Hé lộ phần cuộc đời chưa biết về NSND Trần Hạnh: Bố chơi khôn, bố cài tôi!
“Nhân cách cao cả ấy, đôi khi ẩn mình trong một cốt cách giản gị và mộc mạc, như chính con người của bố vốn có, với nụ cười hiền hậu pha chút hóm hỉnh”, Tùng Dương viết.
Sau khi hay tin NSND Trần Hạnh qua đời, rất nhiều nghệ sĩ đã bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn của mình dành cho “người bố” hiền từ nhân hậu và đáng kính mà họ từng có cơ hội gặp gỡ, đóng phim cùng.
Là một trong số những người từng có cơ hội được cộng tác với NSND Trần Hạnh qua nhiều sản phẩm điện anh, diễn viên Tùng Dương vô cùng xót xa.
Cũng trong giờ phút xúc động này, anh đã chia sẻ 5 chương hồi kí viết về ông. Theo lời tâm sự của Tùng Dương, thời còn sống, NSND Trần Hạnh cũng biết việc anh viết hồi kí về ông, và còn dặn dò kĩ: “Được, mày viết đi, miễn là chân thật, vì cuộc sống vốn là tất cả những gì đã đi qua cuộc đời ta… nhưng thêm thắt chi tiết nào để dìm bố là chết với bố đấy”.
Mỗi chương hồi kí là một kỉ niệm khó quên của Tùng Dương về NSND Trần Hạnh. Đó là sự quan tâm lặng lẽ như một người bố dành cho vợ anh lúc mang bầu. Đó là sự sòng phẳng và chính trực của ông khi nhận cát-xê.
Về lý do đăng tải hồi kí này, Tùng Dương cho biết: “Vẫn biết rằng ngày này trước sau gì cũng tới vì bố đã tuổi cao sức yếu, nhưng con vẫn bàng hoàng khi nhận tin dữ. Vĩnh biệt bố, bậc tiền bối đáng kính, đáng yêu của chúng con.
Để mọi người hiểu rõ hơn về con người bình dị, gần gũi của bố cùng nhân cách vô cùng cao quý và những cống hiến của bố cho Nghệ thuật nước nhà, con xin phép đăng lại tại đây toàn bộ 5 chương hồi ký mà con viết về bố, cũng coi như một lời tri ân con gửi tới bố”
Bố đi mua sữa và bánh cho vợ tôi…
Ở chương đầu tiên, Tùng Dương kể về giai đoạn anh làm tổ chức sản xuất cho bộ phim “Tình đời” (quay năm 1988). Khi đó, anh vẫn còn đang chung sống với diễn viên Hoa Thuý và cô mang bầu ở tháng thứ 4.
“Có một đêm đoàn quay khá khuya, bối cảnh ngay tại khách sạn đoàn ở. Thuý hồi đó đang có thai bé Búp tháng thứ 4, phải làm việc muộn nên cô ấy khá mệt, nôn oẹ liên tục, mặt xanh lét. Thấy vậy anh Hoàng Dũng bảo: “Thôi dừng đoạn này, quay đoạn khác cho con Thuý nó nghỉ đi, sức khoẻ nó không ổn đâu”. Đạo diễn đồng ý, đoàn chuyển xuống dưới sảnh lễ tân quay đoạn khác, định quay xong cả đoàn sẽ đi ăn cháo đêm một thể.
Tôi đưa vợ lên phòng nằm nghỉ, rồi vội vàng quay xuống dưới sảnh để tiếp tục triển khai cảnh quay, thì cả đoàn ngơ ngác vì không thấy bố Hạnh đâu. Quái, bố đi đâu mà chả nói với ai. Trong lòng tôi như lửa đốt, muốn quay cho xong nốt đoạn này để còn mua cháo mang lên cho vợ ăn, mà giờ thế này thì…
Bố Hạnh này lẩm cẩm thật, tuổi cao sức yếu muốn nghỉ thì cũng phải nói với đạo diễn hoặc tổ chức sản xuất là tôi chứ, ai đời lớn tuổi rồi mà lại làm ăn thế bao giờ?
