Hệ lụy phía sau cuộc chiến chống ma túy đẫm máu tại Philippines
Tổng thống Rodrigo Duterte vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng chiến dịch chống ma túy tại Philippines, trong khi cuộc sống của hàng ngàn gia đình đang bị đảo lộn, thậm chí lâm vào bế tắc, sau chiến dịch này.
Sau khi tắm xong cho cô bé Hazel 18 tháng tuổi, Jasmine Durana, góa phụ 16 tuổi, đã lau người cho con gái và nhóm bếp chuẩn bị làm bữa sáng. Những thùng nhựa được treo ở phía sau lưng Jasmine bên trong căn nhà ổ chuột chỉ có duy nhất một phòng – nơi cô ở cùng bố mẹ, hai anh trai và một em gái.
Người mẹ đơn thân đã phải tiết kiệm suốt một tháng mới đủ tiền mua thùng với hy vọng chúng có thể giúp cô bắt đầu công việc đi bán đồ uống trong chợ hoặc ở khu vực gần trường học. Bỏ học từ năm 9 tuổi sau khi bị gãy chân trong một vụ tai nạn, Jasmine cho biết gia đình cô thường xuyên rơi vào cảnh đói kém. Đôi lúc con gái cô không có sữa để uống.
Jasmine đang cố gắng tiếp tục cuộc sống sau khi chồng cô bị bắn chết trong chiến dịch chống ma túy tại Philippines. Con gái của Jasmine ra đời chỉ một tháng trước khi chồng cô, John Dela Cruz, 16 tuổi, bị kéo tóc lên trước hiên nhà và bị bắn 4 phát vào đầu và ngực.
Cho tới năm ngoái, Jasmine vẫn ở lại căn nhà ổ chuột nơi chồng cô bị bắn chết. Nhưng sau đó cô đã chuyển tới sống cùng bố mẹ và các anh chị em để họ có thể giúp đỡ thêm. Cha đẻ của Hazel đã không nhận con. Nhưng khi Jasmine gặp Cruz vào lúc cô đang mang bầu, Cruz đã chấp nhận tình cảnh của cô. Sau khi chồng qua đời, Jasmine lưu giữ những ký ức về Cruz bằng cách đăng ảnh của chồng lên mạng xã hội.
Chồng của Jasmine là một trong hơn 4.500 người đã thiệt mạng trong chiến dịch chống ma túy do Tổng thống Rodrigo Duterte phát động kể từ khi ông lên nắm quyền cách đây hai năm. Các nhóm nhân quyền nói rằng số người thiệt mạng trên thực tế có thể cao gấp 3 lần so với con số trên.
Suy dinh dưỡng là vấn đề nghiêm trọng tại các khu ổ chuột ở thủ đô Manila cũng như trên toàn đất nước Philippines. Viện Nghiên cứu và Dinh dưỡng Thực phẩm hồi năm 2015 công bố thống kê cho thấy 33,4% trẻ em Philippines bị suy dinh dưỡng mãn tính hoặc chậm phát triển. Cuộc chiến chống ma túy tại Philippines đã khiến hàng nghìn trẻ em rơi vào cảnh mồ côi hoặc sống trong những gia đình chỉ có bố hoặc mẹ – những người đang phải chật vật để kiếm kế sinh nhai.
Video đang HOT
Là góa phụ khi mới 29 tuổi, Rhoda gánh trên vai trách nhiệm nuôi 7 đứa con sau khi chồng cô, Crisanto, một người thường nhặt rác tại bãi rác Payatas, bị cảnh sát bắn chết trong một đợt truy quét tội phạm ma túy.
Việc bị nhiễm trùng lở loét ở đùi khiến Rhoda không thể đi làm từ năm ngoái. Nhưng từ tháng 1 năm nay, Rhoda bắt đầu đi gõ cửa từng nhà để bán các sản phẩm làm đẹp.
Rhoda nói rằng cô có thể kiếm 4.000 peso (khoảng 75 USD) một tháng. Trong khi đó các con của cô cũng kiếm thêm thu nhập từ việc bán gà.
Những đợt truy quét nghi phạm ma túy của chính quyền Philippines thường diễn ra ở những khu vực nghèo ở Manila và khiến nhiều gia đình tan vỡ. Ngoài ra, số người chết trong chiến dịch này cũng bắt đầu tăng lên ở Cebu và một số thành phố khác.
Theo Cảnh sát Quốc gia Philippines (PNP), các nạn nhân, trong đó chủ yếu là những người nghèo sống ở khu vực đô thị, bị bắn chết sau khi có hành vi phản kháng lực lượng chức năng trong các đợt truy quét.
Các nhà hoạt động xã hội cho biết số người chết trong chiến dịch chống ma túy tại Philippines trong 2 năm qua lên tới 20.000 người, trong đó có hàng nghìn người bị những tay súng không rõ danh tính bắn chết trên khắp cả nước.
Hồi tháng trước, Tổng thống Duterte tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện cuộc chiến chống ma túy. Ông nói cuộc chiến này sẽ “không nương tay và khủng khiếp như những ngày đầu”.
