Hé lộ nội dung tiếp người dân khu công nghệ cao của Chủ tịch TPHCM
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để sớm chi trả tiền bổ sung cho các hộ dân bị ảnh hưởng tại phần diện tích 41 ha dự án khu công nghệ cao (quận 9), đồng thời hoàn chỉnh hạ tầng, thủ tục pháp lý có liên quan để bố trí nền tái định cư cho các hộ dân trước 30/11.
Sáng 27/8, đại diện Văn phòng UBND TPHCM xác nhận vừa thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong về việc tiếp các hộ dân khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị liên quan đến dự án Khu công nghệ cao (CNC).
Trước đó, trong 3 ngày 31/7, 1 và 2/8, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã tiếp xúc 49 trường hợp người dân đang khiếu kiện liên quan việc thực hiện dự án Khu CNC nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án. Tuy nhiên, báo chí không được tham dự các buổi tiếp dân nói trên.
Theo thông báo của Văn phòng UBND TPHCM về ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Nguyễn Thành Phong sau khi tiếp dân, đối với các trường hợp bị thu hồi đất trong phần diện tích 41 ha trong ranh quy hoạch dự án Khu CNC, ông Nguyễn Thành Phong giao Chủ tịch UBND quận 9, tổ trưởng tổ công tác liên ngành phối hợp các đơn vị có liên quan hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định để sớm chi trả tiền bồi thường giải tỏa bổ sung và bố trí tái định cư cho các hộ dân.
Về chính sách hỗ trợ đặc thù cho 49 hộ dân đang khiếu kiện, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu đối với các hộ dân đồng thuận chính sách dự kiến, chủ tịch UBND quận 9 khẩn trương phối hợp các đơn vị có liên quan hoàn thiện hạ tầng các khu tái định cư và các thủ tục pháp lý để triển khai ngay việc bố trí nền tái định cư cho các hộ dân trước ngày 30/11 tới.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng giao Chủ tịch UBND quận 9 có trách nhiệm phối hợp các cơ quan chức năng quan tâm, chăm lo, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân trước và sau khi nhận nền tái định cư, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.
Đối với các trường hợp chưa đồng thuận với chính sách dự kiến, Chủ tịch UBND TPHCM giao Chủ tịch UBND quận 9 tiếp tục rà soát, tiếp xúc, ghi nhận ý kiến nguyện vọng của các hộ dân, đặc biệt chú ý các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, diện chính sách, gia đình có công với cách mạng…để báo cáo, đề xuất UBND TPHCM xem xét, giải quyết theo quy định.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, từ khi có phát sinh khiếu nại, tố cáo, Thường trực UBND TPHCM đã nhiều lần tiếp xúc, đối thoại với người dân dự án khu CNC.
Chủ tịch UBND TPHCM đã chỉ đạo Chủ tịch UBND quận 9 tổ chức hơn 30 buổi tiếp từng hộ dân để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, đồng thời xin ý kiến của các hộ dân bị thu hồi đất về dự kiến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Sau đó, Chủ tịch UBND TPHCM đã tổ chức 3 buổi tiếp các hộ dân để công bố chính sách và tiếp tục lắng nghe ý kiến của các hộ dân. Tại các buổi tiếp dân, Chủ tịch UBND TPHCM đã thay mặt cho chính quyền thành phố nhận trách nhiệm với các hộ dân về những sai sót trong quá trình thực hiện dự án Khu CNC như Thanh tra Chính phủ đã kết luận.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan tại buổi họp báo về dự án khu công nghệ cao
Video đang HOT
Trên cơ sở chính sách và qua công tác tiếp dân, đa số hộ dân đã đồng ý với chính sách hoặc có ý kiến đề nghị bổ sung thêm, tuy nhiên còn một vài trường hợp chưa đồng thuận với nội dung chính sách.
