vỡ đập" đã lan truyền nhanh chóng xuống vùng hạ du khiến người dân rất hoang mang.
Ngay trong chiều tối ngày 13/9, khi sự cố vừa xảy ra, người dân ven sông Thu Bồn - Vu Gia ở các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, TP Hội An... (Quảng Nam) đã nhận được thông tin của người dân ở vùng gần dự án là "vỡ đập Sông Bung 2". Chưa biết thông tin "vỡ đập" chính xác đến đâu nhưng tâm lý người dân khi nghe 2 chữ "vỡ đập" là hoảng hốt.
Cống dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 trước khi bị sự cố
Chiều tối ngày 13/9, khi nghe thông tin này, PV đã gọi điện xác minh lãnh đạo đơn vị chủ đầu tư và lãnh đạo các huyện có công trình dự án thủy điện Sông Bung 2 thì được biết là vỡ cống dẫn dòng.
Tuy nhiên, khi xác minh người dân ở vùng hạ du thì họ cho rằng thông tin vỡ đập là chính xác và họ tất tả dọn dẹp nhà cửa, đồ đạc lên chỗ cao nhằm hạn chế thiệt hại. Ngay cả một số cơ quan truyền thông trong bản tin ban đầu cũng cho rằng "vỡ đập" khiến người dân vùng hạ du càng hoang mang hơn.
Sau vài tiếng xảy ra sự cố, khi ông A Lăng Mai (Chủ tịch huyện Nam Giang) đến hiện trường xác nhận thì thông tin "không vỡ đập" mới được xác minh chắc chắn; tuy nhiên lúc này người dân vùng hạ du vẫn hoang mang, việc di dời đồ đạc đến vùng cao, vùng an toàn của người dân vẫn tiếp tục.
Cống dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 sau khi bị sự cố
Ngay trong đêm đó, đích thân Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - ông Huỳnh Khánh Toàn dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh gồm Giám đốc Sở Công thương, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh trực tiếp tới dự án thủy điện Sông Bung 2 (nằm ở xã La Dêê, huyện Nam Giang).
Ông Toàn cho hay, đến khoảng hơn 23h, ông mới đến được công trường dự án để xác minh thông tin "vỡ đập". Tuy nhiên, khi thông tin chính thức được phát đi thì hàng vạn người dân vùng hạ du đã một phen khiếp vía, thức suốt đêm...
Sau khi xác minh thông tin, đến 6h sáng ngày 14/9, ông Toàn đã có mặt ở TP Tam Kỳ (cách hiện trường dự án thủy điện Sông Bung 2 khoảng gần 200km) để tiến hành tổ chức họp báo khẩn công bố thông tin vụ việc.
Việc người dân vùng hạ du hoang mang, lo sợ cũng chính đáng bởi trên thượng nguồn hai dòng sông Vu Gia và Thu Bồn có cả chục thủy điện lớn nhỏ, đây là những "quả bom nước" treo lơ lửng trên đầu. Các thủy điện này có dung tích từ hàng chục đến hàng trăm triệu mét khối nước, nếu có sự cố vỡ dây chuyền thì hậu quả sẽ khó lường.
Toàn cảnh đập dâng thủy điện Sông Bung 2
Chia sẻ với PV Dân trí, ông Ngô Vinh - Chủ tịch UBND xã Đại Sơn (huyện Đại Lộc, một trong các xã nằm ven sông Vu Gia) - cho hay, chiều ngày 13/9, người dân truyền nhau thông tin vỡ đập, ngay lập tức, rất đông người dân trên địa bàn đã nháo nhác sơ tán lên núi, những nơi cao ráo để chạy lũ. Chính quyền xã Đại Sơn đã ra sức vận động, trấn an nhưng nhiều người vẫn không chịu về nhà.
"Theo ước tính có khoảng 550 hộ với trên 2 ngàn người bỏ chạy lên núi. Đến sáng hôm sau cũng chỉ có một nửa trong số đó trở về nhà, còn đến trưa chiều khi thấy "không có gì" bà con mới trở về nhà hết", Chủ tịch xã Đại Sơn nói.
Thông tin "vỡ đập" xuất phát từ đâu? Ông Ngô Vinh cho biết, một số người dân ở xã có người thân làm việc trên đó sau khi chứng kiến dòng nước lũ ào ào đổ về tưởng là vỡ đập nên gọi điện báo cho người thân ở dưới xuôi nên với xảy ra cảnh "chạy lũ" nháo nhào.
Các xã lân cận, người dân cũng không kém phần lo lắng, bất an. Ngay sau xác minh thông tin, chính quyền huyện Đại Lộc đã kịp thời phát thông tin trấn an chính quyền địa phương và nhân dân, yêu cầu người dân các địa phương cần bình tĩnh, không hoang mang...
