Hệ quả của tham nhũng nhìn từ những vụ hối lộ ODA
Tham luận gửi đến Diễn đàn kinh tế mùa xuân (khai mạc vào sáng 21/4), TS Lê Đăng Doanh đã phải dùng nhiều động từ mạnh sau khi dẫn lại tuyên bố của đại diện JICA (Nhật Bản) là “sẽ không còn lối thoát” nếu “nổ” ra vụ tham nhũng nữa liên quan đến các dự án ODA.
Đề cập đến tham nhũng và những chi phí không chính thức với người dân, doanh nghiệp, TS Lê Đăng Doanh đi sâu vào phân tích từ môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Cụ thể, TS. Doanh khái quát, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam được xếp hạng thấp dưới trung bình và chậm được cải thiện, trong khi một số nước trong khu vực có tiến bộ đáng kể như như Malaysia và Thái Lan. Một nguyên nhân là sự yếu kém về thể chế và tham nhũng.
Các chỉ số về năng lực cạnh tranh GCI và chỉ số Môi trường kinh doanh, chỉ số Cảm nhận tham nhũng của Việt Nam đều ở mức thấp và chậm được cải thiện. Thậm chí, năm 2014, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam tiếp tục tụt lùi trong xếp hạng về môi trường kinh doanh.
Báo cáo GCI năm 2014 – 2015 của Diễn đàn kinh tế thế giới cho thấy, chỉ số về đút lót trong xuất nhập khẩu tại Việt Nam xếp thứ 121 – thấp hơn rất nhiều so với xếp hạng thể chế chung. Xếp hạng về đút lót trong quyết định tư pháp ở vị trí 117 (cũng rất thấp). Chỉ tiêu về công khai trong xây dựng chính sách của Chính phủ cũng chỉ đạt mức 116…
“Không nghi ngờ gì nữa, yếu kém về thể chế và tham nhũng đã làm giảm năng lực cạnh tranh, làm môi trường kinh doanh của Việt Nam xấu đi” – TS. Lê Đăng Doanh viết.
Một phép đo khác để đối chiếu được dẫn ra là xếp hạng của tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) năm vừa qua cũng đánh giá, Việt Nam chỉ đạt vị trí 119/175 nền kinh tế. Tham nhũng, theo đó, rất phổ biến, không chỉ giới hạn đối với doanh nghiệp mà còn liên quan đến người dân khi sử dụng dịch vụ công.
Sau 2 vụ án Đại lộ Đông-Tây và JTC, đại diện JICA (Nhật Bản) tuyên bố, sẽ không còn lối thoát cho việc cấp ODA cho Việt Nam nếu có vụ tiêu cực thứ 3.
Vị chuyên gia kinh tế này cũng liên hệ việc đánh giá này với những sự kiện thời sự đang diễn ra. Nhật Bản thông qua tổ chức JICA, Hàn Quốc và Ngân hàng Thế giới đã phát hiện những dấu hiệu tham nhũng, đút lót ở Việt Nam liên quan đến quá trình nhận thầu và đấu thầu xây dựng kết cấu hạ tầng ở Việt Nam.
Video đang HOT
Sau vụ án đưa nhận hối lộ tại Đại lộ Đông-Tây, vụ JTC, trích lời Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam là nếu để xảy ra vụ tham nhũng thứ 3 với các dự án ODA của Nhật Bản, người dân Nhật Bản sẽ lên tiếng buộc Chính phủ dừng cấp nguồn vốn vay này cho Việt Nam, “nếu có vụ thứ ba sẽ không có lối thoát”, ông Doanh cảnh báo, “nước bạn đã mất kiên nhẫn đối với tình trạng tham nhũng kéo dài, lặp đi lặp lại ở Việt Nam”.
Tương tự như vậy, các phát hiện của phía Hàn Quốc về tham nhũng và đút lót của tập đoàn POSCO trong quá trình tham gia đấu thầu ở Việt Nam, nhưng quan chức Việt Nam đã tuyên bố ngay là vụ việc này không liên quan đến Việt Nam.
