Hết hất “nồi cơm” của người dân lại đến “phá” quy hoạch mạng lưới xăng dầu?
Việc quy hoạch cây xăng cho một doanh nghiệp tư nhân ngoài việc chồng lên mô hình nuôi trồng thủy sản đang là điểm sáng của cả huyện gây nhiều bức xúc cho người dân còn bị cho là quá dày, gây nguy cơ loạn cây xăng.
Bỏ lợi ích của hàng chục hộ dân để phục vụ 1 doanh nghiệp!
UBND tỉnh quy hoạch cây xăng chồng lên khu nuôi tôm của người dân ở xã Thạch Châu nhưng chính quyền và người dân không được biết
Đó là những thắc mắc chua chát, bất lực của hàng chục hộ dân nuôi tôm và làm muối ở thôn An Lộc, xã Thạch Châu khi UBND tỉnh Hà Tĩnh bất ngờ quy hoạch cây xăng chồng lên diện tích nuôi tôm.
Thời điểm này đã là chính vụ nhưng nhiều hồ tôm đang phải bỏ không vì dự án làm cây xăng này.
Anh Trần Văn Ân, một thành viên của Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Bình Định buồn bã nói: “Chính quyền đã thông báo cấm không cho chúng tôi thả giống mới để giải tỏa mặt bằng cho cây xăng mà bây giờ đã là chính vụ rồi. Nhiều hộ nuôi tôm sát dự án cũng lo lắng nên chưa dám thả giống mới”.
Cũng theo anh Ân, từ khi thực hiện dự án nuôi tôm này, các hộ dân và chính quyền đã đầu tư vào đây hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng sắp đến giai đoạn thu hồi vốn thì tỉnh lại quy hoạch cho làm cây xăng.
“Tôi đã phải vay ngân hàng hơn 5 tỷ đồng để đầu tư lại các hộ tôm, cũng như máy móc thiết bị, giờ mà phải giải tỏa để nhường cho cây xăng thì coi như trắng tay”.
“Tại sao từ một mô hình đang rất hiệu quả như vậy, mỗi năm lợi nhuận của 6 hộ dân nuôi tôm khoảng 10 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 30 lao động mà giờ lại phải giải tỏa để phục vụ lợi ích cho 1 doanh nghiệp tư nhân? Trong khi ngay trên địa bàn xã, trên trục Tỉnh lộ 9 đã có mấy cây xăng lớn rồi”, những thắc mắc, ấm ức của anh Ân cũng như những người dân nơi đây chẳng được các cấp chính quyền giải thích thỏa đáng.
Ông Nguyễn Đình Thiêm, Bí thư Chi bộ thôn An Lộc (xã Thạch Châu) cho biết: “Mô hình nuôi tôm này là một điểm sáng của huyện Lộc Hà. Giờ mà làm cây xăng thì 8ha nuôi tôm và 14ha làm muối của người dân bị ảnh hưởng”.
“Đã có nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri nhưng người dân chúng tôi không đồng ý. Cây xăng đó một năm may lắm thì thu về lợi nhuận được khoảng 1 tỷ đồng, trong khi riêng các hộ nuôi tôm này đã đưa về 10 đến 12 tỷ đồng/năm. Mà cây xăng chỉ giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 5 lao động, trong khi đó thì khu nuôi trồng thủy sản này giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục người dân”, ông Thiêm nói.
Sẽ loạn cây xăng?
Văn bản của UBND xã Thạch Châu không đồng ý với chủ trương làm cây xăng dầu Dũng Hường
Video đang HOT
Theo một lãnh đạo huyện Lộc Hà thì từ trục Tỉnh lộ 9 xuống xã Thạch Kim dài khoảng 10km đã có đến 3 cây xăng lớn. Việc quy hoạch thêm cây xăng Dũng Hường là quá dày.
“Việc quy hoạch cây xăng như vậy là dày, chưa kể có nhiều vị trí khác phù hợp hơn để làm cây xăng này”, một lãnh đạo cho biết.
Cũng theo khảo sát của PV Dân trí, trên trục Tỉnh lộ 9 (từ xã Hộ Độ xuống xã Thạch Kim dài 10km) đã có 3 cây xăng. Và đặc biệt, tại xã Thạch Châu nơi quy hoạch thêm cây xăng dầu Dũng Hường chồng lên khu nuôi tôm này đã có một cây xăng. Và khoảng cách giữa 2 cây xăng này chưa đến 2km.
