Hiểm hoạ từ tài xế container
Phải liên tục quay vòng vì thiếu lái xe, chạy nhanh để giải phóng hàng, nhiều tài xế xài bằng giả… được cho là nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.
Tại vỉa hè đường Mai Chí Thọ (quận 2, TP HCM) chiều 6/6, tài xế Minh vừa rít thuốc vừa tu ừng ực lon nước tăng lực rồi khoát tay ra hiệu cho phụ xe lên cabin, ra Khánh Hòa giao hàng. Theo hợp đồng, trong đêm, thùng container thiết bị điện tử lấy từ cảng Cát Lái phải được giao xong.
“Hàng gấp nên chẳng dám nghỉ ngơi nhiều. Giao trễ, chủ xe phải đền hợp đồng cho khách còn mình bị rầy, không có tiền công, thậm chí là cắt thưởng cuối năm”, lái xe 30 tuổi cho biết.
Theo tài xế xe đầu kéo, áp lực với họ rất lớn khi lưu thông trên đường. Ảnh: Duy Trần
Quê Tiền Giang, Minh theo nghề lái xe đầu kéo gần 10 năm, bôn ba từ Bắc vào Nam không thiếu tỉnh nào. “Mới giao hàng ở Đà Nẵng về hồi khuya, ngủ được 3-4 tiếng thì chủ kêu có hàng gấp phải đi. Tháng 30 ngày làm tất, đến ngủ còn không đủ chứ nghĩ gì đến vợ con…”, Minh thở dài rồi uống nốt lon nước tăng lực.
Thiếu ngủ thành “bệnh” với cánh tài xế xe đầu kéo, họ phải liên tục quay vòng để giải phóng hàng trong khi lộ trình không hề ngắn. Ngoài những chuyến tại TP HCM, đa phần tài xế xe đầu kéo phải di chuyển với khoảng cách vài trăm đến hàng nghìn km. Do vậy việc thiếu tỉnh táo khi cầm vô lăng là điều Minh không thể phủ nhận.
“Có ai muốn xảy ra tai nạn đâu, nhưng đúng là nhiều lúc mình không thể làm chủ được bản thân. Cứ mỗi lần nghe đến chuyện tai nạn ở đâu đó là tôi không tránh được cảm giác rợn người, chùn tay và cầu nguyện cho những chuyến đi của mình luôn bình an vô sự”, tài xế này chia sẻ.
Nhắc đến vụ xe đầu kéo tông chết 5 người trong ôtô tại Thủ Đức rạng sáng ngày cuối tháng 5, Minh bảo cũng biết tài xế Võ Văn Răng (48 tuổi). “Mấy hôm nay nghe báo chí nói ổng khai do đứt thắng, sau đó lại là nhấn nhầm chân ga. Không biết công an kết luận sao, nhưng anh em trong nghề đồndo ổng ngủ gật, cũng do suy từ mình ra thôi. Quãng 3-4h sáng là nỗi ám ảnh với chúng tôi. Đường vắng, chạy sướng thật nhưng không gian yên tĩnh buồn ngủ lắm. Tui cũng mấy lần ngủ gật sau tay lái”, Minh nói.
Video đang HOT
Chỗ nghỉ ngơi ngay trong cabin của tài xế xe đầu kéo. Thông thường người này ngủ người kia lái thay phiên nhau. Ảnh: Duy Trần
Trong 18 năm cầm lái, anh Lê Bá Đoan bảo nhớ nhất lần chở hàng ra Hà Nội năm 2011. “Khoảng 2h sáng tôi chạy đến Bình Thuận thì cơn buồn ngủ kéo đến. Mình dại, vẫn ráng chạy cho kịp giao hàng. Ai dè “rầm rầm” rồi bị hất tung, tỉnh dậy thấy nằm trong bệnh viện”, anh Đoan cho hay.
Sau này được kể lại anh mới biết mình đã cho xe lao thẳng vào trụ điện trong lúc thiếp đi. Anh bất tỉnh và được người dân đưa đi cấp cứu. “Trong cái rủi có cái may, lần đó lỡ tông xe ngược chiều hoặc lao vào nhà dân thì khổ mình, khổ người. Một lần mà sợ đến già, không dám liều mỗi khi buồn ngủ nữa”, Đoan nhỏ giọng như nói với chính mình.