Về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với hộ gia đình cá nhân bị thu hồi đất thuộc phần diện tích 41 ha, UBND TPHCM đã chỉ đạo UBND quận 9 thuê công ty thẩm định giá độc lập thẩm định đơn giá bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo giá thị trường tại thời điểm tháng 4/2007.
Vì đến nay TPHCM mới thực hiện chi trả, nên các trường hợp được chi trả bổ sung sẽ được tính hỗ trợ lãi suất trên số tiền bổ sung với thời gian tính lãi từ ngày 18/4/2007 đến 31/12/2015. Từ ngày 1/1/2016 đến ngày ban hành Quyết định điều chỉnh, bổ sung người dân sẽ nhận được khoản tiền chậm nộp như quy định của Luật Quản lý thuế.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định và phê duyệt bản đồ vị trí xác định ranh 7 khu đất thuộc phần diện tích 41 ha. Trên cơ sở này, UBND Quận 9 đã lập danh sách các hộ dân bị thu hồi đất.
Về chính sách hỗ trợ đặc thù đối với 49 trường hợp khiếu kiện, về nguyên tắc, TPHCM giữ nguyên chính sách bồi thường trước đây.
Tuy nhiên, trên cơ sở kết quả rà soát kỹ hồ sơ thu hồi đất, điều kiện hoàn cảnh và nguyện vọng của từng hộ dân, Tổ Công tác liên ngành đã trình thành phố phê duyệt chính sách hỗ trợ đặc thù theo hướng bán nền tái định cư cho các hộ dân theo giá bán tái định cư để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của hộ dân, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Bò thả rông trong khuôn viên dự án khu công nghệ cao
TPHCM sẽ bố trí nền đất tái định cư cho các hộ dân tại khu đất 4.000 m2 mặt tiền đường Lê Văn Việt; một số nền thuộc Khu Nhà ở Khang Điền (thuộc phường Phước Long B) và Khu Tái định cư Long Bình – Long Thạnh Mỹ (giai đoạn 2).
Dự án khu CNC có quy mô 913,1633ha, trong đó có 801ha đất phải thu hồi, 112ha đất sông-rạch-thủy lợi, giao thông. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng trong dự án là 3.113 hộ. Đến nay, UBND quận 9 đã thực hiện công tác kiểm kê, ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ 3.113 hộ dân (100%), trong đó bố trí tái định cư cho 1.546 hộ với 1.513 nền và 211 căn hộ chung cư.
Hiện nay có 3.078 hộ dân bàn giao mặt bằng với diện tích gần 795 ha (đạt 99,24%) và còn 35 hộ chưa đồng ý bàn giao mặt bằng với diện tích chưa thu hồi là hơn 6 ha.
Theo Huy Thịnh
Tiền phong
Lập dự án 'đường chồng đường' để thu hồi, bán đấu giá đất của dân?
Theo phản ánh của người dân, 3 con đường xung quanh Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận đã được tỉnh này xây dựng xong vào năm 2012. Tuy nhiên, sau đó các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận vẫn lập dự án làm tiếp 3 con đường này thu hồi đất của dân và bán đấu giá cho các cá nhân khác làm dịch vụ thương mại.
Làm đường khi đã có đường?
Vào năm 2003, UBND tỉnh Ninh Thuận đã giao cho Sở VH-TT&DL tỉnh làm chủ đầu tư dự án hạ tầng xung quang khu vực Quảng trường, tượng đài và Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận để nhằm mục tiêu đưa TP Phan Rang - Tháp Chàm trở thành đô thị loại 2. Theo phản ánh của người dân, đến năm 2012 thì dự án này kết thúc và những con đường quanh khu vực Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận gồm đường Nguyễn Công Trứ, Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương (phường Tấn Tài, TP Phan Rang - Tháp Chàm) cũng được xây dựng xong.
Đất của nhiều hộ dân ở đường Hoàng Diệu bị thu hồi để sắp tới đem bán đấu giá.
