Hệ thống y tế Tokyo bên bờ vực sụp đổ
Số ca nhiễm nCoV liên tục tăng, trong khi giường bệnh và vật tư y tế cạn kiệt, khiến các bệnh viện ở Tokyo rơi vào khủng hoảng.
Bệnh viện đa khoa Eiju, tòa nhà 10 tầng màu hồng nằm giữa thủ đô Tokyo của Nhật Bản, ghi nhận 140 ca nhiễm nCoV hai tuần qua, trong đó có ít nhất 44 bác sĩ, y tá và nhân viên y tế. Tuần trước, bệnh viện buộc phải thông báo đóng cửa.
Bệnh viện đang điều trị hơn 60 bệnh nhân Covid-19. Một bệnh nhân vừa được chuyển sang bệnh viện khác đã lây nhiễm cho nhiều người, theo giới chức y tế quận Taito.
Người dân đọc thông báo đóng cửa của bệnh viện Eiju hôm 6/4. Ảnh: Reuters.
Số ca nhiễm nCoV ở Nhật thấp hơn so với hai nước láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, kịch bản tương tự ở bệnh viện Eiju đang diễn ra khắp Tokyo, khi nhiều y bác sĩ cho biết hệ thống y tế của thành phố đang thiếu vật tư và nhân lực, còn số ca nhiễm nCoV tăng nhanh.
“Chúng tôi có thể dành toàn bộ phòng để điều trị bệnh nhân nCoV, nhưng điều đó nghĩa là những bệnh nhân khác phải chuyển đi”, một bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm tại một bệnh viện lớn ở Tokyo nói. “Nếu không làm thế, virus sẽ lây lan khắp bệnh viện, khiến hệ thống y tế sụp đổ”.
Dữ liệu thống kê cho thấy thực trạng này. Chính quyền Tokyo cho hay tính đến 5/4, thủ đô Nhật đã ghi nhận 951 bệnh nhân Covid-19 nhập viện, trong khi chỉ có 1.000 giường bệnh.
Nhật Bản chưa ghi nhận số ca nhiễm lớn như ở nhiều nước khác, nhưng các chuyên gia cho rằng đây là hậu quả của chính sách xét nghiệm hạn chế. Trong giai đoạn đầu của dịch, Nhật Bản thậm chí còn cân nhắc có nên hoãn Thế vận hội Mùa hè hay không, dù cuối cùng đã đưa ra quyết định dời sự kiện sang năm sau.
Từ giữa tháng 1 tới nay, Nhật Bản mới chỉ xét nghiệm cho 39.446 người, trong khi Anh đã xét nghiệm 173.784 người, còn Hàn Quốc là 443.273 người, theo dữ liệu của Đại học Oxford.
Hitoshi Oshitani, chuyên gia bệnh truyền nhiễm làm việc trong hội đồng tư vấn chính sách nCoV cho chính phủ, cho rằng chính sách này nhằm tránh làm quá tải hệ thống bệnh viện Nhật Bản.
Dù vậy, tổng số ca dương tính trên toàn quốc đã tăng gần gấp đôi trong 7 ngày qua, lên 3.654 trường hợp. Tokyo hiện là tâm dịch lớn nhất, ghi nhận hơn 1.000 ca. Trong các trường hợp dương tính mới, một số người đã phải chờ ở nhà hoặc ở khu vực ngoại trú của bệnh viện tới khi có giường.
Video đang HOT
Thống đốc Tokyo Yuriko Koike hôm 4/4 cho hay để giảm bớt gánh nặng lên nhân viên y tế, thành phố sẽ chuyển bớt những người có triệu chứng nhẹ sang khách sạn và những cơ sở lưu trú khác vào 7/4.
Hiroshi Nishiura, giáo sư đại học Hokkaido, thành viên hội đồng tư vấn, cho biết giống như Eiju, nhiều bệnh viện ở Tokyo không có khoa truyền nhiễm. Điều này khiến bệnh nhân Covid-19 phải nằm điều trị cùng người mắc bệnh khác, làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus.
“Chúng ta đã không thể ngăn lây nhiễm từ lúc đầu”, Nishiura nói, đề cập tới bệnh viện Eiju. Phát ngôn viên của bệnh viện từ chối bình luận.