Trên thực tế, hàng loạt tai nạn đã xảy ra do tài xế ngủ gật sau tay lái nhưcontainer lật giữa đường. Hay do tài xế mất sức, phải giao vô lăng cho phụ xe cầm lái khiến container cuốn 4 người trong gia đình vào gầm. Đây không chỉ là nguyên nhân khiến loại xe được mệnh danh “hung thần xa lộ” gây tai nạn, mà còn xảy ra với cả các xe khác như vụ lật xe khách tại Nghệ An; đâm đuôi xe tải trên cao tốc Trung Lương làm 4 người chết, gần 10 người bị thương…
Ông Đô có 2 xe đầu kéo tại quận 9, một chiếc giao “lính”, chiếc còn lại ông tự cầm lái. Người chủ xe cho biết do đội ngũ lái xe container hiện rất thiếu, các doanh nghiệp nhỏ như ông khó tìm người nên toàn thuê các lái xe trẻ. “Họ đa phần còn non tay nghề, nhiều tài xế trẻ còn xài bằng FC giả. Bằng này giờ làm tinh vi lắm, chủ xe sao xác định được, chỉ có công an mới biết. Nhiều trường hợp khi tai nạn, cảnh sát điều tra thông báo thì chủ xe mới biết tài xế xài bằng giả”, ông Đô trần tình.
Lý giải về việc thiếu tài, chủ xe này cho hay, để lấy bằng FC lái xe cần khá nhiều thời gian và khó khăn. “Ông lái xe khách thì chuyên lái loại đó, không có chuyện đùng đùng thi lấy bằng qua lái xe đầu kéo. Nên đa phần tài xế xe này thường từ phụ xe lâu năm, học lên. Nhưng quy định lái hàng chục nghìn cây số an toàn khó nhằn lắm, lâu lâu bị va quẹt coi như số km tích lũy mất hết, phải làm lại”, ông Đô nói.
Vụ tai nạn do xe đầu kéo gây ra khiến 5 người tử vong ở TP HCM. Ảnh: C.T.V
Theo một lãnh đạo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, nguyên nhân lớn nhất khiến tài xế xe đầu kéo bị áp lực là thiếu người. Luật quy định, muốn thi lấy bằng FC để lái xe đầu kéo, tài xế phải có bằng C cùng 3 năm kinh nghiệm và 50.000 km lái xe an toàn. Từ quy định này, nhiều xe đầu kéo ở TP HCM phải “trùm mền” vì không thuê được tài xế.
“Thiếu tài dẫn đến thiếu xe, các đơn hàng lại dồn dập nên doanh nghiệp vận tải phải quay vòng tài xế cho kịp thời gian hợp đồng với đối tác. Chủ xe khó, vì trễ hẹn phải đền hợp đồng nên tài xế buộc phải chạy. Thiếu tài cũng dẫn đến việc nhiều người làm giả bằng FC để chạy xe”, lãnh đạo hiệp hội nói.
Đơn vị nàh đã đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải giải pháp “hạ chuẩn” cho tài xế lấy bằng lái FC như: tài xế trên 24 tuổi, có một năm kinh nghiệm và 15.000 km lái xe an toàn. Nếu quy định này được thông qua, tình trạng thiếu người và làm bằng giả sẽ hạn chế.
Duy Trần
Theo VNE
Thi công đường sắt đô thị: Hiểm họa trên đầu người dân
Việc thi công đường sắt trên cao ở Hà Nội liên tục xảy ra tai nạn, chỉ riêng hôm qua có đến 2 vụ, khiến người dân bất an.
Hiện trường vụ sập cần cẩu trên tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chiều 12.5 - Ảnh: Bảo Hoàng
Hết rơi thanh sắt đến sập cần cẩu
Vào khoảng 9 giờ 45 ngày 12.5, một thanh sắt tại công trường thi công nhà ga của dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đoạn qua ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến đã bất ngờ rơi xuống đường trúng vào một xe ô tô lưu thông bên dưới.
Trong khi PV chụp hình thì một số người mặc thường phục xưng là Công an Q.Thanh Xuân yêu cầu không được chụp ảnh vì "chỉ là một cục sắt bằng nắm tay rơi xuống thôi, không ảnh hưởng gì cả". Tuy nhiên, một số người dân gần hiện trường cho biết, "vật" rơi trúng chiếc ô tô là thanh sắt có chiều dài gần 1 m, giống như cây xà beng. Tuy nhiên "vật" này sau đó đã được đưa đi nơi khác.