Cả đoàn nháo nhác chia nhau đi tìm, phi lên cả phòng bố mà cũng không thấy. Đang lúc cơn bực bốc hoả đùng đùng trong đầu thì tôi nghe có tiềng gọi khe khẽ đằng sau: “Này, Dương!.. Dương cò lả ơi!..”. Tôi vội ngoái lại thì thấy cái đầu bố lấp ló phía sau cột tường gần cổng sảnh, bàn tay bố khẽ thò ra vẫy tôi như không muốn ai nhìn thấy.
Sau mấy giây định thần, tôi liếc nhìn xung quanh thấy mọi người đang chúi đầu vào Monitor để xem lại đoạn vừa quay. Tôi lẳng lặng đi đến chỗ bố, miệng đã thường trực sẵn những câu trách móc phê bình về sự vô kỷ luật của bố, nhưng vừa định mở mồm thì thấy bố giơ trước mặt tôi một bịch nylon, bên trong là dăm hộp sữa và mấy chiếc bánh ngọt: “Suỵt! Đừng nói gì, mang ngay lên cho vợ mày nó nạp đi, đàn bà có thai đừng để nó đuối sức, đoàn quay còn khướt mới xong, chờ cháo của đoàn thì vợ mày nó ngất mẹ từ đời tám hoánh nào rồi!”.
Trong phút chốc, tôi đơ mặt ra nhìn bố, chẳng nói được câu gì. Hoá ra từ nãy tới giờ, bố “biến mất” là vì lọ mọ đi mua sữa và bánh cho vợ tôi, tôi thật sự xúc động không thốt nên lời dù chỉ là hai từ cám ơn… Thấy tôi vẫn đứng ngây ra với vẻ mặt đần thối, bố ấn bịch sữa vào tay tôi: “Lên ngay đi còn đứng đây làm gì, thằng hâm!”.
Video đang HOT
Bố đẩy tôi về phía cầu thang rồi hai tay đút túi quần, lững thững bước từ chỗ khuất về phía sảnh, nơi mọi người vẫn đang túm tụm. Tôi sải bước phi lên cầu thang 2 bậc một, còn nghe tiếng cái Phượng “ớt” thư ký ông ổng phía dưới: “Ơ bố Hạnh, bố đi đâu mà để cả đoàn tìm loạn khắp nơi thế?”. Tiếng bố đủng đỉnh trả lời :”À, bố đi tìm mua bao thuốc lá ấy mà, không có thuốc “đếch” nhớ được thoại, hề hề hề.. .
Đúng, không có thuốc thì bố đứng ngồi không yên thật, bố nghiện thuốc lá rất nặng, gần như điếu Thăng Long lúc nào cũng đỏ lửa trên môi, điếu này chưa tàn đã châm điếu khác. Nhưng cách đây ít phút tôi vẫn thấy 2 bao thuốc đầy nguyên nằm trong 2 túi ngực của chiếc áo bộ đội sờn cũ mà bố đang mặc, bố luôn phòng thủ rất chu đáo, và tôi chắc chắn một điều rằng: bố không đi mua thuốc lá, mà chỉ đi mua sữa và bánh cho vợ tôi, bằng sự quan tâm của người cha đối với những hậu bối mà bố coi như con…”, Tùng Dương kể lại.
“Bố chơi khôn, bố cài tôi vào tình thế không thể nằn nì”
Chương 2 cũng là một kỉ niệm liên quan tới bộ phim đó. Vào lúc đóng máy, vì thương nghệ sĩ Trần Hạnh nên Tùng Dương và Hoa Thuý quyết định sẽ gửi cho ông phần cát-xê cao hơn một chút.
Thế nhưng không ngờ, sau khi bóc phong bì ra ngay trước mặt Tùng Dương, ông cương quyết trả lại anh một số tiền không nhỏ, hơn cả 1 tháng lương giúp việc thời bấy giờ.
“…Tôi chạy theo: “Ơ bố ơi, bố định không lấy cát xê mà cứ thế về à?”. Bố cười, nụ cười hiền lành quen thuộc, điếu Thăng Long vẫn ngậm lệch bên mép: “Ôi dào, lúc nào mày đưa chẳng được, bố vẫn còn tiền tiêu”.
