Hết mặn mà với mía
Mía đường đang vào vụ thu hoạch rộ nhất. Giá thu mua mía nguyên liệu tăng so với năm trước, thế nhưng những hộ có diện tích nhỏ lẻ không còn mặn mà với cây mía.
Mía không còn “ngọt”
Tháng 3, cái nắng dường như gay gắt hơn trên những ruộng mía khô khốc đã đến lúc thu hoạch. Con đường nội đồng nối xã Ninh Xuân qua Ninh Thân (thị xã Ninh Hòa) ngút tầm mắt bởi cây mía đường. Tuy nhiên, giữa vùng mía đường ở độ thu hoạch, không khí lại vắng vẻ, thật khó khăn chúng tôi mới tìm được vài người đang chặt mía. Bắt chuyện ông Trần Tới đang thu hoạch mía ở khu vực Phước Lâm, xã Ninh Xuân, ông cho biết: “Bây giờ, bọn trẻ đi làm công nhân hết nên khó thuê được người chặt mía. Vợ chồng tôi có 2ha mía nhưng năm nay chỉ làm 1ha, thuê không ai chặt. Vợ chồng tôi tự chặt khoảng 1 tuần mới xong, sản lượng chắc được 4 tấn”.
Người dân thu hoạch mía.
Cách rẫy mía ông Tới không xa, gia đình bà Lê Thị Kim Phi cũng đang thu hoạch mía. Bà Phi cho biết: “Nhà tôi có 4ha mía, đăng ký với nhà máy đường chỉ 30 tấn mà chưa biết có đạt nổi không. Năm nay mưa ít, nắng nhiều, vùng này không chủ động được nguồn nước nên thất thu hết. Vụ mía năm nay tuy giá nhỉnh hơn năm trước nhưng do năng suất thấp nên phần lớn nông dân vẫn thua lỗ”.
Thời điểm này, những diện tích mía bảo đảm nguồn nước, đầu tư tốt, thuận tiện giao thông cũng chỉ cho thu nhập khoảng 12 triệu đồng/ha. Như vậy, người dân phải trồng diện tích lớn mới có thể sống nhờ cây mía, trong khi diện tích trồng mía của đa số các hộ ở vùng mía Ninh Thân, Ninh Thượng, Ninh Tây không quá lớn, phổ biến 1 – 3ha. Ông Đặng Văn Huy có 25ha mía ở xã Ninh Tân cho biết, ông có 15ha chủ động nước tưới. Với diện tích này, năng suất bình quân mía tơ khoảng 80 tấn/ha, mía lưu gốc 60 tấn/ha. Ở những diện tích phụ thuộc nước trời, hầu hết chỉ đạt chưa đầy 40 tấn/ha. Niên vụ này, 25ha đạt sản lượng 1.200 tấn mía, gia đình ông thu lợi nhuận 210 triệu đồng. “Trồng mía không lãi bao nhiêu, chỉ hơn nhau nhờ diện tích lớn. Vì thế, xã Ninh Tân bây giờ chỉ còn ít hộ trồng mía; phần lớn chuyển sang trồng cây khác, bỏ không, cho thuê, thậm chí bán luôn rẫy mía để chuyển sang làm nghề khác”, ông Huy chia sẻ.
Cây mía ở vùng Ninh Xuân – Ninh Thân chỉ cho năng suất dưới 10 tấn/ha.
Định hướng mới
Theo ông Trần Tới, xong vụ mía này, ông quyết định chuyển hết sang trồng mì vì 1ha mì mỗi năm lời được tầm 6 – 7 triệu đồng, tuy không cao nhưng chắc ăn hơn mía. Một số hộ nông dân khác chuyển sang trồng keo như một giải pháp bất đắc dĩ trong quá trình thoát khỏi cây mía đường.
