Hết lo thời tiết lại đối phó với tàu giã cào, ngư dân lỗ nặng
Từ đầu năm đến nay, thời tiết không thuận lợi khiến năng suất đánh bắt thủy hải sản của các tàu cá trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giảm mạnh. Cộng thêm việc tàu giã, tàu kéo hoành hành, ngư trường ngày một cạn kiệt khiến ngư dân càng thêm khó khăn.
Sau hơn 20 ngày ra khơi, tàu cá mang biển kiểm soát BV9749 của chị Nguyễn Thị Cúc, trú tại 98/13/10 Bạch Đằng, phường 5, TP.Vũng Tàu vừa cập bến cảng INCOMAP. Đây là tàu cá lưới câu có công suất 400CV, chủ yếu đánh bắt mực và một số loại cá như bò, heo, ngừ.
Chị Cúc cho biết, những năm trước việc đánh bắt khá thuận lợi, mỗi chuyến biển 20-25 ngày, chị đánh được khoảng 20 tấn cá, 200-300kg mực các loại, thu về khoảng 200 triệu đồng/chuyến. Trừ chi phí và tiền chia bạn tàu, chị thu lãi từ 20-30 triệu đồng/chuyến.
Ngư dân đang chuyển cá từ tàu xuống tại cảng cá INCOMAP, TP.Vũng Tàu. Ảnh: P.T
Tuy nhiên, năm nay, tình hình đánh bắt gặp rất nhiều khó khăn. Vụ cá vừa cập bến, tôi chỉ thu được 2 tấn cá bò, 500kg cá ngừ, 50kg mực, bán được khoảng 40-50 triệu đồng. Trừ chi phí dầu, thực phẩm, máy móc và bạn tàu, tôi lỗ khoảng 80 triệu đồng. Tính chung từ đầu năm, tôi đi được 5 chuyến biển thì không chuyến nào có lãi. Chuyến trúng nhất cũng chỉ được 7-10 tấn cá, 100kg mực, thu về 120-130 triệu đồng. Tổng cộng, tôi lỗ hơn 150 triệu đồng. Không chỉ tôi, đa số các tàu lưới câu đánh bắt ở ngư trường Nam Trường Sa đều gặp tình trạng trên, chị Cúc than thở.
Ông Huỳnh Cấy, ở số 60/20/2A Bạch Đằng, TP.Vũng Tàu, sở hữu 2 tàu lưới vây, tổng công suất 1.000CV cũng trong tình trạng tương tự. Thông thường mọi năm, mỗi chuyến biển kéo dài gần 1 tháng, tàu của ông Cấy đánh bắt gần 30-35 tấn cá ngừ, cá nục, bạc má, cá thu… Với giá bán bình quân 20.000 – 25.000 đồng/kg cá ngừ, 7.000 đồng/kg cá nục, 25.000 đồng/kg cá ngân, trừ chi phí, ông thu lãi hơn 100 triệu đồng/vụ.
Tuy nhiên, sản lượng cá đánh bắt được năm nay thấp kỷ lục. Ông Cấy cho biết, các chuyến biển từ đầu năm đến nay đều không đánh bắt đủ sản lượng, trung bình chỉ được 10-15 tấn/vụ, chỉ bằng 50% so với thông thường. Dù giá cá đã tăng 3.000 – 10.000 đồng/kg tùy loại nhưng mỗi chuyến biển ông vẫn lỗ cả chục triệu đồng.
Công nhân sơ chế cá vừa được ngư dân đánh bắt về. Ảnh: P.T
Video đang HOT
Trường hợp của ông Cấy vẫn còn may mắn, nhiều chủ tàu khác gần như không đánh được cá, thua lỗ hàng trăm triệu đồng nên phải cầm cố tàu, nhà cửa để vay mượn mới duy trì được việc đánh bắt.
Ông Cấy nhận định: Nguyên nhân quan trọng nhất khiến sản lượng đánh bắt cá giảm mạnh là thời tiết không thuận lợi. Ngay từ đầu năm, chưa đến mùa bão nhưng ngư trường Trường Sa biển thường xuyên có gió mạnh, thậm chí cấp 8-9 nên tàu cá không thể di chuyển để đánh bắt, phải neo giữa biển để đảm bảo an toàn. Khi biển êm cũng không có các con nước có nhiều cá như mọi năm.
