Heo hắt Chiềng Sơ…
Chúng tôi đến điểm trường Chiềng Sơ mà cứ ngỡ như mình đang đi ngược thời gian. 30 năm trước, thế hệ chúng tôi cũng từng học trong những ngôi trường xập xệ, xuống cấp nhưng nó không đến nỗi thảm cảnh như các em học sinh nơi đây: tường tranh vách lá, mưa thì dột, gió thì sợ sập, nắng thì rát bỏng cả người, tù mù vì không có điện…
Từ Hà Nội lên đến Chiềng Sơ, cảm giác của chúng tôi là… đẹp. Dù khoảng cách hơn 400km, nhưng đường đi thuận lợi, cảnh vật hai bên đường nhiều khi đẹp đến nao lòng với những hoa ban, hoa mận nở trắng bên đồi. Từ thành phố Sơn La, chúng tôi mất hơn 100km để đi vào trung tâm thị trấn Sông Mã. Từ thị trấn Sông Mã lại mất khoảng 20km đi vào xã Chiềng Sơ. Dù nhiều đoạn dốc cheo leo, hiểm trở, một bên là núi, một bên là vực, nhưng đường đã được trải thảm nhựa hoặc đổ bê tông nên xe chúng tôi đến sớm hơn với dự tính.
Lúc này, các thầy cô và các em học sinh Trường THCS Chiềng Sơ vẫn trong tiết học, nên những gì chúng tôi được chứng kiến không khỏi nao lòng. Những phòng học sơ xài, tạm bợ, mà lẽ ra phải được xóa bỏ từ lâu thì suốt gần hai chục năm nay, nó vẫn cứ tồn tại, vẫn được dùng cho công việc cao quý là trồng người.
Các em học sinh ở Trường THCS Chiềng Sơ, xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La vẫn đang phải học trong những phòng học tạm bợ tranh tre nứa lá, với nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào
Thầy Tống Văn Tiềm, hiệu trưởng Trường THCS Chiềng Sơ nở nụ cười buồn, bảo: “Thương các em lắm, nhưng chúng tôi chẳng biết làm sao. “Làm nghề giáo, chúng tôi chỉ biết dạy, còn việc đầu tư sửa chữa là do cấp trên. Chúng tôi cũng mong lắm, nhưng chưa biết sẽ bao giờ…”
Thầy Tiềm cho biết, năm học này nhà trường có 535 em học sinh ở 4 khối, với 15 phòng học. Trong đó có 6 phòng học kiên cố, 4 phòng học bán kiên cố và 5 phòng học tạm trong cảnh tranh tre nứa lá. Sang năm học tới, nhà trường càng lo lắng hơn khi đầu vào nhiều hơn, có thể tăng hơn 600 em học sinh, thì cùng với đó nỗi lo phòng học cho các em học sinh càng lớn.
“Do điều kiện phòng học không đủ nên chúng tôi ưu tiên các em học sinh lớp 8, 9 học ở các phòng bán kiên cố và kiên cố, riêng các em học sinh lớp 6, lớp 7 phải học trong các phòng tranh tre nứa lá này. Các anh thấy đó, phòng không có điện, tường thì tạm bợ bởi các tấm phên ghép với nhau, nên mùa nào chúng tôi lo lắng mùa đó, chỉ sợ gió to là sập bất cứ lúc nào. Còn ngày mưa thì thôi rồi, mỗi em ngồi một kiểu, miễn sao tránh được dột…”, thầy Tiềm trần tình.
Theo quan sát của PV Dân trí, có tất cả 8 phòng học tạm bằng tranh tre nứa lá, nhưng chỉ có 5 phòng được tận dụng cho việc dạy và học, riêng 3 phòng học còn lại hoặc đã hư hỏng nặng, hoặc làm “kho” để chứa các bàn ghế đã hư hỏng không còn sử dụng được.