Tôi ấn cái phong bì vào tay bố: “Bố còn tiền là việc của bố, phim xong rồi con phải trả cát xê cho bố chứ”. Bố vẫn cười cười: “Ừ thế bố xin!”. Rồi bố xé phong bì, rút tiền bên trong ra. Một ý nghĩ xoẹt qua đầu tôi lúc đó: “Trời! Bố xem mình trả bao nhiêu tiền ngay trước mặt mình? Bố cũng gớm đấy chứ, may mà mình không phải kẻ bóc lột, chứ không thì…”.
“Ôi, sao nhiều thế con, hay mày đưa nhầm phong bì?”, bố nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên. “Dạ, không nhầm đâu bố, kinh phí phim này dư dả mà bố”, tôi đáp. Trong đầu tôi lúc đó khẽ trách thầm mình đã suýt chút nữa nghĩ xấu về bố. Bố nheo mắt nhìn tôi, cười khà khà: “Mày điêu!”.
Thế rồi bố rút bốn tờ 100 nghìn tiền giấy (loại tiền mệnh giá to nhất lúc bấy giờ) có nghĩa là 400 nghìn (bằng một phần ba cát xê của bố) đưa cho tôi: “Đây là chút quà nhỏ bố tặng vợ mày, nhớ chăm sóc vợ cho tốt vào”. Tôi đẩy ra: “Kìa bố, hôm nọ bố mua quà cho vợ con rồi mà, giờ còn quà gì nữa? Ai đời bố già cứ đi tặng quà cho thanh niên trẻ khoẻ, chẳng ra làm sao cả”.
Bố lại dúi vào: “Ơ, tao tặng quà cho con ễnh chứ có tặng mày đâu, thằng vô duyên!”. Tôi lại cương quyết đẩy ra: “Kệ bố, con dứt khoát không cầm đâu”. Hai bên kéo cưa một hồi thì bố nhét mạnh tiền vào túi áo ngực tôi, hất đầu về phía quán nước, nháy nháy mắt: “Đừng đùn đẩy nhau nữa kẻo lũ kia nó lại tưởng bố con mình có xích mích gì”.
Bố chơi khôn, bố cài tôi vào tình thế không thể nằn nì bố cầm lại tiền. Xin mở ngoặc nói thêm rằng, ngày đó lương giúp việc chỉ có 300 nghìn/tháng, để mọi người biết, 400 nghìn đồng lúc đấy giá trị nó lớn như thế nào.
Tôi đang gãi đầu gãi tai chưa biết nên xử lý sao thì bố đặt nhẹ tay lên vai tôi, lúc này bố không cười nữa: “Đàn bà có thai từ tháng thứ 3 trở đi tính tình rất ẩm ương, chiều nó một tí con ạ, đừng khó chịu rồi mắng nó như hôm nọ nữa, tội nó lắm! Thôi, bố về nhá!”. Rồi bố lặng lẽ bước đi, để lại tôi đứng một mình trong tâm trạng hỗn mang, đăm chiêu nghĩ ngợi về điều bố vừa nói…”, Tùng Dương viết.
Một nghệ sĩ ở tuổi bát niên mà vẫn tràn đầy cảm xúc”
Ở chương thứ 3, Tùng Dương nhớ lại một kỉ niệm khi quay cùng NSND Trần Hạnh phim “Ngõ lỗ thủng”.
Anh kể, sau khi đến đoàn phim mà không thấy NSN Trần Hạnh đâu, anh lo lắng đi tìm vì sợ ông xảy ra chuyện gì. Không ngờ phát hiện ra ông đã ngồi ở phía trong từ lâu, mặt đầy trầm tư.
“Tôi im lặng nhìn bố, cảm thấy hôm nay bố có vẻ trầm lắng hơn mọi khi, không cười đùa hóm hỉnh như những lần trước tôi gặp bố. Hai khóe mắt của bố cũng có cảm giác như hoe đỏ. “Hình như hôm nay bố có chuyện buồn?”, tôi khẽ hỏi bố. Bố hỏi lại: “Sao mày nghĩ thế?”, tôi trả lời “Con thấy mắt bố hoe đỏ”.
