Hé lộ những tình tiết mới về đại ca Long “vàng” bị thanh toán bằng axít
Giữa tuần qua, Ngô Văn Long (SN 1962, ở phố Hàn Thuyên, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội, tạm trú ở cao ốc 172 – 174 đường Ký Con, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM) bị tạt axít giữa trung tâm TP.HCM đã gây xôn xao dư luận, đặc biệt là trong thế giới ngầm từ Nam chí Bắc, bởi người bị tạt axít với biệt danh Long “vàng”, là đại ca giang hồ một thời đã từng bị CATP Hà Nội bắt giữ. Hiện Công an TP.HCM đang điều tra, truy xét vụ tạt axít. Nhiều nguồn thông tin cũng cho biết, chiến hữu và đàn em một thời của Long “vàng” đang ráo riết truy lùng và trừng phạt những sát thủ cả gan… vuốt râu hùm.
Hiện trường nơi Long “vàng” bị tạt axít là một quán ăn ngay giữa trung tâm TP.HCM
Đại ca lâm nạn bởi đòn thù tàn độc
Sống theo luật giang hồ có ngày cũng gặp họa, kẻ một thời ngang dọc như Lâm “chín ngón” là một minh chứng điển hình, cũng lĩnh hậu quả, sống trong những ngày cuối đời rồi chết theo nỗi hận bởi gương mặt bị tàn phá bởi axít. Long “vàng” thì khác, vào Sài Gòn lập nghiệp, sống vương giả nhưng giữa tuần qua cũng gặp họa bởi đòn thanh toán bằng axít. Cho đến thời điểm nay, chưa ai có thể khẳng định Long “vàng” đã gác kiếm giang hồ hay chưa? Nhưng cách thanh toán nhắm đến Long “vàng” thì sặc mùi giang hồ.
Thông tin ban đầu chính thức của Công an quận 1 cho biết, 19 giờ ngày 16-9, Long “vàng” một mình lái siêu xe Bentley 5 chỗ biển số 51A – 059.95 đến quán ăn ở số 11 đường Hàm Nghi, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 hội ngộ cùng một số chiến hữu đang ngồi chờ sẵn tại đây. Siêu xe vừa đỗ xịch, một bảo vệ của quán là Nguyễn Văn Hùng (SN 1989, trú tại phường Hiệp Thành, quận 12) chạy ra mở cửa xe cho Long “vàng” bước xuống.
Đại ca một thời, Long “vàng” vừa bước chân xuống xe, một xe gắn máy lao đến gần rồi dừng nhanh. Trên xe máy có hai đối tượng thanh niên. Bất ngờ đối tượng ngồi sau hất thẳng một bình thủy tinh chứa dung dịch, xác định là axít vào thẳng mặt của Long “vàng”. Hai đối tượng rú ga tẩu thoát. Chứng kiến cảnh tượng hãi hùng trên ngoài nhân viên của quán còn có rất nhiều người đi đường. Long “vàng” ngã xuống đất, ôm mặt kêu la đau đớn. Anh Hùng bảo vệ đứng gần Long “vàng” cũng bị vạ lây, dính axít vào người. Thời điểm xảy ra vụ việc, một số người đã lao ra đuổi theo, một số người khác đi đường sẵn có xe máy lao theo hai gã thanh niên tuy nhiên chúng phóng xe mất hút về phía quận 4. Tại hiện trường, khi Long “vàng” gặp nạn có một số chiến hữu có mặt sẵn. 2 người bạn tên Thanh và Điền khẩn trương bắt taxi đưa Long “vàng” vào Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM cấp cứu. Riêng anh Hùng cũng được các nhân viên của quán ăn đưa vào Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn gần đó
Nghe tin Long “vàng” gặp nạn, những chiến hữu và đàn em một thời kéo đến chật kín khoa Bỏng – Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Liên tiếp trong đêm đó và những ngày sau, bên cạnh Long “vàng” đang nằm điều trị có một số thanh niên người đầy hình xăm đứng túc trực, canh gác… Chưa kể phía bên ngoài phòng bệnh có hàng chục người khác. Những ai ra vào phòng bệnh, nơi Long “vàng” đang nằm điều trị đều bị chặn lại, hỏi thăm… Những người có mặt bên cạnh Long “vàng” thẳng thừng nói không trao đổi với báo chí. Các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy xác nhận, Long “vàng” nhập viện trong tình trạng bị bỏng nặng ở nhiều nơi trên cơ thể như: mắt, cổ, thân, tay phải; trong đó hai mắt bị dính axít nặng nhất. Nạn nhân được xác định là bỏng 9% độ 2 AB. Về hai mắt, các y bác sĩ chẩn đoán một mắt có khả năng bị mù vĩnh viễn, mắt còn lại chỉ còn 20%, gương mặt sẽ bị biến dạng về sau. Đáng nói sau hai ngày nằm tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, gia đình đã làm thủ tục xuất viện cho Long “vàng” để đưa ra Hà Nội điều trị.