Sự việc chưa lắng xuống thì ngay trong chiều qua tại dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội (tuyến đường sắt số 3) khoảng 16 giờ, một chiếc cần cẩu bất ngờ đổ sập vào hai ngôi nhà số 359 - 361 trên đường Cầu Giấy (P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội). Ông Vũ Quang Vạn (ở đối diện hiện trường) cho biết, vào thời điểm trên, ông đang đứng ở tầng 4 thấy chiếc máy xúc màu vàng đang nâng vật liệu từ dưới đất lên, bất ngờ va chạm với chiếc cần cẩu cạnh đó khiến cẩu đổ sập ngang đường đè vào nhà dân.
"Sau khi cần cẩu đổ xuống đường, tôi thấy hai người đi xe máy vướng vào cáp ngã xuống đường, trong đó có một phụ nữ mang thai", ông Vạn kể lại. Được biết, người phụ nữ mang thai đã được người dân đưa đi cấp cứu, thanh niên còn lại chỉ bị xây xước nhẹ nhưng hết sức hoảng loạn sau khi thoát chết trong gang tấc.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại hiện trường, chiếc cẩu có chiều dài gần 20 m vắt ngang từ giữa đường Cầu Giấy sang nhà dân. Phần mái cửa hàng bán quần áo, tiệm vàng biển hiệu bẹp dúm. Chân cần cẩu hình trụ có đường kính gần 2 m đè trên máy xúc bị bẻ cong. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, hiện trường được giải phóng, công nhân khẩn trương thu dọn các vật liệu vương vãi trên đường và trước nhà dân.
Họa từ trên trời rơi xuống
Đáng chú ý, chỉ vài giờ đồng hồ trước khi vụ sập cần cẩu tại tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội xảy ra, UBND TP. Hà Nội đã ra thông báo kiểm điểm trách nhiệm, siết chặt an toàn lao động trên toàn tuyến. Bởi trước đó, khoảng 18 giờ ngày 10.5, tại công trường thi công ga số 4 tuyến (trước cửa nhà số 256 Hồ Tùng Mậu) một thanh cừ thép thép dài 9 m, nặng hơn nửa tấn đã bất ngờ tuột khỏi cần cẩu rơi xuống đường đang có đông người lưu thông. Như vậy chỉ trong 3 ngày, tại dự án này đã xảy ra 2 sự cố mất an toàn lao động, uy hiếp tính mạng, tài sản người tham gia giao thông.
Đối với dự án đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông, ngoài sự cố thanh sắt rơi xuống ô tô vào ngày hôm qua thì trước đó đã xảy ra 2 vụ mất an toàn nghiêm trọng khác.
Cấm cửa nhà thầu làm rơi cừ sắt từ công trình xuống đường
Chiều 12.5, Văn phòng UBND TP.Hà Nội đã có văn bản thông báo kết luận của ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội về sự cố rơi thanh sắt hơn nửa tấn ra đường tại dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội. Theo đó, UBND TP.Hà Nội giao Sở Xây dựng kiểm tra, lập biên bản và có quyết định xử phạt nghiêm đối với nhà thầu Posco và nhà thầu phụ (Công ty cổ phần đầu tư xây dựng hạ tầng Inceco) theo quy định pháp luật. Đồng thời, Sở Xây dựng ra thông báo cấm nhà thầu phụ thi công các công trình dự án có nguồn vốn của thành phố trên địa bàn trong thời hạn 1 năm.
UBND TP.Hà Nội cũng quyết định giao Công an TP. Hà Nội thành lập Tổ công tác liên ngành với các sở Xây dựng, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh - Xã hội kiểm tra các công trình thi công trên đường bộ đang khai thác (43 điểm) về công tác đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động... xử lý nghiêm các vi phạm. Nếu cần thiết thì đình chỉ thi công.
Thái Sơn - Bảo Hoàng
Theo Thanhnien
Đồng Nai: Tài xế xe khách ngủ gật, gây TNGT Trong ngày 22/4, trên địa bàn thị xã Long Khánh và huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đã xảy ra 2 vụ TNGT. Điều đáng nói là 1 vụ tai nạn do tài xế ngủ gật gây nên. ảnh minh họa Khoảng 14 giờ ngày 22/4, trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua ấp Suối Tre (xã Suối Tre, TX. Long Khánh) đã xảy...