Hệ thống radar khổng lồ bí ẩn trong tử địa lớn nhất thế giới
Trạm radar khổng lồ nằm sâu trong khu rừng thuộc Ukraine ngày nay từng là dự án tuyệt mật của quân đội Liên Xô, đi kèm với nhiều lời đồn đoán về khả năng “điều khiển tâm trí”.
Sâu trong khu rừng ở phía bắc Ukraine, trạm radar Duga là cơ sở bí ẩn có quy mô lớn được Liên Xô xây dựng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Rạng sáng ngày 26.4.1986, nóc lò phản ứng số 4 tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (Ukraine) bị thổi tung, phát tán trực tiếp lượng khí phóng xạ khổng lồ ra môi trường xung quanh, đánh dấu thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử loài người.
Hệ quả của vụ nổ khiến hơn 3 thập kỷ đã trôi qua và rất nhiều năm sau nữa, một diện tích lớn đất đai cùng khu vực dân cư xung quanh buộc phải bỏ hoang vì nồng độ phóng xạ cao quá mức.
Kể từ năm 2011, một phần khu vực trong Chernobyl trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn, thu hút những người hứng thú tìm hiểu về tử địa lớn nhất thế giới. Nhờ đó, công chúng có cơ hội biết đến sự tồn tại của khu vực đài radar bí ẩn, khổng lồ được xây dựng trong Chernobyl.
Dự án tuyệt mật từ thời Chiến tranh Lạnh
Trước khi được nhiều người biết đến, hệ thống radar là dự án tuyệt mật của quân đội Liên Xô nhằm bảo vệ đất nước trước mối nguy mang tên tên lửa tầm xa.
Hệ thống radar mang tên Duga nằm sâu trong khu rừng nằm ở phía bắc của Chernobyl. Không chỉ là thiết bị phát sóng đơn thuần, nó còn là một bí mật phía Liên Xô che giấu từ thời Chiến tranh Lạnh.
Trên danh nghĩa, đài radar Duga không xuất hiện trên bản đồ và người dân không được phép đến gần trong bán kính vài km.
Mặc dù một thời là bí mật quân sự được bảo vệ chặt chẽ, cấu trúc khổng lồ này có thể quan sát được từ xa và gây ấn tượng mạnh về kích thước to lớn cho bất cứ ai có dịp chứng kiến tận mắt.
Cùng với sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, các bí ẩn về mục đích sử dụng của hệ thống radar vẫn còn bỏ ngỏ.
Hệ thống radar được tạo thành từ hàng trăm ăng ten và tua bin khổng lồ. “Bức tường” kiên cố này có chiều cao lên đến 150m và kéo dài gần 700m, cho thấy độ hoành tráng và mức độ đầu tư của Liên Xô vào dự án.
Theo thời gian, cơ sở quân sự tối tân chỉ còn lại đống sắt gỉ trơ trọi, bị bỏ hoang và có lẽ vĩnh viễn không bao giờ tái sử dụng như bao nhà cửa, bệnh viện, trường học khác trong khu vực Chernobyl.
Xung quanh đài radar, thùng thép, thiết bị điện tử và rác thải kim loại cùng những chiếc xe chuyên chở vẫn nằm vương vãi sau ngần ấy năm, dấu hiệu của những cuộc di tản vội vã ngay sau khi diễn ra thảm họa hạt nhân.
Kế hoạch “điều khiển tâm trí” người Mỹ ?
Nhiều thập kỷ sau khi Liên Xô sụp đổ, câu chuyện đằng sau mục đích thực sự của trạm radar vẫn để lại nhiều dấu hỏi lớn.
Việc chế tạo được cho là bắt đầu vào năm 1972, khi các nhà khoa học Liên Xô tìm cách giảm thiểu mối đe dọa tên lửa tầm xa từ phía Mỹ. Họ đã nảy ra ý tưởng xây dựng một radar khổng lồ trên khu đất rộng, sử dụng sóng vô tuyến ngắn có khả năng phát đi hàng ngàn km để phát hiện ngọn lửa phóng ra từ tên lửa.
