Hết cảnh còng lưng tưới nước cho tiêu nhờ tưới nhỏ giọt
Hàng loạt giải pháp “ tưới tiết kiệm” bằng các công nghệ tiên tiến nhất nhằm giúp người nông dân tìm hiểu, áp dụng có hiệu quả nhất ở vùng miền Trung khô hạn… đã được giới thiệu tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề: “Tưới nước tiết kiệm cho cây trồng các tỉnh miền Trung”.
Diễn đàn do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Quảng Bình tổ chức cuối tuần qua.
Mô hình thông minh
Mô hình tưới nước nhỏ giọt được ông Lưu Đức Ngọc áp dụng hiệu quả trên cây hồ tiêu trong trang trại. Ảnh: P.P
Tại diễn đàn, Ban cố vấn đã trả lời hàng chục câu hỏi của các nông dân và doanh nghiệp đến từ các tỉnh miền Trung về một số mô hình công nghệ tưới tiết kiệm đang sử dụng tại địa phương, kỹ thuật lắp đặt máy móc và sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm, kinh phí lắp đặt, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và địa phương để đầu tư thực hiện mô hình tưới tiết kiệm…
Ông Trần Văn Khởi – quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, những năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng hạn hán, thiếu nước tưới đang ngày càng nghiêm trọng ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, việc đưa ra cơ chế chính sách và giải pháp giúp người dân phòng chống hạn hán bằng cách sử dụng nước tiết kiệm, tưới luân phiên trên các hệ thống và đưa vào áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho cây trồng đang là một vấn đề cấp bách hiện nay.
Diễn đàn tổ chức với mục tiêu đánh giá thực trạng, tình hình khắc phục hạn hán, ứng dụng các giải pháp tưới tiết kiệm nước trên địa bàn các tỉnh miền Trung; phân tích ưu nhược điểm, điều kiện áp dụng thiết bị tưới tiết kiệm nước làm cơ sở khuyến cáo cho nông dân sử dụng phù hợp với nguồn nước và điều kiện canh tác của vùng…
Tại diễn đàn, các mô hình tưới nước nhỏ giọt và tưới nước phun mưa được đánh giá là những mô hình tưới nước tiết kiệm đạt hiệu quả nhất hiện nay đối với các loại cây trồng ở vùng khô hạn miền Trung. Đây là những mô hình hệ thống tưới nước thông minh được phát minh bởi những nông dân thông minh ở vùng đất hạn Israel.
Video đang HOT
Theo đánh giá, mô hình tưới nước nhỏ giọt kết hợp với bón phân theo công nghệ Israel đang được hàng trăm nông dân trồng tiêu, cam, cà phê… ở các tỉnh miền Trung áp dụng rất thành công, tiết kiệm được 40 – 60% lượng nước tưới so với cách tưới truyền thống. Đồng thời tiết kiệm được thời gian, công sức của người lao động, hạn chế rửa trôi, xói mòn đất và ô nhiễm môi trường; Khắc phục được tình trạng hạn hán và cung cấp phân bón thường xuyên để duy trì sinh trưởng và phát triển thuận lợi cho cây trồng.
Đăc biêt, hệ thống tưới nhỏ giọt khá đơn giản, bao gồm bơm, hoặc tháp nước, hệ thống lọc tạp chất hoặc xử lý chất thải, hệ thống phân bón hoặc chất dinh dưỡng đi kèm, đường ống dẫn và thiết bị tạo giọt…
Trong khi đó, mô hình tưới nước phun mưa cũng đã được nhiều nông dân áp dụng để tưới cho các loại rau ăn lá và các loại cây ngắn ngày lấy củ, quả. Khác với mô hình tưới nhỏ giọt là để nước ngấm dần ở góc cây, công nghệ tưới nước phun mưa sử dụng máy bơm nước cột áp cao kèm theo ống dẫn và mũi phun tạo mưa. Đây là phương pháp tưới hiện đại có tác dụng nhiều mặt cả về tạo độ ẩm cho đất và làm mát cho cây, kích thích sinh trưởng cho cây và đặc biệt có thể tiết kiệm được 30-50% lượng nước so với phương pháp tưới truyền thống.