Ông Lê Hồng Cơ, Trưởng phòng KT-HT huyện Lộc Hà cho biết đang kiến nghị điều chỉnh lại diện tích cây xăng.
“Vừa rồi Sở KH-ĐT đã chủ trì họp, trước mắt sẽ điều chỉnh lại diện tích cây xăng nhưng vị trí vẫn nằm ở vị trí cũ. Khi nào các hộ hết thời gian hợp đồng nuôi tôm thì sẽ mở rộng diện tích cây xăng”, ông Cơ cho biết.
Còn về vấn đề dư luận cho rằng quy hoạch cây xăng quá dày thì ông Cơ cho biết là hiện nay chỉ mới có quy định khoảng cách giữa các cây xăng trên quốc lộ!
“Kinh doanh xăng dầu là nghề phục vụ ở nơi đông người. Tuyến huyện, Tỉnh lộ không có quy định về khoảng cách giữa các cây xăng, khoảng cách 10m cũng được miễn là thuận tiện cho người dân là được?!”, ông Cơ nói.
Tuy nhiên, trả lời của ông Cơ là không nắm được nội dung Quyết định số 2745/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký ngày 30/9/2016 về việc phê duyệt quy hoạch bổ sung mạng lưới bán lẻ xăng dầu tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Theo nội dung quyết định này, khoảng cách giữa các cây xăng được duyệt đặt theo các quy định hiện hành, trong đó có quy định khoảng cách tối thiểu giữa 2 cây xăng cùng chiều và ngược chiều.
Quyết định số 2745/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký ngày 30/9/2016 về việc phê duyệt quy hoạch bổ sung mạng lưới bán lẻ xăng dầu tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020
“Ông ấy trả lời như thế là không nắm rõ các quy định hiện nay về cấp phép hoạt động kinh doanh xăng dầu. Ngoài ra việc cấp phép như thế sẽ gây ảnh hưởng quá lớn đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh còn lại. Trước khi đầu tư người ta đã tính toán sẽ bán cho khách hàng, địa phương nào, giờ anh cứ thấy người ta xin là cấp phép thì những anh đầu tư trước sẽ đổ bể”, một lãnh đạo Sở Công thương Hà Tĩnh cho hay.
Cũng theo vị này, nếu không cẩn thận trong việc quy hoạch, cấp phép các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, mà trường hợp cấp phép cho cây xăng Dũng Hường (chồng lấn đất thủy sản, nằm trong quy hoạch đô thị, không đảm bảo khoảng cách) sẽ dẫn tới nguy cơ loạn cây xăng như từng xảy ra ở nhiều nơi.
Một điều kỳ lạ là việc điều chỉnh quy hoạch làm cây xăng chồng lên một phần diện tích đất của xã Thạch Châu nhưng đến khi doanh nghiệp triển khai dự án thì chính quyền địa phương cũng như người dân mới biết sự việc.
Trong Công văn số 06 ngày 04/05/2017 của UBND xã Thạch Châu gửi sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND huyện Lộc Hà có nêu rõ “không đồng ý chủ trương đầu tư dự án xăng dầu Dũng Hường”.
Một trong những lý do không đồng ý, bởi việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng Cửa hàng xăng dầu trên diện tích đất UBND xã Thạch Châu quản lý nhưng địa phương chưa được tỉnh thông báo.
Bởi vì điều này mà cán bộ, nhân viên xã Thạch Châu có nguy cơ bị kỷ luật vì dám “chống” lệnh trên.
“Cả xã chúng tôi có nguy cơ bị kỷ luật vì chậm bàn giao mặt bằng cho dự án theo yêu cầu của tỉnh”, một cán bộ xã Thạch Châu cho biết.
Dân trí sẽ tiếp tục làm rõ sự việc này.
Xuân Sinh – Tiến Hiệp
Theo Dantri
Dự án đội vốn hơn 2500 tỷ đồng liên tiếp xin gia hạn
Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) ban đầu chỉ có mức đầu tư 1.850 tỷ đồng nhưng sau một thời gian thì đội thêm hơn 2.500 tỷ đồng nâng tổng mức đầu tư lên 4.400 tỷ đồng thế nhưng dự án vẫn thi công ì ạch và liên tiếp xin gia hạn.
