Hé lộ lời khai của “thầy ông nội” Lê Tùng Vân: Chưa rõ vợ, con là ai
Ông Vân khai nhận có tham gia trực tiếp trong clip 5 Chú Tiểu – Phần 2, Người lớn mừng tuổi thầy “ông nội” Ngày mùng 1 Tết; Khai nhận từng có lời nói trước những người sống tại “Thiền am” với nội dung “… Thích Nhật Từ không giữ sĩ diện…”, trong số những người nghe, có bị can Hoàng Nguyên…
Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Long An đề nghị truy tố 6 bị can vụ “ Tịnh thất Bồng Lai”, trong đó Lê Tùng Vân là người đóng vai trò tổ chức, chỉ đạo. Kết luận cho rằng, từ giai đoạn năm 2019 đến khi bị khởi tố, bắt tạm giam, các bị can đã có hành vi vi phạm pháp luật diễn ra trên không gian mạng.
Ông Lê Tùng Vân từ lúc bị khởi tố bị can đến nay vẫn đang được cho tại ngoại hầu tra. Khai với cơ quan điều tra, ông Vân thừa nhận đã chỉ đạo cho Hoàng Nguyên và Nhất Nguyên tạo tài khoản YouTube để đăng tải những video clip với nội dung mà Thiền am dàn dựng quay phim, nhằm cho cộng đồng mạng trong và ngoài nước xem biết đến hoạt động của nhóm người tại Tịnh thất Bồng Lai – Thiền am bên bờ vũ trụ.
Ông Vân cũng khai nhận rằng, vào năm 2021, ông Vân chỉ đạo Hoàng Nguyên, Nhất Nguyên biên soạn nội dung phim hài kịch và quay thành video clip, sau đó trình chiếu để ông Vân duyệt rồi cho phép đăng lên tài khoản YouTube “5 Chú Tiểu – Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ” ngày 22/8/2021, với tên gọi “phim hài chiếu rạp mùa dịch năm 2021: Vùng đất Huyền bí – 5 Chú Tiểu Thách Thách Thức Danh Hài”. Trong video clip bị can Lê Tùng Vân tham gia diễn xuất trong vai “Phật Hồng học văn du”…
Ngoài ra, ông Vân khai nhận có tham gia trực tiếp trong clip 5 Chú Tiểu – Phần 2, Người lớn mừng tuổi thầy “ông nội” Ngày mùng 1 Tết; Khai nhận từng có lời nói trước những người sống tại “Thiền am” với nội dung “… Thích Nhật Từ không giữ sĩ diện…”, trong số những người nghe, có bị can Hoàng Nguyên…
Từ lời khai của ông Vân, cơ quan điều tra khẳng định ông Lê Tùng Vân trực tiếp có những lời nói, phát ngôn xuyên tạc Phật giáo, xúi giục mọi người không tôn trọng tôn giáo và luật pháp trong các video clip. Bị can Lê Tùng Vân, theo cơ quan điều tra là có tình tiết giảm nhẹ vì ông Vân trên 70 tuổi.
Video đang HOT
Tuy nhiên ông Vân cũng có tình tiết tăng nặng vì phạm tội có tổ chức và phạm tội 2 lần trở lên. Tại bản KLĐT, Cơ quan điều tra xác minh lý lịch bị can Lê Tùng Vân, qua đó cho biết ông Vân quê quán xã Châu Phú, thị xã Châu Phú, tỉnh An Giang.
Nơi thường trú là ở đường Lý Chiêu Hoàng, TPHCM và nơi ở hiện tại của ông Vân là hộ bà Cúc (tức nơi đặt Tịnh thất Bồng Lai). Ngoài cha, mẹ đã mất, Cơ quan điều tra nêu ‘chưa rõ’ vợ và con của ông Lê Tùng Vân.
Ngoài ra, những người ở tịnh thất Bồng Lai còn bị công an tỉnh điều tra thêm dấu hiệu của tội loạn luân, lừa đảo trong việc nhận tiền quyên góp từ thiện theo đơn tố giác.
Hiện, hộ bà Cúc nhận nuôi có 8 trẻ em, trong đó có 6 trẻ sống với mẹ ruột và hai trẻ được nhận nuôi. Cơ quan chức năng xác định việc lập hồ sơ nhận con nuôi còn nhiều tình tiết chưa đảm bảo quy định pháp luật.
Những đứa trẻ là "sản phẩm" ở Tịnh thất Bồng Lai: Nút share nhẫn tâm!
Sắp tới, các trang tin điện tử tổng hợp chia sẻ hình ảnh những đứa trẻ ở Tịnh thất Bồng Lai sẽ bị phạt nặng!
Khi sự việc tại Tịnh thất Bồng Lai được điều tra, đặc biệt là về dấu hiệu phạm tội loạn luân của người đứng đầu cơ sở, ngay lập tức thông tin, hình ảnh của những đứa trẻ là "sản phẩm" cũng tràn ngập mạng xã hội. Sự việc bị nhiều người đem ra bỡn cợt, chà đạp.
