Hết thời lao động giá rẻ
Lao động giá rẻ từng được xem là một “bảo bối” quan trọng giúp kinh tế Indonesia cũng như nhiều quốc gia châu Á khác thu hút đầu tư nước ngoài song thứ bảo bối này đang ngày càng “mất thiêng”.
Những công nhân trong nhà máy sản xuất giầy củ hàng Nike ở Indonesia
Indonesia sẽ dần xóa bỏ quan niệm chung cho rằng thời nhân công giá rẻ đã kết thúc và nước này không phải là “nơi trú ẩn” cho các nhà đầu tư muốn khai thác nguồn lao động dồi dào giá rẻ. Đó là tuyên bố của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono trong cuộc họp ngày 29-11 với các nhà lãnh đạo chính quyền, quân đội và cảnh sát.
Video đang HOT
Tổng thống Yudhoyono đưa ra tuyên bố mang tính thay đổi bước ngoặt trên sau khi diễn ra một loạt cuộc bãi công, biểu tình đòi tăng lương gây ra những căng thẳng trong xã hội quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này. Những cuộc biểu tình và đình công trên khắp cả nước đòi tăng 30% lương tối thiểu và giảm tối đa tình trạng sử dụng lao động thời vụ không được hưởng các chế độ bảo hiểm.
Trước áp lực rất lớn của người lao động và các nghiệp đoàn, chính quyền nhiều tỉnh, thành phố ở Indonesia đã phải đồng ý tăng lương tối thiểu cho người lao động từ đầu năm 2013. Để phòng ngừa áp lực tiềm tàng, Chính quyền thủ đô Jakarta thậm chí còn quyết định tăng 44% lương tối thiểu, cao hơn so với mức 25% mà các nghiệp đoàn lao động yêu cầu.
Sử dụng đình công như một thứ vũ khí lợi hại để người lao động đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc không chỉ có ở Indonesia mà còn nhiều quốc gia châu Á khác. Bởi cũng như Indonesia, nhiều nước châu Á đang phát triển đã từng coi lao động giá rẻ như một hấp lực quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, khi kinh tế ngày càng phát triển thì cuộc sống người dân, trong đó có người lao động, cũng ngày càng được cải thiện. Kéo theo đó là đòi hỏi thu nhập ngày càng tăng cao, đi đôi với việc cải thiện điều kiện làm việc của đông đảo người lao động.
Nguồn nhân công giá rẻ từng đóng vai trò then chốt giúp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trên dưới 10% mỗi năm trong suốt 30 năm qua nhưng “bảo bối” này đang dần hết hiệu nghiệm khi giá nhân công ở Trung Quốc đã tăng liên tục thời gian qua. Tính ra, giá nhân công ở khu vực miền Nam Trung Quốc, nơi có các “đại công xưởng” của nước này, đã tăng trung bình 10-20%/năm, khiến nhiều nhà đầu tư phải tính tới việc chuyển nhà máy sang các nước châu Á vì không chịu nổi giá nhân công cao.
Áp lực tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc đã đặt chính quyền Indonesia, Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia châu Á khác trước sự lựa chọn không dễ dàng. Nếu chấp nhận đòi hỏi của người lao động sẽ ảnh hưởng nhất định tới môi trường đầu tư, qua đó là tăng trưởng kinh tế, song ngược lại có thể dẫn tới những bức xúc xã hội khó lường.
Tuyên bố của Tổng thống Yudhoyono cho thấy Indonesia đã chọn sự phát triển ổn định hơn là tăng trường cao song tiềm ẩn những nguy cơ mất ổn định xã hội. Đó cũng là lựa chọn của nhiều nước khác như Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc… khi chấp thuận nâng lương tối thiểu hàng năm cho dù đang trong thời kỳ khó khăn, chịu ảnh hưởng nặng của khủng hoảng kinh tế thế giới.
