Hết thời cây mía, đến thời cây gai?
Mới đây, Báo NTNN tổ chức tọa đàm: “Làm gì để ngành mía đường vượt “bẫy” hội nhập?”. Đây là một nội dung rất thiết thực, khi đang tái diễn tình cảnh nông dân nhiều tỉnh phải bỏ mía vì không được nhà máy thu mua.
Không hiểu những nông dân này có ký hợp đồng với nhà máy không? Nếu họ đã ký hợp đồng thì vì sao nhà máy lại không nhập mía cho họ?… Trông những nông dân ứa nước mắt ngay trên ruộng mía mà lòng chúng ta quặn đau.
Thu hoạch mía ở huyện Tân Châu, Tây Ninh. Ảnh: T.N.O
Nhiệm vụ khó khăn
Cần nhớ rằng, đã có thời, cây mía là cứu cánh cho hàng triệu nông dân trên cả nước. Trên cả nước, hàng chục nhà máy đường đã mọc lên, những vùng nguyên liệu mía rộng lớn đã được mở ra ở khắp nơi. Khẩu hiệu “1 triệu tấn đường” được nêu lên, các tỉnh đua nhau trồng mía. Thời điểm đó cũng có sai lầm là nhiều nơi đã vội nhập những nhà máy theo công nghệ cũ của Trung Quốc làm cho ngành mía đường một phen lao đao.
Tuy nhiên, chúng ta cũng đã kịp uốn nắn. Thành công nhất của thời kỳ này là cây mía đã “giải cứu” nông dân ở nhiều vùng khó khăn khi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khắc nghiệt, nước tưới khan hiếm, sản xuất manh mún, địa hình đồi núi xa xôi… Cây mía thành người bạn thân thiết với bà con. Ở nhiều nơi, mía đem tới nguồn thu nhập chính cho nông dân.
Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, ngành mía đường gặp nhiều trục trặc. Khó khăn lớn nhất phải kể tới là việc cạnh tranh giá cả với đường nhập lậu. Đường nhập lậu vào ta ồ ạt cả từ Trung Quốc, rồi Thái Lan, Campuchia. Giá đường lậu có khi chỉ bằng nửa giá đường sản xuất trong nước. Mà lượng đường nhập lậu lên tới hàng trăm nghìn tấn.
Nhưng vấn đề lớn nhất, theo tôi là phải xem xét tới cách làm của chúng ta. Mọi người đều biết, bầu Đức đưa quân qua Lào để trồng mía. Đến lúc thu hoạch, giá đường của bầu Đức cũng chỉ bằng một nửa giá đường của chúng ta. Vì sao vậy? Vì rằng, bầu Đức đã áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Ông dùng giống tốt, kỹ thuật canh tác tiên tiến, cơ giới hóa trên toàn bộ khâu sản xuất… Trong lúc bà con mình khom lưng chặt từng cây mía thì bầu Đức dùng máy cắt.
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu: “…Hệ thống canh tác cần cơ giới hóa tất cả các khâu, tưới nước khoa học và bón phân cân đối để tạo ra sản phẩm chất lượng, chi phí sản xuất thấp”.
Ông yêu cầu năng suất mía phải đạt từ 50 – 60 tấn/ha lên 90 – 100 tấn/ha. Đó là một nhiệm vụ rất khó khăn mà ngành mía đường phải phấn đấu. Chúng ta phải đưa giá đường xuống dưới 10.000 đồng/kg. Đây là bài toán mà không phải vùng trồng mía nào ở ta cũng có thể làm được.
Tôi cũng đã đi hầu khắp các vùng trồng mía trên cả nước. Nhiều nơi điều kiện canh tác tốt, khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, đất đai đủ sức để cơ giới hóa. Đó là những vùng mà chúng ta cần tập chung để đưa khoa học kỹ thuật vào. Thế nhưng cũng có những nơi mía được trồng theo kiểu gượng ép, không trồng được cây gì thì trồng mía. Diện tích này không nhỏ, nó có ở khắp nơi mà chủ yếu lại của các hộ nghèo, phân bố tản mạn, giao thông rất khó khăn…
Video đang HOT
Cây gai thay cây mía?
Vì vậy, chúng ta cần mạnh dạn quy hoạch lại các vùng trồng mía. Nơi nào hội tụ đủ các điều kiện tốt thì mới nên đầu tư để đưa năng suất và chất lượng của cây mía lên. Đây là việc chính của nông dân (còn việc chống bảo hộ và trợ giá là việc của các cơ quan chức năng). Tuy nhiên, bài toán khó cho bà con là: Nếu bỏ cây mía thì làm gì?
Trước hết, những người quản lý ngành mía đường không nên coi đây là việc bỏ chạy hay phá đám. Nếu cứ giữ những diện tích như thế, chính ngành mía đường lại gặp khó khăn. Vì vậy, hãy vui lòng cho bà con ở những vùng này chuyển đổi sản xuất sang những đối tượng mới.
Có một đối tượng mà chúng tôi cho rằng có thể thay thế cây mía ở những vùng mà mía cho thu nhập thấp, đó là cây gai. Cây gai không xa lạ gì với chúng ta. Ông cha ta thường tước vỏ gai để se sợi, bện thừng, lá của nó có thể dùng làm bánh gai.Cây gai thường chỉ cao 1 – 2m. Thế nhưng gần đây, Công ty An Phước phối hợp Viện Di truyền nông nghiệp du nhập và chọn tạo ra giống gai AP-1 có thể cao tới 3m. Giống gai này mọc khỏe, lớn nhanh, tỷ lệ sợi cao, thích ứng với điều kiện ở Việt Nam.
Họ đã cho trồng thử nghiệm ở Thanh Hóa, Sơn La, Lào Cai, Quảng Ngãi và một số nơi khác cho kết quả rất tốt. Cây trồng một lần có thể lưu gốc tới 10 năm. Mỗi năm có thể thu 4 đến 5 đợt, ước tính thu được từ 100-120 triệu đồng/ha/năm.
Công ty An Phước lại sẵn sàng ký kết đảm bảo thu mua tất cả sản phẩm cho bà con. Tỉnh Thanh Hóa đã bố trí 12 huyện tham gia trồng cây gai cho công ty, tỉnh Sơn La cũng giao cho 3 huyện trồng thử nghiệm…
Chúng tôi cho rằng, những vùng trồng mía kém hiệu quả nên quan tâm tới cây gai mới này. Tốt nhất, bà con nên tổ chức tới tham quan, mắt thấy, tai nghe cụ thể các vườn gai đã trồng. Sau đó, ký kết với công ty để họ đảm bảo về kỹ thuật và việc tiêu thụ.
Theo Danviet
Ngành mía đường "mãi không chịu lớn" và nỗi oan khó giải
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, nhiều chuyên gia về kinh tế và mía đường cho rằng: Sau gần 20 năm ngành mía đường Việt Nam sống chung với định kiến "dù được bảo hộ nhưng mãi không chịu lớn".
Đã đến lúc dư luận cần có một cách nhìn khách quan hơn, nhà nước cần có cơ chế, chính sách bài bản hơn để ngành mía đường có thể cạnh tranh, hội nhập công bằng, bình đẳng.
Đừng đổ lỗi do bảo hộ
Liên tiếp những năm gần đây, ngành mía đường gặp khó khăn lớn do giá đường xuống thấp, đường nhập lậu, tồn kho nhiều. Đặc biệt, niên vụ mía đường 2018-2019 là năm thứ ba liên tiếp chịu sự tác động tiêu cực của khí hậu, thời tiết, giá cả, thị trường trong nước và quốc tế. Hàng vạn hộ nông dân trồng mía khốn đốn, sản xuất mía chỉ có thu nhập thấp, một số vùng thua lỗ nặng, nông dân phải bỏ ruộng hoặc chuyển sang cây trồng khác...
10 năm qua ngành mía đường đã đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng để cải tiến máy móc công nghệ nhằm đón đầu hội nhập. Ảnh: T.L
Theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, diện tích mía nguyên liệu hiện đã giảm từ 30 - 60% tổng diện tích. Thiếu mía nguyên liệu buộc các nhà máy duy trì sản xuất công suất thấp. Tới nay đã có 17/30 nhà máy đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu, một số nhà máy phải tạm dừng hoặc có thể phá sản vào cuối năm 2019 và trong năm 2020.
Nhìn nhận về những khó khăn, yếu kém của ngành mía đường, một số ý kiến cho rằng nguyên nhân chính là do công nghệ sản xuất lạc hậu, chi phí sản xuất cao, diện tích nhỏ lẻ, không cơ giới hóa... cộng với thói quen được "nuông chiều", ỉ lại vào chính sách bảo hộ với ngành hàng thiết yếu...
Tuy nhiên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam khẳng định, 10 năm qua ngành mía đường đã đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng để cải tiến máy móc công nghệ nhằm đón đầu hội nhập. Đến nay, hầu hết các nhà máy đường trong nước đều có nền tảng công nghệ, kỹ thuật tự động và đạt tầm quốc tế.
"Nói ngành mía đường Việt Nam yếu kém, nhưng trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, giá đường của chúng ta cạnh tranh hơn tất cả các quốc gia, trừ Thái Lan. Và nhìn rộng ra tầm thế giới, chúng ta cũng chỉ thua các cường quốc về mía đường như Brazil do họ có quá nhiều điều kiện tự nhiên ưu đãi" - ông Lê Hồng Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Cần Thơ so sánh.
Về vấn đề bảo hộ, theo lãnh đạo Hiệp hội Mía đường, thực tế hiện nay, trong số 120 quốc gia sản xuất đường trên thế giới, hầu như tất cả các nước đều bảo hộ và trợ giá cho ngành mía đường. Đặc biệt, như Thái Lan, chính sách về đường của nước này can dự sâu vào nhiều khâu quan trọng trong chuỗi sản xuất. Điển hình là trực tiếp chỉ đạo khu vực canh tác, thanh toán trực tiếp cho người trồng mía, cho vay ưu đãi, trợ cấp đầu vào cho các nhà sản xuất, trợ cấp xuất khẩu gián tiếp thông qua giá cả đường nội địa...
"Như vậy, nếu so với các nước, đặc biệt so với Thái Lan, Việt Nam với chính sách bảo hộ không trợ giá, trợ cấp là hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế, thuộc top đầu về hiệu quả so với nhiều quốc gia khác" - ông Đặng Việt Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Sơn La và Kon Tum, nêu quan điểm.
Sẵn sàng hội nhập nếu...
Theo lộ trình cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), kể từ ngày 1/1/2018, mặt hàng đường từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu, với thuế suất nhập khẩu chỉ là 5%.
Thừa nhận việc gia nhập, thực thi Hiệp định ATIGA đối với ngành mía đường là phù hợp, là xu thế tất yếu, tuy nhiên đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng trong bối cảnh ngành mía đường đang chịu nhiều sức ép, đặc biệt là tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu đường ngày càng gia tăng, không thể kiểm soát... thì việc gia nhập và thực thi Hiệp định ATIGA theo lộ trình từ 1/1/2020 chắc chắn sẽ càng tạo ra những áp lực lớn hơn đối với ngành mía đường Việt Nam.
Tại văn bản kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ hôm 24/5 vừa qua, Hiệp hội Mía đường Việt Nam khẳng định nguyên nhân gây ra khó khăn trầm trọng của ngành mía đường Việt Nam tập trung ở việc đối tác chính trong ngành mía đường ASEAN là Thái Lan đã gian lận thương mại ở quy mô quốc tế.
Theo các doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong ngành mía đường, chính sách về đường của Thái Lan can dự sâu vào nhiều khâu quan trọng trong chuỗi sản xuất. Điển hình là trực tiếp chỉ đạo khu vực canh tác, thanh toán trực tiếp cho người trồng mía, cho vay ưu đãi, trợ cấp đầu vào cho các nhà sản xuất, trợ cấp xuất khẩu gián tiếp thông qua giá cả đường nội địa...
"Đường nội địa của Thái Lan được bán và tiêu thụ với giá cao hơn rất nhiều (khoảng 19.000 đồng/kg) so với giá thế giới và gần gấp đôi giá xuất khẩu (khoảng 9.000-10.000 đồng/kg), cho phép các nhà máy đường của họ dư sức xuất khẩu đường ra thị trường quốc tế với bất kỳ mức giá nào" - đại diện của Hiệp hội Mía đường dẫn chứng.
Trong bối cảnh như vậy, nếu thực hiện loại bỏ hạn ngạch thuế quan để thực thi ATIGA đồng nghĩa với việc ngành mía đường Việt Nam phải đối mặt trực diện với sự cạnh tranh bất bình đẳng của đường Thái Lan. Các hộ nông dân trồng mía, doanh nghiệp chế biến đường chắc chắn sẽ chịu tổn hại to lớn, thậm chí ngành mía đường Việt Nam đứng trước nguy cơ bị xoá sổ. Thị trường gần 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào đường nhập khẩu.
Trước tình thế này, theo đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam và nhiều doanh nghiệp ngành mía đường, vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng cần phải tính toán, phân tích một cách đầy đủ, sâu sắc hệ lụy của việc thực thi ATIGA đến lợi ích người nông dân, công nhân lao động và doanh nghiệp trong ngành mía đường nói riêng, và các ngành hàng khác trên quy mô toàn quốc.
Hôm nay (1.6), Báo NTNN tổ chức tọa đàm:
Làm gì để ngành mía đường vượt "bẫy" hội nhập?
Làm gì đế gỡ khó cho ngành mía đường, để người nông dân trồng mía yên tâm sản xuất, ổn định đời sống? Làm gì để ngành mía đường Việt Nam thoát ra khỏi "bẫy" hội nhập?... Những câu hỏi này sẽ được đặt ra với các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế và chính các doanh nghiệp ngành mía đường tại buổi tọa đàm với chủ đề "Làm gì để ngành mía đường vượt "bẫy" hội nhập?", do Báo NTNN/Dân Việt tổ chức sáng 1/6, tại Hà Nội.
Tham dự tọa đàm có lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại diện Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT, các chuyên gia kinh tế, đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nông dân trồng mía và các doanh nghiệp sản xuất mía đường...
P.V
Theo Danviet
"Sóng gió" ngành mía đường: Giá tụt dốc, doanh nghiệp lao đao Ngành mía đường đang đối diện với những "sóng gió" khi giá đường trên thị trường hiện giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước, nhiều doanh nghiệp (DN) ngành mía đường lao đao vì lợi nhuận sụt giảm, phải đóng cửa nhà máy. Hơn thế nữa, nguồn nguyên liệu đầu vào được dự báo gặp khó khăn khi nông dân đang...