‘He Stopped Loving Her Today’: 2 nỗi buồn lớn tạo nên một thành công vĩ đại
Có một câu cũ rích sáo rỗng rằng, nhạc đồng quê chủ yếu gồm 3 hợp âm và sự thật.
Cũng có một câu phổ quát khác rằng nhạc đồng quê, nhìn chung, là buồn không ngơi nghỉ. Rõ ràng, đó chỉ là một góc nhìn về thể loại nhạc với nhiều chiến lược âm nhạc khác nhau và khả năng truyền tải đa dạng cảm xúc.
Tuy nhiên, không nghi ngờ gì nữa, He Stopped Loving Her Today, kiệt tác năm 1980 của George Jones, chính xác là giống những điều khuôn sáo đó, ngay cả khi nó tìm cách vượt qua tất cả.
Nỗi buồn đời tư
Rốt cuộc, He Stopped Loving Her Today cơ bản chỉ có 3 hợp âm (về kỹ thuật mà nói, nó có 6, nhưng chỉ bởi đổi khóa nhạc). Sự thật có thể nghe thấy rõ mồn một trong tiếng hát sầu thảm buông xuôi của Jones, một giọng ca mọi thời đại. Bản thân ca khúc – được sáng tác bởi Boddy Braddock và Curly Putman – đã chứa đựng câu chuyện tình buồn thảm, nhưng sau đó, nó lại càng trở nên day dứt trong nỗ lực đi tới cái kết viên mãn của Billy Sherrill.
George Jones đang ở điểm thấp nhất của sự nghiệp và đời tư trước khi thu âm “He Stopped Loving Her Today”
Rất nhiều yếu tố không mong muốn đã mang tới bản thu có một không hai của năm 1980. Giải thưởng lập tức tìm đến với ca khúc. He Stopped Loving Her Today giành các giải Grammy, giải của Viện hàn lâm nhạc Đồng quê và Giải thưởng Hiệp hội nhạc Đồng quê Mỹ (CMA) năm đó.
Sau này, lịch sử tiếp tục vinh danh ca khúc, bao gồm sự lựa chọn của Ban bảo tồn Ghi âm Quốc gia của Thư viện Quốc gia Mỹ vào năm 2009 và nhiều lần được chọn là ca khúc đồng quê hay nhất mọi thời đại trên nhiều danh sách tiếng tăm.Tất cả giống như một cú bay vút khi người ta đã nhún xuống sâu hết mức: George Jones- người sẽ thể hiện ca khúc – đang ở một điểm cực kỳ thấp, cả về mặt cá nhân và sự nghiệp, vào năm 1980.
Việc lạm dụng chất kích thích đã phá hỏng quỹ đạo của một trong những sự nghiệp tuyệt vời nhất làng nhạc đồng quê, và vài đĩa đơn cũng như album gần đây của ông quá khiêm nhường so với những đỉnh cao trước đó. Năm 1979, ở tuổi 48, ông chính thức phá sản, vô gia cư, loạn não và nặng không tới 45kg! Sống trong xe ô tô, Jones thậm chí chẳng tiêu hóa nổi mớ thức ăn tạp nham mà ông cố kiếm được.
Với sự hỗ trợ của đồng nghiệp và người hâm mộ, ông được đưa vào viện tâm thần. Khi ra viện, ông rất tự ti và bẽn lẽn. Trên sóng phát thanh vào giữa năm 1979, khi MC thốt lên: “Ở trên đỉnh cao đúng là rất cô đơn”, Jones đáp: “Ở dưới đáy cũng cô đơn lắm. Thật sự, thật sự cô đơn!”.
“He Stopped Loving Her Today” qua giọng hát buồn thảm của George Jones:
Có lẽ chính bản thân Jones khi đó cũng không còn hy vọng gì nhiều, sẵn sàng sống thoi thóp, ăn mày quá khứ. Nhưng ông đã gặp may: Năm 1980, nhà sản xuất huyền thoại Billy Sherrill đã tìm ra tài liệu cho album mới của Jones- một ca khúc hát về sự tận tâm kiên định của một người đàn ông dành cho tình cũ.
