Hé mở súng bullpup hiện đại bậc nhất TG ở Việt Nam
Khẩu bullpup TAR-21 mà Việt Nam dùng được đánh giá là một trong 10 súng trường tiến công tốt nhất thế giới.
Việt Nam là một quốc gia có truyền thống sử dụng các loại vũ khí do Liên Xô (cũ) và Nga hiện nay sản xuất. Đặc biệt ở trang bị vũ khí cá nhân thì AK-47/AKM là loại súng trường tiến công tiêu chuẩn cho quân đội nhân dân Việt Nam.
AK-47 tất nhiên là một khẩu súng trường tiến công thành công nhất mọi thời đại tuy vậy có cũng có những hạn chế nhất định. Hạn chế lớn nhất của AK-47 là khó trang bị kèm theo các phụ hiện hỗ trợ tác chiến như kính ngắm hay súng phóng lựu kẹp nòng.
Trước tình hình đó, Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư các loại vũ khí cá nhân hiện đại cho các lực lượng chuyên trách nhằm tiến đến việc xây dựng quân đội chính quy-hiện đại. Hải quân đánh bộ là lực lượng được ưu tiên trang bị súng trường tiến công hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay TAR-21.
TAR-21 và các biến thể trang bị cho lực lượng Hải quân Đánh bộ Việt Nam.
IMI Tavor TAR-21 là viết tắt của cụm từ “súng trường tiến công thế kỷ 21″, nó được thiết kế và chế tạo bởi tập đoàn công nghiệp quốc phòng Israel (IMI). TAR-21 đã được chọn làm súng trường tiến công tiêu chuẩn cho quân đội Israel từ năm 2009.
Quá trình phát triển TAR-21 được triển khai vào năm 1995, các nhà thiết kế đã đưa ra giải pháp phát triển một loại súng trường tiến công tiêu chuẩn đáp ứng hầu hết các điều kiện chiến tranh hiện đại cho hầu hết các lực lượng kể cả trong môi trường tác chiến đô thị.
Nhà thiết kế Zalmen Shebs đã lựa chọn thiết kế súng theo kiểu bullpup (toàn bộ khối khóa nòng, băng đạn nằm sau cò súng). Thiết kế này cho phép súng nhỏ gọn hơn, linh hoạt hơn trong khi vẫn đảm bảo được chiều dài nòng súng để duy trì tầm bắn xa.
Súng được sản xuất bằng vật liệu composite công nghệ cao giúp giảm trọng lượng và tăng độ bền cơ học. Thân súng được thiết kế rất “hầm hố” đại diện cho một bước tiến mới trong thiết kế súng trường thế kỷ 21. Súng được trang bị tích hợp kính ngắm quang học MARS có laser chấm đỏ giúp xạ thủ tác chiến dễ dàng hơn.
Biến thể dùng cho lực lượng đặc biệt CTAR-21.
TAR-21 hoạt động theo nguyên tắc trích khí dài với bệ khóa nòng gắn khóa nòng xoay, khóa nòng của TAR-21 có 7 rãnh. Súng có thể tống vỏ đạn ra bên trái hoặc bên phải tùy thuộc vào tay thuận của xạ thủ, tuy nhiên việc sửa đổi này đòi hỏi phải tháo lắp ở bộ phận khóa nòng nên không thể thực hiện một cách nhanh chóng.
Video đang HOT
Nòng súng TAR-21 được thiết kế với 6 rãnh khương tuyến, tỷ lệ xoắn 178mm (tương đương với tỷ lệ xoắn của khẩu M16A2 của Mỹ). Súng sử dụng hộp tiếp đạn 5,56×45mm tiêu chuẩn NATO cơ số 30 viên. TAR-21 sử dụng loại đạn M193 cho bộ binh và đạn M855 nặng hơn cho các tay thiện xạ.
Khóa an toàn kiêm chọn chế độ bắn nằm ngay phía sau cò súng và có thể điều chỉnh từ 2 bên, súng có 2 chế độ bắn bán tự động và tự động hoàn toàn. Súng có tốc độ bắn 750-900 viên/phút, sơ tốc đầu nòng 870-910 m/s tùy biến thể, tầm bắn hiệu quả khoảng 500 mét. Súng có thể gắn súng phóng lựu kẹp nòng M203 40mm của Mỹ.
TAR-21 là một súng trường thiết kế module nên có thể sản xuất nhiều biến thể khác nhau trên một bộ khung duy nhất, gồm:
- TAR-21 là biến thể tiêu chuẩn sử dụng cho bộ binh đa chức năng, súng có chiều dài 720mm, nòng súng dài 460mm, trọng lượng rỗng 3,27kg.
