Hiểm họa từ các cửa hàng gas
Gas là mặt hàng có nguy cơ cháy nổ cao và có khả năng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Thế nhưng, nhiều cửa hàng gas hiện nay nằm trong các khu dân cư không đảm bảo các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ.
Với việc buông lỏng các quy định về điều kiện an toàn phòng chống cháy nổ như hiện nay, nhiều cửa hàng gas chẳng khác nào những “quả bom” ở giữa các khu dân cư.
Không đủ điều kiện phòng, chữa cháy
Theo quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC), các cửa hàng kinh doanh gas phải có tổng diện tích mặt bằng tối thiểu là 25 m2, diện tích phòng bày bán tối thiểu là 12 m2, không chứa trên 1.000 kg gas, có lối thoát nạn, đầy đủ các phương tiện về PCCC, người kinh doanh mặt hàng này phải được cấp chứng chỉ tập huấn về PCCC… Tuy nhiên qua khảo sát của chúng tôi tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hầu hết các điểm kinh doanh gas đều không đủ những điều kiện trên.
Một trong những cửa hàng gas bị ngưng hoạt động do không đủ tiêu chuẩn PCCC trong đợt kiểm tra cuối năm 2012 đến nay vẫn hoạt động. Ảnh: Thu Trang
Video đang HOT
Tại địa bàn Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội) có thể thấy những bất cập điển hình trong việc quản lý kinh doanh gas hiện nay. Toàn phường Vĩnh Phúc có 6 cửa hàng kinh doanh gas, các cửa hàng này thường chỉ có diện tích nhỏ từ 20 – 30 m2 nhưng chứa đến 80 – 100 bình gas lớn nhỏ, mỗi bình gas có khối lượng từ 12 – 24 kg. Các bình gas xếp chồng lên nhau trong một không gian chật hẹp. Có mặt tại cửa hàng gas Bích Thủy, 420 đường Bưởi, chúng tôi được nhân viên ở đây tận tình mời chào. Bên trong cửa hàng chừng 20 m2 này, có đến gần 100 chiếc bình gas cỡ 12 kg xếp chồng lên nhau. Với số lượng bình gas như vậy, hầu hết các cửa hàng gas đều vi phạm quy định về trọng lượng gas được lưu trữ tại cửa hàng.
Theo quy định, người kinh doanh mặt hàng gas phải được cấp chứng chỉ tập huấn về PCCC nhưng nhiều nhân viên bán hàng không biết sử dụng bình chữa cháy. Cũng tại cửa hàng gas Bích Thủy, chúng tôi thấy có 4 – 5 bình chữa cháy mini phủ đầy bụi nằm ở góc cửa hàng. Thấy tôi chú ý đến “đống bụi” này, cậu nhân viên nhanh nhảu: “Bình gas chữa cháy đấy, không có cái này thì bị phạt ngay”. Nhưng khi được hỏi có biết sử dụng không và đã bao giờ sử dụng chưa thì cậu nhân viên này chỉ cười và lắc đầu.