Jones lập tức ghét He Stopped Loving Her Today ngay từ lần đầu nghe thấy. Ông thấy nó quá dài, quá buồn, quá chán nản và sẽ chẳng ai muốn bật nó. Ông ghét cả giai điệu của nó và chẳng có nhu cầu học hát. Cuộc sống cá nhân đã quá buồn thảm rồi, có lý gì để ghi âm thêm một ca khúc đồng quê buồn không kém nữa?
Nỗi buồn ái tình
He Stopped Loving Her Today được viết bởi Bobby Braddock và Curly Putman, một đôi, mà thật trớ trêu khi thành công lớn nhất trước đó là cộng tác với Tammy Wynette trong album D-I-V-O-R-C-E (Ly hôn). Cuộc sống hôn nhân đầy biến động của Braddock và Putman đã đưa tới rất nhiều hit và cuộc ly hôn năm 1975.
He Stopped Loving Her Today là kiểu tình yêu mà tất cả chúng ta đều khao khát, một tình yêu mạnh mẽ tới mức không thể làm cho nó vơi bớt. Nhiều cuộc chia tay sẽ dần phôi pha, như cô gái nói trong ca khúc: “Đến lúc anh sẽ quên thôi”, nhưng không phải trường hợp này. Sự kiên định của chàng trai được khẳng định ở ngay từ những dòng đầu, với giọng uy quyền nhẹ nhàng của Jones vang lên trước khi nhạc bắt đầu: “Anh sẽ yêu em cho tới chết”. Và người đàn ông đã giữ đúng lời hứa. Anh giữ trên tường hình nàng, giữ trên giường những bức thư cũ với gạch đỏ dưới mỗi câu “Anh yêu em”. Sau rất nhiều năm, chỉ tới một ngày bạn bè thấy anh mỉm cười viên mãn: Vào ngày tang lễ của anh.
Billy Sherrill, cứu tinh của ca khúc “He Stopped Loving Her Today”
Sherrill thích ca khúc nhưng thấy vẫn cần phải thêm một cái kết. Kết quả là vài lời nóiở đoạn giữa, trong đó, cuối cùng, cặp đôi đã được đoàn tụ. Cô gái trở lại thăm người cũ trong tang lễ và người kể chuyện thì lảng vảng mãi trong tâm trí rằng: “Lần này anh đã quên hẳn cô ta rồi”. Người mà ta đã mong nhớ cả đời trở lại vào ngày mà ta đã chẳng còn biết gì, và cũng chẳng thể còn yêu.
Một câu chuyện bi kịch như vậy, chẳng trách Jones chán nản và hẳn sẽ không đời nào thu âm nếu Sherrill không cương quyết. Buổi thu âm hôm đó kịch tính tới mức có hẳn một cuốn sách viết về nó. Jones vẫn đang quay cuồng với vô vàn vấn đề cá nhân, cả về vật chất lẫn tinh thần, khi ông tới phòng thu CBS Studio B ở Nashville. Ông gặp khó khăn về giai điệu khi liên tục nhầm nó với Help Me Make It Through The Night của Kris Kristofferson. Phần nói tưởng chừng đơn giản nhất cũng thành khốn đốn khi ông vấp liên tục và nói ngọng!
Sau phiên thu, Jones vẫn chán nản, không có chút kỳ vọng nào vào ca khúc. Trong tự truyện của mình, I Lived To Tell It All, Jones viết: “Tôi nhìn Billy trừng trừng và nói: Không ai thèm mua cái thứ khốn nạn ẽo uột này đâu”.
Lịch sử nhạc đồng quê phải tri ân Sherrill rất nhiều khi ông vô cùng nhẫn nại ghép kết quả của nhiều lần thu để thành bản hát cuối cùng. Một khi có được bản thô mong muốn, ông ngâm ca khúc trong kỹ thuật sản xuất tinh tế không thể phủ nhận mà không gây xâm lấn quá mức. Có tiếng kèn harmonica thổi qua ở những phiên khúc đầu, theo sau là đàn dây huyền ảo và tiếng thép guitar rên rỉ. Ở phần điệp khúc, tiếng đàn trở nên sống động và bay bổng tới đỉnh điểm để hòa cùng cao trào trong giọng hát của Jones.