Trên công trường chỉ lèo tèo một vài công nhân làm việc
Từ trước năm 2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao Công ty cổ phần Kinh doanh nước Hà Tĩnh làm chủ đầu tư dự án với nguồn vốn xã hội hóa. Công ty này đã triển khai thực hiện dự án với giá trị ước đạt trên 33,4 tỷ đồng nhưng do thực hiện chậm tiến độ nên UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định chấm dứt hoạt động đầu tư và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.
Đến tháng 4/2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản đồng ý cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng (thuộc Tập đoàn Hoành Sơn) lập hồ sơ, thủ tục dự án đầu tư cấp nước Khu kinh tế Vũng Áng với tổng mức đầu tư 1.850 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2012 chủ đầu tư đã có quyết định phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư trên 4.400 tỷ đồng bao gồm vốn tự có, vốn vay, vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Trong đó nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và địa phương là hơn 1.200 tỷ.
Dự án có chức năng cung cấp nước cho toàn bộ Khu Kinh tế Vũng Áng.
Cống tràn thi công thì bỏ giữa chừng nhiều năm nay
Dự án có nhiều hạng mục, trong đó hạng mục công trình Đập dâng Lạc Tiến - kênh dẫn - tuynel (xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng do liên doanh Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Nga Sơn (thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn) và Cty Hòa Hiệp thi công được khánh thành, đưa vào sử dụng vào tháng 2/2015.
Còn tại hạng mục hồ chứa nước Rào Trổ (Hà Tĩnh) được khởi công từ cuối năm 2011. Dự kiến đến đầu năm 2016 sẽ hoàn thành.
Đây là một trong những hạng mục quan trọng nhất của dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Ông Nguyễn Văn Khoa, Phó ban Quản lý KKT Hà Tĩnh cho biết: "Trong tổng số vốn đầu tư hơn 4.400 tỷ thì nguồn ngân sách Trung ương và địa phương hỗ trợ 1269 tỷ đồng, trong đó chủ yếu hỗ trợ công tác đền bù giải phóng mặt bằng".
Vật liệu nằm phơi sương, phơi nắng hoen gỉ, hư hỏng
Thế nhưng dự án lại được triển khai theo tiến độ rùa bò. Phía chủ đầu tư đã liên tục có văn bản xin gia hạn thêm thời gian để hoàn thành dự án song tiến độ dự án vẫn không khả thi.
Ghi nhận của PV Dân trí trên đại công trường này chỉ có lèo tèo một vài công nhân.
Một số hạng mục của công trình thi công còn dang dở, nhiều máy móc, thiết bị, sắt thép hoen gỉ nằm phơi sương, phơi nắng trên nền bê tông.
Ngày 26/4/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn do ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký đã phê bình Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng (thuộc Tập đoàn Hoành Sơn), là chủ đầu tư của dự án vì không chấp hành ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện dự án làm chậm tiến độ thi công công trình, không đáp ứng được yêu cầu kế hoạch tiến độ thi công đã phê duyệt.
UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục cho phía chủ đầu tư gia hạn và yêu cầu đến 31/12/2018 phải hoàn thành dự án.
Thế nhưng làm việc với PV, Trần Quang Thưởng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn (chủ đầu tư) lại cho biết rất khó hoàn thành trong năm 2018 này.
"Chúng tôi đang có ý định xin gia hạn đến năm 2019 sẽ chặn dòng", ông Thưởng cho biết.
Về nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ của dự án thì theo ông Thưởng là do thời tiết không thuận lợi!
"Thời tiết ở Kỳ Anh rất khó, gian nan, cứ mưa xuống đất nhão là phải dừng thi công, trong năm chỉ thi công được vài tháng. Thậm chí có nhiều thời điểm công trường còn không có công nhân làm", ông Thưởng cho biết thêm.
Xuân Sinh
Theo Dantri
Dân không đồng tình với phương án xử lý giếng nước nhiễm dầu hỏa Thông tin mới nhất liên quan đến nhiều giếng nước chứa đầy dầu hỏa ở Hà Tĩnh, cơ quan chức năng đã lập phương án thuê công ty xử lý môi trường tiến hành hút hết dầu để xử lý ô nhiễm nhưng người dân chưa đồng ý. Các cơ quan chức năng lấy mẫu nước múc lên từ các hố đào tại...