Henry và những cầu thủ từng bị nghi ngờ năng lực trong quá khứ
Squawka liệt kê các cầu thủ đã vượt qua những nghi ngờ về năng lực và tỏa sáng.
Thierry Henry (Arsenal): Chân sút người Pháp từng là cầu thủ trẻ sáng giá trong màu áo AS Monaco. Tháng 1/1999, anh chuyển đến Juventus nhưng thi đấu không thành công. Đến tháng 8/1999, HLV Arsene Wenger đưa anh về sân Highbury, nhiều ý kiến cho rằng đây sẽ là món hàng hớ của chiến lược gia người Pháp. Tuy nhiên, sự nghi ngại đó nhanh chóng được dập tắt bằng phong độ thăng hoa của Henry. Anh vươn mình trở thành chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử Arsenal với 375 bàn sau 228 trận.
Luka Modric (Real Madrid): Sau màn trình diễn thuyết phục tại Euro 2012, Modric chuyển tới Real Madrid với giá 30 triệu euro. Modric đã có khởi đầu khó khăn tại Bernabeu, anh bị Marca đánh giá là bản hợp đồng tệ nhất năm của Real. Tuy nhiên, tiền vệ người Croatia dần dần thể hiện được đẳng cấp và chứng tỏ vị thế “ nhạc trưởng” nơi hàng tiền vệ của đội bóng Hoàng gia. Anh là nhân tố chủ chốt trong đội hình Real giành 3 danh hiệu Champions League liên tiếp. Năm 2018, Modric đánh bại 2 siêu sao Lionel Messi và Cristiano Ronaldo để giành danh hiệu Quả bóng vàng.
David de Gea (Man United): Năm 2010, De Gea đến Man United từ Atletico Madrid khi anh mới 20 tuổi. Thời gian đầu, anh liên tiếp mắc sai lầm và trở thành tâm điểm chỉ trích của giới truyền thông cũng như người hâm mộ “Quỷ đỏ”. Qua thời gian, thủ thành người Tây Ban Nha chứng tỏ được đẳng cấp trong khung gỗ Man United. Anh là cầu thủ đầu tiên trong lịch sử 4 lần giành danh hiệu “Cầu thủ hay nhất năm” của CLB. Hiện tại, anh có 9 năm cống hiến tại sân Old Trafford.
Xavi Hernandez (Barcelona): Xavi là sản phẩm “cây nhà lá vườn” của Barca, anh được đôn lên đội một Barca vào tháng 7/1998. Anh được cho là không đủ tầm thay thế Pep Guardiola. Xavi từng chia sẻ trên Marca: “Tôi không được thừa nhận cho đến năm 2008, sau 10 năm trên đội một. Nhiều người nói tôi quá lỗi thời, chỉ biết chuyền bóng sang hai bên, thậm chí tôi còn bị so sánh với chiếc cần gạt kính ôtô”. Tuy nhiên, sau khi Guardiola lên nắm quyền tại Barca năm 2009, Xavi trở thành đầu não trong lối chơi tiki-taka trứ danh. Anh cùng Barca giành vô số danh hiệu, trong đó có 4 Champions League.
Dennis Bergkamp (Arsenal): Tài năng của cầu thủ người Hà Lan là không thể bàn cãi, nhưng anh thi đấu không thành công khi khoác áo Inter Milan. Năm 1995, anh chuyển tới Arsenal và được trao chiếc áo số 10. Bergkamp từng bước chứng minh đẳng cấp và trở thành một trong những cầu thủ đáng xem nhất của “Pháo thủ”. Anh chơi 402 trận cho Arsenal, ghi 109 bàn thắng, có 71 pha kiến tạo, giành 3 chức vô địch Premier League và 4 FA Cup. Dù vậy, những thành tích đó chưa bao giờ là đủ để miêu tả tài năng của tiền đạo người Hà Lan. Arsenal đã tri ân huyền thoại của đội bóng khi đúc bức tượng chân dung Bergkamp đặt ngoài sân Emirates.