Những phòng học mục nát này ít ai ngờ vẫn “trụ vững” suốt gần 20 năm nay với bao thế hệ học trò và thầy cô
Thầy Nguyễn Hữu Thìn, một giáo viên lâu năm ở Trường THCS Chiềng Sơ cho hay, mùa nắng này còn chút dễ chịu, chứ mùa mưa, giông bão thì các em học sinh và thầy cô… khổ trăm đường. “Mưa thì phòng học ở đây dột tứ bề, lúc này các em học sinh phải kê bàn ghế đủ hướng để tránh chỗ dột. Những ngày gió to, ngồi trong phòng chúng tôi cứ sợ sập bất cứ lúc nào. Cũng đã có sự vụ cột kèo gãy đổ, may là chưa gây tai nạn nghiêm trọng. Một điều nữa là 5 phòng học đều không mắc được điện chiếu sáng, do nhà trường sợ nguy hiểm khi mưa lũ, gió to gây ra cháy chập. Cũng vì thế mà các em phải ngồi học trong điều kiện rất thiếu ánh sáng, ảnh hưởng không nhỏ đến thị lực cũng như việc tiếp thu bài vở”.
Những hình ảnh “khó tin” về sự nghiệp dạy và học tại Trường THCS Chiềng Sơ do PV báo Dân trí thực hiện:
Video đang HOT
Dãy phòng học tranh tre nứa lá của Trường THCS Chiềng Sơ nằm cạnh đỉnh núi, dù trời đang sáng nhưng trông ảm đạm đến thê lương
Phòng học không có cửa chính, cửa sổ được che chắn tạm bởi mấy thanh tre, tường trát bằng đất, mái lợp bờ rô xi măng. Bàn ghế cũng chiếc rụng, chiếc rời vì niên hạn sử dụng hầu như đã hết
Những ô cửa “rộng rãi” hay mục nát có thể nhìn vào bên trong lớp học dễ dàng
Những mảng tường thủng lỗ chỗ nên học sinh ở lớp này có thể nhìn sang lớp bạn, vì vậy nhà trường cho các lớp học quây lưng vào nhau
Phòng học không có điện chiếu sáng nên việc dạy và học đều trông chờ vào ánh sáng tự nhiên. Thế nên nhiều học sinh thị lực kém rất khó khăn trong việc tiếp thu bài vở trong môi trường thiếu ánh sáng này
Một phòng học tạm bằng tranh tre nứa lá nay phải bỏ trống vì đã xuống cấp trầm trọng
Một phòng khác được trưng dụng làm kho chứa bàn ghế đã hỏng
Các em gái vô tư chơi đá cầu trong phòng học bị bỏ hoang
Nụ cười vô tư của cậu bé trước ống kính phóng viên
Ngoài các phòng tranh tre nứa lá thì dãy phòng học bán kiên cố cũng đã xuống cấp trầm trọng
Những mái phông chống nóng rách tứ tung, để lộ những viên ngói cũng mục nát không kém
Dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng thầy cô và học sinh của Chiềng Sơ vẫn thi đua dạy tốt, học tốt
Tấm biển “Phòng hiệu trưởng” giản dị đến nao lòng
Vinshool và báo Dân trí sẽ giúp Trường THCS Chiềng Sơ xây mới 5 phòng học
Ngày 30/3, Hệ thống giáo dục Vinschool tổ chức thành công giải chạy việt dã “Run for Education” đã thu được 1,2 tỷ đồng để đầu tư xây dựng mới các phòng học thay thế cho những phòng học tạm tranh tre nứa lá của Trường THCS Chiềng Sơ, xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Việc đầu tư trên do Vinschool cùng với báo Dân trí phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh Sơn La và UBND huyện Sông Mã thực hiện. Hiện tại các bên liên quan đang xúc tiến các bước hoàn thành hồ sơ dự toán thiết kế, hồ sơ bản vẽ thi công để sớm khởi công xây dựng công trình đầy ý nghĩa nói trên vào tháng 5 năm 2015 này.
Thế Nam (thực hiện)
Theo Dantri
"Nữ sinh bị đánh hội đồng" ở Trà Vinh: Cách chức Bí thư Chi bộ trường
Ngày 3/4, tin từ Đảng ủy phường 1, thành phố Trà Vinh (Trà Vinh) cho biết, Đảng ủy vừa công bố quyết định kỷ luật những đảng viên liên quan tới vụ nữ sinh bị đánh hội đồng tại trường THCS Lý Tự Trọng.
