Hệ thống tên lửa HQ-9 của Trung Quốc sẽ là “mồi ngon” của Mỹ
Hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc đã triển khai ra đảo Phú Lâm của Việt Nam, như nhiều nguồn tin cho biết, được giới chuyên gia đánh giá chỉ như một hệ thống S-300 đời đầu, dễ dàng bị các máy bay tàng hình của Mỹ tiêu diệt.
Hãng tin Fox News hôm qua dẫn ảnh chụp từ vệ tinh dân sự cho biết quân đội Trung Quốc đã điều động một hệ thống tên lửa đất đối không hiện đại cùng một hệ thống radar đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tướng David Lo, người phát ngôn cơ quan phòng vệ Đài Loan, cho hay một số nguồn cấp điện cho tên lửa cũng được thiết lập trên đảo.
Theo Fox News, một quan chức quốc phòng Mỹ đã phán đoán tên lửa mà Trung Quốc mới triển khai là hệ thống phòng không HQ-9.
Hệ thống HQ-9 được Trung Quốc phát triển từ năm 1980, ban đầu được dựa theo tên lửa phòng không Patriot của Mỹ nhưng sau đó, Bắc Kinh mua được S-300PMU từ Nga và đã mổ xẻ để sao chép gần như toàn bộ hệ thống thống này.
Trung Quốc hoàn thành phát triển HQ-9 phiên bản đầu vào năm 1997, tuy nhiên, chỉ có một số ít hệ thống được bàn giao cho quân đội Trung Quốc. Hệ thống này cũng có phiên bản hải quân là HHQ-9, triển khai trên tàu khu trục Type-052C, được bố trí với các ống phóng thẳng đứng, giống hệt các tên lửa S-300F trên tàu chiến của Nga.
Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc được cho là đã xuất hiện trên đảo Phú Lâm của Việt Nam.
HQ-9 sử dụng tên lửa động cơ nhiên liệu rắn, có khả năng chỉnh hướng phụt như tên lửa 5V55, 5V55R, 48N, 48N62 của S-300. Tên lửa này có trọng lượng 1.300 kg, dài 6.8 m với đầu đạn nặng 180 kg. Trung Quốc cho biết, tên lửa này có thể đạt tốc độ Mach 4.2 (khoảng 1400 m/s) nhưng chưa được kiểm chứng. Thời gian để chuẩn bị tác chiến của HQ-9 khoảng 6 phút, thời gian phản ứng với mục tiêu là từ 12-15 giây. Bán kính diệt mục tiêu của HQ-9 là 35 m, ngòi nổ có thể được kích hoạt khi cách mục tiêu 5 km.
Về radar, radar HT-233 của HQ-9 cũng sao chép y nguyên radar 30N6E Tomb Stones của S-300, tuy nhiên được đánh giá là có khả năng hạn chế, cũng như tiêu thụ điện năng lớn.
Về khả năng chiến đấu, HQ-9 phiên bản cũ có tầm tiêu diệt máy bay 150 km, tuy nhiên, biến thể mới đã có tầm bắn tăng lên đến 200 km với độ cao tác chiến tối đa 30 km. Do radar HT-233 của Trung Quốc chi có thể phát hiện mục tiêu 150km, hiện toàn bộ hệ thốnh HQ-9 phải sử dụng các radar khác nếu muốn phát huy tầm bắn tối đa 200km.
Video đang HOT
Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc sao chép gần như hoàn toàn S-300 của Nga.
Trung Quốc luôn khẳng định HQ-9 phải tương đương sức mạnh của S-300 hoặc thậm chí là S-400, tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá nó chỉ như một hệ thống S-300 đời đầu mà thậm chí còn chưa hoàn thiện hết. Ngoài ra, với thời gian triển khai khá lâu (6 phút), nó dễ dàng trở bị tiêu diệt bởi nhiều loại máy bay tốc độ cao hoặc có khả năng tàng hình trước radar như F-22 và F-35 của Mỹ.
Hiện nay, Trung Quốc đã xúc tiến tiếp thị để xuất khẩu hệ thống này ra thị trường thế giới tuy nhiên, vẫn chưa có khách hàng nào muốn mua. Vào năm 2015, Thổ Nhĩ Kì đã huỷ bỏ ý định mua HQ-9 do nó không thể tích hợp được với mạng lưới phòng không chung của NATO.