Jones đã rất mừng khi thấy mình sai. He Stopped Loving Her Today, phát hành vào tháng 4/1980, đã lập tức thành công lớn cả về thương mại và phê bình. “Tôi không muốn phóng đại đâu nhưng sự nghiệp 4 thập kỷ của tôi thật sự được cứu vãn nhờ một ca khúc 3 phút” – Jones thừa nhận. Nhưng hơn cả một sự nghiệp, He Stopped Loving Her Today là viên ngọc quý mọi thời đại của làng nhạc đồng quê. Và hơn cả thế nữa, là chia sẻ tâm tình của biết bao nỗi lòng người nghe nhạc mọi thế hệ.
'Nữ hoàng nhạc đồng quê' làm gì với 650 triệu USD?
Dolly Parton không chỉ thành công trong sự nghiệp ca hát, bà còn được biết đến là ngôi sao điện ảnh, nhà đầu tư bất động sản có tiếng.
Theo SCMP , Dolly Parton - ca sĩ gắn liền với biệt danh "Nữ hoàng nhạc đồng quê" - có cát-xê lên tới hàng trăm nghìn USD cho mỗi show diễn. Tuy nhiên, Dolly Parton không chỉ có một nguồn thu từ việc ca hát mà còn kiếm được nhiều hơn thế từ kinh doanh bất động sản. Hiện tại, khối tài sản của Parton được dự đoán lên tới 650 triệu USD.
Kiếm được hàng triệu USD từ bản quyền
Trong lĩnh vực âm nhạc, Dolly Parton chủ yếu kiếm được tiền từ bản quyền của những bài nhạc hit. Bài hát bà viết để đánh dấu sự "chia tay", I Will Always Love You , đã bán được 20 triệu bản, thu về 10 triệu USD, khi Whitney Houston thu âm vào năm 1992. Đáng kinh ngạc hơn, Dolly đã nói không với Elvis, người muốn thu âm bài hát nhưng chỉ khi Elvis sở hữu 50% giá trị bản quyền.
Hiện tại, mỗi lần ca khúc của "Nữ hoàng nhạc đồng quê" phát trên đài phát thanh, bà sẽ nhận được 0,08 USD. Với mỗi album bán ra, Parton thu về 2 USD. Năm 2017, Forbes ước tính Dolly Parton là phụ nữ được trả lương cao thứ sáu trong làng nhạc vào thời điểm đó, với thu nhập 37 triệu USD.
Dolly Parton được mệnh danh là "Nữ hoàng nhạc đồng quê". Ảnh: SCMP.
Không chỉ thành công trong lĩnh vực ca hát, Dolly Parton còn được biết tới là ngôi sao điện ảnh. Năm 1980, bà nhận vai chính trong bộ phim 9 to 5. Từ sản phẩm này, Parton kiếm được 103 triệu USD (giá trị tiền vào thời điểm đó). Tới năm 1989, "Nữ hoàng nhạc đồng quê" tiếp tục vào vai Julia Roberts trong Steel Magnolias - bộ phim có doanh thu 100 triệu USD tại phòng vé.
Hiện tại, khi đã ngoài 70 tuổi, Parton vẫn là cái tên được nhiều đạo diễn nhắm tới. Năm 2020, nữ nghệ sĩ xuất hiện trong một bộ phim phát sóng trên Netflix có tên Dolly Partons Christmas on the Square.
Dolly Parton sinh năm 1946 ở Locust Ridge, Tennessee, Mỹ. Ảnh: SCMP.
Sở hữu khối tài sản khổng lồ
Chia sẻ với truyền thông, Parton cho hay nhiều doanh nhân từng nhận định rằng việc mở công viên giải trí Dollywood vào năm 1986 của bà là sai lầm lớn. Chia sẻ với Reuters , nữ ca sĩ cho biết đó là ấp ủ nhiều năm của bà và chắc chắn phải làm, nên vẫn quyết định tiếp tục theo đuổi đam mê.
"Không có gì phải bàn cãi, đó là khoản đầu tư lớn nhất và tốt nhất mà tôi từng thực hiện", Parton nói.
