Hệ thống ngân hàng đã xử lý được hơn 1 triệu tỷ đồng nợ xấu
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3/2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 1,076 triệu tỷ đồng nợ xấu.
Ảnh minh họa. (Ảnh: PV/Vietnam )
Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội nhìn lại cả quá trình xử lý kể từ khi toàn hệ thống thực hiện tái cơ cấu.
Theo nội dung của báo cáo, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được xử lý, kiểm soát và tính đến cuối tháng Ba là 1,77%.
Tính từ năm 2012 đến cuối tháng Ba, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 1,076 triệu tỷ đồng nợ xấu (riêng năm 2019 xử lý được 159.700 tỷ đồng và 3 tháng đầu năm 2020 xử lý được 26.940 tỷ đồng).
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam ( VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng đến tháng Ba ở mức 4,46%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016, mức 7,36% cuối năm 2017 và mức 5,85% vào cuối năm 2018.
Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, về xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 của Quốc hội, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng Ba, cả hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 299.800 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.
Video đang HOT
Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng (không bao gồm xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt) là 169.400 tỷ đồng (chiếm 56,5% tổng nợ xấu đã xử lý); xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 65.300 tỷ đồng (chiếm 21,79% tổng nợ xấu đã xử lý).
Xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 65.080 tỷ đồng (chiếm 21,7%).
Bên cạnh đó, đến thời điểm cuối tháng Ba, các tổ chức tín dụng đã sử dụng 154.580 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu đã xử lý được một bước quan trọng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng.Nợ xấu hiện đang tập trung chủ yếu ở các tổ chức tín dụng yếu kém, tuy nhiên chưa thể xử lý nhanh được do nhiều khoản nợ liên quan đến vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh và khả năng trích lập dự phòng rủi ro của một số tổ chức tín dụng còn hạn chế.
Vì vậy Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Quốc hộitiếp tục quan tâm hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu nói chung và xử lý nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết số 42 nói riêng thông qua việc quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế- xã hội dài hạn và hằng năm của đất nước; xem xét đến khía cạnh xử lý nợ xấu khi quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia, đặc biệt là quy định liên quan đến thuế (nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay).
Xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng
Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng giai đoạn 2016-2020 là cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh TP Cần Thơ đã chỉ đạo các TCTD tập trung các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu và hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh mới.
Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động ngân hàng; kịp thời phát hiện ngăn chặn các rủi ro, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tồn tại, yếu kém của các TCTD, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ.
Nợ xấu đã giảm
Thời gian qua, công tác giám sát tình hình hoạt động của TCTD trên địa bàn TP Cần Thơ được NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ chủ động thực hiện trên cơ sở các chỉ đạo cảnh báo của NHNN để kịp thời đưa ra những chỉ đạo cảnh báo đến các TCTD. Trong năm 2019, NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ đã hoàn thành 11 cuộc thanh tra theo kế hoạch. Đồng thời, tổ chức kiểm tra công tác an toàn kho quỹ tại 10 chi nhánh TCTD và kiểm tra đột xuất công tác an ninh, an toàn kho quỹ tại 13 chi nhánh, phòng giao dịch của các TCTD trên địa bàn các huyện: Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Phong Điền và quận Cái Răng. Chủ động giám sát tình hình hoạt động của các TCTD, trong năm, NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ đã ban hành 14 văn bản cảnh báo đến các TCTD với nội dung cảnh báo chính về chất lượng tín dụng, hiệu quả hoạt động kinh doanh, hệ thống kiểm soát nội bộ trong vấn đề bảo mật thông tin của khách hàng tại các chi nhánh TCTD. Đồng thời, yêu cầu TCTD đưa ra các giải pháp xử lý để cải thiện chất lượng hoạt động. Qua hoạt động giám sát, NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ đã tiến hành làm việc với 12 TCTD có tỷ lệ nợ xấu cao trên địa bàn để có giải pháp xử lý kịp thời.
Khách hàng giao dịch tại Vietinbank Chi nhánh Cần Thơ.