Video đang HOT
Volodymyr Musiyets, một cựu chỉ huy của tổ hợp radar chia sẻ thông tin ít ỏi: “Duga là một phần của hệ thống phòng thủ chống tên lửa được tạo ra với mục đích duy nhất: phát hiện bất cứ cuộc tấn công hạt nhân nào nhằm vào Liên Xô”.
Bất chấp tham vọng lớn, các nhà khoa học thời kỳ đó vẫn thiếu hiểu biết đầy đủ về cách thức tầng điện ly hoạt động, khiến hệ thống radar thất bại ngay cả trước khi nó được xây dựng.
Nhiều giả thuyết được đưa ra bao gồm hệ thống radar sử dụng sóng để thay đổi hành vi người dân Mỹ, nhà máy điện hạt nhân gần đó là nơi cung cấp năng lượng cho trạm,…
Năm 1976, nhiều trường hợp ghi nhận nghe thấy các tín hiệu lặp đi lặp lại nghe giống tiếng chim gõ kiến được truyền đi từ các máy phát, làm dấy lên nhiều giả thuyết phức tạp về mục đích thực sự của hệ thống radar.
Trong bối cảnh lo ngại chiến tranh hạt nhân gia tăng, một số người cho rằng Liên Xô đang lên kế hoạch phát đi các âm thanh tần số thấp có thể thay đổi hành vi của con người và phá hủy các tế bào não.
Giả thuyết khác cho rằng nhà máy điện hạt nhân Chernobyl được xây dựng nhằm cung cấp năng lượng cho radar khổng lồ, dựa trên bằng chứng phía Liên Xô tốn gấp đôi chi phí vận hành cho radar so với nhà máy điện.
Hệ thống radar cao đến 150m và kéo dài 700m, được tạo thành từ hàng trăm ăng ten và tua bin khổng lồ
Thực chất, hệ thống radar này chỉ là một máy thu tín hiệu với trung tâm truyền phát đặt cách đó khoảng 60 km. Song, cơ sở tuyệt mật này vẫn được áp dụng nhiều biện pháp an ninh phức tạp.
Để bảo vệ bí mật quân sự, quân đội Liên Xô thường dùng nhiều cách để “ngụy trang” nhằm che mắt các lực lượng đối địch.
Trên bản đồ Liên Xô thời kì đó, khu vực radar được miêu tả dưới dạng một nơi cắm trại dành cho trẻ em, cùng với một trạm xe bus và cổng chào nhằm che giấu bí mật thực sự nằm sâu bên trong.
Phil Donahue, một trong những nhà báo đầu tiên của Mỹ được phép tiếp cận Chernobyl sau thảm họa, đã hỏi người dẫn đường của ông về hình ảnh của trạm radar sừng sững ở phía cuối chân trời và được cho biết đó là một khách sạn đang xây dang dở.
Tàn dư còn sót lại
Xung quanh trạm radar, nhiều thiết bị, xe cộ bị bỏ lại khi công nhân làm việc buộc phải sơ tán khẩn cấp sau thảm họa
Vụ nổ tại Chernobyl đã đánh dấu sự kết thúc của hệ thống radar quy mô một thời. Trạm radar bị đóng cửa do ô nhiễm phóng xạ và các công nhân làm việc cho dự án mật được sơ tán khẩn cấp. Các bộ phận quan trọng được vận chuyển đến Moscow (Nga ngày nay) hoặc bị lấy cắp.
Do tính chất tuyệt mật của dự án, tất cả các tài liệu liên quan đều bị tiêu hủy hoặc được lưu trữ ở Moscow.
Trong nhiều thập kỷ, đài radar khổng lồ vẫn sừng sững giữa khu rừng dù không ai biết đến sự tồn tại của nó. Kể từ năm 2013, du khách bắt đầu được chiêm ngưỡng tận mắt hệ thống này với tư cách một phần của chuyến tham quan quanh Chernobyl.