Những bình luận ác ý về việc người đứng đầu Tịnh thất xâm hại chính con cái mình như: "nể cụ", "xách dép học cụ", "giống tốt", "cho xin bí quyết"... đăng kèm sơ đồ phả hệ tự vẽ với đầy đủ họ tên những đứa trẻ được chia sẻ liên tục. Có thời điểm, Facebook "bội thực" thông tin, hình ảnh của những đứa trẻ liên tục bị share, lan truyền.
Loạn luân là hành vi cần lên án, là tội phạm đặc biệt, phải xóa bỏ hoàn toàn trong xã hội nhưng hệ quả hành vi phạm tội đó của người lớn lại là những đứa trẻ, không được quyền lựa chọn. Đó là những nạn nhân trực tiếp, cần được bảo vệ trước hết.
So với nhiều vụ việc, việc bảo vệ danh tính những đứa trẻ tại Tịnh thất Bồng Lai không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là cực kỳ khó. Bởi trước đó, các em đã bị người lớn tại nơi này sử dụng làm truyền thông quảng bá hình ảnh cho các hành vi trục lợi từ thiện, xuất hiện trên nhiều gameshow trên truyền hình...
Nhưng dù vậy, mỗi người đều được quyền kiểm soát, làm chủ với mỗi cú nhấn chuột để "like", để "share" của chính mình. Trước việc hình ảnh, thông tin của trẻ em ở Tịnh thất Bồng Lai bị chia sẻ vô tội vạ, bà Trần Thu Hà, nhà hoạt động vì trẻ em và phụ nữ tại TP.HCM bày tỏ:
"Nhìn hình ảnh và tên tuổi, thông tin giám định DNA, cây phả hệ... của các cháu bé ở Tịnh thất Bồng Lai lan khắp chốn mà đau lòng vô cùng. Hình ảnh và tên tuổi của những đứa trẻ đã lưu trên các công cụ tìm kiếm, các trang web phổ biến nhất, đến bao giờ mới xóa được?".
Theo bà Hà, quyền riêng tư, quyền với hình ảnh, thông tin cá nhân của mỗi người hiện chưa thật sự được tôn trọng. Những nút "share" hồn nhiên, vô cảm có thể làm mỗi người trở thành nhẫn tâm hơn.
Nhà hoạt động vì trẻ em và phụ nữ này cũng phân tích, về bản tính, con người ai cũng tò mò, bản năng làm ta muốn biết tại sao có những cuộc đời chịu nhiều bất hạnh, ta nóng lòng muốn biết cụ thể họ làm gì và như thế nào. Nhưng mỗi người hãy nhẹ tay, đừng share, đừng click vào những trang mạng khai thác quá mức thông tin cá nhân và nỗi đau của người thân phạm nhân.
Bà Hà nhắc đến những vụ án, sau khi người có tội lĩnh án, thì những người thân vô tội của họ bị bỏ lại giữa thị phi. Nhiều người phải chạy trốn khỏi quê hương bản quán, đi biệt xứ.
"Share chậm lại, like chậm lại! Bởi vì với những tâm hồn sau đó đang bầm dập. Im lặng là một món quà thậm chí còn cần thiết hơn cả oxy để thở nữa", bà Trần Thu Hà nêu quan điểm.
Tại tọa đàm về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội gần đây, TS Tâm lý Đào Lê Hòa An - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Tâm lý học Việt Nam cũng từng cảnh báo thực trạng, trước nhiều sự việc, nhất là các sự việc tiêu cực, nhiều người tích cực like, share không phải vì mục đích tốt đẹp.
Theo lãnh đạo Cục trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, việc chia sẻ các hình ảnh, thông tin trên mạng, đăng tải cả gia phả tự vẽ liên quan đến nhiều người khiến đời sống của những đứa trẻ tại Tịnh thất Bồng Lai bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mới đây, Cục có văn bản đề nghị Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông ngăn chặn việc phát tán thông tin, hình ảnh trẻ em ở Tịnh Thất Bồng Lai trên mạng xã hội.
Ngày 12/1, bà Nguyễn Thị Nga, Cục phó Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), cho biết ngoài gửi công văn đến Cục An toàn thông tin, cơ quan này cũng kêu gọi cộng đồng, người dùng mạng xã hội ngừng chia sẻ thông tin chi tiết, hình ảnh rõ mặt, tên, tuổi, giữ bí mật đời tư cho các em trong vụ "Tịnh thất Bồng Lai" nói riêng và các vụ xâm hại, bạo hành nói chung.
Việc chia sẻ hình ảnh tràn lan đi kèm thông tin chưa được kiểm chứng có thể khiến các em bị tổn thương, dễ bị bạn bè trêu chọc, xa lánh, dẫn tới nguy cơ bỏ học. "Hình ảnh nhiều năm sau vẫn có thể bị đào bới lại khiến các em bị ảnh hưởng tương lai, đời sống riêng tư", bà nhận định.
Tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ từ 7 tuổi trở lên hoặc cha mẹ, người giám hộ cũng là hành vi nghiêm cấm, vi phạm quy định về bảo vệ trẻ em, có thể bị xử phạt hành chính đến 30 triệu đồng, bị buộc thu hồi, gỡ bỏ.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đề nghị các tỉnh, thành rà soát việc đăng ký, cấp phép hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, quỹ từ thiện chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; việc tiếp nhận, quản lý trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội trên toàn quốc. Kết quả kiểm tra gửi về Bộ trước ngày 28/2.