Hiểm họa từ cồn 90 độ: Nguồn methanol chết người dễ mua, dễ nhiễm
Những chai cồn 90 độ là một hiểm họa, một sát thủ ngay trong ngôi nhà của bạn.
Mới đây, ngày 8/7, Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa đã tiếp nhận hai trường hợp bệnh nhân người nước ngoài đến cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân đến viện với triệu chứng mờ mắt, mệt mỏi, khó thở. Xét nghiệm cho thấy nồng độ methanol trong máu cao bất thường, các bác sĩ ngay lập tức chỉ định điều trị giải độc, lọc máu hồi sức đặt nội khí quản và thở máy, chạy thận cấp cứu.
Đến sáng ngày 9/7, Bác sĩ Nguyễn Lương Kỷ, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa cho biết bệnh nhân nam là người chồng đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn phải chạy thận. Bệnh nhân nữ là vợ vẫn trong tình trạng nặng, còn hôn mê, thở nội khí quản nhưng đã thở êm hơn.
Trước đó ngày 6/7, vợ chồng bệnh nhân này cùng hai người bạn mua bia uống. Cảm thấy bia có nồng độ cồn quá nhẹ, họ đã mua thêm cồn 90 độ, pha vào bia để uống. Ngoài hai vợ chồng người nước ngoài bị ngộ độc cấp cứu, một người bạn trong nhóm nhậu của họ thậm chí đã tử vong.
Nữ bệnh nhân người nước ngoài đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa.
Trở lại hồi tháng 3, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cũng tiếp nhận một nam bệnh nhân người Hải Dương bị ngộ độc methanol do uống cồn 90 độ. Bệnh nhân đến viện trong tình trạng hôn mê, nhiễm toan chuyển hóa và cũng phải lọc máu thải độc.
Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, đã có rất nhiều trường hợp ngộ độc đáng tiếc liên quan đến methanol mà nguồn phơi nhiễm chính là những chai cồn 90 độ. Đặc biệt, cồn 90 độ ở Việt Nam còn có dấu hiệu bị làm giả, chứa hàm lượng ethanol (có tác dụng sát khuẩn dùng cho y tế) thấp, ngược lại nồng độ methanol (cồn công nghiệp có tính sát khuẩn yếu nhưng độc tính mạnh) lại rất cao.
Điều đó càng khiến cho những chai cồn 90 độ trở thành một hiểm họa, một sát thủ ngay trong ngôi nhà của bạn.
1. Cồn methanol là gì?
Methanol hay còn gọi là cồn gỗ là là một chất hữu cơ thuộc nhóm rượu cồn có công thức hóa học là CH3OH. Là một chất cồn đơn giản nhất, chỉ kém rượu ethanol (C2H5OH) một phân tử carbon (C) và hai phân tử Hydro (H), methanol cũng tồn tại ở dạng chất lỏng, trong suốt và có hương vị như ethanol (rượu) nhưng có vị hơi ngọt.
Tuy nhiên, khác với rượu thường, methanol lại là một chất gây gộc mạnh có thể hấp thụ qua da và không thể uống được. Uống chỉ một chén nhỏ methanol có thể gây ngộ độc đến mức chết người.
Video đang HOT
Vì vậy, loại cồn này chỉ được sử dụng trong ngành công nghiệp, như một dung môi để hòa tan các nguyên liệu sản xuất. Trên thị trường, methanol thường có mặt trong các sản phẩm như dung dịch sản xuất sơn, dung dịch tẩy rửa, nước lau kính ô tô, dung môi làm sạch gỗ, chất chống đông…
2. Ngộ độc methanol xảy ra như thế nào?
Methanol bản thân không có độc tính mạnh. Nó chỉ gây gộc sau khi được uống vào cơ thể và chuyển hóa thành axit formic. Toàn bộ quá trình diễn ra như sau:
Khi được uống vào dạ dày, methanol hấp thụ nhanh qua đường tiêu hóa. Sau đó, nó được chuyển hóa ở gan. Trong bước đầu tiên, methanol được chuyển thành formaldehyde.