Gần đây nhất, Ngân hàng thế giới đã cấm không cho tập đoàn Louis Berger Group (LBG) của Mỹ tham gia đấu thầu một năm do có tham nhũng ở hai dự án ở Việt Nam, là dự án Đường Giao thông Nông thôn thứ ba và Dự án Đầu tư kết cấu hạ tầng ưu tiên ở Đà Nẵng.
Chỉ ra tác động của tham nhũng đối với nỗ lực phát triển kinh tế, ông Doanh tính toán, nếu chỉ số Nhận thức tham nhũng (CPI) của Việt Nam tăng lên 1 đơn vị, mức tăng trưởng trong giai đoạn 2000-2012 vừa qua đã có thể tăng lên bình quân 0,23%/năm.
Nhận định này trùng với nghiên cứu của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra là, nếu các khoản chi phí không chính thức ít hơn và do đó nếu các doanh nghiệp giảm số tiền chi trả cho các khoản không chính thức, thì nguồn lực này sẽ có thể được chuyển hướng vào đầu tư và tạo việc làm.
Cụ thể, nếu giảm 1% đơn vị tần suất tham nhũng (tần suất tham nhũng được đo lường bằng tỷ lệ phần trăm doanh nghiệp thừa nhận có chi trả các khoản chi phí không chính thức), đầu tư tư nhân sẽ tăng 3,7%, việc làm tư nhân sẽ tăng tăng 1%, và thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5%.
Nếu giảm 1% đơn vị gánh nặng tham nhũng (tỷ lệ chi phí không chính thức trên thu nhập của doanh nghiệp), đầu tư tư nhân sẽ tăng 6,4%, số việc làm tư nhân sẽ tăng 1,8%, và thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng 2,3%.
Đồng thời, nếu tăng 1% đơn vị tính dự báo của tham nhũng (đo lường bằng tỷ lệ % doanh nghiệp cho biết rằng họ nhận được dịch vụ mong muốn khi trả chi phí không chính thức), đầu tư tư nhân sẽ tăng 3,6%, việc làm tư nhân sẽ tăng 1% và thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng 1,9%.
Hệ quả lâu dài khác của tình trạng tham nhũng được TS. Lê Đăng Doanh chỉ ra là rất nhiều doanh nghiệp có xu hướng tham gia vào tham nhũng do họ coi đó là một phần của luật chơi, chính vì vậy việc phá vỡ vòng luẩn quẩn này chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, lĩnh vực kinh doanh và nền kinh tế. Việc làm này đòi hỏi phải có sự chung sức từ cả phía doanh nghiệp và chính quyền để có thể tạo ra được những khích lệ và hình phạt đúng đắn (phương pháp tiếp cận củ cà rốt và cây gậy) nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh.
P.Thảo
Theo Dantri
Khi Việt Nam thay Trung Quốc thành miền đất hứa
Năm 2014 là một cột mốc đáng nhớ trong lịch sử kinh tế thế giới trong suốt giai đoạn vừa qua, khi nó đánh dấu một trong những sự kiện lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu: quá trình tăng trưởng nóng với tốc độ chóng mặt suốt ba thập kỷ của Trung Quốc đã đến hồi chấm dứt.
Điều này đồng nghĩa với việc hiện tượng dòng tiền trên khắp thế giới đổ dồn về Trung Quốc diễn ra trong suốt hơn hai chục năm qua đã chấm dứt, và giờ đây khối lượng tài chính khổng lồ ấy đang đua nhau rời khỏi nền kinh tế thứ hai thế giới như một bầy chim vỡ tổ. Liệu bầy chim ấy có bay tứ tán và hỗn loạn theo kiểu ai về nhà nấy hay không? Câu trả lời có lẽ là: Không. Bầy chim ấy đang đi tìm một miền đất hứa mới để hạ cánh, và miền đất hứa mới đó, là Việt Nam.