Quay trở lại hiện trường vụ tạt axít, ngay khi vừa xảy ra, Công an phường Nguyễn Thái Bình, Công an quận 1 và Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP.HCM đã có mặt. Những nhân chứng khác cho biết, việc diễn ra quá nhanh chỉ nghe tiếng hô, nhìn ra ngoài thì thấy người đàn ông là Long “vàng” ôm mặt kêu la thảm thiết và hai thanh niên phóng xe tẩu thoát bạt mạng, biến mất trong dòng người. Còn nhân viên Hùng cho biết, thấy hai thanh niên gây án đi trên xe máy màu đỏ, lúc xảy ra anh Hùng có nhìn thấy BKS xe gắn máy có dòng chữ 54Z2, còn những chữ số sau thì không kịp ghi nhận.
Chân dung đại ca khét tiếng một thời
Video đang HOT
Thực tế, trong thế giới ngầm từ Nam chí Bắc cái tên Long “vàng” từng được giới xã hội đen coi là đại ca. Không thể sánh với ông trùm Năm Cam hay nữ quái Dung “Hà”, nhưng thời trước Long “vàng” có thể xếp cùng chiếu với các tên tuổi khét tiếng trong giới ở miền Bắc như: Hải “bánh”, Phúc “bồ”, Sơn “bạch tạng”… Long “vàng” là trùm giang hồ nhưng đại ca này náu thân kỹ lưỡng, ít trực tiếp lộ mặt nên đến giờ lý lịch Long “vàng” chỉ là hai tiền án.
Thời đó Long “vàng” hoạt động trong lĩnh vực cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê và hùn vốn kinh doanh những sòng bạc dạng quốc tế ở Tuần Châu, Quảng Ninh và bên kia biên giới Campuchia. Và hắn đã dính một tiền án “đánh bạc” trong một lần mà giang hồ cho rằng… xui rủi. Làm ăn có máu mặt, nên quy tụ dưới trướng của Long “vàng” là hàng loạt những tay anh chị dao búa, nhiều tiền án, dám chơi dám chịu, những cái tên điển hình phải kể đến là Nam “con” (tức Đào Xuân Nam, SN 1982), Vinh “biên” (tức Trần Văn Vinh, SN 1964, cùng trú tại Hải Phòng)… Thực tế đã có một số vụ án thanh toán kiểu giang hồ có sự tham gia của Long “vàng” trực tiếp hay gián tiếp làm chấn động giới giang hồ một thời.
Vụ điển hình là Long “vàng” chỉ đạo đàn em thanh toán dằn mặt Trần Quốc Khánh (SN 1966, HKTT Hà Nội) và chính vụ này đã làm cho Long “vàng” dính vòng lao lý lần thứ hai. Được biết vụ án xuất phát từ việc quý bà Phạm Thúy Ngân (SN 1952, một Việt kiều Nga, gốc Hà Nội) có cho Khánh mượn tiền để cho các tiểu thương ở chợ Vòm tại Nga vay lấy lãi.