Theo NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, thực hiện công tác xử lý nợ xấu theo kế hoạch đề ra trong năm 2019, tổng nợ xấu của các TCTD trên địa bàn thành phố đến 31-12-2019 là 1.124 tỉ đồng; tỷ lệ nợ xấu là 1,24% trên tổng dư nợ. So với năm 2018, tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn giảm 441 tỉ đồng, tỷ lệ nợ xấu giảm 0,78%. Tổng nợ xấu đã xử lý trong năm 2019 là 2.115 tỉ đồng, tăng 692 tỉ đồng so với năm 2018. Trong đó, các TCTD đôn đốc khách hàng tự trả nợ là 323 tỉ đồng; xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro là 1.678 tỉ đồng; xử lý qua thi hành án, bán, phát mại tài sản, bán nợ và hình thức khác là 114 tỉ đồng. Từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 "Về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD" có hiệu lực từ tháng 8-2017, đến cuối năm 2019 các TCTD đã xử lý được 3.730 tỉ đồng, tăng 1.491 tỉ đồng so với năm 2018. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 1.438 tỉ đồng, chiếm 38,55%; xử lý các khoản nợ xấu đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 705 tỉ đồng, chiếm 18,9%; xử lý các khoản nợ đã bán cho VAMC là 1.588 tỉ đồng chiếm 42,56%.
Bà Lê Thị Thuyền Quyên, Phó Giám đốc kiêm Chánh Thanh tra, giám sát NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: Những kết quả đạt được của chi nhánh NHNN và các TCTD trên địa bàn trong công tác xử lý nợ xấu có sự quan tâm hỗ trợ rất lớn của chính quyền các cấp, cơ quan thi hành án, Công an thành phố và các cơ quan tố tụng đã đồng hành với ngành ngân hàng giải quyết những khó khăn, vướng mắc để từng bước hoàn thành mục tiêu chung của ngành. Bên cạnh đó, các Quỹ Tín dụng nhân dân trên địa bàn cũng đã cơ bản hoàn thành những nội dung theo phương án cơ cấu lại Quỹ tín dụng nhân dân gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đúng lộ trình được NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ phê duyệt.
Tăng cường giám sát
Năm 2020 là năm cuối thực hiện Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ. Bám sát chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 3-1-2020 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2020. Theo đó, NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ xác định sẽ cải tiến phương pháp tiến hành thanh tra, bố trí nhân sự phù hợp để nâng cao hiệu quả chất lượng, thanh tra. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm được phát hiện qua thanh tra, giám sát. Công tác thanh tra phải đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy các TCTD trên địa bàn hoàn thành phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đã được phê duyệt. Thực hiện tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan thi hành án dân sự, Công an thành phố hỗ trợ các TCTD hoàn thành các nhiệm vụ của ngành trong năm 2020. Đồng thời, thực hiện tốt công tác an ninh, an toàn và phòng chống tội phạm trong hoạt động ngân hàng. Hoạt động giám sát phải thực hiện tốt vai trò cảnh báo, ngăn ngừa rủi ro đối với các TCTD và hỗ trợ công tác thanh tra tại chỗ.
Về phía các TCTD cũng chủ động tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, hạn chế tối đa việc phát sinh nợ xấu. Theo ông Lê Đình Vỹ, Giám đốc Agribank Chi nhánh TP Cần Thơ, năm 2020, Agribank đề ra kế hoạch nguồn vốn huy động tăng tối thiểu 12%, dư nợ tăng tối thiểu 13,5%, nợ xấu chiếm 1,8%/ tổng dư nợ. Agribank sẽ tập trung tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhất là ngành chế biến, cũng như tập trung vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Thực hiện kế hoạch 2020, Agribank Chi nhánh TP Cần Thơ rất mong được sự hỗ trợ của thành phố cùng các sở, ngành trong việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 và giải quyết sớm các vụ án có liên quan đến tài sản thế chấp để ngân hàng đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển, kết quả xử lý nợ xấu của các TCTD trên địa bàn thành phố có giảm, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, cần phải tích cực thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu tồn đọng và hạn chế nợ xấu phát sinh. Do đó, trong năm 2020, NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Tập trung chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Hội sở chính về thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đã được phê duyệt; chỉ đạo các TCTD có nợ xấu cao chủ động xây dựng phương án, kế hoạch xử lý nợ xấu, có giải pháp ngăn chặn nợ xấu phát sinh, rà soát việc phân loại nợ, đảm bảo phản ánh đúng chất lượng khoản vay, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định.
Bài, ảnh: MINH HUYỀN
Theo baocantho.com.vn
SeAbank đặt kế hoạch 2020 lãi trước thuế 1.506 tỷ, nợ xấu dưới 3% Năm 2020, SeAbank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.506 tỷ đồng, tăng hơn 8% so năm 2019. Tại báo cáo thường niên, năm 2020, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeAbank) đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản là 12% lên 175,6 ngàn tỷ đồng. Huy động khách hàng và giấy tờ có giá tăng trưởng ròng xấp xỉ 15,3...