Hẹp niệu đạo nam giới xuất phát từ nhiều nguyên nhân
Bệnh hẹp niệu đạo là một bệnh thường gặp ở nam giới, thế nhưng không phải ai cũng có cái nhìn đúng về căn bệnh này.
Hiểu rõ các nguyên nhân gây ra bệnh và biểu hiện của bệnh để có thể có được biện pháp phòng chống cần thiết nhé.
Theo bác sĩ Nguyễn ĐÌnh Liên (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) thì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh hẹp niệu đạo ở nam giới.
Bác sĩ Liên cho biết, hẹp niệu đạo ở nam giới là bệnh lý rối loạn bài xuất nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể do giảm khẩu kính của niệu đạo 1 phần hay toàn bộ.
Hẹp niệu đạo nam giới xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Ảnh minh họa: Internet
Bình thường đường niệu đạo của nam giới gồm có 2 phần niệu đạo trước (có chiều dài từ 12 – 15cm) và niệu đạo sau (có chiều dài từ 4 -5cm). Đường niệu đạo là một ống tròn với đường kính khoảng 4 – 6mm. Hẹp niệu đạo ở nam giới là hiện tượng đường niệu đạo của nam giới bị chít hẹp lại một phần hoặc toàn bộ trên một đoạn dài hoặc ngắn, gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, cuộc sống và sức khỏe của nam giới.
Di chứng của chấn thương, đứt niệu đạo do tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông.
Video đang HOT
- Di chứng viêm nhiễm niệu đạo: Lao, lậu, HPV…
- Tai biến của điều trị: Đặt sonde niệu đạo, mổ nội soi u phì đại tuyến tiền liệt, mổ lấy sỏi niệu đạo, sau cắt bao quy đầu…
Bệnh hẹp niệu đạo ở nam giới bắt nguồn từ một số nguyên nhân sau:
- Viêm niệu đạo kéo dài: Việc điều trị các bệnh viêm nhiễm cơ quan sinh dục (đặc biệt là bệnh lậu) không đúng cách hoặc không triệt để, khiến cho vi khuẩn vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở trong đường niệu đạo gây viêm nhiễm.
Viêm nhiễm đường niệu đạo lâu ngày sẽ khiến đường niệu đạo bị xơ sẹo và chít hẹp ở nhiều chỗ. Một số bệnh khác cũng có thể gây hẹp niệu đạo như lao, HPV,…
- Do một số chấn thương nào đó ở hệ tiết niệu như: Đặt sonde niệu đạo, sau thủ thuật lấy sỏi niệu đạo, sau phẫu thuật u xơ tuyến tiền liệt, mổ lấy sỏi niệu đạo…. khiến đường niệu đạo bị tổn thương, có sẹo và bị hẹp lại hoặc do di chứng từ chấn thương như đứt niệu đạo do tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông.
- Các bệnh lao thận, lao bàng quang cũng khiến đường niệu đạo bị xơ cứng dày lên và hẹp lại.
- Ngoài ra, hẹp niệu đạo cũng có thể do bẩm sinh. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều trẻ em nam bị hẹp niệu đạo.
Biểu hiện của bệnh:
Khó tiểu, bí tức khi tiểu và phải dùng sức rặn khi tiểu.
- Tia nước tiểu xoắn lại, và yếu dần, nhỏ giọt.
- Phải đi tiểu nhiều lần, cảm giác tiểu không hết, bàng quang bị căng tức, đau, khó chịu do đường tiểu bị bí tắc.
- Thời gian đi tiểu kéo dài trên 30 giây – 1 phút và phải rặn tiểu liên tục.
- Khi đi khám nội soi, sẽ nhìn thấy những đoạn hẹp bất thường hoặc những cục xơ cứng bên trong thành niệu đạo.
Theo Chiêu Vân/Infonet.vn (Khoeplus)
Hẹp niệu đạo: Khó thể điều trị bằng thuốc
Rất nhiều người đã mắc bệnh hẹp niệu đạo mà chủ quan hoặc không ý thức được mức độ nguy hiểm của nó.
Trên thực tế, hẹp niệu đạo có thể dẫn tới rất nhiều biến chứng nguy hiểm.
Tình trạng hẹp niệu đạo nếu không được điều trị thì sẽ diễn tiến đến tắc nghẽn hoàn toàn. Điều này có thể gây bí tiểu đột ngột. Tình trạng này phải được xử lý một cách nhanh chóng. Tình trạng tắc nghẽn lâu dài do hẹp niệu đạo có thể ảnh hưởng đến chức năng bàng quang và chức năng thận. Hậu quả cuối cùng có thể diễn tiến đến nhiễm trùng đường tiết niệu nặng, sỏi đường tiết niệu, suy thận, vô sinh.
Hẹp niệu đạo nếu cứ chịu đựng, cố gắng tiểu tự nhiên dần dần sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm như ứ nước tiểu, nhiễm khuẩn, hình thành áp-xe hình tổ ong, tạo ra túi thừa bàng quang và biến chứng suy thận... Vì vậy, khi có biểu hiện bất thường cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Hẹp niệu đạo có thể dẫn tới những biến chứng rất nguy hiểm. Ảnh minh họa: Internet
Hẹp niệu đạo không thể điều trị dứt điểm bằng thuốc mà phải thực hiện các biện pháp can thiệp khác bên ngoài. Lựa chọn điều trị cho bệnh hẹp niệu đạo rất đa dạng, phụ thuộc vào chiều dài, vị trí và mức độ hẹp. Các phương pháp điều trị bao gồm: nong làm rộng niệu đạo, cắt hẹp với laser hoặc bằng dao cắt nội soi hoặc phẫu thuật tạo hình cắt nối, dùng vạt da hoặc với mảnh ghép.
Hẹp niệu đạo không phải là một bệnh lý hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Một trong những nguyên nhân gây ra bệnh là các căn bệnh lây truyền qua đường tình dục, thế nên sử dụng biện pháp bảo vệ trong khi quan hệ tình dục có thể ngăn chặn một số trường hợp. Khi bị nhiễm trùng, điều trị nhiễm trùng kịp thời và đầy đủ với kháng sinh thích hợp sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng này. Tuy nhiên, những trường hợp chấn thương và các bệnh khác liên quan đến hẹp niệu đạo không thể lúc nào cũng tránh được và cần phải đến các cơ sở y tế để có thể chẩn đoán và điều trị.
Theo Chiêu Vân/Infonet.vn (Khoeplus)