Sau khi chấm dứt làm ăn, Ngân vẫn cho rằng Khánh còn nợ và quỵt mình 180.000 USD. Nói chuyện nợ nần với Khánh không thành, Ngân về nước nhờ đến Long “vàng” với thỏa thuận ăn chia 50/50 trên tổng số tiền đòi được. Nghe giang hồ bắn tiếng, Long “vàng” sẽ đại diện cho Ngân giải quyết nợ nần với mình, thừa biết tiếng tăm của Long “vàng” nên Khánh đến gặp, năn nỉ Long “vàng” thong thả để xem lại sổ sách rồi quyết toán với Ngân. Thế nhưng từ đầu năm 2008 đến tháng 3-2009 thấy Khánh không đả động gì đến nợ nần nên Long “vàng” quyết dùng biện pháp mạnh. Một đêm giữa tháng 3-2009, đàn em thân tín nhất của Long “vàng” là Nam “con” đã chỉ đạo một nhóm sát thủ phục kích trước nhà Khánh ở phố Cửa Đông, chém gục người đàn ông này. Sau này Khánh phải ôm thương tật vĩnh viễn 47%. Lần ấy Long và các đàn em sa lưới. Các đàn em trả giá nặng, còn Long “vàng” chỉ 12 tháng 9 ngày tù, bằng thời gian tạm giam nên được trả tự do ngay tại phiên xử.
Trước đó trong vụ Vinh “biên”chém gây thương tích hơn 40% cho Hải “cốm”, tức Nguyễn Văn Hải, SN 1962, HKTT Hà Nội, cũng được cho là xuất phát từ ý kiến của Long “vàng”. Cụ thể Hải “cốm” nợ Long “vàng” 10.000 USD nhưng nhiều năm không trả. Đại ca đã từng nhiều lần nói nhẹ lẫn nặng lời nhưng Hải “cốm” vẫn chây ỳ. Biết chuyện Vinh “biên” tự nguyện xin ý kiến đại ca đi đòi giúp. Giang hồ nói ít làm nhiều, gặp Hải “cốm” trên đường, Vinh “biên” gọi vào quán cà phê nói chuyện. Vinh hỏi nhỏ nhẹ, “tiền của anh Long “vàng” anh tính sao?”. Hải “cốm” cũng đáp cho khất vì đang gặp nhiều khó khăn. Không nói không rằng, Vinh “biên” chém gục Hải “cốm” ngay quán rồi cất bước ra về. Quãng thời gian giữa năm 2006 tại Sài Gòn, bà trùm Hạnh “sự”, tức Nguyễn Thị Hạnh (SN 1958, HKTT Hà Nội) bị 3 sát thủ truy sát, chém gục trong một quán ăn đến suýt mất mạng ngay giữa trung tâm Sài Gòn, thì Long “vàng” cũng bị Công an TP.HCM liệt vào dạng nghi can. Cơ sở nhắm vào Long “vàng” lúc đó vì đại ca này đụng chạm về quyền lợi khá nhiều với Hạnh “sự” trong địa hạt kinh doanh casino ở Campuchia. Nhưng vụ án rồi cũng chìm vào quên lãng…
Giai đoạn sau khi tập đoàn tội ác Năm Cam bị xóa số, Sài Gòn khi đó trở thành miền đất hứa với các tay anh chị đất Bắc. Một số người, trong đó có Long “vàng” vào Sài Gòn lập nghiệp. Sau khi mãn hạn tù vào giữa năm 2010 thì Long “vàng” đầu tư mạnh vào việc làm ăn ở Sài Gòn kinh doanh vũ trường và một số tụ điểm giải trí khác. Nhiều nguồn thông tin trong thế giới ngầm cho hay, Long “vàng” vẫn đang đầu tư casino ở Campuchia nhưng hoạt động này đang là khó khăn chung. Trở thành doanh nhân, sống vương giả, tiếng tăm Long “vàng” vẫn còn đó nhưng đến nay thì đại ca này bị dính đòn thù hằn bởi axít. Chưa biết ai cả gan xâm hại đến ông trùm nhưng kẻ đó đang bị lực lượng công an lẫn giang hồ… truy xét.