Có thể nói, hành động của Trung Quốc không quá khó đoán do Bắc Kinh đang có căng thẳng trên Biển Đông với Washington và động thái này không khác gì một biện pháp nhằm răn đe các máy bay do thám của Mỹ đang hoạt động tại đây.
Vào hồi cuối tháng 1, Thời báo Hoàn Cầu, vốn có quan hệ mật thiết với quân đội Trung Quốc, đã có bài phân tích rằng, trong thời bình, mối đe doạ lớn nhất với Trung Quốc tại Biển Đông là từ trên không, do vậy quân đội nên tích cực triển khai các loại vũ khí phòng không. Ngoài ra, Thời Báo Hoàn cầu cũng khuyên quân đội Trung Quốc phải triển khai một số lượng nhất định radar cảnh giới đối không và đối hải.
Tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ.
Trong thời gian Trung Quốc xây dựng các đường băng trái phép trên đảo Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn, giới chuyên gia quân sự cũng phán đoán rằng, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ triển khai đến đây các hệ thống tên lửa phòng không như HQ-9, HQ-12, HQ-16 để bảo vệ các cơ sở quân sự vừa được xây dựng trước máy bay Mỹ.
Mặc dù xung đột Trung Quốc – Mỹ tại biển Đông là điều vẫn còn xa vời, tuy nhiên, vào hồi tháng 5-2015, tạp chí The Week của Mỹ đã đưa ra nhận định rằng, chỉ cần một tàu ngầm lớp Ohio của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cũng có khả năng phá huỷ một hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc trên biển Đông chỉ trong vài phút. Nếu tàu Ohio phóng liên hoàn 10 tên lửa hành trình Tomahawk-D, nó sẽ tạo ra 1660 quả bom bi nhỏ hơn và đủ khá năng phá huỷ tất cả radar, tháp điều khiển hay hệ thống vũ khí đang xuất hiện trên đảo nhân tạo của Trung Quốc do những cơ sở này có quy mô rất nhỏ.
Ngày 17.2, trả lời báo giới về các thông tin nói rằng Trung Quốc đã triển khai một hệ thống tên lửa phòng không hiện đại trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng, ông không rõ tình hình cụ thể, song nguỵ biện rằng “bất kỳ cơ sở nào được xây dựng đều liên quan tới quốc phòng chứ không phải hành động quân sứ hóa”.Trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, những thông tin nói rằng Trung Quốc đã triển khai các tên lửa phòng không trên đảo Phú Lâm là do “truyền thông Phương Tây” dựng lên.
Theo Danviet
Tên lửa Trung Quốc nghi đặt trên Phú Lâm dễ vô hiệu hóa
Với kích thước kềnh càng, thời gian chuẩn bị tác chiến lâu, khả năng phòng thủ tầm gần kém, tên lửa HQ-9, loại bị nghi đặt trên đảo Phú Lâm dễ trở thành con mồi của tên lửa, máy bay đối phương.
Hệ thống tên lửa HQ-9 của Trung Quốc. Ảnh: Anpdz
Ngày 17/2, các quan chức Mỹ và Đài Loan xác nhận Trung Quốc đã triển khai hai khẩu đội tên lửa phòng không HQ-9 với 8 bệ phóng tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, theo Fox News. Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa và ngang ngược lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị không hoàn toàn bác bỏ thông tin do Fox News đăng tải, mặc dù nói rằng đây là một "nỗ lực dựng chuyện của các hãng truyền thông phương Tây nhất định".
HQ-9 là hệ thống tên lửa phòng không tầm cao do Tổng công ty Quốc phòng Trung Quốc (CPMIEC) nghiên cứu và chế tạo để tác chiến chống lại các mục tiêu bay như chiến đấu cơ, trực thăng, máy bay trinh sát ở cả tầm thấp lẫn tầm cao, có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình, tên lửa không đối hải, và tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Theo Air Défense, Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu hệ thống tên lửa phòng không tầm xa từ năm 1980 nhưng không thành công. Đến năm 1993, khi những tên lửa S-300 PMU-1 của Nga được nhập về Trung Quốc, các kỹ sư quân sự nước này đã áp dụng gần như nguyên bản các giải pháp thiết kế và những đặc điểm hệ thống tên lửa của Nga để cho ra đời phiên bản HQ-9đầu tiên vào năm 1997 với xe và ống phóng giống hệt S-300 PMU-1.