Gareth Bale (Tottenham): Tứng được đánh giá là hậu vệ trái tài năng của Premier League, nhưng ít người có thể đoán được Bale sẽ phát triển và trở thành chân sút hàng đầu thế giới. Bale có suất đá chính khi Benoit Assou-Ekotto dính chấn thương vào mùa giải 2009/10. Trận đấu giúp cầu thủ người xứ Wales bước ra ánh sáng là trận hòa 3-3 với Inter Milan ở mùa giải 2010/11, khi anh là người ghi cả 3 bàn thắng cho Tottenham. Năm 2013, Bale thiết lập kỷ lục chuyển nhượng khi chuyển sang Real với mức phí 101 triệu euro.
Harry Kane (Tottenham): Hiện tại, Kane là chân sút hàng đầu của Tottenham cũng như đội tuyển Anh, thậm chí nhiều nguồn tin cho rằng “Gà trống” chỉ bán ngôi sao số một của mình nếu nhận đủ 200 triệu euro. Khi mới được lên đội một Tottenham năm 2011, chân sút người Anh là tâm điểm của những lời chế giễu, chỉ trích. Thậm chí, chính cổ động viên Tottenham đăng những bức ảnh chế về Kane lên mạng xã hội mỗi khi anh ghi bàn.
Video đang HOT
Casemiro (Real Madrid): Real từng kích hoạt điều khoản mua lại Casemiro từ Porto vào mùa hè 2015 dưới thời HLV Rafa Benitez, nhưng cựu HLV Liverpool lại không trao cho anh cơ hội ra sân. Chỉ đến khi HLV Zinedine Zidane lên nắm quyền tại Real, Casemiro mới được thi đấu thường xuyên. Anh kết hợp cùng Luka Modric và Toni Kroos tạo thành bộ 3 tiền vệ hàng đầu châu Âu. Cầu thủ người Brazil góp công lớn trong chiến tích 3 lần liên tiếp vô địch Champions League của đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha.
Jamie Vardy (Leicester City): Chân sút người Anh chuyển tới Leicester từ Fleetwood Town với giá một triệu euro năm 2012. Anh ghi 4 bàn sau 26 trận ở mùa giải đầu tiên cho Leicester và từng có ý định rời đội bóng vì không thể cạnh tranh vị trí chính thức. Tuy nhiên, anh quyết định ở lại tiếp tục cống hiến cho “Bầy cáo”. Mùa giải 2015/16, Vardy là chân sút chủ lực của Leicester, những bàn thắng của Vardy giúp Leicester lên ngôi tại Premier League. Hiện tại, chân sút 33 tuổi vẫn đều đặn tỏa sáng cho đội chủ sân King Power.
Sự giận dữ của Rooney phơi bày mặt tối Premier League
Bài viết mới đây của Rooney làm dấy lên cuộc tranh cãi nảy lửa ở Anh. Các cầu thủ cảm thấy mình giống như một "con dê tế thần" của giới chóp bu trong thời đại khủng hoảng.
Trên mục bình luận của The Times cuối tuần rồi, Wayne Rooney đưa ra một thông điệp với rất nhiều sự giận dữ.
Anh tuyên bố mình và các đồng nghiệp hạnh phúc với việc hỗ trợ chính phủ và các nhân viên y tế trong cuộc khủng hoảng hiện tại. Tuy nhiên, cựu tiền đạo MU không quên mở cuộc tấn công vào các ông chủ và ban tổ chức (BTC) Premier League. "Tại sao các ngôi sao bóng đá phải trở thành vật tế thần?", Rooney viết.
Rooney có một bài viết dài trên báo Anh để nói về sự hy sinh tài chính của các cầu thủ. Ảnh: Getty.
"Vật tế thần" của cuộc khủng hoảng
Rooney là ngôi sao duy nhất của bóng đá xứ sương mù dám bày tỏ thái độ công khai, thậm chí có phần gay gắt về vấn đề tiền lương mà các cầu thủ được nhận trong cuộc khủng hoảng hiện tại.
Chân sút người Anh viết rằng việc những ông chủ và các nhà tổ chức giải đấu ở Anh đã hành động "bẩn thỉu", khi gây áp lực lên cầu thủ và yêu cầu họ tự động cắt giảm tiền lương để giúp đội bóng vượt qua khó khăn.
