Hết năm 2022, Khu Liên hợp thể thao quốc gia nợ thuế ‘kỷ lục’ 1.000 tỉ đồng
Hoàn toàn mất khả năng chi trả, Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình khép lại năm 2022 bằng một số liệu khá đáng buồn.
Tổng số tiền nợ thuế của đơn vị này lên đến hơn 1.000 tỉ đồng và còn tăng trong năm 2023.
Cách đây 6 tháng, Khu Liên hợp thể thao quốc gia (khu liên hợp) nhận được công văn của cơ quan thuế với nội dung, tiến hành cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với khu liên hợp. Lý do cưỡng chế: Khu liên hợp có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại luật Quản lý thuế, là 848 tỉ đồng. Quyết định này có hiệu lực trong vòng 1 năm, kể từ ngày 20.6.2022.
Sân Mỹ Đình hiện tại. Ảnh THÁI NINH
Video đang HOT
Trả lời Báo Thanh Niên, đại diện cơ quan thuế cho biết: “Đối với số tiền nợ thuế của khu liên hợp, đơn vị thuế đã triển khai thực hiện đầy đủ và nghiêm túc theo đúng các quy trình và quy định trong quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế và kết luận của Thanh tra Chính phủ. Áp dụng các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, cưỡng chế nợ thuế như cưỡng chế tài khoản, cưỡng chế hóa đơn, công khai thông tin nợ thuế để thu hồi nợ đọng đối với khu liên hợp.
Đơn vị thuế đã phối hợp với Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT để hỗ trợ trong việc đôn đốc khu liên hợp thực hiện nộp tiền thuế nợ; đồng thời có công văn báo cáo và xin ý kiến Tổng cục Thuế có hướng dẫn và các giải pháp đặc thù để đôn đốc thu tiền thuế nợ, phù hợp với tình hình thực tế của của khu liên hợp. Trong thời gian tới, đơn vị thuế tiếp tục áp dụng biện pháp cưỡng chế hóa đơn đối với khu liên hợp để kiểm soát việc sử dụng hóa đơn và thu tiền thuế nợ thông qua việc cho phép khu liên hợp xuất hóa đơn lẻ theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP, đồng thời cơ quan thuế sẽ phối hợp với các Sở ban ngành, các cơ quan chức năng, đơn vị chủ quản để phối hợp đôn đốc thu hồi nợ đọng và đưa ra các giải pháp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với khoản nợ tại khu liên hợp”.
Tính đến thời điểm hiện tại, khoản nợ xấu đã phát sinh lên đến con số “khổng lồ” hơn 1.000 tỉ đồng. Theo một quan chức ngành thể thao, trong 6 tháng tới, nếu không thể trả nợ theo đúng yêu cầu của cơ quan thuế, số nợ càng tăng vọt, sẽ vào khoảng gần 1.500 tỉ đồng.
Tuyển Việt Nam trở lại sân Mỹ Đình gặp đội Myanmar vào ngày 3.1.2023. Ảnh ĐỘC LẬP
Mới đây, trả lời Báo Thanh Niên, một lãnh đạo Tổng cục TDTT nói: “Khu liên hợp đơn vị tự chủ 100%. Trước đây Chính phủ đã cho thử nghiệm tự chủ, cho phép cho khu liên hợp được thực hiện liên doanh liên kết. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo khu liên hợp (thời kỳ 2009 – 2018) đã để xảy ra nhiều sự việc. Các hợp đồng liên doanh liên kết hợp đồng phù hợp, đóng thuế đầy đủ nhưng cũng có 1 số các công ty hợp đồng không đúng quy định pháp luật. Vấn đề này được nêu trong kết luận của Thanh tra Chính phủ. Tất cả các hoạt động của khu liên hợp đều phải cưỡng chế thuế. Các hợp đồng đều phải trích lại để đóng thuế. Hợp đồng giữa khu liên hợp với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) về việc thuê sân Mỹ Đình phục vụ AFF Cup 2022 với số tiền 800 triệu đồng/trận, khu liên hợp cũng phải trích để đóng thuế”.
