Hé lộ thiết bị lặn đặc biệt Trung Quốc vừa thử nghiệm trên Biển Đông
Viện Khoa học Trung Quốc cho hay, một thiết bị lặn tự hành (AUV) có tên Sea-Whale 2000 mới hoàn thành đợt thử nghiệm kéo dài 37 ngày ở Biển Đông trên quãng đường 2.011 km.
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, dù nhiệm vụ mà AUV Sea-Whale 2000 đảm nhiệm vẫn được giữ bí mật, nhưng với tầm hoạt động trên 2.000 km, AUV này có thể bao quát các vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và sau đó quay về căn cứ ở đảo Hải Nam.
Trung Quốc thử nghiệm AUV Sea-Whale 2000 trên Biển Đông. (Ảnh: Viện Khoa học Trung Quốc)
Với hình dáng giống ngư lôi, AUV Sea-Whale 2000 dài khoảng 3 m và nặng 200 kg. Nó được trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo và hàng loạt cảm biến để phát hiện nhiệt độ, độ mặn, dòng hải lưu, dấu tích hóa học, quan sát dưới nước và hoạt động sinh học. Đáng nói, AUV Sea-Whale 2000 có thể lặn sâu 2.000 m với tốc độ di chuyển là 1,2 m/giây.
Theo Viện Khoa học Trung Quốc, chỉ bằng một lần phóng, chiếc AUV có thể thực hiện nhiệm vụ kéo dài hàng tuần và hoàn thành nhiều công việc cùng lúc. Tuy nhiên, Viện Khoa học Trung Quốc từ chối tiết lộ lý do vì sao Trung Quốc lại chế tạo AUV Sea-Whale 2000 chỉ dành hoạt động ở khu vực Biển Đông.
Video đang HOT
Đáng nói, Sea-Whale 2000 không phải mẫu AUV có tầm hoạt động dài nhất trên thế giới. Mẫu AUV Autosub Long Range mang biệt danh Boaty McBoatface của Anh được cho có tầm hoạt động 6.000 km và thời gian hoạt động liên tục lên tới 6 tháng. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đang chạy đua phát triển tàu ngầm không người lái. Ngoài ra, Trung Quốc còn nằm trong số những quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa công nghệ này vào sử dụng.
Để mở rộng tầm hoạt động của AUV, các chuyên gia Trung Quốc đã tạo ra một bộ khung lai cho phép phương tiện vận hành ở các chế độ khác nhau nhằm giảm mức tiêu thụ năng lượng. Cụ thể, AUV Sea-Whale 2000 có thể chạy như tàu ngầm truyền thống, lượn lên và xuống mặt nước hoặc cưỡi sóng giống như chai lọ trôi dạt trên biển. Mẫu AUV sử dụng bộ xử lý trung tâm từ STMicroelectronics, một công ty bán dẫn tại châu Âu và liên lạc qua mạng lưới vệ tinh toàn cầu của công ty Iridium Communications tại Mỹ.
Ngoài Trung Quốc, trong hàng thập niên qua, Mỹ và một số nước được cho đã thiết lập nhiều mạng lưới trinh sát mở rộng ở Biển Đông. Trong đó, các thiết bị quân sự và khoa học đã thực hiện tuần tra thường xuyên ở khu vực này nhằm thu thập thông tin tình báo.
Giáo sư Liu Xiaoshou tại Đại học Hải dương Trung Quốc cho biết, các cảm biến sinh học trên AUV Sea-Whale 2000 có thể thu thập dữ liệu về các vấn đề sinh thái như tảo nở hoa. Việc tổng hợp thông tin từ nhiều cảm biến cũng sẽ giúp nhóm nghiên cứu có thể dựng lại quá trình tiến hóa của các hệ thống sinh học trên quy mô lớn hơn.
Minh Thu (lược dịch)
Theo infonet.vn
Rộ tin đồn về tàu ngầm bí mật của Trung Quốc
Trung Quốc đang phát triển loại tàu ngầm khổng lồ nhưng không có cánh buồm, điều này dẫn đến nhiều đồn đoán rằng đây là phương tiện không người lái lớn nhất thế giới.
Một năm trước, Trung Quốc đã khiến cộng đồng quân sự thế giới ngạc nhiên khi hạ thủy một chiếc tàu ngầm mà không ai ngờ tới, theo Forbes.
Cho đến bây giờ, một số chi tiết về nó mới được biết đến thông qua nguồn tin tình báo, nhưng cũng rất khiêm tốn. Blog HI Sutton, chuyên nghiên cứu về tàu ngầm trên thế giới, cho biết họ chỉ có thể ước lượng kích thước của tàu ngầm dựa trên bức ảnh chụp lúc hạ thủy.
Bên cạnh đó, dựa vào một số hình ảnh vệ tinh thương mại chụp lại tàu ngầm mới bên ngoài xưởng đóng tàu, các nhà phân tích ước tính kích thước nó dài khoảng 45 m, đường kính khoảng 4,5 m.
Tàu ngầm bí ẩn của Trung Quốc, theo bức ảnh chính thức hiếm hoi được công bố vào tháng 10/2018. Tên của tàu cũng chưa được tiết lộ. Ảnh: Nhà máy Đóng tàu Giang Nam.
Kích thước này nhỏ hơn một chút so với ước tính ban đầu, nhưng vẫn quá lớn để được mô tả như một tàu ngầm hạng trung. Các hình ảnh vệ tinh được chụp vào tháng 9, điều đó cho thấy tàu ngầm mới đã trải qua một số thử nghiệm tại nhà máy, nhưng có thể vẫn chưa được bàn giao.
Trong bài viết trên Forbes gần đây, nhà phân tích của HI Sutton nói rằng tàu ngầm mới có thiết kế khác lạ và không có cánh buồm. Các tàu ngầm thông thường đều có cánh buồm, nơi lắp kính tiềm vọng. Tàu ngầm mới chỉ có một chỗ lồi nhỏ, nơi thường là vị trí cánh buồm.
Thiết kế khác lạ này trở thành chủ đề cho nhiều đồn đoán. Một số giả thuyết cho rằng tàu ngầm này là phương tiện không người lái, nên không cần phải thiết kế cánh buồm, nơi thuyền trưởng và một số sĩ quan đứng quan sát khi tàu nổi lên mặt nước.
Nếu giả thuyết trên là đúng, nó sẽ trở thành tàu ngầm không người lái lớn nhất thế giới. Trong đợt duyệt binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh, Trung Quốc đã tiết lộ một tàu ngầm không người lái, nhưng vẫn nhỏ hơn rất nhiều so với tàu ngầm trên.
Nhà phân tích của HI Sutton cho rằng tàu ngầm mới có thể là phương tiện thử nghiệm để đánh giá các công nghệ mới có thể áp dụng trong tương lai.
Theo Zing.vn
Putin sắp có tàu ngầm dài nhất thế giới đầy uy lực Vũ khí trên tàu ngầm Belgorod có thể xuyên qua hệ thống phòng thủ dưới nước của NATO để tấn công các thành phố, căn cứ hải quân, tàu sân bay tại bất cứ đâu trên toàn châu Âu và bờ Đông nước Mỹ. Ngư lôi hạt nhân được trang bị trên tàu ngầm Belgorod. Tàu ngầm Belgorod nặng 14.700 tấn, chiều dài...