Hết được vô tư cho vay tiêu dùng, đòi nợ ‘khủng bố’
Không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ.
Ảnh minh họa
Đây là quy định mới nổi bật được đề cập tại Thông tư 18/2019/TT-NHNH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016 quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (CTTC). Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-1 năm 2020.
Theo đó, CTTC phải niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, điểm giới thiệu dịch vụ và đăng tải trên trang thông tin điện tử của CTTC khung lãi suất cho vay tiêu dùng, các loại phí, phương pháp tính lãi. CTTC phải có các hình thức tiếp nhận góp ý, phản ánh, khiếu nại của khách hàng, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động cho vay tiêu dùng.
Đồng thời, quy định, biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng. Trong đó, số lần nhắc nợ tối đa năm lần/ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ.
CTTC không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho CTTC, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.
Video đang HOT
Cũng theo thông tư mới này, CTTC phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng, trong đó giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cơ bản tại hợp đồng cho vay tiêu dùng. Trong đó bao gồm cả quyền và nghĩa vụ của khách hàng vay tiêu dùng. Cũng như thông báo rõ ràng trong hợp đồng về các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ, biện pháp xử lý trong trường hợp khách hàng không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng cho vay tiêu dùng.
Đáng chú ý là trong dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng, CTTC cần phải có xác nhận của khách hàng về việc đã được CTTC cung cấp thông tin theo quy định tại khoản này, để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.
Đặc biệt, với Thông tư 18, các CTTC cho vay tiêu dùng sẽ bị siết chặt về giới hạn giải ngân trực tiếp trên tổng dư nợ. Điều này có nghĩa rằng người đi vay tiêu dùng không còn dễ dàng vay mượn để mua sắm những món đồ có giá trị dưới 100 triệu đồng như trước đây.
Theo đó, Thông tư 18 quy định CTTC chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng đối với khách hàng không có nợ xấu theo báo cáo quan hệ tín dụng tra cứu tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam tại thời điểm gần nhất so với thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã quy định lộ trình giới hạn giải ngân trực tiếp trong tổng dư nợ như sau. Đến năm 2021 giải ngân trực tiếp trong tổng dư nợ là 70%, sang năm 2022 còn 60% và năm 2023 là 50% và cuối cùng sang năm 2024 là 30%.
Hiện tại, cho vay tiền mặt và thẻ tín dụng chiếm 83% dư nợ FE Credit còn HDSasison không có mảng thẻ tín dụng và tỉ lệ cho vay tiền mặt vào khoảng 1/3 tổng dư nợ.
THUỲ LINH- P.M
Theo Plo.vn
Nợ xấu theo Nghị định 67 có xu hướng gia tăng
Nợ xấu cho vay theo Nghị định số 67 bắt đầu phát sinh từ năm 2017 tại 11 tỉnh, thành phố với tỷ lệ 3%; tăng lên 17% vào cuối năm 2018 và đến nay là 27,8% tại 27 tỉnh, thành phố ven biển.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nợ xấu cho vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản có xu hướng tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển.
Cụ thể, nợ xấu bắt đầu phát sinh từ năm 2017 tại 11 tỉnh, thành phố với tỷ lệ 3%; tăng lên 17% vào cuối năm 2018 và đến nay là 27,8% tại 27 tỉnh, thành phố ven biển.
Tàu cá được đóng mới từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67/NĐ-CP. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến hết ngày 31/12/2017 (thời điểm dừng ký kết mới hợp đồng cho vay đóng mới, nâng cấp tàu), các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng đối với ngư dân để cho vay đóng mới, nâng cấp 1.177 tàu (1.031 tàu đóng mới và 146 tàu nâng cấp), chiếm 45,2% tổng số tàu cần đóng mới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ cho các địa phương giai đoạn 2014 - 2020 với tổng số tiền cam kết cho vay đạt trên 11.700 tỷ đồng. Đến cuối tháng 9/2019, dư nợ cho vay theo chương trình đạt 10.270 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngoài một số nguyên nhân khách quan, bất khả kháng dẫn đến việc ngư dân không trả được nợ vay thì còn do nhiều ngư dân có thái độ chây ì, thiếu trách nhiệm trả nợ ngân hàng, coi đây là nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.
Trước thực trạng này, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất đẩy nhanh việc thực hiện một số giải pháp đồng bộ từ các Bộ, ngành trung ương đến chính quyền địa phương các cấp, các hiệp hội nhằm hỗ trợ ngư dân, hỗ trợ ngân hàng thương mại thu hồi nợ vay, hạn chế nợ xấu gia tăng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Tài chính quy định bổ sung một số nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như tàu đóng mới kém chất lượng, tàu bị thiên tai, tàu bị đâm va, chủ tàu bị bệnh tật, bị tai nạn giao thông, chuyển đổi chủ tàu theo quy định tại Nghị định số 17/2018/NĐ-CP... thì ngư dân được các Ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 67 trong thời gian cơ cấu.
Hiện các Ngân hàng thương mại đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ gần 33 tỷ đồng. Trường hợp chủ tàu gặp khó khăn không trả được nợ vay đến hạn không phải do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng theo quy định các Ngân hàng thương mại theo thẩm quyền đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ 110 tỷ đồng nhằm hỗ trợ ngư dân có thời gian thu xếp nguồn trả nợ ngân hàng.
Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân có nhu cầu chuyển đổi chủ tàu do không đủ năng lực tiếp tục đánh bắt. Các Ngân hàng thương mại đã chuyển đổi cho 10 chủ tàu với dư nợ trên 58 tỷ đồng tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Tiền Giang...
Đối với trường hợp ngư dân cố tình chây ì, không trả nợ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố tham mưu cho Ban Chỉ đạo 67 của tỉnh định kỳ tổ chức họp với các ngư dân để đôn đốc nhắc nhở, vận động ngư dân thực hiện đúng trách nhiệm và nghĩa vụ trong quan hệ tín dụng; trường hợp cần thiết có biện pháp xử lý phù hợp như khởi kiện theo quy định.
Trong trường hợp ngư dân muốn chuyển đổi nghề khai thác do nghề khai thác hiện tại không hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc và thống nhất với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan hoặc báo cáo để xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ để thông báo cho người dân được biết.
Để chính sách tín dụng đạt hiệu quả, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động phối hợp khách hàng thu nợ, kịp thời nắm bắt và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngư dân; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố ven biển tham mưu cho Ban chỉ đạo 67 của tỉnh có biện pháp xử lý dứt điểm đối với ngư dân cố tình chây ì không trả nợ vay.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan sớm xử lý khó khăn cho người dân liên quan đến chính sách bảo hiểm, bồi thường thiệt hại khi rủi ro xảy ra, hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng tàu.../.
Thùy Dương/BNEWS/TTXVN
Thượng phương bảo kiếm chống lại 'khối u' nợ xấu: Hai năm nhìn lại "Nghị quyết 42, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật của các TCTD và Quyết định 1058 là một mốc son trong giai đoạn này về xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng', Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong phần nhận xét về kết quả và đánh giá xử lý nợ...