Đến tận ngày nay, hệ thống radar này vẫn gây ấn tượng bởi quy mô của nó.
Dù chỉ còn là tàn tích, hệ thống radar Duga vẫn là một trong các điểm thu hút du khách nhất khi tham quan khu vực Chernobyl.
Giám đốc công ty du lịch quanh Chernobyl, ông Yaroslav Yemelianenko cho hay du khách thường xuyên choáng ngợp bởi kích thước của trạm.
“Không ai nghĩ rằng nó lớn đến vậy, thậm chí họ cảm thấy tiếc nuối trước một công trình đồ sộ như vậy có khả năng lụi tàn vĩnh viễn.” – ông Yaroslav chia sẻ.
“Nhiều người đã nghe về nó (trạm radar), chủ yếu họ hứng thú du lịch đến Chernobyl vì cuộc sống nhiều người từng trải qua thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Họ muốn chứng kiến công trình tận mắt, nhiều người đánh giá trạm radar là điểm nhấn trong chuyến đi”, ông nói thêm.
Theo Danviet
Khung cảnh rợn người ở nơi "24.000 năm nữa con người không thể sinh sống an toàn"
Thảm họa hạt nhân lớn nhất trong lịch sử thế giới đã biến một vùng đất yên bình thành một trong các "tử địa" nguy hiểm nhất trên thế giới.
Vụ nổ tại lò phản ứng số 4 thuộc nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã gây ra đám mây phóng xạ lớn chưa từng có. Nhiều quốc gia châu Âu khi đó đối diện với nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ.
Một ngày cuối tháng 4 năm 1986, cuộc sống thường nhật của người dân tại thị trấn Pripyatt (Ukraine hiện nay) bỗng chốc thay đổi đột ngột, không bao giờ còn được như trước nữa. Vụ nổ xảy ra lúc 1h23' sáng ngày 26.4.1986 tại lò phản ứng số 4, thuộc nhà máy điện hạt nhân Chernobyl gần đó đã thổi bay nóc lò phản ứng, phát tán trực tiếp ra không khí lượng khí phóng xạ và khói bụi khổng lồ.
Thảm họa hạt nhân kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại đã diễn ra theo cách khủng khiếp như thế.
Theo ước tính của các chuyên gia, đám mây phóng xạ do vụ nổ tạo ra lớn hơn ít nhất 100 lần so với hai quả bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki bị Mỹ thả xuống Nhật Bản trong Thế chiến II. Phải đến 24 giờ sau khi sự cố diễn ra, chính quyền mới cho di dời khẩn cấp 100.000 người dân sống ở khu vực thị trấn Pripyatt gần nhà máy. Những người dân chỉ có đúng 3 tiếng để thu dọn đồ đạc, rời khỏi quê hương.
Sau thảm họa, toàn bộ thị trấn Pripyatt và khu vực khổng lồ xung quanh nhà máy điện hạt nhân bị bỏ hoang, trở thành "thành phố ma". Sau nhiều lần kiểm tra và tính toán, các nhà khoa học cho hay phải mất 3.000 năm khu vực Chernobyl mới có thể phục hồi và "24.000 năm nữa con người vẫn không thể sinh sống an toàn" do lượng phóng xạ có trong môi trường quá cao.
Nền trời mây xám cùng khung cảnh u ám, vắng bóng sự sống con người trong "thành phố ma". Xa xa là nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Phải mất rất nhiều thế kỷ nữa, cuộc sống ở đây mới có thể trở về bình thường.
Sau khi hàng rào thép gai bao quanh khu vực bị cách ly sau thảm họa bị dỡ bỏ vào năm 2000, nhiều người ưa thích phiêu lưu đã tìm đến vùng đất bị bỏ hoang này để tìm hiểu những gì còn sót lại từ thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất từ trước tới nay.
Nhiếp ảnh gia người Rumani Cristian Lipovan cũng là một trong những người bị kích thích trí tò mò bởi Chernobyl. Gần đây, anh đã đi dọc khu vực quanh Chernobyl để ghi lại những hình ảnh về khung cảnh hiện tại của thành phố, thị trấn đã không còn bóng người sinh sống trong suốt hơn 3 thập kỷ qua.