Bên cạnh đó, sau nhiều năm các tàu cá với hình thức lưới kéo (giã cào) hoành hành, lượng thủy hải sản tại các ngư trường đã có phần cạn kiệt, do đó sản lượng đánh bắt giảm là điều tất yếu.
Tàu giã cào hoành hành, ngư trường cạn kiệt
Tại các địa phương khác, sản lượng đánh bắt cá cũng giảm mạnh. Ngư dân Nguyễn Văn Nhỏ (ngụ ấp Tân An, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cho biết, một vài năm gần đây, sản lượng thủy hải sản có chiều hướng đi xuống. Tuy nhiên, chưa năm nào giảm mạnh như năm nay, thậm chí chỉ bằng 60-70% so với mọi năm. Do đó, từ đầu năm đến nay, ông Nhỏ đã lỗ cả trăm triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tổng số tàu cá trên địa bàn tỉnh là 6.660 chiếc. Những tháng đầu năm 2018, tình hình khai thác thủy, hải sản không thuận lợi. Nguyên nhân là do biển động, thường xuyên có gió lớn. Ngoài ra, việc tàu cá hành nghề lưới kéo và đánh bắt gần bờ hoành hành là nguyên nhân quan trọng khiến nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, gây khó khăn cho ngư dân.
Ông Thành cho biết: Để giải quyết tình trạng trên, các ngành chức năng đang tăng cường giám sát việc đóng mới, đăng ký, đăng kiểm tàu cá; không cho đóng mới tàu cá có chiều dài dưới 15m, công suất máy dưới 90CV và tàu cá hành nghề lưới kéo.
Đồng thời, khuyến khích ngư dân chuyển đổi tàu hành nghề lưới kéo sang nghề lưới rê, câu, vây, lồng bẫy; tăng cường hỗ trợ bà con ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá khai thác xa bờ công suất trên 90CV và ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại trong khai thác, bảo quản sản phẩm.
Những ngư dân vừa chuyển cá vừa cho biết, từ đầu năm đến nay sản lượng đánh bắt ngày càng giảm, nhiều chuyến lỗ cả trăm triệu đồng. Ảnh: P.T
Cũng theo ông Thành, nhằm chấm dứt tình trạng tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài, cần tăng cường tuyên truyền cho ngư dân để họ hiểu rằng, sản lượng đánh bắt đã giảm, nếu bị một số nước cấm nhập khẩu thủy hải sản khiến giá giảm nữa thì sẽ là thảm họa.
Các cơ quan chức năng hiện nay cũng quản lý rất chặt chẽ, có mặt ở vùng biên giới trên biển để giám sát, tuyên truyền để đảm bảo ngư dân không vi phạm. Bên cạnh đó, để nhận được hỗ trợ tiền nhiên liệu của nhà nước tối đa lên đến 300 triệu đồng/ năm, các tàu cá công suất lớn phải báo vị trí, địa điểm qua máy định vị 4 lần/vụ cá để chứng minh mình đánh bắt trong vùng biển hợp pháp của Việt Nam, ông Thành nói.
Theo Danviet
Làm bể lót bạt nuôi rắn ri tượng như nuôi lươn, bán 700 ngàn/ký
Không có đất sản xuất, tận dụng khoảng 40m2 đất cặp bên hông nhà lót bạt cao su để nuôi rắn ri tượng, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng của nông dân Lê Văn Việt. Ông Việt bán rắn giống 50.000 đồng/con, bán rắn thịt là 600-700.000 đồng/ký.
Ông Lê Văn Việt sinh năm 1958, ở khóm 8, phường 5, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Nghề nuôi rắn ri tượng đến với ông như một cái duyên. Năm 2013, trong lần tình cờ được người quen cho 10 con rắn ri tượng giống, ông Việt đem về thả vào cái khạp, cách vài bữa cho rắn ăn 1 lần. Chỉ 1 năm sau, 10 con rắn ri tượng nuôi trong khạp đã sinh sản được hơn 100 rắn con.
Được sự cho phép của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Việt mày mò thiết kế mô hình thành nhiều ô nuôi, mỗi ô dài 2m, rộng 0,8m, cao 1m, bên trong lót bạt cao su.
Ông Lê Văn Việt giới thiệu một con rắn ri tượng to tổ chảng được nuôi trong bể lót bạt. Làm bể lót bạt nuôi rắn ri tượng không làm rắn xước da khi di chuyển, vận động như nuôi trông bể xi măng.