Nhờ việc mở công viên giải trí, quê hương Tennessee của Parton đã thu hút được ba triệu du khách và kiếm được khoảng 118 triệu USD mỗi năm. Từ đây, nữ ca sĩ tạo ra công ăn việc làm cho hơn 4.000 người ở Tennessee.
Điểm đặc biệt trong công viên Dollywood là mô hình bản sao của căn nhà mà Parton từng sống với cha mẹ và 11 anh chị em của bà khi còn nhỏ.
Từ năm 2013 tới 2019, dự án của Parton đã mở rộng với kinh phí 300 triệu USD. Nữ ca sĩ cho biết trong thập kỷ tới, bà sẽ tiếp tục phát triển công viên bằng việc mở một khu nghỉ dưỡng có tên HeartSong nằm gần công viên nước Dollywoods Splash Country và DreamMore Resort.
Năm 1999, để tiện cho việc quản lý công viên, nữ ca sĩ đã mua ngôi nhà hiện tại của bà ở Brentwood, Tennessee với giá 400.000 USD.
Dolly Parton là phụ nữ được trả lương cao thứ sáu trong giới âm nhạc vào năm 2017. Ảnh: SCMP.
Thường xuyên làm từ thiện
Năm 1988, Parton thành lập Quỹ Dollywood nhằm hỗ trợ trẻ em và những người có hoàn cảnh khó khăn. Đến năm 1995, bà thành lập Thư viện Imagination. Tại đây, nữ ca sĩ tổ chức chương trình tặng sách cho trẻ em từ sơ sinh cho đến khi chúng bắt đầu đi học. Chia sẻ với truyền thông, "Nữ hoàng nhạc đồng quê" cho biết ngày nhỏ, cha của bà không có cơ hội đi học. Vì thế, nữ ca sĩ muốn giúp đỡ trẻ em khó khăn có cơ hội tiếp cận với sách vở, trường lớp.
Năm 2016, nữ ca sĩ tổ chức cuộc thi nhỏ nhằm quyên góp tiền ủng hộ những gia đình bị ảnh hưởng bởi cháy rừng ở quê hương Tennessee. Cuộc thi đã nhận được tổng cộng 9 triệu USD. Tháng 4/2020, Parton đã quyên góp 1 triệu USD cho Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt để ủng hộ vào quỹ Vắc-xin phòng ngừa Covid-19.
Tới ngày 2/3/2021, nữ ca sĩ thay thế từ "Jolene" thành "Vaccine" trong bài hát Jolene - ca khúc làm nên tên tuổi của bà nhằm cổ động cộng đồng tham gia tiêm phòng vắc-xin.
Thay vì hát "Jolene, Jolene, Jolene, Jolene/ Im begging of you please dont take my man/ Jolene, Jolene, Jolene, Jolene/ Please dont take him just because you can (Jolene, Jolene, Jolene, Jolene/ Tôi cầu xin bạn, xin đừng lấy người đàn ông của tôi/ Jolene, Jolene, Jolene, Jolene/ Xin đừng lấy chỉ vì bạn có thể), Parton đã đổi thành: "Vaccine, vaccine, vaccine, vaccine/ I'm begging of you, please don't hesitate. Vaccine, vaccine, vaccine, vaccine/ Because once you're dead, then that's a bit too late" (Vaccine, vaccine, vaccine, vaccine/ Xin đừng ngần ngại. Vaccine, vaccine, vaccine, vaccine/ Vì khi bạn đã chết, điều đó sẽ là quá muộn).
Dolly Parton là mẹ đỡ đầu của Miley Cyrus. Ảnh: SCMP.
Ngoại hình của các maknae K-pop thay đổi như thế nào qua 10 năm? Sau một thập kỷ, những em út của các nhóm nhạc K-pop đã "dậy thì thành công", nhan sắc ngày càng trở nên hoàn hảo. Một thập kỷ trôi qua, những cô cậu út của các nhóm nhạc K-pop cũng đã "lột xác" trở thành phiên bản hoàn hảo của chính mình. Nhìn lại những bức ảnh 10 năm trước, người hâm một...