Hải quân đánh bộ Việt Nam được trang bị hầu hết các biến thể của TAR-21. Trong ảnh là biến thể GTAR-21 với súng phóng lựu kẹp nòng.
- GTAR-21 là biến thể với thiết kế đặc biệt để gắn súng phóng lựu kẹp nòng M203 40mm. CTAR-21 là biến thể rút gọn của TAR-21, súng có chiều dài 640mm, nòng súng dài 380mm, trọng lượng rỗng 3,18kg.
- STAR-21 là biến thể thiện xạ với 2 chân chống phía trước để tăng độ ổn định khi bắn, trọng lượng rỗng 3,67kg.
- MTAR-21 là biến thể tiểu liên với chiều dài chỉ 590mm, nòng súng dài 330mm, trọng lượng rỗng chỉ 2,95kg.
- Zittara là tên gọi của biến thể MTAR-21 sản xuất tại Ấn Độ theo giấy phép, súng có một vài sửa đổi để phù hợp với loại đạn 5,56×30mm MINSAS của Ấn Độ.
Hải quân đánh bộ Việt Nam được trang bị các biến thể gồm: TAR-21 tiêu chuẩn, CTAR-21 chuyên dùng cho các đơn vị đặc nhiệm và GTAR-21. TAR-21 được các chuyên gia quân sự thế giới đánh giá là một trong 10 súng trường tiến công tốt nhất thế giới.
Việc đầu tư TAR-21 cho Hải quân đánh bộ cho thấy sự nhạy bén của Bộ Quốc phòng trong việc nhanh chóng đưa hải quân tiến thẳng lên hiện đại hóa nhằm đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới.
Quốc Minh
Theo_Kiến Thức
Sức mạnh súng phóng lựu MATADOR mới của Hải quân đánh bộ VN
MATADOR - súng phóng lựu không giật dùng một lần với chức năng tiêu diệt các loại xe bọc thép, phá công sự phòng ngự kiên cố, mới được trang bị hạn chế cho một số đơn vị Hải quân đánh bộ Việt Nam.
Súng phóng lựu MATADOR trong hải quân đánh bộ Việt Nam.
RPG-7 mặc dù đã khá cũ, nhưng vẫn có những thế mạnh nếu so với MATADOR. Ưu điểm thực sự của MATADOR là tầm bắn và độ chính xác cao hơn.
MATADOR ( Man-portable Anti- Tank, Anti- Doo r): loại súng phóng lựu không giật dùng một lần với chức năng tiêu diệt các loại xe tăng, xe bọc thép, xuyên thủng bức tường công sự phòng ngự kiên cố của đối phương mới được trang bị hạn chế cho một số đơn vị Hải quân đánh bộ Việt Nam để thay thế súng chống tăng RPG-7 truyền thống.
Súng phóng lựu dùng 1 lần MATADOR
Nếu đánh giá 2 loại vũ khí này qua một số tiêu chí cơ bản, có thể thấy mỗi loại đều có những ưu thế và hạn chế riêng.
Trước hết, nói về MATADOR, đây không phải tên lửa và cũng không phải là một loại vũ khí chống tăng đúng nghĩa. Sức xuyên thép của MATADOR khá yếu, chỉ có thể chống lại các loại thiết giáp nhẹ có vỏ giáp mỏng. Nó hoàn toàn vô tác dụng khi gặp phải xe tăng chiến đấu chủ lực. Tác dụng chính của MATADOR là phá tường, chống lô cốt và hỏa điểm của địch.
Điểm đặc sắc của MATADOR là cùng 1 viên đạn nhưng có khả năng chuyển chế độ HEAT ( High Explosive Anti-Tank ) sang HESH ( High Explosive Squash Head ). HEAT là chế độ nổ lõm dùng để xuyên thép khi thuốc nổ được bọc bên ngoài tấm tích năng hình phễu làm bằng vật liệu nặng và mỏng. Khi nổ, phễu hội tụ năng lượng vào điểm nhỏ cho khả năng xuyên sâu còn HESH ngược lại là đạn không hội tụ, đạn làm bằng vỏ thép mỏng chứa thuốc nổ dẻo, ngòi bố trí sau chờ thuốc dẹt ra mới kích nổ nhờ vậy năng lượng được dàn trải để phá lỗ rộng trên tường mỏng.
HEAT một tầng xuyên sâu vào giáp dày nhưng lỗ xuyên nhỏ, chậm phá công trình, HESH phá lỗ to nhanh nhưng không xuyên thủng được giáp dày. Hai cách nổ này được lựa chọn bởi cần mũi truyền lực chạm nổ. Đạn MATADOR có cần dài với liều phá dẻo đằng sau cần, khi mũi cần chạm tường thì liều phá dẻo được bung ra thành vòng áp vào tường, cắt tường thành một vành khuyên. MATADOR cắt được tường mỏng đường kính 75 cm đến 1 m. Chức năng chuyển chế độ HEAT và HESH là đặc trưng của những loại đạn nhỏ, yếu.