Video đang HOT
Được biết, dồn điền đổi thửa, cải tạo đồng ruộng để có thể sử dụng máy móc, cải tiến cách làm và cây giống để nâng cao năng suất, nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng đơn vị diện tích… là những giải pháp mà nông dân thực hiện trong những năm qua. Thực tế, những hộ canh tác hàng chục héc-ta vẫn có thể sống được từ cây mía. Những hộ này đầu tư vào kỹ thuật chăm sóc, phân bón, nước tưới để cây mía đạt năng suất hơn 60 tấn/ha. Với diện tích lớn, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, máy móc vào các khâu sản xuất cũng thuận tiện và hiệu quả cao hơn so với những hộ có diện tích nhỏ. Theo ông Đoàn Nguyễn Đại Việt – Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường Biên Hòa – Ninh Hòa (BHS-NH), đến nay, công ty đã cùng với nông dân xây dựng được 300ha mía trồng, chăm sóc, thu hoạch hoàn toàn bằng máy móc. Niên vụ tới đây, dự kiến có thêm 50ha nữa. Đây là hướng đi cần thiết nhằm giảm công lao động, tăng năng suất, hiệu quả cho cây mía.
Cân mía tại Công ty TNHH một thành viên Đường Biên Hòa – Ninh Hòa.
Tuy nhiên, phần lớn diện tích trồng mía chưa đáp ứng được điều kiện nói trên: Diện tích nhỏ, lại nằm ở khu vực không chủ động nước tưới. Qua thống kê của ngành nông nghiệp vào năm 2019, diện tích mía toàn tỉnh khoảng 20.000ha, trong đó chỉ khoảng 20% chủ động tưới, còn lại phụ thuộc vào nước mưa. Bên cạnh đó, diện tích trồng mía cũng ngày càng thu hẹp lại. Đơn cử như vùng nguyên liệu của BHS-NH trên địa bàn tỉnh vào năm 2016 là 8.500ha; năm 2019 còn 4.500ha; niên vụ này chỉ còn 3.500ha.
Từ thực trạng nói trên, với vùng chưa chủ động nước tưới, BHS-NH đã nghiên cứu để triển khai áp dụng trong niên vụ tới kỹ thuật trồng mía trên đất đồi, khô hạn. Đó là trồng mía hố, mía rãnh để tăng khả năng giữ nước; trồng đậu xanh rồi cày vùi vào đất để hạn chế cỏ và bổ sung chất dinh dưỡng, giữ ẩm, làm tơi xốp cho đất… Đối với những vùng chủ động tưới, công ty sẽ đẩy mạnh thành lập các câu lạc bộ năng suất cao. Doanh nghiệp sẽ hỗ trợ chi phí, kỹ thuật để đưa năng suất cây mía các thành viên trong câu lạc bộ lên bình quân 70 tấn/ha.
Theo thông tin từ UBND thị xã Ninh Hòa, hiện nay, địa phương đang tập trung thống kê, rà soát các diện tích mía kém hiệu quả, làm cơ sở để khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Mặt khác, địa phương phối hợp với công ty đường vận động người trồng mía tham gia liên kết, xây dựng các dự án hoặc kế hoạch liên kết tại những diện tích mía đang phát triển tốt để nâng cao hiệu quả.
Chật vật cùng cây mía
Dù đã có thời gian dài, cây mía trên đất Khánh Hòa và các vùng lân cận làm đổi thay cuộc sống của hàng vạn người.
Vậy nhưng, vài năm trở lại đây, loại cây trồng này cho hiệu quả kinh tế ngày càng thấp, sản lượng sụt giảm mạnh, đời sống người trồng mía lao đao.
Việc tìm hướng đi mới hoặc chuyển đổi cây trồng vẫn đang là bài toán nan giải.
Công nhiều, lãi ít
Bước vào tháng 3, các vùng nguyên liệu mía ở Khánh Hòa cấp tập vào mùa thu hoạch.
Ông Võ Văn Thành và hàng loạt người trồng mía đường ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) cho biết: Giá thu mua dao động 800-960 ngàn đồng/tấn.
So với các năm trước, giá thu mua mía đường năm nay có cao hơn.
Nhưng, thời tiết diễn biến thất thường, sâu bệnh nhiều, các chi phí phát sinh tăng mạnh nên chỉ lấy công làm lãi.
Thêm một khó khăn khác người trồng mía Khánh Hòa đang phải đối mặt là giá nhiên liệu, công vận chuyển tăng mạnh.