Theo ANTD
Không thể giá rẻ mãi
Nếu coi lao động giá rẻ như một lợi thế thì thật sai lầm, bởi yếu tố quyết định đến doanh thu của doanh nghiệp chính là năng suất lao động. Một chuyên gia nguồn nhân lực nhận định như vậy sau khi công bố kết quả khảo sát "Thiếu hụt lao động kỹ năng tại Việt Nam" do Viện Khoa học lao động và xã hội phối hợp với Tập đoàn Manpower tiến hành mới đây tại 6.000 doanh nghiệp ở 9 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Các doanh nghiệp đánh giá chất lượng lao động Việt Nam nằm trong nhóm 10% thấp nhất khu vực ASEAN.
Cụ thể, năng suất lao động của nước ta thấp hơn của Indonesia 10 lần, Malaysia 20 lần, Thái Lan tới 30 lần. Còn so với năng suất lao động của Nhật Bản thì thấp hơn 135 lần. Trong số 6.000 doanh nghiệp được khảo sát, có 1/4 doanh nghiệp cho rằng lao động thiếu hiểu biết về công nghệ và khả năng sáng tạo 1/5 đánh giá lao động thiếu khả năng thích nghi với công nghệ mới 1/3 doanh nghiệp không tìm được lao động đáp ứng kỹ năng...
Trong một số ngành như chế biến thực phẩm, xây dựng, hóa chất, y tế, dệt may, tình trạng lao động thiếu hụt kỹ năng khá trầm trọng. Chủ tịch Tập đoàn Manpower nhận định, lợi thế vì chi phí nhân công thấp đang mất dần sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Với chính sách cải cách tiền lương hiện nay, giá nhân công ở Việt Nam đã xếp vào tốp khá cao trong khu vực. Điều này làm giảm đôi chút lợi thế cạnh tranh về lao động giá rẻ vì thế buộc người lao động phải nâng cao kỹ năng, tay nghề. Một trong những thế mạnh của lao động nước ta được các nhà đầu tư nước ngoài ưa thích, đánh giá cao chính là tính cần cù, chăm chỉ và tay nghề khéo léo. Điều này lại có vẻ như mâu thuẫn, khi tay nghề của lao động Việt Nam được đánh giá ngang ngửa, thậm chí còn nhỉnh hơn cả lao động Trung Quốc, thế nhưng năng suất lao động của nước ta lại thấp hơn Trung Quốc.
Những năm trước, các nhà đầu tư ít quan tâm tới điều này vì thuê nhân công giá rẻ vẫn mang lại lợi nhuận đáng kể. Nay việc thuê nhân công Việt Nam so với các nước trong khu vực đã tăng lên, nên yếu tố này đã ảnh hưởng trầm trọng đến lợi nhuận của họ, nhất là trong một số ngành như dệt may, da, giày. Trong khi đó, giá cả đầu vào của những ngành này ngày một tăng cao, làm cho giá bán của doanh nghiệp kém cạnh tranh so với nhiều nước khu vực, buộc những doanh nghiệp phải "bỏ của chạy lấy người". Theo khảo sát của một số ngành công nghiệp nhẹ, mức lương bình quân của người lao động Việt Nam khoảng 100-150 USD mỗi tháng, đứng sau lương lao động Trung Quốc là 120-180 USD, Indonesia 70-100 USD. So sánh mức chênh lệch trên, giá sản xuất tại nước ta kém cạnh tranh so với nhiều nước khác. Mặt khác, sức ép tăng lương đối với các doanh nghiệp ở nước ta vẫn còn nhiều.
Khi lao động giá rẻ không còn lợi thế thì việc chuyển hóa từ số lượng sang chất lượng là cực kỳ cấp thiết. Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng khẳng định, lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ của nước ta không thể kéo dài mãi. Giá rẻ mà chất lượng kém thì có "bán" mãi cũng chẳng ai mua.
Theo ANTD