Ngành thể thao đang xin các cơ quan có thẩm quyền “khoanh vùng” khoản nợ thuế của khu liên hợp, tránh phát sinh nhưng không được chấp thuận. Khu Liên hợp thể thao quốc gia đang lâm vào cảnh bất lực chi trả hoàn toàn mà không có cách giải quyết.
Mặt sân Mỹ Đình xấu, ghế cũ bẩn là điều không thể bào chữa
Trả lời báo chí vào sáng 29.12, lãnh đạo của Tổng cục TDTT một lần nữa đã có những chia sẻ về Khu Liên hợp thể thao quốc gia (khu liên hợp) và sân Mỹ Đình.
Sân Mỹ Đình ngày diễn ra trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Malaysia tại AFF Cup 2022. Ảnh ĐỘC LẬP
Trước những chia sẻ của Báo Thanh Niên trong cuộc gặp mặt giới truyền thông vào ngày 29.12, lãnh đạo của Tổng cục TDTT bày tỏ, hiện tại vấn đề liên quan đến khoản nợ thuế của Khu Liên hợp thể thao chưa có cách nào giải quyết. Kinh phí không còn, mọi hoạt động của khu liên hợp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cơ sở vật chất của khu liên hợp, trong đó có 1 số hạng mục tại sân Mỹ Đình xây dựng đã lâu năm mà chưa được thay mới.
"Việc duy tu bảo dưỡng, quản lý sân cũng gặp vô vàn khó khăn. Sân có nhiều chỗ bị xuống cấp khiến lãnh đạo ngành thể thao cảm thấy xấu hổ. Khu vực khán đài không phải được thay ghế toàn bộ để phục vụ SEA Games 31 mà có khu vực vẫn dùng ghế cũ. Nhiều ghế bẩn đến nỗi phải chà từng cái may ra mới sạch. Nhà vệ sinh thiếu sạch sẽ, cũ nát. Quỹ tài chính kiệt quệ nên không đủ trả lương cho cán bộ khu liên hợp", lãnh đạo Tổng cục TDTT chia sẻ.
Vị lãnh đạo trên nói thêm, mặt sân xấu, ghế không đẹp thì dù giải thích gì đi nữa cũng không thể bào chữa được. Sân Mỹ Đình là hình ảnh quốc gia, đáng nhẽ phải lung linh, phải đẹp nhưng thực tế chưa đẹp như mong muốn dù Liên đoàn Bóng đá châu Á đã kiểm tra và đồng ý cho các trận đấu bóng đá được diễn ra ở đây.
Xin được nhắc lại là do sai phạm cá nhân của đời giám đốc cũ mà Khu liên hợp thế thao quốc gia hiện tại phải chịu hệ lụy nặng nề. Trong đó sân Mỹ Đình - hạng mục quan trọng nhất của khu liên hợp, bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Lãnh đạo ngành thể thao cũng đã thông tin về kế hoạch của thể thao Việt Nam trong năm 2023. Trong đó tập trung chuẩn bị lực lượng tham dự SEA Games 32 tại Campuchia với mục tiêu ổn định ở tốp 3 khu vực; ASIAD 19 tại Trung Quốc với mục tiêu giành từ 3 - 5 huy chương vàng; Đại hội thể thao bãi biển thế giới tại Indonesia; Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật lần thứ 6 tại Thái Lan, vòng loại Olympic 2024 và các sự kiện thể thao quốc tế trong năm 2023.
Thu ngân sách từ xuất nhập khẩu cán đích Tổng cục Hải quan cho biết, thu ngân sách nhà nước từ xuất nhập khẩu đến ngày 15/12 đạt 420.192 tỷ đồng, bằng 119,4% dự toán (352.000 tỷ đồng), bằng 100% chỉ tiêu phấn đấu (420.000 tỷ đồng), tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Bốc xếp hàng hóa tại Công ty Cổ phần cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh)....