Ngày 3/4, một bệnh viện khác ở Tokyo thông báo có ba y tá và một bác sĩ nhiễm nCoV khi điều trị cho bệnh nhân. Một ngày sau, số ca nhiễm mới nCoV ở Tokyo lần đầu vượt con số 100, còn ngày tiếp theo là 145.
Đại diện chính quyền Tokyo hôm nay khẳng định “hệ thống y tế vẫn an toàn”, nhấn mạnh thành phố đang kêu gọi công dân hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết.
Tokyo, thành phố gần 14 triệu dân với mật độ dân cư cao, có nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia có nhiều người cao tuổi nhất thế giới, với gần một phần ba dân số, tương đương 36 triệu người, từ 65 tuổi trở lên.
Theo Bộ Y tế Nhật Bản, toàn quốc có 1,5 triệu giường bệnh, nhưng số phòng áp lực âm dành cho bệnh truyền nhiễm đã chỉ có 1.882 giường, trong đó Tokyo chỉ có 145 giường. Dù không phải người nhiễm nCoV nào cũng cần phòng áp lực âm, họ vẫn cần cách ly với những bệnh nhân khác.
Những ngày gần đây, giới chức Tokyo đã xoay xở để đảm bảo 4.000 giường cho bệnh nhân nCoV, yêu cầu các bệnh viện chuyển đổi giường bệnh thông thường, thậm chí hỗ trợ về tài chính, theo một quan chức giấu tên của thành phố.
“Tokyo không đủ giường bệnh, vì vậy hệ thống y tế sụp đổ là điều có thể lường trước”, Satoshi Kamayachi, thành viên ban điều hành Hiệp hội Y khoa Nhật Bản, nói. “Số bệnh nhân đang tăng rõ rệt, tình hình đang trở nên cấp bách hơn”.
Dù hứng chỉ trích về cách xử lý các bệnh nhân trên du thuyền Diamond Princess, chính quyền Tokyo cũng không làm gì để tăng cường xét nghiệm và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với dịch, theo một số nhà phê bình.
Akihiro Suzuki, thành viên hội đồng lập pháp Tokyo, từng viết thư gửi Thống đốc Koike vào cuối tháng một, yêu cầu thành lập hệ thống tư vấn và phản ứng y khoa để đối phó nCoV.
“Nhưng họ phản hồi rất chậm và đến bây giờ vẫn chậm”, ông nói. Suzuki đã gửi thêm 10 thư yêu cầu, bao gồm tăng cường hàng loạt biện pháp như mua thêm máy thở tới làm rõ hơn chính sách của Tokyo trong điều trị bệnh nhân nguy kịch.
Một đại diện của chính quyền Tokyo cho biết thành phố đã “lên các phương án cụ thể” từ ngày 23/3 để đề phòng số ca bệnh tăng lên, bao gồm đảm bảo nhiều giường bệnh hơn.
Hai người dân Tokyo nhìn bảng thông báo số ca nhiễm nCoV mới của thành phố hôm 5/4. Ảnh: Reuters.
Hơn 5 y tá làm việc tại các bệnh viện lớn nhỏ ở Tokyo cho biết được yêu cầu tái sử dụng khẩu trang. Họ lo ngại không đủ nhân lực đối phó tình hình nếu số ca bệnh tăng đột biến. Một số bác sĩ cho hay không được phép thảo luận về năng lực của bệnh viện với truyền thông.
Nhiều y tá không chắc bệnh viện có đủ thiết bị bảo hộ cá nhân tiên tiến như khẩu trang N95 và quần áo bảo hộ hay không.
“Hôm trước tôi xem tin tức, thấy một y tá ở New York qua đời sau khi phải mặc đồ bảo hộ làm từ túi rác và tôi tự hỏi đó phải chăng là tương lai của mình?”, nữ y tá trong độ tuổi 30 nói, từ chối nêu tên.
Kasumi Matsuda đã làm y tá 13 năm và làm việc trong Liên đoàn Nhân viên Y tế Nhật Bản, cho biết nhiều người trong số 170.000 thành viên của liên đoàn đã báo cáo tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ.