Không có lối thoát nạn
Quy định về lối thoát nạn rất quan trọng đối với một cửa hàng gas. Thế nhưng, rất nhiều cửa hàng gas tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện nay nằm xen lẫn trong các khu dân cư không đáp ứng được quy định này. Tại TP Hồ Chí Minh, các cửa hàng kinh doanh gas trên đường Phan Văn Hân, Nguyễn Văn Lạc (quận Bình Thạnh), cửa hàng kinh doanh gas Phi (quận 9) có diện tích đều rất nhỏ, không có lối thoát nạn, các bình gas xếp san sát nhau. Do đó, nếu xảy ra tình trạng cháy nổ thì sẽ rất khó khăn trong công tác PCCC và gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Thượng tá Chu Văn Vàng, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC quận Đống Đa, TP Hà Nội đặc biệt lo ngại đối với những cửa hàng gas mà bên dưới là cửa hàng và bên trên là nhà dân ở. Thượng tá Chu Văn Vàng cho biết: “Ngoài cửa chính, cửa hàng gas phải có ít nhất một lối thoát nạn dự phòng, có cửa mở ra ngoài hoặc cửa đẩy sang bên để người ở trong dễ thoát khi có sự cố. Nhiều cửa hàng gas không có lối thoát nạn, hơn nữa, có người sinh sống ở các tầng trên. Nếu xảy ra cháy nổ, khói, lửa, nhiệt theo nguyên lý sẽ bốc lên tầng cao nên sẽ rất nguy hiểm”. Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện nay chúng ta vẫn chưa có tiêu chuẩn về khoảng cách kinh doanh gas trong khu dân cư nên tình trạng buôn bán kinh doanh gas trong khu dân cư vẫn còn diễn ra phổ biến. Do đó, nhiều người dân cũng rất lo lắng về các cửa hàng kinh doanh gas nằm ở các khu vực khu dân cư. Đặc biệt, vừa qua chính quyền và người dân quận 1 cũng đã kiến nghị thành phố cho dời các cửa hàng kinh doanh gas ra khỏi khu dân cư. Theo tôi, sắp tới chúng ta cần phải có quy chuẩn rõ ràng về khoảng cách an toàn đối với các cửa hàng kinh doanh gas gần khu dân cư”.
Theo VTC
Hàng một giá, chớ ham quá
Để thu hút khách, hiện khá nhiều cửa hàng kinh doanh theo mô hình bán hàng một giá. Theo đó tất cả mặt hàng tại các cửa hàng này đều được bán đồng giá, cao thì trăm nghìn, rẻ thì vài chục nghìn, thậm chí có nơi sản phẩm chỉ có giá 10.000 đồng. Tuy nhiên, chất lượng của các mặt hàng này đến đâu thì chỉ mang về sử dụng mới biết.
Các khách hàng nhí háo hức chọn mua sản phẩm trong cửa hàng một giá
Không dùng được thì vứt
Với ưu điểm không phải mặc cả, chỉ với 100.000 đồng khách hàng có thể vào những cửa hàng một giá để mua hàng chục sản phẩm. Bởi vậy, những cửa hàng này thu hút khá nhiều khách hàng, phần lớn là đối tượng học sinh, sinh viên và những người có thu nhập thấp.
Theo ghi nhận của chúng tôi, những mặt hàng từ quần áo, phụ kiện thời trang, đồ dùng gia đình bày bán tại các cửa hàng này phần lớn được làm từ chất liệu rẻ tiền, kết cấu lỏng lẻo, đường may cẩu thả. Điều đó lý giải mức giá được các chủ cửa hàng đưa ra là khá rẻ. Khảo sát tại một cửa hàng một giá 10.000 đồng ở quận Đống Đa, chúng tôi thấy có khá nhiều mặt hàng được bày bán tại đây, từ mỹ phẩm, đồ gia dụng, hoá mỹ phẩm, đồ dùng trẻ em, phụ kiện thời trang, đồ cơ khí... ghi bằng tiếng Trung Quốc. Dù tiết trời khá oi bức nhưng khách hàng vẫn ra vào nườm nượp. Chăm chú chọn lựa một vài phụ kiện làm đẹp, bạn Nguyễn Thu Trang, sinh viên trường ĐH Thương mại tươi cười: "Em không dám chắc các loại mỹ phẩm, hoá mỹ phẩm và những mặt hàng gia dụng được bày bán ở đây có chất lượng tốt hay không, song với mức giá 10.000 đồng/sản phẩm rất phù hợp với túi tiền của sinh viên. Em cứ chọn đại vài món, dùng được thì dùng, không dùng được thì vứt".
Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm thấy sản phẩm dầu gội đầu được ghi bằng tiếng Việt trong hàng chục mặt hàng được bày bán tại đây. Mặc dù bên ngoài sản phẩm có ghi giá bán là 26.000 đồng/chai nhưng khi chúng tôi hỏi chủ cửa hàng thì nhận được câu trả lời: "Loại dầu gội này được bán với giá 10.000 đồng/chai. Do cửa hàng là đại lý của hãng nên được giảm giá, chiết khấu phần trăm...". Chị Lê Thị Lương là nội trợ ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa cho biết, từ khi cửa hàng này khai trương, chị đã đến đây nhiều lần mua sắm bát đĩa và các đồ dùng phục vụ sinh hoạt gia đình. Ngoài ra, chị còn chọn thêm ít đồ phụ kiện như hoa tai, vòng đeo cổ, đeo tay cho cô con gái mới lớn. Giống như chị Lương, hầu hết khách mua hàng tại đây khi thanh toán đều tỏ ra hài lòng với số tiền mà mình bỏ ra.