Bố lại chậm rãi rít một hơi thuốc dài, nhả khói rồi nhìn ra xa xăm: “Bố thì chẳng có chuyện gì… nhưng lúc nãy đọc kịch bản, nhớ lại những tháng năm đó, những con người ngày đó, tự dưng thấy thương các nhân vật quá…
Trung Trung Đỉnh nó xây dựng nhân vật giỏi thật. Những số phận cứ như đang sống quanh mình, bi kịch, không lối thoát, cay đắng và nghiệt ngã…”. Tôi ngồi lặng im, cố cảm nhận hết những điều bố nói…
Bố, một nghệ sĩ đã ở tuổi bát thập niên mà vẫn tràn đầy cảm xúc, dành trọn trái tim cho mỗi nhân vật mà mình thể hiện, yêu thương cả những nhân vật của mình… Và đó chính là lý do vì sao mà tôi phải ngồi đây để kể về bố, vì sao tôi chọn bố là nhân vật mở đầu cho cuốn hồi ký nghiệp diễn của mình… “, Tùng Dương tâm sự.
Hình ảnh đời thường của NSND Trần Hạnh: Đi bán giày dép mũ bảo hiểm, từ chối nhận trợ cấp
Cuộc sống giản dị của NSND Trần Hạnh trước khi qua đời khiến nhiều người không khỏi xúc động.
Vào lúc 2h50 sáng ngày 4/3 mới đây, NSND Trần Hạnh đã qua đời, hưởng thọ 92 tuổi.
Thông tin NSND Trần Hạnh qua đời khiến công chúng và đồng nghiệp không khỏi xót xa vì ông là một diễn viên gạo cội, quen mặt với khán giả truyền hình suốt hàng chục năm qua.
Từ trên phim ảnh ra đến ngoài đời, NSND Trần Hạnh đều được nhiều người thương mến vì sống một cuộc đời giản dị, chất phác và hiền lành, không bon chen, ganh đua, đúng như lời ông Trương Thuận (nguyên giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ) nói:
"NSND Trần Hạnh là người sống rất khiêm nhường, giản dị, không thích phô trương và rất ngại phiền lụy đến người khác.
Ông thực sự là một nghệ sĩ chân chính, chỉ sống bằng những vai diễn trong kịch, phim và làm việc một cách say sưa, trọn vẹn với vai diễn của mình, kể cả chỉ là vai phụ cũng luôn để lại ấn tượng tốt đối với khán giả".
Trước khi đến với sân khấu, NSND Trần Hạnh xuất phân từ một anh thợ đóng giày nghèo khó, nên thấm nhuần một lối sống bình dị, tiết kiệm. Ông tâm sự:
"16 tuổi tôi đã đi khâu giầy thuê. Ban ngày làm giầy, tối lại đến Nhà văn hóa Thanh Niên ở hồ Thiền Quang tập kịch cùng mọi người nhưng không có lương. Tối nào cũng đi tập nên ban ngày oải người mệt có khi không làm nổi việc.
Lúc đó tình cờ một người bạn của tôi rủ về đoàn kịch Hà Nội với mức lương 40%. Lúc này tôi mới có 27 tuổi nhưng đã có 1 vợ, 2 con, dù mức lương có ít nhưng vẫn đồng ý về. Nghề diễn bắt đầu với tôi từ đó".
Vào những năm đầu sự nghiệp, dù đã theo nghiệp diễn nhưng NSND Trần Hạnh vẫn không quên nghề cũ. Ở tuổi 30, ông vẫn ngày ngày sáng đến xưởng làm giày, tối về diễn trên sân khấu Đoàn kịch Hà Nội (nay là Nhà hát Kịch Hà Nội).
Sau này, NSND Trần Hạnh trở nên nổi tiếng qua nhiều vai diễn truyền hình và được phong tặng nhiều giải thưởng. Tuy nhiên, ông vẫn giữ cho mình sự giản dị hiếm có.
Ngày ngày, NSND Trần Hạnh vẫn mặc đi mặc lại những chiếc áo cũ bạc màu, cưỡi chiếc xe Cub 50 để đi diễn và lo công việc.