Giá nhiên liệu, phân bón tăng liên tục. Nhiều gia đình phải gồng mình bám vào cây mía đường nhưng vẫn không có lời.
Tại Khánh Hòa có khoảng 200.000ha mía đường, trong đó thị xã Ninh Hòa chiếm trên 12.000ha.
Trước năm 2020 diện tích trồng mía được phủ kín ở Ninh Hòa nhưng niên vụ 2020-2021 ít người còn tha thiết với trồng mía đường, diện tích trồng thực tế giảm hơn một nửa.
Lãnh đạo UBND xã Ninh Tân cho biết: Đời sống người dân đang gặp khó khăn với cây mía. Dù đã nỗ lực hỗ trợ, động viên, vận động các doanh nghiệp giúp sức trong việc thu mua nhưng khô hạn nhiều tháng kéo dài, cây mía không phát triển được. Nhiều khu dân cư trước đây xem cây mía là chủ lực thì giờ chỉ trồng cầm chừng, không dám đầu tư mạnh.
Với diện tích trồng khoảng 1.500ha, nghề trồng mía đường ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) tập trung ở các xã: Sông Cầu, Khánh Đông, Khánh Bình, Khánh Hiệp... Dù giá thu mua có tăng, mía cho sản lượng đường 10 CCS trở lên nhưng công chăm sóc, cải tạo đất nhiều nên không có lãi.
Nhiều hộ dân ở xã sông Cầu buồn lo: Gắn với cây mía nhiều năm giờ đột ngột bỏ đi thì không đành nhưng đầu tư mạnh thì sợ thua lỗ.
Vậy nên nhiều hộ, kể cả trang trại mía cũng để trống rất nhiều diện tích đất.
Nghề trồng mía chi phí nhiều, lãi ít.
Tìm hướng đi hợp lý
Đã chuyển một phần đất mía sang trồng cây hoa màu khác, ông Nguyễn Văn Hải (Ninh Tây, Ninh Hòa) đánh giá: Thay vì để đất hoang mình chuyển sang cây khác phù hợp, có thêm thu nhập và giải quyết được lao động dôi dư trong gia đình. Hàng loạt hộ nông dân trồng mía khác ở Ninh Hòa cũng rục rịch chuyển đổi cây trồng cho phù hợp và có hiệu quả hơn.
Để cây trồng thích nghi được với điều kiện địa phương và các biến đổi bất thường của khí hậu, UBND thị xã Ninh Hòa đang đẩy mạnh xây dựng bản đồ nông hóa - thổ nhưỡng.
Từ đó sẽ có những đánh giá sát thực, hiệu quả mức độ thích nghi đất đai tại vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Tăng cường kêu gọi đầu tư, liên kết với các doanh nghiệp để chung tay hỗ trợ nông dân trong việc tiếp cận cây trồng mới hiệu quả hơn cây mía.
Theo đánh giá của các xã trọng điểm về trồng mía ở Khánh Hòa, cùng với quy hoạch các diện tích mía phù hợp thì những nơi thiếu nước tưới, đất đai khô có thể trồng rừng sản xuất.
Đối với khu vực có thể vận hành được hệ thống nước tưới nên trồng cây ăn quả, các loại rau phù hợp.
Trước thực trạng nghề trồng mía đường ở địa phương, Sở NN&PTNN Khánh Hòa đã nghiên cứu để phê duyệt kế hoạch chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2021-2025.
Trên cơ sở này sẽ có nhiều phương án, chính sách để hỗ trợ nông dân trồng mía.
Dự kiến, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh Khánh Hòa sẽ thực hiện chuyển đổi 8.388,6ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao.
Dịch viêm da nổi cục ở trâu, bò diễn biến phức tạp tại Hà Tĩnh Chỉ trong một thời gian ngắn, dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò tại Hà Tĩnh đã xuất hiện và bùng phát ở 34 xã ở tám huyện, thành phố, thị xã. Công tác khoanh vùng, khống chế dịch bệnh mặc dù được các địa phương, ngành chuyên môn triển khai nhưng dịch bệnh vẫn đang có chiều hướng phức tạp. Gần...