Trong khi đó, với RPG-7, để giải quyết những mục tiêu khác nhau, loại vũ khí quen thuộc với bộ đội Việt Nam này không dùng cách chuyển chế độ cho đạn mà dùng các loại đạn chuyên biệt, nhưng vẫn đảm bảo vẫn hoàn thành được tất cả các yêu cầu đặt ra, thậm chí còn cho khả năng vượt trội.
Đối với nhiệm vụ chống tăng, nếu RPG-7 dùng đạn 1 tầng PG-7VL cũng đã cho phép xuyên thủng 330mm RHA và khi sử dụng đạn 2 tầng chống ERA PG-7VR thì sức xuyên lên tới 750mm RHA. Với góc chạm tốt RPG-7 có khả năng hạ gục cả 1 chiếc xe tăng chủ lực hiện đại.
Đạn chống tăng 2 tầng chống ERA PG-7VR
Đối với nhiệm vụ chống lô cốt, công sự, RPG-7 được trang bị đạn nhiệt áp TBG-7 có sức công phá tương đương 1 viên đạn pháo 120 mm. Mặc dù đạn TBG-7 không đủ độ chính xác đến mức có thể chui qua lỗ châu mai như MATADOR nhưng liệu điều này có thực sự cần thiết khi TBG-7 đủ sức phá sập luôn cái lô cốt đó.
Đạn nhiệt áp chống lô cốt TBG-7
Thậm chí khi không dùng đạn nhiệt áp TBG-7 mà dùng đạn chống tăng PG-7VR để phá tường thì cũng cho hiệu quả hơn: đạn sẽ sử dụng tầng đầu tiên phá thủng tường bê tông để tầng thứ hai chui vào nổ phá từ bên trong.
Ưu điểm thực sự của MATADOR so với RPG là tầm bắn và độ chính xác cao hơn. MATADOR sử dụng đầu đạn nhẹ có sơ tốc lớn lên tới 250m/s, tầm bắn hiệu quả 500m cho phép xạ thủ có thể tác xạ từ cự ly an toàn còn RPG-7 dù cho có sức công phá lớn nhưng tầm bắn hiệu quả chỉ đạt 300m, sơ tốc đạt 144m/s với các loại đạn lõm 1 tầng, đạn nhiệt áp chống lô cốt hay đạn nổ mảnh sát thương chống bộ binh.
Với loại đạn 2 tầng PG-7VR, để tăng sức công phá loại đạn này cũng phải chấp nhận nhiều hy sinh như sơ tốc bị hạ xuống dưới 100m/s chỉ ngang với B-40 do đạn rất nặng, tầm bắn hiệu quả chỉ còn 100m, đây là cự ly quá nguy hiểm trong tác chiến hiện đại. Nếu tác chiến trong môi trường đô thị nhiều vật cản thì không phải vấn đề lớn nhưng nếu người sử dụng là lính thủy đánh bộ phải tác chiến trên chiến trường trống trải thì sẽ phải chấp nhận nguy cơ cao.
Việc một số đơn vị Hải quân đánh bộ Việt Nam thay thế RPG-7 bằng MATADOR là dựa trên nhiều lý do, mà một trong số đó có thể là việc Việt Nam đã bày tỏ ý định sẵn sàng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trong tương lai. Nếu tham gia lực lượng này thì việc chuẩn hóa vũ khí trang bị là rất cần thiết khi mà hầu hết các nước gửi quân đi đều dùng vũ khí chuẩn NATO. Trang bị MATADOR cùng với Tavor-21 cho quân đội để làm quen với vũ khí phương Tây là điều nên làm. Hơn nữa trong nhiệm vụ của lính gìn giữ hòa bình, việc đảm bảo an toàn cho người lính và hạn chế sát thương những đối tượng không liên quan là rất quan trọng nên MATADOR dù cho có sức công phá không tốt bằng, nhưng với khả năng bắn chính xác từ cự ly xa có thể sẽ phù hợp hơn RPG-7.
Theo Tri thức trẻ
Hải quân Nga bắt đầu tập trận với quy mô lớn ở Biển Đen Theo Đài Tiếng nói nước Nga, ngày 4/7, lực lượng hải quân thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga đã bắt đầu hoạt động diễn tập mới với sự tham gia của khoảng 20 tàu chiến và tàu phụ trợ, cùng hơn 20 máy bay, trực thăng và lực lượng thủy quân lục chiến, pháo binh bờ biển. Hạm đội tàu chiến Nga...