Sau khi về hưu, NSND Trần Hạnh trở về cuộc sống đời thường của một người ông, người cha trong gia đình.
Những năm còn khỏe, cứ sáng sớm tờ mờ, NSND Trần Hạnh đã ra cửa hàng tại phố Trần Quý Cáp, Hà Nội để phụ giúp con trai và con dâu buôn bán giày dép, mũ bảo hiểm. Ông làm đủ mọi việc từ dọn hàng đến bê đồ, bán hàng, không hề nề hà chuyện mình là nghệ sĩ nổi tiếng. Ông nói:
"Ra trông cửa hàng cho các con, các cháu cho khuây khỏa, chứ lủi thủi ở nhà một mình cũng buồn lắm! Ngày trước tôi còn tự đi xe máy ra cửa hàng nhưng bây giờ chịu rồi. Cái xe máy tôi vẫn giữ trong nhà làm kỷ niệm, giờ mắt mờ quá nên không tự lái xe đi được đâu cả".
Thi thoảng có lịch, diễn, NSND Trần Hạnh cũng nhận để đi phim. Sau những giờ làm việc tại đoàn phim, ông lại về nhà phụ giúp con cái việc nhà, chơi với các cháu. Ông tâm sự:
"Cuộc sống của tôi lúc này rất yên ổn và cũng chẳng cần đòi hỏi gì hơn. Được sống khỏe mạnh, hạnh phúc là hài lòng lắm, tôi chẳng còn gì phải phàn nàn, thắc mắc".
Nhiều người chỉ nghĩ đi làm rồi mong sau này tận hưởng sung sướng thì hoàn toàn sai. Cuộc đời mỗi người như thế nào nó cũng đã vậy rồi, dù có cố cũng không thể ép nó theo ý mình được.
Vậy nên với tôi, ai nghĩ rằng đi làm chỉ muốn kiếm nhiều tiền của để tận hưởng thì chán lắm, những người đó chỉ biết sống cho bản thân mình. Tôi không phải người như vậy!".
Về lối sống của NSND Trần Hạnh, con gái ông là chị Trần Thị Dung nói: "Bố tôi vẫn dạy: Đói cho sạch, rách cho thơm. Bữa ăn có su hào muối, ông động viên chúng tôi: đấy là đang ăn thịt bò kho cho ngon miệng; nồi cơm vừa xới một lượt là hết, ông bảo nhà mình còn sướng hơn nhiều nhà khác.
Ông luôn động viên chúng tôi hãy cố gắng học hành tử tế, dạy chúng tôi nếp thưa gửi, cách gấp, phơi quần áo, để dép thế nào cho gọn... Ông ngâm thơ rất hay nên thường hát ru cho chúng tôi ngủ.
Bố tôi đã truyền cho chính tôi tình yêu, niềm lạc quan về cuộc sống - một cuộc sống luôn màu hồng ấm áp, vui tươi".
Sau hơn 40 năm cống hiến cho nghệ thuật, khi nhìn lại NSND Trần Hạnh vẫn giữ quan điểm đơn giản trong cuộc sống, từ chối nhận trợ cấp và muốn kiếm sống bằng chính sức lao động của mình.
Với ông, danh hiệu có cũng được không có cũng được chẳng sao hết. ông nói: "Cả một đời theo nghệ thuật tôi thấy điều quan trọng là ở mỗi vai diễn mình làm tốt hay không, được khán giả nhớ đến và yêu quý mới là vấn đề, chứ bằng cấp, danh hiệu với tôi thật sự không cần thiết".
Cuộc đời NSND Trần Hạnh: Từ anh thợ giày đến nghệ sĩ cống hiến 60 năm cho nghệ thuật, ngoài 90 tuổi vẫn ra vào cửa hàng phụ con cháu Cố NSND Trần Hạnh đã sống một cuộc đời rất trọn vẹn với nghệ thuật, với con cháu. NSND Trần Hạnh qua đời vào hôm nay (ngày 4/3) hưởng thọ 92 tuổi. Lúc sinh thời, cố NS đã có nhiều cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà. Sự ra đi của cố NS khiến cho đồng nghiệp, khán giả không khỏi đau...