Trong một cuộc họp diễn ra vào tuần trước, BTC Premier League đề nghị Hiệp hội Cầu thủ Chuyên nghiệp Anh (PFA) chia sẻ khó khăn với các CLB. Các cổ đông là ông chủ của 20 đội bóng muốn các cầu thủ giảm 30% thu nhập trong bối cảnh giải đấu không diễn ra vì dịch bệnh.
Trong một phát biểu sau đó, Bộ trưởng Y Tế Anh Matt Hancock cũng bày tỏ mong muốn các cầu thủ bóng đá nên tự nguyện giảm lương.
Tuy nhiên, PFA không tin rằng các cầu thủ phải hy sinh thu nhập từ các CLB. Một bộ phận các cầu thủ đang chơi tại Premier League tin rằng động thái hy sinh của họ chỉ làm lợi cho các ông chủ đội bóng, thay vì trực tiếp giúp đỡ cộng đồng.
Theo quy định của luật pháp Anh, các cầu thủ vẫn được trả lương thưởng đầy đủ trong thời gian nghỉ thi đấu, khác với quy định ở Tây Ban Nha, nơi các CLB có thể tự động cắt giảm 70% lương của cầu thủ nhờ luật ERTE.
Rooney tin rằng chính quyền Anh và các nhà điều hành Premier League cố tình đẩy các cầu thủ vào tình thế khó xử. "Nếu các cầu thủ ra ngoài và tuyên bố không đồng ý với việc cắt giảm lương, họ sẽ bị coi là những kẻ giàu có nhưng keo kiệt", chân sút đang chơi cho Derby County phân tích.
Rooney khẳng định anh và các đồng nghiệp ở xứ sương mù sẵn sàng giảm tiền lương để hỗ trợ các nhân viên y tế. Tuy nhiên, anh tin rằng mình chỉ làm điều đó nếu mọi quyết định được công khai và minh bạch.
"Thật kỳ lạ khi mọi quyết định đều đến từ sau những cánh cửa đóng kín", Rooney viết tiếp. "Tại sao người ta lại gây áp lực, buộc các cầu thủ phải trả hóa đơn cho những ông chủ giàu có khi họ thất thu?".
Những ngôi sao Premier League muốn sự hy sinh của họ đến đúng địa chỉ. Ảnh: Getty.
Tranh cãi
Rooney đặt dấu hỏi về số tiền quyên góp 20 triệu bảng mà các ông chủ và ban điều hành Premier League dành cho Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh quốc (NHS) mới đây.
Chân sút này mô tả số tiền nói trên giống như "một giọt nước giữa đại dương" nếu so với lợi nhuận khổng lồ mà họ thu được từ bóng đá. Trong khi đó, các cầu thủ Premier League sẽ mất số tiền lớn nếu chấp nhận giảm 30% thu nhập mỗi tháng từ CLB.
Cựu danh thủ Gary Lineker bình luận việc chĩa mũi dùi vào các cầu thủ bóng đá là điều vô lý. Ông phân tích những ông chủ và ban tổ chức Premier League mới là những người cần phải bị đặt dấu hỏi về đóng góp của họ cho cộng đồng.
"Những ông chủ ngân hàng, CEO, tỷ phú, liệu họ có chung tay? Chúng ta không biết", Lineker phân tích. BLV này cho rằng các cầu thủ bỗng dưng trở thành mục tiêu dễ bị tấn công hơn so với các nhân vật giàu có khác trong xã hội Anh.
Daily Mail tiết lộ trong cuộc họp mới nhất giữa PFA và BTC Premier League, bầu không khí trở nên "hết sức căng thẳng". Trong cuộc họp nói trên, chỉ có Kevin de Bruyne, Troy Deeney và Mark Noble được phép đưa ra quan điểm từ phía các cầu thủ.
Những ngôi sao của Premier League muốn bảo đảm rằng nếu họ đồng ý giảm lương, các nhân viên khác của CLB sẽ không bị mất việc hay giảm thu nhập trong thời diễn giải đấu tạm ngưng. Bên cạnh đó, số tiền mà các cầu thủ hy sinh cũng phải được chuyển đến các nhân viên y tế đang chiến đấu chống lại dịch bệnh.
Theo ước tính, nếu các cầu thủ chấp nhận giảm 30% tiền lương trong thời gian diễn ra dịch bệnh, những CLB của Premier League sẽ tiết kiệm được hơn 570 triệu bảng.