Anh Sinh
Theo ANTD
Chỉ 1% công chức... không hoàn thành nhiệm vụ
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết qua báo cáo bước đầu của các địa phương cho thấy chỉ có trên dưới 1% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ.
Công an xã ở H.Hải Lăng (Quảng Trị) tổ chức "giao lưu" trong giờ làm việc bị phóng viên QTV ghi hình lại giữa tháng 2.2013
Chiều qua, Ủy ban TVQH cho ý kiến về Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Trước khi bước vào phiên thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị phải đánh giá đội ngũ cán bộ công chức (CBCC) hiện nay đạt trình độ, hiệu quả làm việc như thế nào. "Dư luận nói 30% không đạt yêu cầu thì có đúng không?", ông hỏi.
Từ khóa 9 đã nói "5 chạy", trong đó có chạy chức, chạy quyền, chạy việc, chạy ghế gì đó nữa, nhiều chạy lắm
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước
Đại diện cơ quan chủ trì giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho hay các địa phương nói đến nay chưa có tiêu chí cụ thể đánh giá hiệu quả CBCC nên rất khó xác định được chính xác bao nhiêu phần trăm CBCC đáp ứng được yêu cầu công việc, bao nhiêu phần trăm không. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình bổ sung: Vừa rồi chưa có đầy đủ dữ liệu để đánh giá đúng và trúng trình độ, chất lượng đội ngũ CBCC các cấp nên chưa thể phân loại được CBCC. Sau khi một số cán bộ T.Ư và địa phương phát biểu về vấn đề này, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bộ Nội vụ cũng đã nêu vấn đề để tìm nguyên nhân. "Chúng tôi có đề nghị các bộ, địa phương có báo cáo phân tích chất lượng, số lượng CBCC tính đến 31.12.2012. Số liệu các địa phương tổng hợp gửi lên chưa đầy đủ nên chưa có số cuối cùng, nhưng qua tổng hợp sơ bộ, số không hoàn thành nhiệm vụ chỉ trên dưới 1%", Bộ trưởng Bộ Nội vụ báo cáo.
Từ khóa 9 đã nói "5 chạy"
Ngay đầu phiên thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng đã đề nghị phải làm rõ trong báo cáo giám sát này việc có hay không tiêu cực trong tuyển dụng và bổ nhiệm đội ngũ CBCC. Đây cũng là câu hỏi nhiều vị Ủy viên TVQH đặt ra khi góp ý về nội dung báo cáo. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng cho rằng, giám sát lần này đáng lẽ phải nêu được vấn đề này, chỉ ra một số hiện tượng vượt quy định, vượt khung trong tuyển chọn, bổ nhiệm CBCC ở một số ngành, địa phương nào đấy, vì đó là nội dung dư luận không đồng tình, nghi ngờ trong công tác cán bộ có tiêu cực, tham nhũng.
"Từ khóa 9 (Trung ương Đảng khóa IX - PV) đã nói "5 chạy", trong đó có chạy chức, chạy quyền, chạy việc, chạy ghế gì đó nữa, nhiều chạy lắm, thế thì giám sát lần này phải thấy những việc không đúng theo quy định pháp luật để đặt vấn đề yêu cầu Chính phủ hoặc cơ quan đó, địa phương đó kiểm tra lại vấn đề dư luận nêu, như thế mới đầy đủ, ví như chuyện có người sau một năm được bổ nhiệm hay được phong tướng thì về hưu, không phải tất cả đều tiêu cực nhưng do cách làm của ta có sự bất nhất nên cần làm rõ thực chất là thế nào", ông Ksor Phước gợi mở.