Đoàn công tác của Bộ Công thương và EVN lên kiểm tra sau khi sự cố xảy ra
Còn nhớ năm 2009, khi thủy điện A Vương xả lũ đột ngột khiến nhiều vùng ở hạ du vùng Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn... bị lũ kép gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tiếp theo đó, từ năm 2012, thủy điện Sông Tranh 2 gây động đất, rò rỉ nước ở thân đập cũng làm người dân quanh vùng dự án và vùng hạ du đã nhiều năm "ăn không ngon, ngủ không yên" nên thông tin "vỡ đập" dù chưa biết chính xác đến đâu cũng làm cho người dân vùng hạ du như muốn "vỡ tim".
Thủy điện Sông Bung 2 mới được tích nước từ ngày 3/9 thì đến ngày 13/9 xảy ra sự cố. Hồ chính cũng chỉ mới tích nước được gần 30 triệu mét khối trong số 94 triệu mét khối của dung tích hồ nhưng đã xảy ra sự cố vỡ cống dẫn dòng.
Cống dẫn dòng này nằm sâu dưới đáy hồ (có chiều cao 14, rộng 12), khi các đơn vị đang thi công để lấp vĩnh viễn cống dẫn dòng này thì nước lũ về gây bục cống dẫn đến sự cố. Theo chủ đầu tư, nguyên nhân là do lũ lớn về đột ngột do ảnh hưởng bão số 4 làm cống dẫn dòng bị bục.
"Qua thực tế kiểm tra tại hiện trường cho thấy do cửa van số 2 của hầm dẫn dòng bị nước lũ cuốn trôi về hạ lưu, dẫn đến việc nước lũ chảy vào hầm dẫn dòng với lưu lương khá lớn và chảy về phía hạ du gây ngập", thông cáo báo chí của chủ đầu tư sau đó giải thích.
Đặt tình huống vỡ đập Sông Bung 2 có ảnh hưởng đến hạ du? Trong cuộc họp báo khẩn về vụ việc sáng ngày 14/9, ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - cho biết, đập Sông Bung 2 chỉ có dung tích gần 100 triệu mét khối; tuy nhiên hồ đang tích nước nên lượng nước cũng không đầy hồ.
Ông Toàn cũng khẳng định lượng nước ở thủy điện Sông Bung 2 khi chảy xuống thì hồ thủy điện Sông Bung 4 sẽ "hứng" hết vì lòng hồ Sông Bung 4 có khoảng 550 triệu mét khối. Kể cả lượng nước trong hồ Sông Bung 2 đầy chảy xuống hết thì cũng không đủ cho Sông Bung 4 chứa. Hơn nữa đã có quy định vận hành liên hồ chứa nên các hồ thủy điện ở thượng nguồn của Quảng Nam đều phải tuân thủ theo quy định.
Trao đổi với PV Dân trí về những "quả bom nước" trên vùng thượng nguồn ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý người dân vùng hạ du, GS.TS. Nguyễn Thế Hùng (Trưởng Bộ môn cơ sở kỹ thuật thủy lợi, Khoa xây dựng thủy lợi - thủy điện, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng) - cho biết, đằng sau đập mà có vùng dân cư quan trọng thì người ta phải có đập phụ, khi có sự cố thì đập phụ này vỡ để bảo vệ đập chính, sau đó khắc phục lại không tốn kém nhiều. Vấn đề dân cư vùng hạ du thì nước từ đập phụ chảy ra không nhiều lắm, hơn nữa đập phụ sẽ được xây dựng để chảy ra ở vùng dưới đó không có dân.
"Tôi có lời khuyên là bắt buộc chủ các hồ chứa phải có phương án vỡ đập thì nước lũ đi đường nào. Đến khi đập vỡ thì thông báo cho người dân di chuyển lên vùng an toàn. Cần phải có kịch bản trước và đặt một bài toán giả định. Các hồ chứa trên thế giới điều có kịch bản hết". GS.TS. Nguyễn Thế Hùng nói.
Công Bính
Theo Dantri
Tổng công ty Phát điện 2: Thuỷ điện Sông Bung 2 vỡ cống dẫn dòng do mưa lớn Sự cố xảy ra làm thiệt hại một số thiết bị thi công và mất tích 2 công nhân vận hành máy đào của nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng Thủy lợi 4. Đập dâng của dự án thủy điện Sông Bung 2, bên dưới là cống dẫn dòng, bên cạnh là đập tràn. Liên quan tới sự cố Thuỷ điện Sông...