“Tôi cho rằng hệ thống đang bắt đầu sụp đổ”, bà nói.
Khi số ca mắc nCoV tăng lên ở Tokyo, Hiệp hội Y khoa Nhật Bản và Thống đốc Koike đã yêu cầu chính quyền trung ương nhanh chóng tuyên bố tình trạng khẩn cấp để giảm tỷ lệ lây nhiễm.
Tuyên bố này sẽ trao quyền cho các thống đốc đóng cửa những nơi công cộng cũng như bêu danh những công ty từ chối yêu cầu của chính quyền, dù không thể buộc họ đóng cửa. Thủ tướng Shinzo Abe dự kiến tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo và 6 tỉnh khác sớm nhất vào ngày mai, sau nhiều ngày trì hoãn vì cho rằng còn quá sớm.
Hồng Hạnh
Chính phủ Nhật Bản chuẩn bị phương án ban bố tình trạng khẩn cấp
Thủ tướng Abe dự kiến sẽ có cuộc họp với các cố vấn dịch bệnh cho chính phủ trong ngày 6/4, giữa lúc hiện xuất hiện một số thông tin cho biết ông sẽ sớm ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong 7/4.
Người dân đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 6/4/2020. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu chuẩn bị cho phương án ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại quốc gia Đông Bắc Á này, đặc biệt khi số ca nhiễm tại thủ đô Tokyo và các khu vực khác tăng vọt.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến sẽ có cuộc họp với các cố vấn dịch bệnh cho chính phủ trong ngày 6/4, giữa lúc hiện xuất hiện một số thông tin cho biết ông sẽ sớm ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong ngày 7/4.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các ca nhiễm liên tục tăng tại nhiều địa phương ở Nhật Bản, trong đó thủ đô Tokyo trong ngày 5/4 đã ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục là 148 ca, khiến chính phủ phải cân nhắc đưa ra những biện pháp quyết liệt hơn.
Trước đó, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike đã kêu gọi cư dân thành phố tránh ra ngoài nếu không cần thiết trong những ngày cuối tuần và khuyến khích họ làm việc tại nhà.
Quan chức này dự kiến sẽ trình bày những tác động của việc ban bố tình trạng khẩn cấp đối với thủ đô tại buổi họp báo vào cuối ngày 6/4.
Theo một số nguồn tin, việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ chỉ áp dụng đối với một số khu vực có số người nhiễm gia tăng nhanh chóng, thay vì biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt được nhiều nước khác trên thế giới đang triển khai.
Việc ban bố này sẽ cho phép thống đốc các khu vực bị ảnh hưởng được quyền yêu cầu, song không phải ra lệnh, người dân ở trong nhà và kêu gọi mọi hình thức kinh doanh tụ tập đông người đóng cửa.
Chỉ thị này cũng cho phép huy động các khu đất và tòa nhà phục vụ cho các mục đích y tế. Tuy nhiên, việc khuyến cáo người dân ở trong nhà không mang tính chất ràng buộc về mặt pháp lý.
Ngoài ra, các phương tiện giao thông công cộng vẫn sẽ tiếp tục hoạt động và các siêu thị, ngân hàng cũng như bệnh viện vẫn mở cửa.
Cho tới nay, Nhật Bản ghi nhận khoảng 3.650 trường hợp mắc COVID-19 trên cả nước. Ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận tại nước này là vào giữa tháng Một. Thủ tướng Abe đã kêu gọi đóng cửa trường học trên toàn quốc từ tháng Hai nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan./.
Phương Oanh
Chứng cuồng làm việc: Điểm yếu chí tử của Nhật trong cuộc chiến chống Covid-19 Văn hóa lao động đặc trưng khiến người lao động Nhật Bản rất khó thực hiện biện pháp làm việc từ xa hay giãn cách xã hội để chống Covid-19. Những người làm công ăn lương mặc đồ vest chen chúc nhau trên tàu điện giờ cao điểm là hình ảnh đặc trưng của Tokyo. Hideya Tokiyoshi, 52 tuổi, vẫn lên tàu từ...