Quá trình chuyển đổi methanol thành formaldehyde mất rất nhiều thời gian. Điều này giải thích tại sao các triệu chứng ngộ độc methanol thường chỉ xuất hiện sau khoảng 12-24 giờ.
Các biểu hiện có thể giống như một người say rượu thông thường, nên rất khó để nhận biết và thường bị bỏ qua như chóng mặt, buồn nôn, mờ mắt…
Giống trường hợp của hai bệnh nhân người nước ngoài ở Khánh Hòa, họ đã mất một ngày mới tới bệnh viện cấp cứu. Một người trong nhóm của họ thậm chí đã tử vong. Bởi thực tế, ngay sau khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện, tình trạng ngộ độc methanol sẽ tiến triền cực kỳ nhanh.
Nạn nhân sẽ rơi vào trạng thái bất tỉnh, dãn đồng tử, ứ đọng hầu họng, thở nhanh, thở sâu và thậm chí co giật. Đó là vì formandehyde không tồn tại được lâu trong cơ thể, nó được chuyển hóa thành axit formic, thời gian chỉ trong vòng 1-2 phút.
Axit formic cực kỳ độc hại, nó phá vỡ chức năng tế bào, làm ngưng hoạt động của ty thể, thứ được coi là những “nhà máy hạt nhân” tạo ra năng lượng hoạt động trong cơ thể. Các tế bào một mặt thiếu năng lượng, mặt khác bị tích lũy quá nhiều nhiên liệu cho quá trình chạy của “nhà máy hạt nhân”, khiến nó nổ tung.
Các tế bào dây thần kinh thị giác rất nhạy cảm với axit formic, do đó, người nhiễm độc methanol thường mất thị giác trước tiên.
Kế đó, axit formic tiếp tục bị oxy hóa trong cơ thể để tạo carbon dioxide và nước trong sự hiện diện của tetrahydrofolate. Tuy nhiên, sự chuyển hóa của axit formic rất rất chậm, do đó nó thường tích tụ lại để gây nhiễm toan dẫn đến tử vong.
Nam bệnh nhân người Hải Dương ngộ độc methanol được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai
3. Tại sao có rất nhiều người ngộ độc methanol?
Các trường hợp ngộ độc methanol rất phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Lý do vì nhiều người đã vô tình hoặc cố ý sử dụng nó như một đồ uống thay thế rượu.
Methanol thường được chưng cất từ gỗ lên men, chính vì vậy, nó còn có một cái tên gọi rất lành tính là “rượu gỗ”. Tuy nhiên, như đã nói, methanol gây ra độc tính mạnh và chỉ cần uống một chén trên 30ml methanol là đã có thể gây chết người.
Các trường hợp vô tình uống phải methanol đặc biệt phổ biến ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Lý do vì sự thiếu hiểu biết của người dân và methanol thường có giá rẻ hơn rượu.
Nó thường được dùng trong công nghiệp. Một số nhà sản xuất cồn công nghiệp ethanol sẽ pha methanol vào sản phẩm của mình để chủ động gây độc tính, ngăn chặn mọi người uống nó.
Tuy nhiên, một số cơ sở sản xuất rượu ở Việt Nam trước đây từng bị bắt quả tang đã pha loãng loại cồn công nghiệp này ra thành rượu để bán, dẫn đến nhiều vụ ngộ độc methanol đáng tiếc.
Tại Việt Nam ngay cả cồn y tế 90 độ cũng có dấu hiệu bị làm giả theo cách này. Như trường hợp bệnh nhân người Hải Dương, xét nghiệm mẫu cồn 90 độ mà người đàn ông này uống chỉ có 1% là ethanol trong khi tới 80% là methanol.
Loại cồn giả này không có tác dụng diệt khuẩn vì khả năng tiêu diệt mầm bệnh của methanol rất yếu. Ngược lại, nó chỉ có 1% ethanol thì không đủ để diệt khuẩn.
Mẫu cồn 90 độ nam bệnh nhân người Hải Dương đã uống là cồn giả, chứa 80% methanol.