Các chuyên gia trên thế giới từ rất sớm đã đặt ra câu hỏi rằng đâu sẽ là nơi thu hút được phần lớn nguồn vốn đầu tư quốc tế sau khi những nguồn vốn này được rút ra khỏi nền kinh tế Trung Quốc vốn đã trở thành một xu hướng ngày càng mạnh mẽ kể từ giai đoạn giữa năm 2014 với tổng lượng vốn bị rút ra khỏi nền kinh tế thứ hai thế giới đã lên tới cả trăm tỷ USD.
Khi mà nền kinh tế Trung Quốc đã không còn là miền đất hứa, khi gần như đã không còn giữ được những lợi thế lớn nhất của mình là nhân công giá rẻ và một thị trường tiêu thụ khổng lồ với nhu cầu dồi dào, thì việc ở lại Trung Quốc đã không còn đem lại lợi ích to lớn cho các nhà đầu tư quốc tế nữa. Họ sẽ phải tìm kiếm một miền đất hứa mới, nơi đem lại những lợi thế đã từng có ở nền kinh tế Trung Quốc cách đây 10-20 năm. Tổng hợp tất cả những yêu cầu đó vào một phương trình, thì không nơi đâu thích hợp hơn Việt Nam.
Quả thực, Việt Nam ở thời điểm hiện tại đang sở hữu hầu như đầy đủ những lợi thế lớn nhất để thu hút các nhà đầu tư đang tìm một đại bản doanh mới sau khi rời khỏi Trung Quốc. Đó là một thị trường tiêu thụ tiềm năng với dân số gần 100 triệu người, một dân số trẻ với một nửa dân số đang trong độ tuổi lao động và nhất là giá nhân công rẻ hơn so với phần lớn các nước trong khu vực.
Và quan trọng hơn hết, với vị trí thuận lợi của mình là nằm cạnh tuyến đường biển thương mại sầm uất nhất thế giới, Việt Nam đang hứa hẹn thế chỗ Trung Quốc để trở thành một trung tâm kinh tế năng động của toàn bộ khu vực châu Á Thái Bình Dương - nơi tập trung những nền kinh tế lớn nhất châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN.
Những tiềm năng kinh tế của Việt Nam ở thời điểm hiện tại là điều không cần phải bàn cãi. Năm 2014, Việt Nam đã vượt qua tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á để trở thành nước xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Mỹ dù Việt Nam là nước có chiều dài quan hệ kinh tế và ký kết các thỏa thuận thương mại với Mỹ muộn nhất trong số các nước ASEAN. Tiềm năng kinh tế của Việt Nam đã trở nên rõ ràng đến mức giới đầu tư quốc tế ở thời điểm hiện tại đang nhận ra rằng một cơn sốt đầu tư giống như những gì đã diễn ra ở Trung Quốc cách đây hơn 10 năm giờ đây đang xuất hiện một lần nữa ở Việt Nam.
Và ai đến sau thì người đó sẽ nhận phần thiệt. Đó có lẽ là lý do khiến cho tổng lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng vọt trong giai đoạn cuối năm 2014, và dự báo sẽ còn tăng nhanh hơn nữa kể từ năm 2015, khi mà dòng vốn rút ra khỏi Trung Quốc đang ngày một nhiều hơn.
Trên thực tế, Việt Nam ở thời điểm hiện tại thậm chí còn có thể vượt mặt tất cả các nước trong khu vực để trở thành nơi thu hút phần lớn lượng vốn đầu tư được rút ra khỏi Trung Quốc thay vì luồng vốn này sẽ bị phân tán ra khắp khu vực như một số nhà phân tích dự đoán. Những lợi thế của Việt Nam ở thời điểm hiện tại lớn hơn khá nhiều so với một số nước trong khu vực Đông Nam Á.