Tên lửa HQ-9 có trọng lượng 1.300 kg, dài 6.8 m, trọng lượng đầu đạn 180 kg, tầm tác chiến thấp nhất là 6 km và xa nhất 200 km, tầm bắn hiệu quả với máy bay là 150 km. Theo các tài liệu của Trung Quốc, tên lửa đạt tốc độ Mach 4.2 (khoảng 1400 m/s) nhưng chưa được kiểm chứng. Thời gian để chuẩn bị tác chiến của HQ-9 khoảng 6 phút, thời gian phản ứng với mục tiêu là từ 12-15 giây.
HQ-9 sử dụng hệ thống điều khiển tên lửa kết hợp: máy lái tự động quán tính giai đoạn đầu; giai đoạn giữa kết hợp máy lái tự động quán tính trên tên lửa để chỉnh tầm và lệnh vô tuyến từ đài điều khiển mặt đất để chỉnh hướng; giai đoạn cuối dẫn bằng lệnh vô tuyến kết hợp dữ liệu về mục tiêu do cơ cấu bám qua tên lửa. Bán kính diệt mục tiêu của HQ-9 là 35 m, ngòi nổ vô tuyến cận đích được kích hoạt khi đạn cách mục tiêu 5 km.
Mỗi lữ đoàn tên lửa phòng không HQ-9 được biên chế 6 tiểu đoàn; mỗi tiểu đoàn gồm một xe chỉ huy, một xe radar điều khiển hỏa lực, 8 xe chở các hệ thống phóng, tức là ở một thời điểm, mỗi tiểu đoàn có thể phóng đồng loạt 32 quả tên lửa, cả lữ đoàn có cơ số tên lửa sẵn sàng chiến đấu là 192 quả.
Truyền thông Trung Quốc ca ngợi rằng HQ-9 vượt trội hơn hệ thống S-300, thậm chí ngang tầm với hệ thống tên lửa S-400 mới nhất của Nga. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng về thông số kỹ thuật, HQ-9 mới chỉ tạm gọi là tương đương S-300, thậm chí chưa thể so sánh với S-300 đời đầu chứ chưa nói tới thế hệ S-300 PMU-1, S-300 PMU-2. Điểm yếu lớn nhất của HQ-9 nằm ở hệ thống radar và khả năng phòng thủ tầm gần.
Hệ thống tên lửa S-300 của Nga. Ảnh: Sputnik
Đài radar điều khiển hỏa lực mảng pha HT-233 của HQ-9 được cho là thiết kế giống với radar 30N6E trong tổ hợp S-300 của Nga. Tuy nhiên, kích thước của HT-233 được cho là nặng nề, to lớn hơn so với nguyên gốc, tuổi thọ ngắn, mức tiêu thụ điện năng lớn.
Với kích thước lớn, hệ thống HQ-9 có thể dễ dàng bị tiêu diệt bởi các hệ thống tên lửa chống bức xạ, tên lửa hành trình như Tomahawk của Mỹ và Scalp của Pháp.
Bên cạnh đó, đài radar trinh sát dò tìm Type 305B/YLC-2V của HQ-9 được đánh giá là chưa đủ khả năng phát hiện các chiến đấu cơ tàng hình tối tân của Mỹ như F-22 và F-35, cộng với thời gian chuẩn bị tác chiến tương đối dài (6 phút) khiến HQ-9 hoàn toàn có thể trở thành "con mồi" của các chiến đấu cơ tàng hình này.
Một điểm yếu nữa của HQ-9 là khả năng phòng thủ gần tương đối kém so với S-300 của Nga, nên trong thực chiến, các loại trực thăng được trang bị hệ thống tác chiến điện tử hiện đại, bay ở độ cao thấp và linh hoạt như Apache và Tigre được đánh giá có thể trở thành khắc tinh của HQ-9.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Robot "sát thủ" chống tăng của Nga Robot Uran-9 này có thể phát hiện và tiêu diệt mục tiêu của đối phương, bao gồm cả xe tăng và xe bọc thép... Robot "Sát thủ" chống tăng Uran-9 của Nga Tại triển lãm quân sự "Patriot" Nga đã giới thiệu một loạt dự án robot mới, trong đó có "sát thủ" chống tăng Uran-9. Những robot này có thể thực hiện...