Với thiết kế này, rắn không bị trầy xước da như nuôi trong bể xi măng. Ưu điểm nữa là ông Việt có thể di chuyển ô nuôi trên mặt phẳng theo ý muốn và có thể tận dụng được những diện tích trống của gia đình để nuôi rắn.
Kinh nghiệm làm bể lót bạt nuôi rắn ri tượng, ông Việt cho biết, độ sâu lý tưởng để nuôi rắn ri tượng trong mỗi ô nuôi từ 0,3 - 0,4m nước. Trong từng ô nuôi, ông Việt bỏ thêm lá chuối khô, sậy khô, lục bình và bèo. Cách nguỵ trang này vừa để che bớt nắng, vừa tạo nơi cho rắn chui rúc như trong môi trường hoang dã.
Ông Việt chia sẻ, nguồn nước nuôi rắn cần sạch sẽ, khoảng 10 - 15 ngày thay 1 lần. Nếu nguồn nước sạch, môi trường nuôi thông thoáng thì rắn rất hiếm khi bệnh.
Tuân thủ đúng quy trình nuôi, sau 12 tháng, rắn sẽ tăng trọng từ 800 - 1.200g, tỷ lệ nuôi đạt trên 70%. Giá rắn con là 50.000 đồng/con và rắn thịt từ 600.000 - 700.000 đồng/ký. Tuỳ từng thời điểm, nhưng giá cao nhất là mùa khô. Mùa mưa có nhiều loại rắn đồng nên giá rắn nuôi có giảm đôi chút, nhưng không dưới 600.000 đồng/kg. Rắn bố mẹ sinh sản có giá khoảng 3 - 5 triệu đồng/cặp
Theo kinh nghiệm nuôi rắn ri tượng của ông Việt, thức ăn thích hợp của rắn là cá da trơn như: cá trê, cá chốt, ếch, nhái, lươn con, giun đất... Chúng thích ăn thức ăn tươi sống. Bình quân 3 - 4 kg thức ăn, rắn tăng trọng 1kg. Cần cho ăn đủ để rắn mau lớn.
Lượng thức ăn hằng ngày khoảng 3-5% trọng lượng rắn trong ô nuôi, cho ăn vào buổi sáng và chiều tối. Không nên để thức ăn dư thừa, làm thối nước. Nếu cho ăn thiếu, rắn đói có thể ăn thịt lẫn nhau. Để chủ động nguồn thức ăn quanh năm và tiết kiệm chi phí mua mồi cho rắn, ông Việt chuẩn bị ô nuôi lót bạt cao su rồi mua cá trê phi về dèo.
Để rắn phát triển tốt, ông Việt cho biết: "Mỗi ô nuôi khoảng 80 - 100 con trưởng thành, tuỳ kích cỡ. Nếu rắn nhỏ có thể nuôi nhiều hơn, thậm chí có thể vài trăm con. Rắn đực, rắn cái và rắn sinh sản nuôi riêng.
2 năm gần đây, ông Việt bán ra thị trường hơn 2.000 rắn con, hàng trăm kí-lô-gam rắn thịt, rắn sinh sản. Trừ chi phí, mỗi năm ông Việt thu nhập từ mô hình nuôi rắn ri tượng khoảng 100 triệu đồng. Hiện tại, ông Việt đang nuôi hơn 1.000 rắn con, rắn sinh sản và rắn thịt.
Nuôi rắn ri tượng không tốn nhiều diện tích đất. Chính vì vậy, đây là mô hình khá lý tưởng cho bà con Phường 5 tận dụng diện tích đất xung quanh nhà để nuôi nhằm tăng thu nhập cho gia đình.
"Mô hình nuôi rắn tượng của ông Việt đã được người dân ở các vùng lân cận đến tham quan, tìm hiểu để thực hiện. Riêng đối với các hộ dân trong khóm, ông Việt tận tình giúp đỡ bằng cách bán rắn con với giá rẻ để các hộ này nuôi và sẵn sàng chia sẻ, truyền đạt kinh nghiệm chăm sóc rắn", Chủ tịch Hội Nông dân Phường 5 Nguyễn Chí Thành chia sẻ./.
Theo Bích Lê (Báo Cà Mau)
Sớm mở đường bay thẳng Hà Nội/TP.Hồ Chí Minh và Brunei Đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, sớm mở đường bay thẳng giữa Hà Nội/TP.Hồ Chí Minh và Brunei để thúc đẩy giao lưu giữa hai nước về mọi mặt, hỗ trợ ngư dân và các hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản, ... là những nội dung đã được đề cập tại cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng,...