Ngoài ra, trong đại dịch COVID-19 còn một nguồn methanol có thể gây ngộ độc nữa là trong các chai nước rửa tay khô chứa cồn. Mới đây, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã phải cảnh báo người dân về một số sản phẩm nước rửa tay khô lẫn methanol.
“ Phơi nhiễm methanol có thể dẫn đến buồn nôn, nôn, nhức đầu, mờ mắt, mù vĩnh viễn, co giật, hôn mê, tổn thương vĩnh viễn cho hệ thần kinh hoặc tử vong“, FDA cảnh báo trên website của mình.
Và đối tượng mà họ đặc biệt lưu ý đến là trẻ em, những đứa trẻ có thể vô tình uống nước rửa tay khô mà không biết sự nguy hiểm của chúng. Sự thật là trong đại dịch COVID-19, số ca ngộ độc vì uống nước rửa tay khô ở Mỹ đã tăng gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
4. Phòng ngừa ngộ độc methanol
Nhận thức được sự nguy hiểm của methanol là bước đầu tiên trong việc phòng ngừa ngộ độc do loại cồn này gây ra. Tiếp đó, bạn cần cảnh giác với những sản phẩm có nguy cơ gây phơi nhiễm methanol cho bản thân và gia đình.
Cồn công nghiệp là sản phẩm chứa nồng độ methanol cao nhất mà bạn cần chú ý. Bạn tuyệt đối không thể uống loại cồn này, cũng như cồn 90 độ, 70 độ dùng trong y tế chỉ dùng cho mục đích sát khuẩn, làm sạch vết thương hoặc dụng cụ.
Một số đồ vật gia dụng khác như nước rửa tay khô, dung dịch tẩy rửa, vệ sinh cũng có thể chứa methanol. Bạn nên để những đồ vật này ra ngoài tầm với của trẻ em.
Ngoài ra, những người nghiện rượu cũng có xu hướng tìm các sản phẩm có mùi cồn này để uống thay rượu. Nếu trong gia đình bạn có người nghiện rượu, cần đặc biệt cảnh giác với các nguồn cồn này.
Bé trai bị nhỏ nhầm cồn 90 độ vào mũi
Bé 8 tháng tuổi bị mẹ nhỏ nhầm 50 ml cồn 90 độ vào mũi thay vì nước muối sinh lý, nguy kịch, phải lọc máu điều trị.
Bác sĩ Trần Đăng Xoay, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết bé được bệnh viện tuyến dưới chuyển tới ngày 8/6 trong tình trạng quấy khóc, tổn thương mắt, toan chuyển hóa (tình trạng mất kiềm, gây ảnh hưởng tới tim mạch, chuyển hóa, tiêu hóa của trẻ).
Các bác sĩ tiến hành cấp cứu nhằm đảm bảo chức năng về tuần hoàn, hô hấp, sau đó lọc máu liên tục, hồi sức tích cực. Ngày 9/6, bé vượt qua cơn nguy kịch, các chỉ số cơ thể về mức bình thường, đang được theo dõi thêm. Nếu không có biến chứng ngộ độc methanol, bé sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ Xoay khuyến cáo gia đình cẩn thận hơn trong khi trông nom và chăm sóc trẻ nhỏ, không để lẫn các vật dụng gây nguy hiểm cho trẻ, ví dụ nước muối sinh lý và cồn methanol. Phụ huynh nên để xa tầm tay của trẻ những hóa chất độc hại như dầu hỏa, xăng, dầu nhờn, nước giặt, nước sôi... Nếu trẻ vô tình nuốt phải các hóa chất, gia đình cần đưa con tới cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị càng sớm càng tốt.
Bé trai được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 9/6. Ảnh: Lê Thạch.
Ngộ độc nặng do uống methanol Trong 2 ngày 7 và 8-7, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa liên tiếp tiếp nhận 2 bệnh nhân là vợ chồng quốc tịch Kazakhstan bị ngộ độc nặng do uống methanol. Theo lời khai của bệnh nhân, nhóm gồm 4 người đi câu cá, có mua bia để uống. Do nồng độ cồn...