“Hết thời” tín dụng dễ dãi
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2020 ở mức 14%, nhưng sẽ chỉ ưu tiên cấp hạn mức tín dụng cao hơn đối với các ngân hàng đã đáp ứng chuẩn Basel II.
Tăng trưởng tín dụng năm 2019 dự kiến chỉ đạt khoảng 12%
Tín dụng “èo uột” năm 2019
Một quan chức NHNN cho biết, tính đến thời điểm này, tín dụng đối với nền kinh tế tăng khoảng 12%. Do chỉ còn ít ngày nữa là năm 2019 sẽ khép lại, nên nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng cả năm cũng chỉ nhỉnh hơn một chút. Ngay cả như vậy, thì đó vẫn là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, thấp hơn nhiều so với dự báo của nhiều tổ chức là tín dụng sẽ tăng khoảng 13% và cũng thua xa cả mức tăng 13,89% của năm 2018.
Theo các chuyên gia ngân hàng, nguyên nhân khiến tín dụng tăng thấp chủ yếu do hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các NHTM Nhà nước lớn đã giảm xuống sát ngưỡng tối thiểu, khiến cho các nhà băng này không dám “mạnh tay” cho vay. Nhiều NHTM cổ phần tư nhân cũng đang trong tình trạng tương tự: không dám cho vay khi chưa tăng được vốn điều lệ. Bằng chứng là hiện mới chỉ có 18 ngân hàng được công nhận đạt chuẩn Basel II, số còn lại có cả Agribank và VietinBank.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa qua, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng thông tin, hiện hệ số CAR của các NHTMCP mà Nhà nước nắm trên trên 50% vốn và Agribank rất sát ngưỡng quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN. “Trong trường hợp không được tăng vốn thì bản thân các NHTM này sẽ phải hạn chế cấp tín dụng và thậm chí có thể phải ngừng cấp tín dụng”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Một nguyên nhân nữa khiến tín dụng tăng thấp là do tín dụng trung- dài hạn đang có xu hướng bị siết chặt hơn khi mà NHNN đã dưa ra lộ trình cụ thể để giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung- dài hạn về còn 30% kể từ tháng 10/2022.
“Do nguồn vốn của các ngân hàng đa phần là ngắn hạn, nên khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn giảm cũng đồng nghĩa với việc tín dụng trung- dài hạn sẽ bị siết lại. Trong khi hiện không ít ngân hàng có tỷ trọng tín dụng trung- dài hạn khá lớn nên những ngân hàng này chỉ dám cho vay ngắn hạn chứ không dám cho vay các kỳ hạn dài. Điều đó sẽ chỉ làm tăng doanh số cho vay, chứ dư nợ nhiều khi không tăng”, một chuyên gia ngân hàng cho biết.
Video đang HOT
Hướng tới chất lượng và hiệu quả
Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc giảm dần tốc độ tăng trưởng tín dụng là điều nên làm và cũng phù hợp với khuyến nghị của IMF khi mà dư nợ tín dụng hiện đã lên tới 134% GDP, một mức rất cao so với nhiều quốc gia trong khu vực. Bởi nếu tiếp tục duy trì mức tăng tín dụng 17%-18% như những năm trước đây thì chỉ vài năm nữa thôi, dư nợ tín dụng sẽ đạt ngưỡng 200% GDP- mức cao nhất trên thế giới, gây nhiều rủi ro cho nền kinh tế.
Theo TS. Nguyễn Đức Độ – Học viện tài chính, nếu Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm ở mức 6,5 – 7% và lạm phát dưới 4%, một mức tăng trưởng tín dụng tương đương với mức tăng trưởng GDP danh nghĩa vào khoảng 10 – 11%/năm sẽ có tính bền vững hơn cả trong giai đoạn tới.
Đáng chú ý, dù tín dụng tăng rất thấp, nhưng theo thông tin được đưa ra tại phiên họp cuối năm của Ban chỉ đạo điều hành giá, tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt trên 7%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đã đề ra. Điều đó cho thấy chất lượng và hiệu quả của tín dụng đã được nâng lên rất nhiều.
Đồng tình như vậy, vị chuyên gia ngân hàng nói trên cho biết, việc cơ quan quản lý siết chặt tín dụng chảy vào các lĩnh vực đầu cơ có tính rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán đã “nắn” dòng vốn chảy vào nền kinh tế thực nên hỗ trợ tăng trưởng tốt hơn. Bên cạnh đó, nợ xấu được xử lý quyết liệt cũng giải phóng một lượng vốn không nhỏ vốn nằm chết trong các khoản nợ xấu trước đây. “Ngay cả việc cho vay với kỳ hạn ngắn cũng khiến vòng quay của đồng vốn được đẩy nhanh hơn. Hay nói cách khác, cùng một đồng vốn, nhưng có thể phục vụ được cho nhiều doanh nghiệp hơn”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Đó cũng chính là lý do các chuyên gia khuyến nghị, NHNN nên tiếp tục điều hành tín dụng trong năm 2020 như năm nay. Có nghĩa, tăng trưởng tín dụng không nên chạy theo số lượng mà tập trung vào việc nâng cao chất lượng, hiện quả. Được biết, hiện cơ quan quản lý cũng đang dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2020 ở mức 14%, trong đó các ngân hàng đã đáp ứng chuẩn Basel II sẽ được ưu tiên phân giao hạn mức tăng trưởng cao hơn; trong khi những ngân hàng chưa đạt chuẩn này sẽ chỉ được tăng thấp hơn.