Ông Duterte chỉ trích các nhóm nhân quyền chỉ biết công kích chiến dịch chống ma túy của ông, thay vì nhắm mục tiêu chỉ trích tới những kẻ buôn bán, tàng trữ và sử dụng ma túy. “Cuộc chiến chống tệ nạn ma túy trái phép còn lâu mới kết thúc”, ông Duterte khẳng định.
Nhiều người Philippines đang phải tìm cách xoay sở với những tác động từ cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Duterte. Bà Remy Fernandez, 84 tuổi, phải nuôi tổng cộng 7 đứa cháu sau khi con trai bà, một người sử dụng ma túy đá, bị những người đeo mặt nạ bắn chết ngay tại nhà.
Do mẹ của lũ trẻ cũng đang bị giam trong tù sau khi bị bắt vì buôn ma túy, bà Fernandez phải chăm sóc các cháu, trong đó có cả đứa bé nhất vừa mới sinh trong tù. Sau khi ra tù, con dâu của bà Fernandez đã mất tích suốt 3 ngày và không mang theo điện thoại. Bà Fernandez lo rằng con dâu bà đã tái nghiện và có thể trở thành mục tiêu của các vụ truy quét ma túy. Bà cũng không biết ai sẽ chăm lo cho các cháu của bà khi mẹ chúng qua đời.
Gia đình bà Fernandez sống chật vật bên cạnh một con suối chảy qua bãi rác của thành phố Payatas. Họ từng kiếm sống bằng cách nhặt chai lọ nhựa và tái chế để bán, song bãi rác này cũng vừa mới đóng cửa.
Ước tính có khoảng 1,8 triệu người nghiện ma túy tại Philippines. Tổng thống Duterte từng tuyên bố sẽ xử lý đến khi nào không còn bóng dáng ma túy tại Philippines, bất chấp sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế vì sự tàn khốc của cuộc chiến chống ma túy.
Nhiều người chỉ trích nói rằng cuộc chiến chống ma túy tại Philippines đã bị lạm dụng. Cảnh sát quốc gia Philippines cho biết đã kỷ luật những cảnh sát bị phát hiện lạm quyền trong các cuộc truy quét tội phạm ma túy. Tuy nhiên cho đến nay chưa cảnh sát nào bị kết tội vì điều này.
Ảnh: James Whitlow Delano/Guardian
Theo THÀNH ĐẠT(Dân trí)
Philippines mở lại cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi
Cảnh sát Philippines ngày hôm nay 29/1 cho biết họ sẽ tiếp tục cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi, bỏ ngỏ khả năng đây sẽ là chiến dịch "không đổ máu".
Cảnh sát Philippines tuần tra (Ảnh minh họa: EPA)
Theo Reuters, cảnh sát Philippines ngày 29/1 cho biết họ sẽ tiếp tục cuộc chiến chống ma túy do Tổng thống Rodrigo Duterte phát động hồi năm 2016 sau một khoảng thời gian tạm dừng. Lực lượng này đã tới nhà các "con nghiện" và đối tượng buôn bán ma túy, thuyết phục những đối tượng này đầu hàng. Tuy nhiên, phía cảnh sát cho biết họ không thể cam kết cuộc chiến này sẽ "không đổ máu".
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh Bộ Tư pháp Philippines mở vụ án hình sự đầu tiên chống lại một số chiến sỹ thuộc lực lượng cảnh sát với các cáo buộc liên quan tới cuộc chiến ma túy trước đó.
Tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia Philippines Ronaldo dela Rosa cho biết cuộc chiến này sẽ không diễn ra trong bạo lực nếu các tội phạm ma túy chịu hợp tác và không phản kháng. Nhưng ông Dela Rosa nói thêm rằng ông không thể cam kết một cuộc chiến chống ma túy không đổ máu khi cảnh sát phải đối đầu với những đối tượng "không có nhận thức bình thường".
Ngoài việc tới thuyết phục những người buôn bán và sử dụng ma túy, phía cảnh sát Philippines cũng đồng thời thực hiện những vụ đột nhập, bắt quả tang các đối tượng tình nghi.
Các nhà hoạt động nhân quyền cho biết trong nhiều hoạt động của cảnh sát, các đối tượng tình nghi không có cơ hội để đầu hàng và bị hành quyết ngay tại chỗ. Tuy nhiên, phía cảnh sát đã phủ nhận cáo buộc này, cho biết những đối tượng này đã bị xử lý vì họ đã ngoan cố chống cự khi bị bắt.
Từ tháng 6/2016, hàng ngàn người đã thiệt mạng trong cuộc đấu súng với cảnh sát kể từ khi ông Duterte nhậm chức Tổng thống. Theo số liệu của Philippines, 85 quân nhân và chiến sĩ cảnh sát đã thiệt mạng khi làm nhiệm vụ. Hơn 1,2 triệu người đã đi đầu thú sau khi cảnh sát tiếp tục chiến dịch gõ cửa từng nhà kêu gọi đầu hàng, theo Reuters.
Đức Hoàng
Theo Dantri
Lời cảnh báo cho Philippines Philippines có kế hoạch ký thỏa thuận thăm dò chung với Trung Quốc ở vùng biển của nước này trên biển Đông trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối năm nay. Trong cuộc họp báo ngày 9-8, ông Harry Roque, phát ngôn viên của Tổng thống Rodrigo Duterte, cho hay: "Hiện chưa có thời gian cụ thể...