Hé lộ hội đồng quyền lực điều hành chính quyền mới của Afghanistan
Afghanistan sẽ do một hội đồng gồm 12 người điều hành, không kể tổng thống và tiểu vương.
Đồng sáng lập Taliban Abdul Ghani Baradar (chính giữa) sẽ có mặt trong hội đồng điều hành Afghanistan gồm 12 người (Ảnh: Getty).
Sputnik ngày 24/8 dẫn nguồn thạo tin cho biết, điều hành Afghanistan trong thời gian tới là một hội đồng gồm 12 người, trong đó, hiện 7 ứng viên gần như đã chắc chắn.
“Afghanistan sẽ được điều hành bởi một hội đồng gồm 12 người, không kể tổng thống và tiêu vương. Đến nay, hội đồng đã nhất trí một số ứng viên gồm đồng sáng lập Taliban Abdul Ghani Baradar, thành viên cấp cao mạng lưới Haqqani của Taliban Khalil-ur-Rehman Haqqani, cựu Tổng thống Hamid Karzai, cựu quan chức Hội đồng Hòa giải Quốc gia Abdullah Abdullah, cựu Bộ trưởng Nội vụ Hanif Atmar và lãnh đạo đảng Hội giáo Gulbuddin Hekmatyar”, nguồn tin cho biết.
Hiện các bên tiếp tục đàm phán để bổ nhiệm 5 thành viên còn lại của hội đồng. Nguyên soái quân đội Afghanistan Abdul Rashid Dostum và cựu Thống đốc tỉnh Balkh Atta Mohammad Noor có thể sẽ không có tên trong hội đồng điều hành này. Nguồn tin cho biết, hội đồng 12 thành viên trên không bao gồm tổng thống và tiểu vương.
Trước đó, ông Waheedullah Hashimi, một thành viên cấp cao của Taliban, cũng tiết lộ Afghanistan có thể được điều hành bởi một hội đồng cầm quyền trong khi thủ lĩnh tối cao Taliban Haibatullah Akhundzada có thể sẽ đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo tổng thể. Cơ cấu quyền lực này có nhiều điểm tương đồng với cách thức mà Taliban điều hành Afghanistan trong giai đoạn 1996-2001. Tuy nhiên, đến nay, hành tung của thủ lĩnh tối cao Haibatullah Akhundzada vẫn rất bí ẩn. Akhundzada đã không xuất hiện trước công chúng khoảng 6 tháng qua.
Một số nguồn tin nói rằng, Akhundzada có thể đang bị giới chức Pakistan bắt giữ.
Kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan hôm 15/8, lực lượng này đã đưa ra những tuyên bố khá ôn hòa. Họ khẳng định chính quyền mới sẽ mang diện mạo mới, khác với thời kỳ 1996 – 2001.
Taliban cam kết thành lập một chính phủ hòa nhập, thống nhất với sự tham gia của một số quan chức trong chính quyền cũ, phụ nữ cũng được tham vấn và đóng vai trò trong chính quyền mới. Lực lượng này tuyên bố, các bệnh viện, trường học, các cơ sở văn hóa sẽ tiếp tục hoạt động, các quyền của phụ nữ được tôn trọng, trẻ em cũng sẽ được đến trường.
Ngoài ra, Taliban cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ tái thiết đất nước, cam kết không cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào sử dụng Afghanistan để chống lại các quốc gia khác.
Bất chấp những cam kết này, nhiều người Afghanistan vẫn lo ngại về một giai đoạn bất ổn, bạo lực dưới sự kiểm soát của Taliban. Hàng nghìn người Afghanistan đã đổ về sân bay Kabul những ngày qua để tìm cách di tản khỏi đất nước trên chuyến bay quân sự của Mỹ và một số nước. Điều này đã gây ra tình trạng hỗn loạn ở khu vực sân bay. Các vụ nổ súng, giẫm đạp đã xảy ra ở cả bên trong và bên ngoài sân bay, khiến ít nhất 20 người thiệt mạng.
Taliban hôm qua cảnh báo, Mỹ và các nước đồng minh phải hoàn tất chiến dịch di tản trong tháng 8 này, nếu không họ sẽ phải “gánh hậu quả”. Trong vòng hơn một tuần trở lại đây, Mỹ đã sơ tán khoảng 37.000 người, trong khi Washington vẫn cần sơ tán khoảng 6.000 binh sĩ và hàng nghìn người khác nữa. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước để ngỏ khả năng binh sĩ Mỹ ở lại Afghanistan sau thời hạn 31/8 cho đến khi hoàn tất chiến dịch di tản.
Taliban nổ súng giải tán các cuộc biểu tình ở Afghanistan
Taliban muốn thiết lập quan hệ với các nước, đặc biệt là Mỹ
Người đồng sáng lập Taliban, Abdul Ghani Baradar, cho biết lực lượng này muốn thiết lập quan hệ với tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ.
Người đồng sáng lập Taliban Abdul Ghani Baradar (Ảnh: AFP).
"Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan muốn thiết lập quan hệ ngoại giao và thương mại với tất cả các nước, đặc biệt là với Mỹ", Abdul Ghani Baradar, người đồng sáng lập lực lượng Taliban, viết trên Twitter ngày 21/8.
"Chúng tôi chưa bao giờ nói về việc cắt đứt quan hệ thương mại với bất kỳ quốc gia nào. