Hết tết, teen vẫn ra sức đòi… lì xì
Dù Tết đã qua, rằm tháng Giêng cận kề, thế nhưng như đã thành một thói quen khó bỏ, nhiều bạn trẻ vẫn ra sức đòi lì xì đối với những người gặp lần đầu tiên trong năm mới, bất kể là người quen hay mới gặp.
Quen… không tha
Từ Tết đến giờ, không biết ăn phải “bùa mê thuốc lú” gì mà gặp ai, Yến cũng đòi mừng tuổi. Hầu như Tết nào, cô nàng cũng thu hoạch kha khá từ khoản lì xì này. Cũng dễ hiểu thôi bởi không chỉ được lì xì trong tết, mà kể cả hết Tết cả tuần rồi, đi đâu, gặp người quen Yến cũng đòi tiền mừng tuổi cho bằng được.
Đợt Tết vừa rồi chú Hùng – anh em kết nghĩa với bố mẹ bận về quê ngoại chưa đến chơi được, mãi ra ngoài ngày đến mùng 8, chú mới qua Yến nhà chúc mừng năm mới. Vừa đi học về, nhìn thấy chú Hùng, Yến đã lớn tiếng đòi ngay “a, chú Hùng mừng tuổi cháu đi”.
Bài ca đó lặp lại với không ít người, nếu ai hào phóng rút ví chìa cho Yến mấy đồng thì cô nàng sẽ “chuồn” ngay. Bằng không, Yến phải mè nheo cho bằng được với đủ lý do. Nào là “cháu vẫn còn đi học, phải mừng tuổi để học cho giỏi”, “năm mới phải mừng tuổi cho may mắn chứ”… Nghe kiểu vòi vĩnh của Yến, lại đang là đầu năm mới, không ít người lì xì cho… xong chuyện.
Nghe kiểu vòi vĩnh của Yến, lại đang là đầu năm mới, không ít người lì xì cho… xong chuyện. (ảnh minh họa)
Ngay cả với bạn bè cùng lớp, hôm đầu tiên đi học, Yến cũng ỉ ôi đòi các bạn lì xì nhất là các bạn nam. Cái lý Yến nêu ra là “đàn ông con trai phải mừng tuổi cho chị em con gái là đúng rồi, vì con gái cần nhiều lời chúc hơn”.
Rồi Yến đến chỗ từng người để đòi, ít nhất cũng là tờ 5000 đồng mới toanh. Lớp học có đến 30 nam, vì thế, buổi học đầu tiên cũng mang lại cho Yến nguồn thu khá khá từ công việc… đòi lì xì.
Lạ… không thương
Hết Tết mà vẫn đòi lì xì đã là chuyện hiếm. Nhưng đòi lì xì với những người lạ, mới gặp lần đầu tiên thì quả là xưa nay chưa từng thấy. Thế mà đối với Vân, chuyện đó chẳng có gì phải ngạc nhiên bởi nhiều năm nay Vân vẫn quen với việc đòi người lạ mừng tuổi. Nhưng chính sự “vô tư” quá mức của Vân nhiều khi khiến người khác phát ngại.
Dù mới đầu năm mới, cô chị họ của Vân cũng không tránh khỏi bực mình bởi hôm rủ Vân đi cà phê cùng mấy người bạn học cũ, chưa quen các anh chị này bao giờ, thế mà Vân vẫn giở thói đòi lì xì cho bằng được, mà lúc đó đã là mùng 10 âm lịch.
Video đang HOT
Chị Nga ngạc nhiên khi thấy con mình hết Tết rồi mà vẫn đòi lì xì, lại là đòi người lạ. (ảnh minh họa)
Tất nhiên, mới gặp lần đầu, lại là do chính cô nàng đề nghị nên chẳng ai không rút ví, chỉ khổ bà chị họ không biết nói sao cho đỡ xấu hổ. Mấy lần đá đá chân Vân, vậy mà chẳng biết cô bé không hiểu hay cố tình không hiểu, vẫn tự nhiên xòe tay nhận lì xì như không. Dù có thể bạn bè không để ý, cũng chẳng chấp trách gì nhưng hôm đó, ngay khi rời khỏi quán, chị họ Vân đã tuyên bố không bao giờ đưa Vân đi cùng nữa.
Thậm chí chị còn nói thẳng, “có mấy chục tiền mới, em cần thì bảo chị cho, đâu nhất thiết phải đi đòi cả bạn bè chị như vậy”. Vân vẫn nhăn nhở cười, coi đó là chuyện vặt, điều quan trọng là cô nàng đã thu được nhiều hơn cái khoản mấy chục mà chị họ nghĩ.
Không ít phụ huynh cũng gặp trường hợp tương tự khi con mình bất ngờ đòi mừng tuổi dù đã gần đến rằm. Mấy hôm nay chị Nga vẫn thấy khó chịu vì thằng con trai quý tử bổng nhiên… dở chứng đòi mừng tuổi.
Cách đây 2 hôm, có cô bạn thân từ nước ngoài về ăn tết ghé qua chơi. Nghe tiếng chuông, thằng bé vội vàng rời máy tính ra mở cửa. Ban đầu, chị Nga hơi ngạc nhiên vì hôm nay con trai lại nhanh nhẹn, chịu khó đến vậy, bình thường chị có nhắc cu cậu mới chịu ra mở cửa cho khách.
Thế nhưng, chỉ một lát sau chạy theo con ra mở cổng, chị Nga đã hiểu rõ sự tình. Khi cô bạn vừa ló mặt vào, tươi cười hỏi mẹ Nga, cụ cậu đã nhanh nhảu “cô là bạn mẹ cháu à, cô lì xì cho cháu đi đã rồi cháu gọi mẹ”. Chị Nga sững sờ vì không ngờ sắp đến rằm rồi mà con trai vẫn dám đòi mừng tuổi, lại là người lạ mới gặp lần đầu.
Khi chị Nga hỏi chuyện, cậu bé giải thích, “năm mới thì phải lì xì là đúng rồi kể gì hết Tết hay chưa chứ, còn chuyện người quen hay lạ thì có gì khác nhau mà mẹ phải lăn tăn”. Chị Nga chỉ còn biết thở dài, không hiểu có phải mình đã quá già để không bắt kịp suy nghĩ của lớp trẻ hay không.
Theo BĐVN
Mốt lì xì 'tiền cổ' đầu năm lấy may
Nếu trước đây, người ta quan tâm nhiều đến trị giá của tiền mừng tuổi thì vài năm trở lại đây, những món lì xì độc đáo lại được những người trẻ sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để mua.
Lì xì biết bao nhiêu cho đủ
Theo Nhật Anh (sinh viên năm thứ 2 - khoa cơ khí - Đại học Bách Khoa Hà Nội), tặng tiền cổ Việt Nam đầu năm không chỉ là để lấy may, đồng tiền đi liền với lịch sử, vì vậy vào ngày Tết cổ truyền, lì xì tiền Việt cũng là cách để biết lịch sử - văn hóa của cha ông ta.
"Bây giờ biết lì xì bao nhiêu cho đủ, hơn nữa tiền mừng tuổi đầu năm là để lấy may, nhưng ít ai có thể giữ được tiền đó mà không tiêu. Vì vậy, mừng tuổi tiền cổ là một món quà tinh thần có ý nghĩa", Nhật Anh chia sẻ.
Các loại tiền Việt cũ được chào bán.
Giống như Nhật Anh, Thu Hà (nhân viên kế toán công ty xây dựng Techconvina) cũng thường sưu tập những đồng tiền cổ để tặng người thân.
Theo kinh nghiệm của Hà, muốn có được những đồng tiền Việt vừa cổ vừa mới, thì phải săn hàng trong cả năm vì dịp gần Tết nhiều người cũng có nhu cầu mua loại tiền này nên hàng khan hiếm hơn và ít tiền đẹp.
Tờ tiền có hình con hổ được phát hành năm 1972 được rất nhiều người đặt mua trong năm Canh dần sắp tới.
Hà thích tặng tiền Việt cổ cho người thân vì "Tặng tiền polyme thì cần nhét vào phong bao lì xì là xong và tiền càng lớn thì người nhận sẽ càng nhanh chóng tiêu. Tặng tiền Việt cổ thể hiện được tình cảm của mình vì phải mất công tìm mua, bọc bằng túi nilon kính để có thể giữ tiền mới được lâu, sau đó mới cho vào bao lì xì đem tặng. Lì xì tiền này vì không tiêu được nên người nhận sẽ giữ lại làm kỷ niệm và nhớ đến mình".
Tuy giá trị thực tế của mỗi đồng tiền Việt cổ không lớn, nhưng với những loại tiền Đông Dương hoặc tiền được phát hành nhưng chưa được lưu thông thì giá mua lại ở trên trời. Vì vậy, sở hữu những loại tiền này cũng là một cách để thể hiện đẳng cấp của mình. Và khi đem tặng, nó thể hiện được người nhận có vị trí quan trọng như thế nào với người nhận.