Bài phát biểu của Rooney diễn ra không lâu sau khi Liverpool vướng phải làn sóng phản đối từ CĐV và truyền thông Anh. Đội chủ sân Anfield dự tính xin tiền trợ cấp của chính phủ Anh để có thể trả lương 100% cho các nhân viên trong thời gian dịch bệnh.
"The Kop" muốn trả 20% số tiền lương cho các nhân viên nói trên, 80% phần lương còn lại của các nhân viên sẽ đến từ quỹ trợ cấp của chính phủ Anh. Dư luận Anh cho rằng việc một CLB có lợi nhuận khổng lồ từ bóng đá như Liverpool, nhưng lại không muốn bỏ tiền túi ra để hỗ trợ nhân viên trong lúc khó khăn là đáng xấu hổ.
Làn sóng phản đối quyết định nói trên của Liverpool mạnh mẽ tới mức ban lãnh đạo đội bóng sau đó phải thay đổi, và đồng ý chi tiền để trả 100% lương cho các nhân viên thay vì dùng tiền ngân sách.
Ban lãnh đạo Liverpool khiến dư luận Anh tức giận khi dùng trợ cấp của chính phủ để trả lương nhân viên. Ảnh: Getty.
Giới cầu thủ không keo kiệt
"Nếu chính phủ muốn tôi giúp đỡ tài chính cho các y tá, bác sĩ hay mua máy thở, tôi sẽ vô cùng tự hào làm điều đó. Các đồng nghiệp của tôi cũng sẽ làm điều tương tự", Rooney viết.
Harry Maguire đã dẫn đầu các cầu thủ Manchester United đồng ý với việc giảm 30% lương để giúp đỡ đội bóng. "Quỷ đỏ" cũng chính là CLB tuyên bố sẽ tự bỏ tiền túi để trả đầy đủ lương cho nhân viên trong thời gian nghỉ thi đấu.
Trái ngược với hành động của ban lãnh đạo, tiền vệ Liverpool Jordan Henderson đã tự lập ra quỹ hỗ trợ NHS và các nhân viên y tế trong thời gian diễn ra dịch bệnh.
Anh đã liên lạc với các đội trưởng CLB khác ở Premier League để gây quỹ. Ước tính số tiền ban đầu mà Henderson và các thủ quân quyên góp đã lên tới hàng triệu bảng. Điều này cho thấy các ngôi sao sân cỏ của Premier League không keo kiệt, họ luôn sẵn sàng giúp đỡ cộng đồng khi cần thiết.
Các cầu thủ do dự trước đề nghị hy sinh từ giới chóp bu vì họ thiếu sự tin tưởng vào các ông chủ của mình, những người dường như luôn đặt lợi ích tài chính lên cao nhất.
Khi chứng kiến Liverpool không muốn bỏ tiền túi thêm vài triệu bảng để trả lương cho nhân viên mà dùng trợ cấp của chính phủ, một nhân viên làm việc cho CLB này nhận xét: "Giới chủ Liverpool thường rao giảng về những thứ gọi là gia đình, đoàn kết ở CLB. Giờ thì tôi không cảm thấy thế. Họ kiếm được hàng tỷ bảng mỗi năm nhưng khi khó khăn lại chỉ nghĩ đến bản thân mình".
Đội chủ sân Anfield cuối cùng rút lại quyết định sau cơn bão chỉ trích từ dư luận. Tuy nhiên, hình ảnh của họ trong mắt công chúng bị ảnh hưởng rất nhiều.
Cuộc khủng hoảng hiện tại đã làm bộc lộ nhiều khía cạnh xấu xí của một Premier League phù hoa.
Hồng An
MU, Arsenal vắng mặt ở đội hình tiêu biểu Premier League 2019/20 Liverpool chiếm tới 5 cái tên trong đội hình gây ấn tượng nhất Premier League mùa 2019/20 do The Athletic bầu chọn. Aston Villa, Leicester và Man City cũng có đại diện góp mặt. Danh sách đội hình tiêu biểu Premier League của mùa giải năm nay do The Athletic bầu chọn. Ảnh: The Athletic. Thủ môn Alisson (Liverpool): Người gác đền có...