Chia sẻ về chuyến đi của mình, Lipovan cho biết " Cuộc thám hiểm vào thành phố lân cận Chernobyl là một trong những chuyến đi đáng nhớ nhất của tôi. Sau khi trở về, tôi đã thay đổi và nhận ra phải biết tôn trọng mọi thứ xung quanh ta. Tôi hy vọng khi mọi người nhìn vào những bức hình tôi thực hiện, người xem có thể cảm nhận được những câu chuyện đan xen cả niềm vui lẫn nỗi buồn của những cư dân từng sinh sống tại đó".
Chiếc TV còn sót lại phần khung, đứng trơ trọi trong căn phòng. Trên sàn nhà, hàng loạt mặt nạ chống độc bị vứt bỏ, nằm vương vãi sau khi người dân nhanh chóng sơ tán ra khỏi vùng thảm họa.
Búp bê - người bạn của một bé gái nào đó bị bỏ lại trên chiếc giường còn trơ mỗi bộ khung rỉ sét. Ảnh chụp tại một trường tiểu học.
Những gì còn sót lại tại một trường học sau 32 năm thảm họa: bàn ghế ngổn ngang, trần nhà hư hại, các đồ vật phủ bụi theo thời gian.
Chiếc máy thu ngân rỉ sét sau hơn 3 thập kỷ không ai sử dụng, những tờ tiền vẫn nằm im ở vị trí cũ. Khi chính quyền thực hiện việc sơ tán gấp, nhiều người dân không kịp mang theo của cải.
Bỏ hoang kể từ ngày thảm họa diễn ra, giờ đây "thành phố ma" gần khu vực nhà máy điện hạt nhân trở thành địa điểm hấp dẫn cho những ai đam mê phiêu lưu, mạo hiểm.
Ván cờ giữa 2 người dân nào đó đã không bao giờ có cơ hội hoàn thành.
Những mảng tường bong tróc, loang lổ theo thời gian trong căn phòng chỉ còn lại những chiếc nôi em bé đã rỉ sét toàn bộ. Nhiều trẻ em sinh ra sau thảm họa đã gặp phải các bệnh đột biến gen và chịu nhiều biến chứng nặng nề do bị nhiễm độc phóng xạ từ bố mẹ.
Rêu xanh xâm chiếm các bức tường trong các tòa nhà vốn bị bỏ hoang từ lâu. Tất cả gợi lên bầu không khí lạnh gáy cho những ai từng đặt chân đến khu vực Chernobyl.
Không còn ai sinh sống, cơ sở vật chất trong thành phố dần xuống cấp rồi hư hỏng nặng. Trong ảnh, một sân khấu biểu biễn hoang vắng với từng mảng trần rơi vương vãi xuống sàn, bên cạnh chiếc piano từ lâu đã không còn cất lên tiếng nhạc.
Một đôi giày nữ cũ kỹ bị chủ nhân bỏ lại. Mọi căn nhà trong "thành phố ma" đều trong tình trạng chung: đồ đạc ngổn ngang, nhà cửa hư hại nghiêm trọng.
Công viên từng là nơi đông vui hình bóng trẻ con đến vui chơi giải trí cùng cha mẹ chúng. Giờ đây, chỉ còn lại chiếc xe điện nằm chỏng trơ, bong tróc từng mảng sơn, rêu xanh phủ kín.
Theo Danviet
"Nội soi" sức mạnh ngư lôi nghi của Trung Quốc dạt vào bờ biển Phú Yên Quả ngư lôi mất tích của Trung Quốc nghi dạt vào bờ biển Phú Yên của Việt Nam được xác định là ngư lôi Yu-6 - phương tiện tấn công hiện đại nhất của Hải quân Trung Quốc. Quả ngư lôi dạt vào bờ biển Phú Yên. Cách đây 10 ngày, khi đang hành nghề đanh băt hai san trên vung biên phia...