Mặt khác, một số tờ tiền có in hình các vị vua (Quang Trung - Nguyễn Huệ) hay một số linh vật như phượng, rồng, hổ, nên về mặt tâm linh nó mang ý nghĩa linh thiêng, may mắn dồi dào cho một năm mới.
Làm tiền giả thì chỉ có lỗ
Theo lời giới thiệu của Nhật Anh, tôi tìm đến anh Tuấn, một người sở hữu khá nhiều tiền Việt cổ ở Hà Nội. Theo anh Tuấn, mỗi tờ tiền có một giá bán khác nhau tùy thuộc vào thời điểm phát hành, số seri, mới hay cũ, hình in chìm hay in nổi, mệnh giá tiền.
Anh Tuấn giới thiệu bộ sưu tập tiền cổ của mình.
Đối với những tờ tiền Đông Dương thường có giá cao vì đây là loại tiền đồng phần lớn được lưu hành trong giới địa chủ giàu có nên số lượng rất ít, giá thường là 100 nghìn đồng/tờ (tiền cũ) và khoảng 200 - 250 nghìn đồng/tờ (tiền mới).
Trị giá của tiền không chỉ phụ thuộc vào thời gian phát hành mà quan trọng hơn là thời điểm phát điểm phát hành. Có những loại tiền được sản xuất từ năm 1953, 1955 nhưng lại chỉ có giá từ 20.000 - 40.000 đồng/tờ, nhưng tiền phát hành năm 1975 thì lại có giá cao ngất ngưởng lên đến 1 triệu đồng/tờ vì đây là loại tiền do Chính phủ Ngụy quyền Sài Gòn phát hành nhưng chưa kịp lưu hành thì đã bị quân giải phóng lật đổ và thay bằng loại tiền mới.
Theo anh Tuấn, cứ vào dịp cuối năm số lượng khách hàng tìm đến mua rất đông, đặc biệt trong 2 năm trở lại đây. Năm nay, mặc dù chưa đến Tết Nguyên đán nhưng anh Tuấn đã bán được hàng trăm tờ tiền Việt cổ.
"Ngày trước tôi chỉ chơi tiền Việt cổ cho vui, nhưng thấy ngày càng có nhiều người quan tâm đến loại tiền này nên tôi mới lấy về bán. Kinh doanh loại tiền này khá lãi, mỗi tờ tiền có thể ăn gấp 5, gấp 10 lần giá trị mua vào nhưng quan trọng là phải có mối".
Anh Tuấn tiết lộ, sở dĩ anh sở hữu nhiều tiền Việt cổ và sẵn sàng bán cho khách với giá rẻ vì anh có nhiều mối lớn ở cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Phần lớn lượng tiền mà anh có đều là từ ngân hàng ra. Theo anh, cứ vài chục năm, những loại tiền cũ, rách nát lại được ngân hàng đóng bao để đem đi đốt. Tuy nhiên, nếu mình có mối thì sẽ mua lại với giá rẻ và lọc ra những tờ tiền còn mới.
"Em muốn mua bao nhiêu cũng có, mua nhiều sẽ được giảm giá, nếu từ 100 tờ trở lên sẽ được giảm hẳn 50%", anh Tuấn mời chào.
Thấy tôi băn khoăn về tính thật giả của tờ tiền, anh Tuấn khẳng định: "Nếu em phát hiện tiền giả thì mang lại đây anh đền tiền gấp ba".
Theo anh Tuấn, những loại tiền này giá trị không lớn, người mua lại không nhiều như hàng mã nên làm giả thì chỉ có lỗ vì tiền đầu tư khuôn kẽm để in là rất lớn, mỗi loại tiền cùng lắm cũng chỉ sản xuất vài trăm tờ. Chỉ có những loại tiền giá bán lên đến hàng nghìn đô la thì họ mới làm giả.
Theo Bee
Bao lì xì muộn... Không biết từ một động lực vô hình nào đó đã thôi thúc nó đặt bút ghi danh tham gia chiến dịch xuân tình nguyện. Trước nay nó chỉ biết cặm cụi học hành, rất ít khi tham gia các hoạt động tình nguyện. Thi xong, nó hồ hởi đặt vé xe và vô cùng tự hào vì được về trước lũ bạn...