Tuy nhiên, đến ngày 8/3/2013, UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm lại ban hành quyết định số 422 có nội dung chính là đầu tư xây dựng 3 tuyến đường Hoàng Diệu, Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Tri Phương cùng với hai trục nội bộ N3, N4 với tổng mức đầu tư hơn 88 tỷ đồng. Trả lời câu hỏi của PV báo Tiền Phong vì sao đường quanh bảo tàng tỉnh đã được xây dựng nhưng vẫn tiếp tục lập dự án làm đường, ông Trần Minh Thái - Phó chủ tịch UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm, cho biết tại thời điểm UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm ban hành quyết định 422 thì 3 trục đường chính xung quanh bảo tàng tỉnh chưa được đầu tư, hiện trạng là đường đất và ruộng (!?).
Nhưng bà Võ Huỳnh Phương Thảo (ở phường Tấn Tài, có 2 người con bị thu hối đất để làm dự án hạ tầng quanh Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận) cho biết, 3 trục đường này đã được xây dựng xong vào năm 2012. Để chứng minh cho điều này, bà Thảo đã cung cấp cho chúng tôi quyết định số 8749 của UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm ký ngày 30/6/2003 về việc thu hồi đất để làm dự án trên và hình ảnh hiện trạng con đường đường Hoàng Diệu vào năm 2013. Bức hình bà Thảo chụp con đường Hoàng Diệu vào năm 2013 cũng cho thấy con đường này đã làm hoàn thiện trước đó.
Bức hình bà Thảo chụp cho thấy đường Hoàng Diệu đã làm trước năm 2013. Ảnh Phương Thảo.
Cũng theo bà Thảo, tại thông báo 81 ngày 15/8/2013 của UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm về thu hồi đất của 53 hộ bị ở bên kia trục đường Hoàng Diệu và bên kia trục đường Nguyễn Công Trứ thể hiện: Có 14 hộ đất có nhà ở, 37 hộ đất trồng cây lâu năm và 2 hộ đất trồng lúa nước với tổng diện tích là 1.173,3m2, chiếm tỉ lệ 5,8%. Cả 53 hộ đều có Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đất, đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm. Vì thế, phần đất bên kia trục đường Hoàng Diệu chủ yếu là đất dân cư có nhà ở, đất trồng cây lâu năm chứ không phải là đất ruộng lúa như ông Trần Minh Thái đã trả lời PV báo Tiền Phong.
Thu hồi đất của dân để... bán đấu giá!
Trong khi nhiều hộ dân có đất xung quanh khu vực Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận chưa được nhận đất tái định cư, UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm đã vội vã cho đấu giá đất của họ để làm đất dịch vụ kinh doanh.
Cụ thể, ngày 22/6/2017, ông Bùi Văn Phú - Chủ tịch UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm, ban hành Quyết định số 928 phê duyệt quy hoạch tổng thể mặt bằng sử dụng đất xung quanh bảo tàng tỉnh vào mục đích đất dịch vụ thương mại, bán đấu giá. Sau đó, TP Phan Rang - Tháp Chàm đã bán đấu giá 6 lô đất ký hiệu B1, B2, B3, C1, C2 và C3 bên kia trục đường Nguyễn Công Trứ được hơn 36,2 tỷ đồng.
Đất của người dân ở cạnh đường Nguyễn Công Trứ đã được bán đấu giá cho cá nhân khác để kinh doanh.
Trước câu hỏi vì sao tiến hành thu hồi đất từ 2013 mà đến 2017 UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm mới ban hành quyết định 928 phê duyệt quy hoạch tổng thể mặt bằng tạo quỹ đất dịch vụ thương mại bán đấu giá và có hay không việc thu hồi đất trước quy hoạch sau, ông Trần Minh Thái - Phó chủ tịch UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm, cho biết Quyết định số 928 của UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm không liên quan đến việc thu hồi đất của các hộ dân để thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng xung quanh khu vực Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận(!?).