Nông dân đón nhận
Ông Lưu Đức Ngọc – chủ trang trại Thương Ngọc ở thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch, Quảng Bình) là một trong những nông dân tiên phong trong việc ứng dụng mô hình tưới nước nhỏ giọt trên cây tiêu. Ông Ngọc cho biết, trang trại của ông trồng gần 2.000 gốc tiêu trên diện tích khoảng 2ha. Trước đây khi chưa có hệ thống tưới nhỏ giọt, ông và những người trồng tiêu khác ở đây vẫn phải tưới cây bằng phương pháp truyền thống tức là bơm nước lên các mương tiêu để nước tự thấm xuống và tiêu tự rút nước, hoặc tưới tràn trên mặt đất. Với cách này, nước tưới bị thất thoát rất lớn, tốn nhiều công tưới và bị xói mòn đất.
Từ năm 2014, ông Ngọc bắt đầu lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt kết hợp với bón phân theo công nghệ Israel. Theo ông Ngọc đánh giá, tuy chi phí lặp đặt ban đầu có lớn (khoảng 60 triệu đồng/ha) nhưng đây là hệ thống rất thông minh, lượng nước tưới được cung cấp thường xuyên, nhưng lượng nước tiêu tốn ít, đủ để giữ ẩm cho cây tiêu và không thất thoát tràn lan ra ngoài. Nếu trước đây phải cần nhiều người để tưới tiêu thì nay chỉ cần một người vặn van xả nước là đủ…
Sau khi mô hình tưới nước nhỏ giọt của ông Ngọc mang lại thành công, rất nhiều nông dân đã đến tìm hiểu. Hiện tại trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có hơn 50 nông dân lắp đặt hệ thống nước tưới nhỏ giọt cho cây tiêu, cây ăn quả như cam, quýt… Điển hình như ông Nguyễn Văn Diệm ở tiểu khu Hữu Nghị, thị trấn Nông trường Việt Trung, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho 4ha hồ tiêu từ 2 năm nay rất hiệu quả; anh Võ Đại Nghĩa ở xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh áp dụng cho cây cam…
Nhiều nông dân tham dự diễn đàn cũng tỏ ra rất hào hứng và thích thú với các mô hình tưới nước tiết kiệm và thông minh này, đặc biệt là mô hình tưới nhỏ giọt… Anh Lê Đình Quả – nông dân trẻ ở xã Hòa Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) cho biết, trang trại của anh chuyên trồng rau sạch theo phương pháp hữu cơ. Ngay từ đầu anh đã rất quan tâm đến những phương pháp tưới thông minh, tiết kiệm này. Hiện trang trại của anh áp dụng phương pháp tưới phun mưa cho rau và sắp tới anh sẽ lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho các loại cây ăn quả lâu năm trồng ở trang trại…
Theo Danviet
Canh tác tôm lúa, lợi nhuận tăng thêm 30%
Tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề giải pháp nâng cao tính bền vững của mô hình canh tác lúa - tôm vùng ĐBSCL do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu tổ chức mới đây, nhiều đại biểu nhận định, việc trồng lúa trên đất nuôi tôm là mô hình sản xuất "thông minh", bền vững.
Mô hình thông minh
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, sau gần 50 năm hình thành và phát triển, mô hình canh tác lúa - tôm hiện đang phát triển mạnh do có nhiều lợi thế như: đầu tư thấp, cho hiệu quả cao, lợi nhuận cao hơn 15-30% so với độc canh cây lúa hay tôm. Theo đó, năng suất bình quân của mô hình đạt khoảng 300-500kg tôm/ha và 4-7 tấn lúa. Chi phí sản xuất trung bình 30-35 triệu đồng/ha, lãi bình quân 35-50 triệu đồng/năm (tính cả tôm và lúa).
Ông Trần Văn Khởi điều hành diễn đàn. Ảnh: Chúc Ly
Năm 2000, diện tích mô hình sản xuất lúa - tôm khu vực ĐBSCL chỉ đạt 71.000ha. Đến năm 2015 diện tích đã tăng gấp 2,2 lần, đạt gần 160.000ha, chiếm khoảng 28% tổng diện tích nuôi tôm nước lợ toàn vùng; sản lượng tôm ước đạt 65.000 tấn, chiếm 15% tổng sản lượng tôm nuôi nước lợ của vùng và chiếm 11% sản lượng nuôi tôm nước lợ cả nước; đồng thời cung cấp từ 500.000-700.000 tấn lúa đặc sản, chất lượng cao.
Các nhà khoa học nhận định, việc trồng lúa trên đất nuôi tôm không xảy ra "xung đột" trong quá trình sản xuất, là mô hình "thông minh". Thực tế cho thấy, việc thực hiện mô hình tôm - lúa giúp cải tạo môi trường theo hướng bền vững; ít phải dùng thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, cho sản phẩm gạo, tôm sạch, được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt, lúa - tôm được đánh giá là mô hình sản xuất bền vững, ít rủi ro so với các mô hình nuôi trồng thủy sản khác nên thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu phức tạp hiện nay.
Quy hoạch vùng sản xuất
Bên cạnh những hiệu quả tích cực, tại diễn đàn, các đại biểu cũng nêu lên một số hạn chế, rào cản của mô hình tôm - lúa như hạ tầng thủy lợi chưa hoàn thiện, hệ thống kênh cấp, kênh thoát chưa đáp ứng nhu cầu nên gây khó khăn cho công tác sản xuất và kiểm soát dịch bệnh; sản xuất phần lớn ở quy mô nhỏ lẻ, năng suất thấp và chưa ổn định; nguồn giống phục vụ sản xuất chưa chủ động, chưa đảm bảo chất lượng; vật tư đầu vào phục vụ sản xuất khó kiểm soát; biến đổi khí hậu cũng gây khó khăn cho sản xuất...
Mô hình lúa - tôm của ông Trần Văn Thiên (ngụ ấp Ninh Thạnh 2, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) với diện tích thực hiện hơn 5.000m2. ảnh: Chúc Ly
Theo ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Cục Trưởng Cục Trồng trọt, để mô hình thực sự bền vững, cần quy hoạch và xác định vùng có khả năng phát triển lúa - tôm, xây dựng các chương trình, dự án đầu tư phát triển, đánh giá các tác động môi trường và yếu tố phát triển bền vững. Đồng thời, bố trí thời vụ canh tác hợp lý cho từng tiểu vùng trên cơ sở đánh giá, dự báo tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, xâm nhập mặn ở thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Xây dựng quy trình canh tác lúa, tôm trong mô hình và tổ chức tập huấn, huấn luyện nông dân.
Theo định hướng phát triển, diện tích tôm - lúa ổn định khoảng 200.000ha vào năm 2020. Vùng sản xuất tôm - lúa cần nhanh chóng xây dựng các thương hiệu theo các tiêu chuẩn: VietGAP, Global GAP và các loại GAP khác, sản xuất gạo hữu cơ để nâng cao giá trị thương mại cho sản phẩm.
Tại diễn đàn, các đại biểu cũng cho rằng, mô hình canh tác tôm - lúa tại ĐBSCL là mô hình canh tác hở, điều kiện canh tác phụ thuộc vào thời tiết khí hậu của vùng.
Do đó, để giảm rủi ro về xâm nhập mặn và giúp mô hình duy trì đạt hiệu quả cao, các địa phương cần phải quan tâm đồng bộ các yếu tố như tuyên truyền duy trì thực hiện mô hình, theo dõi và bám sát lịch mùa vụ, cải tiến hệ thống đồng ruộng, thủy lợi...
Ông Trần Văn Khởi - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, nhấn mạnh: "Để mô hình luân canh tôm - lúa tiếp tục phát triển mạnh và bền vững, cần quy hoạch hợp lý các vùng luân canh/xen canh, để có các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp và chính sách tín dụng hỗ trợ cho sản xuất, khuyến khích sản xuất theo hướng liên kết, hợp tác".
"Cần gia cố bờ bao, mương bao để đảm bảo ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn kỹ thuật, nhất là quản lý môi trường nước và phòng trị bệnh trên tôm nuôi. Các tỉnh nên quan tâm tổ chức các điểm trình diễn mô hình tôm - lúa cho nông dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm, nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Người dân cần liên kết và hợp tác trong sản xuất, để cải tạo đất, thả tôm giống, gieo cấy lúa theo lịch thời vụ" - ông Khởi nhấn mạnh thêm.
Theo Danviet
Công nghệ tưới "hơn cả Israel" cho vùng cao Sông Mã "Điều quan trọng là công nghệ tưới ẩm này đã được tự động hóa, có thể xử lý tưới ẩm chỉ bằng một cú phím nhập trên điện thoại dù bạn ở bất cứ đâu trên thế giới mà giá thành lại rất rẻ, phù hợp với mô hình kinh tế trang trại của nông dân vùng cao". Đó là nhận xét của...