Chất lượng phập phù
Có thể nói hầu hết các sản phẩm bày bán trong các cửa hàng đồng giá đều có xuất xứ từ Trung Quốc hay được sản xuất gia công trong nước. Đặc điểm chung của những mặt hàng này là không thành phần cấu tạo, không nguồn gốc xuất xứ, không thời hạn bảo hành, nhãn mác nhập nhèm. Là người thường xuyên mua hàng tại những cửa hàng đồng giá giá rẻ, bà Nguyễn Thị Phúc, ở phường Thành Công, quận Ba Đình chia sẻ, phần lớn những mặt hàng mà bà mua là hàng gia dụng như chậu thau, rổ rá nhựa, áo mưa... Những mặt hàng này chỉ có giá vài chục ngàn đồng nên phù hợp với điều kiện kinh tế eo hẹp của những cán bộ hưu trí như bà. "Ai cũng biết tiền nào của ấy, đồ rẻ sẽ nhanh hỏng nhưng thà như vậy còn hơn không có đồ sử dụng. Còn về việc chúng có độc hại không thì tôi cũng đã nghĩ đến nhưng đây không phải là thực phẩm ăn trực tiếp nên không đáng ngại" - bà Phúc nêu ý kiến.
Với giá bán rẻ, nhiều cửa hàng đồng giá hiện thu hút khá đông khách. Người tiêu dùng cứ thấy rẻ là mua còn chủ kinh doanh thì tha hồ thu lợi. Đáng lo ngại nhất là những sản phẩm dành cho trẻ em như bình sữa, vòng đeo tay, dây buộc tóc, núm vú giả, đồ chơi... cũng được bày bán khá tràn lan với mùi nhựa, mùi keo dán bốc lên nồng nặc, màu sắc nhòe nhoẹt.
Theo ông Nguyễn Đình Thắng - kỹ sư hóa thực phẩm, các sản phẩm càng nhiều màu sắc thì tiềm ẩn nguy cơ độc hại càng cao, bởi dung dịch tạo màu này không phải màu thực phẩm mà là màu dành cho ngành công nghiệp có nguồn gốc từ các loại hóa chất độc hại như chì, thủy ngân... Các đồ chơi cho trẻ em, đồ gia dụng làm bằng nhựa luôn có chất hóa dẻo phthalate. Chất này dễ dàng phân tán vào cơ thể khi nhiệt độ tăng. Đây là chất có thể gây nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn và dị ứng rất cao. Đối với trẻ em, hợp chất này khi xâm nhập vào cơ thể có thể dẫn đến hiện tượng vô sinh nam, nam bị nữ tính hóa hoặc các em bé gái bị dậy thì sớm.
Trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, việc một số cá nhân kinh doanh hàng đồng giá giá rẻ đã có tác dụng không nhỏ trong việc kích cầu người tiêu dùng, tạo điều kiện cho những người có thu nhập thấp được mua sắm những sản phẩm vừa với túi tiền của mình. Tuy vậy, trước khi chọn mua bất kỳ sản phẩm nào, người tiêu dùng cũng cần cân nhắc kỹ kẻo mua phải những món đồ không những không sử dụng được mà còn chuốc bệnh vào người.
Theo ANTD
Liên tiếp tai nạn đau lòng: Do không minh bạch và nhờn pháp luật? " Tôi cho rằng chế tài xử phạt của chúng ta hiện nay khá đầy đủ. Vấn đề quan trọng là người thừa hành, thực hiện việc đó có nghiêm hay không chứ không phải như dư luận vẫn phản ánh là mức phạt quá thấp nên vẫn vi phạm", nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam trao đổi...