Trước hết là ưu thế về dân số và nhân khẩu, Việt Nam là nước đông dân thứ ba Đông Nam Á nhưng lại có tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động lớn nhất với gần 50% và một cơ cấu dân số trẻ vẫn còn đang trong thời kỳ dân số vàng - vốn là một trong những điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động phát triển kinh tế. Một ưu thế lớn khác là giá nhân công và chi phí ở Việt Nam rẻ hơn so với các nước trong khu vực khá nhiều, theo ước tính mức lương lao động trung bình ở Việt Nam ở thời điểm hiện tại là khoảng 197 USD, chỉ bằng 1/3 so với mức 613 USD ở Trung Quốc và bằng một nửa so với mức 391 USD tại Thái Lan.
Nhưng quan trọng hơn hết là vị trí địa lý cực kỳ thuận lợi mà Việt Nam đang nắm giữ. Cũng giống như khi đến đầu tư tại Trung Quốc cách đây hơn 10 năm. Khi đó, các nhà đầu tư quốc tế không chỉ nhắm đến thị trường nội địa của Trung Quốc mà còn muốn nhắm đến một địa điểm có thể đóng vai trò một trung tâm xuất hàng hóa ra toàn bộ khu vực châu Á Thái Bình Dương. Nó bao gồm các nước Đông Bắc Á như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như các nước Đông Nam Á vốn đều là những quốc gia có thị trường tiêu thụ dồi dào.
Và Việt Nam hiện tại cũng đang nắm giữ lợi thế về vị trí địa lý đó. Việt Nam không chỉ là nơi thuận lợi nhất để tiếp cận thị trường Trung Quốc vốn vẫn có sức mua lớn, mà vị trí ở trung tâm khu vực châu Á Thái Bình Dương. Điều đó cũng đang khiến Việt Nam trở thành nơi thuận lợi nhất để xuất hàng hóa cho toàn bộ các nước từ Đông Bắc Á cho đến Đông Nam Á, nhất là khi Việt Nam lại nằm ngay trên tuyến đường thương mại trên biển nhộn nhịp nhất hành tinh.
Các chuyên gia cho rằng, trong các địa điểm lý tưởng nhất mà các nhà đầu tư sẽ chọn sau khi rời khỏi Trung Quốc thì chỉ có Ấn Độ mới có thể sánh được với Việt Nam về những ưu thế tổng hợp như cơ cấu dân số, giá nhân công và một thị trường nội địa có sức mua dồi dào.
Nhưng Ấn Độ vẫn không thể sánh bằng Việt Nam ở vị trí địa lý khi Ấn Độ không nắm giữ một vị trí có tính chất trung tâm trong một khu vực châu Á Thái Bình Dương vốn hội tụ rất nhiều nền kinh tế lớn. Sự tách biệt tương đối về địa lý với khu vực kinh tế năng động nhất châu Á vì thế đang là một điểm yếu của đất nước đông dân thứ hai thế giới trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài so với Việt Nam.
Và không nghi ngờ gì khả năng Việt Nam sẽ trở thành đối thủ lớn nhất của Ấn Độ trong cuộc chạy đua để đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á trong những năm tới. Nền kinh tế Việt Nam và Ấn Độ đang có khá nhiều điểm tương đồng, nhất là về giai đoạn phát triển mạnh nhất trong đồ thị kinh tế của hai nước đang khá tương đồng nhau, đó là cả Ấn Độ lẫn Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng mạnh nhất của mình trong khoảng hơn 10 năm sắp tới.
Theo Nhàn Đàm
Một Thế giới/Bloomberg
Bao giờ Việt Nam mới bằng được Thái Lan? Việt Nam có thể tăng tới 22 bậc xếp hạng môi trường kinh doanh vào năm tới và tham vọng tiến tới đạt ngang mức bình quân các quốc gia ASEAN-4. Tuy nhiên, sự lơ là, "lười" cải cách của nhiều cơ quan bộ, ngành sẽ cản trở mục tiêu này. Việt Nam thua xa Singapore, Thái Lan Các nước ASEAN-4 gồm Singapore,...