Tuy nhiên, trao đổi với PV báo Tiền Phong về lý do bán đấu giá đất thu hồi của dân, ông Phạm Văn Hậu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, lại cho biết: Dự án xây dựng hạ tầng quanh khu vực Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận được thực hiện bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á, vì thế tỉnh phải thực hiện bán đấu giá đất để lấy tiền làm vốn đối ứng.
Khi PV hỏi vì sao chỉ bán đấu giá đất khu vực đường Hoàng Diệu và Nguyễn Công Trứ, còn khu vực đất cạnh đường Nguyễn Tri Phương không thu hồi đất mà vẫn để người dân kinh doanh dịch vụ bình thường, ông Hậu cho biết sau này sẽ thu hồi đất khu vực này để làm dự án khác. Còn dự án gì, bao giờ thu hồi đất thì ông Hậu không trả lời.
Đất của nhiều hộ dân ở đường Nguyễn Tri Phương vẫn kinh doanh bình thường và không bị thu hồi bán đấu giá.
Thu hồi một trong hai văn bản cùng số do hai lãnh đạo kí
Như báo Tiền Phong đã có nhiều tin bài phản ánh, Giám đốc và Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận cùng ký một văn bản hành chính cùng số, cùng ngày tháng năm ban hành, cùng nội dung nhưng khác phần phạm vi diện tích dự án (đó là văn bản số 2444/SXD-QLHTKT, ban hành ngày 28/12/2012 về việc xin ý kiến chấp thuận về dự án xây dựng hạ tầng khu vực xung quanh Nhà bảo tàng tỉnh Ninh Thuận - PV).
Một văn bản (số 2444/SXD-QLHTKT ngày 28/12/2012) do ông Phạm Văn Hậu (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, nay là phó chủ tịch UBND tỉnh) ký và một văn bản khác (cũng số 2444/SXD-QLHTKT, cũng kí ngày 28/12/2012) do ông Phan Tấn Cảnh (Phó giám đốc Sở Xây dựng, nay là Giám đốc sở này) ký. Hai văn bản này giống y nhau, chỉ khác nhau ở văn bản do ông Hậu ký có phạm vi dự án 65.535m2 (gồm đất xây dựng hạ tầng, đất giáp ranh tượng đài, đất trong khuôn viên quảng trường). Còn văn bản do ông Cảnh ký thì phạm vi dự án 50.596m2 (gồm đất xây dựng hạ tầng, đất giáp ranh và đất khuôn viên nhà bảo tàng). Người dân cho biết việc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận cùng một lúc vận dụng hai văn bản cùng số, cùng ngày tháng năm do hai lãnh đạo sở ký nhưng có sự chênh lệch tăng thêm 14.940m2 nên đất của 10 hộ dân ba mặt đường chung quanh Nhà bảo tàng tỉnh bị UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm thu hồi để phân lô bán nền, dẫn đến khiếu kiện kéo dài 7 năm qua.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 16/8, Sở Xây dựng Ninh Thuận cho biết đã thu hồi văn bản số 2444 do ông Phạm Văn Hậu kí vì UBND tỉnh đồng ý phương án đầu tư xây dựng hạ tầng khu vực quanh bảo tàng tỉnh có phạm vi dự án khoảng 50.596m2 do ông Phan Tấn Cảnh kí. "Việc thời gian qua Sở không thu hồi, huỷ văn bản do ông Hậu kí là sai sót trong phát hành văn bản. Sở xây dựng xin nhận thiếu sót về nội dung này và sẽ chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong thời gian tới", Sở Xây dựng Ninh Thuận cho hay.
Theo Công Hoan - Đại Phong
Tiền Phong
Thủ tướng yêu cầu làm rõ cơ sở pháp lý về cơ chế đặc thù cho bồi thường, thu hồi đất, tái định cư tại TP.HCM Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về kiến nghị của UBND TP.HCM áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM. Cụ thể, trước...