Điều đó cũng đồng nghĩa là thời kỳ tín dụng dễ dãi đã qua. Trong bối cảnh đó, lời khuyên của các chuyên gia là doanh nghiệp nên chủ động lo vốn, đặc biệt là nên tìm vốn trung- dài hạn ở các kênh khác như phát hành trái phiếu, cổ phiếu…
Hà Anh
Theo enternews.vn
Tăng cơ hội tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp
Việc NHNN nâng tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) cho các ngân hàng cổ phần tư nhân lên 85% sẽ góp phần nâng cao khả năng cung ứng tín dụng cho khối này.
Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi của các khối ngân hàng đến cuối tháng 9/2019
Phân bổ lại cung tín dụng
NHNN vừa ban hành Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định giới hạn tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng để thay thế cho Thông tư 36/2014/TT-NHNN.
Theo đó, từ ngày 1/1/2020, tỷ lệ LDR được áp dụng cho tất cả ngân hàng là 85%. Trong khi theo quy định hiện hành, tỷ lệ LDR đối với nhóm NHTM Nhà nước là 90%, trong khi tỷ lệ này đối với khối NHTMCP tư nhân, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài chỉ là 80%. Như vậy, LDR của các ngân hàng quốc doanh sẽ bị cắt giảm 5% và chuyển sang cho các ngân hàng tư nhân, 100% vốn nước ngoài.
Theo các chuyên gia ngân hàng, quyết định nói trên sẽ nâng cao hơn khả năng cung ứng tín dụng của các ngân hàng tư nhân, nước ngoài, trong khi siết chặt hơn khả năng cung tín dụng của các ngân hàng quốc doanh.
Số liệu thống kê mới nhất của NHNN Việt Nam cho thấy, tại thời điểm cuối tháng 9/2019, tỷ lệ LDR của khối NHTM Nhà nước là 91,47%, trong khi tỷ lệ này của khối NHTMCP tư nhân là 84,61% và khối ngân hàng liên doanh - nước ngoài là 65,72%.
Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, quyết định nói trên của NHNN là một bước đi hợp lý, vì sẽ góp phần đảm bảo sự công bằng đối với các loại hình kinh doanh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ cũng như các cam kết quốc tế. Hơn nữa, dù các ngân hàng quốc doanh đang được cấp một dư địa cung tín dụng khá lớn với LDR lên tới 90%, nhưng khả năng cung tín dụng bị hạn chế bởi chỉ tiêu an toàn vốn theo chuẩn Basel II khi mà các ngân hàng quốc doanh đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tăng vốn. "Sự thay đổi này sẽ nâng cao khả năng cung tín dụng của các ngân hàng tư nhân, nước ngoài, qua đó đảm bảo khả năng cung tín dụng cho cả hệ thống", vị chuyên gia trên nhấn mạnh.
Tổng tín dụng sẽ tăng?
Bà Thái Thị Việt Trinh, chuyên viên phân tích của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, khối ngân hàng quốc doanh, đặc biệt là các nhà băng chưa đạt chuẩn Basel II sẽ chịu tác động từ Thông tư nói trên. Có nghĩa, dư địa mở rộng tín dụng của các ngân hàng này trong năm 2020 sẽ không còn nhiều.
"NHNN đã có đánh giá khách quan hơn đối với hoạt động tín dụng của nhóm các NHTMCP, đặc biệt các ngân hàng đã đạt chuẩn Basel II sẽ là các ngân hàng được lợi chủ yếu", bà Trinh nhấn mạnh và cho biết thêm, bên cạnh việc room tín dụng nhiều khả năng sẽ được mở thêm vào năm 2020, việc nới lỏng tỷ lệ LDR sẽ giúp nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, như ACB, MBB, HDB, TPB... sẽ có nhiều cơ hội đẩy mạnh tín dụng hơn.
Cũng theo bà Trinh, tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống sẽ không có nhiều thay đổi do sự điều chỉnh trái chiều đối với tỷ lệ LDR trong khu vực NHTM Nhà nước và tư nhân . "Phần dư nợ tiềm năng bị hạn chế của nhóm NHTM Nhà nước sẽ tương đương với phần dư nợ tiềm năng có thể tăng thêm của nhóm NHTMCP", bà Trinh nói rõ thêm.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia ngân hàng nói trên, tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống sẽ tăng thêm sau quyết định này nếu như các ngân hàng đều khai thác tối đa khả năng cho phép.
Dẫn số liệu hiện tổng tài sản của khối ngân hàng cổ phần tư nhân và liên doanh - nước ngoài lên tới hơn 6,13 triệu tỷ đồng, cao hơn khá nhiều so với con số 5,12 triệu tỷ đồng của khối ngân hàng quốc doanh, vị chuyên gia này cho rằng, nguồn vốn huy động của hai khối này cũng sẽ cao hơn khá nhiều so với khu vực quốc doanh. Vì thế, tăng 5% tỷ lệ LDR của hai khối này chắc chắn sẽ lớn hơn mức giảm 5% LDR của khối các ngân hàng quốc doanh.
"Hiện tỷ lệ LDR của khu vực ngân hàng liên doanh, nước ngoài chỉ là 65,72%, tức khối này có dư địa để tăng thêm tín dụng tới hơn 19%. Do đó, nếu khai thác tối đa, tổng mức dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế sẽ tăng cao hơn so với hiện nay, cho dù nguồn vốn huy động không tăng", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Lẽ đương nhiên, khả năng cung tín dụng của hệ thống ngân hàng được nâng lên, việc tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp cũng sẽ thuận lợi hơn.
Hà Anh
Theo Enternews.vn
Cách nào giảm rủi ro nợ xấu tín dụng BOT? NHNN vừa cảnh báo 53.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng cho vay đối với các dự án BOT, BT giao thông có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu. Theo NHNN, ước tính đến tháng 9/2019, dư nợ tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông tăng 1,85%, chiếm 1,4% tổng dư nợ. Cận cảnh tín...