"Phê" luôn báo cáo giám sát tuy nêu tất cả vấn đề "nhưng đụng vào vấn đề nhạy cảm thì ta xuôi xuôi theo, không dám nói bật lên", Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh: "Đảng dũng cảm đối mặt rồi thì QH cũng phải đối mặt với vấn đề này. Qua kết quả giám sát của QH để Đảng tiếp thu xem có sơ suất ở đâu, ở khâu nào trong bổ nhiệm cán bộ, đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới".
Liên quan đến câu hỏi có hay không tiêu cực trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm CBCC mà Chủ tịch QH đặt ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho hay, trong báo cáo của Chính phủ không thấy nêu vấn đề này. Đoàn giám sát có yêu cầu và Chính phủ có hứa sẽ cung cấp kết quả thanh kiểm tra và xử lý tiêu cực trong công tác thi tuyển, bổ nhiệm CBCC, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được báo cáo.
Gác cổng thế nào mà quá nhiều cấp phó ?
Trong 2 lần phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nêu thêm thực trạng: "Theo quy định về cấp phó thì mỗi bộ không quá 4 thứ trưởng nhưng đếm qua danh bạ điện thoại năm 2012 thấy có bộ tới 11 thứ trưởng. Quy định cấp tổng cục, cấp cục, cấp phó cũng không được quá 4 nhưng thực tế bây giờ có tổng cục có tới cả chục đồng chí cấp phó, trong khi thời tôi làm bộ trưởng quy định không quá 3, chỉ một số bộ đặc thù không quá 4. Trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc gác cổng cho Chính phủ về vấn đề này như thế nào?".
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng phàn nàn về tình trạng có lắm cán bộ giữ chức vụ quá, thậm chí có những cơ quan số cán bộ có chức vụ đông hơn cả... nhân viên, và lo ngại tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến chính sách về khoán lương cho mỗi cơ quan, đơn vị hiện nay.
Nhân nói về công tác tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc "phê" quy trình bổ nhiệm cán bộ từ 20 năm trước đến nay vẫn không thay đổi là bao. Chẳng hạn như việc bổ nhiệm một cán bộ cấp dưới của bộ trưởng thì đều phụ thuộc vào tỷ lệ phiếu bầu, và bản thân bộ trưởng cũng chỉ được thể hiện chính kiến bằng 1 phiếu. "Chính vì quy định này mà khi chia tay (khi nghỉ hưu theo chế độ - PV), Thủ tướng Phan Văn Khải nói công tác cán bộ thế này là rất khó, người đứng đầu không chịu trách nhiệm trực tiếp được và không quy được trách nhiệm cho người đứng đầu về việc anh bổ nhiệm, anh lựa chọn ai. Sau này họ không làm được thì không phê được, cũng không có cách nào kỷ luật được", ông Ksor Phước đơn cử, và đề nghị, thông qua giám sát lần này phải đề xuất đổi mới được vấn đề gì về công tác cán bộ mà vẫn bảo đảm được vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác này.
Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đào tạo, tuyển dụng và bổ nhiệm CBCC do Ủy ban Pháp luật của QH chủ trì thực hiện cho thấy, tính đến 31.12.2012, số lượng CBCC được tuyển dụng là 525.481 người, trong đó số lượng tiến sĩ là 2.209 người (0,4%), thạc sĩ là 19.665 người (3,7%), cử nhân ĐH là 275.616 người (52,5%). Về trình độ chuyên môn, có 64.584 CBCC chưa qua đào tạo, chiếm 12,3%; về trình độ lý luận chính trị, có 278.772 CBCC chưa qua đào tạo, chiếm tỷ lệ 53,1%. Đáng chú ý, CBCC cấp xã, tỷ lệ có trình độ dưới ĐH là 163.293 người (chiếm 75,2%); tỷ lệ chưa qua đào tạo về quản lý nhà nước là 113.365 người (chiếm 52,2%).
Bảo Cầm
Theo TNO
30% công chức không hoàn thành nhiệm vụ? Đó là câu hỏi được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra cho Đoàn giám sát và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình khi thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chiều 20-9....