Cụ thể mức kỷ luật như sau: Ông Phan Thanh Nguyên, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng bị cách chức Bí thư Chi bộ; ông Võ Thanh Vũ, Phó Hiệu trưởng bị cách chức Chi ủy viên Chi bộ; ông Thạch Minh Tâm, Tổng phụ trách Đội; ông Võ Thành Tất, giáo viên chủ nhiệm lớp 7/5 bị kỷ luật cảnh cáo và tập thể Chi bộ của trường nhận hình thức kỷ luật với mức khiển trách.
Sau khi ban hành quyết định kỷ luật đảng viên, cơ quan chức năng địa phương sẽ tiến hành xử lý kỷ luật về mặt chính quyền đối với các cá nhân này.
Như Dân trí đã thông tin, tối 8/3, clip nữ sinh bị đánh hội đồng xuất hiện trên mạng thì Ban giám hiệu Trường THCS Lý Tự Trọng mới hay biết sự việc. Sau đó nhà trường điều tra mới biết vụ việc xảy ra lúc 12h ngày 13/1/2015 tại lớp 7/5 của trường. Nạn nhân bị đánh là nữ sinh N.T.H. P. (học sinh lớp 7/5). Tham gia đánh em P. là một nhóm bảy học sinh (cả nam, nữ) của các lớp 7/4, 7/5, 7/13, 7/15, gồm các nữ sinh Dương Thúy Vy, Trần Ngọc Anh Thư, Trần Hồng Gấm, Kim Thảo Nhi, Cao Kim Tuyến và hai nam sinh Lâm Trần Bình Trọng, Lâm Trí Nhân. Người cuối đoạn video clip phang chồng ghế trúng đầu em P. là nam sinh Lâm Trần Bình Trọng.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do nữ lớp trưởng lớp 7/5 tên Vy kêu em P. đi mua bánh nhưng em P. không nhận lời, sau đó Vy tiếp tục kêu P. phải đánh 1 bạn nữ sinh khác cũng bị P. từ chối nên Vy đã khóa cửu phòng và kêu mấy bạn đánh hội đồng P. Nữ lớp trưởng tên Vy cũng tham dùng ghế nhựa đánh vào đầu em P..
Ngay sau clip phát trên mạng đã gây sự phẫn nộ, bức xúc trong cộng đồng mạng. Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cũng chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc.
Trường THCS Lý Tự Trọng, nơi xảy ra vụ việc
Ngày 16/3, Hội đồng kỷ luật quyết định các mức hình thức kỷ luật như sau: em Trần Kim Ánh bị khiển trách; các em Trần Ngọc Anh Thư, Trần Hồng Gấm, Kim Thảo Nhi, Cao Kim Tuyến, Lê Trí Nhân bị cảnh cáo; các em Dương Thúy Vy, Nguyễn Thùy Dương, Lâm Trần Bình Trọng bị buộc thôi học 1 tuần. trong số này có 2 em không xuất hiện trong clip nhưng đã thanh gia đánh em P. trước đó vào ngày 10/1 là Trần Kim Ánh và Nguyễn Thùy Dương cũng nhận hình thức kỷ luật.
Ngoài ra, đối với những cá nhân có liên quan UBND TP Trà Vinh có quyết định tạm đình chỉ công tác 1 tháng đối với hiệu trưởng Phan Thanh Nguyên và hiệu phó phụ trách Võ Thanh Vũ; tạm đỉnh chỉ giảng dạy, chủ nhiệm lớp, công tác 1 tháng đối với giáo viên chủ nhiệm Võ Thành Tất và tổng phụ trách đội Thạch Minh Tâm. Trong thời gian tạm đình chỉ sẽ tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cá nhân để có hướng xử lý.
Minh Giang
Theo Dantri
Ngập ngụa trên con đường đau khổ nhất miền Tây xứ Nghệ Cung đường vào Na Ngoi, xã biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An được mệnh danh là "đau khổ nhất miền Tây xứ Nghệ", bởi nó luôn ngập ngụa trong bùn lầy. Những ngày cuối tháng 3/2015, tiết trời ở mảnh đất Na Ngoi u ám, thi thoảng trời lại đổ cơn mưa. Mảnh đất này quanh năm mây vẫn bao phủ bởi...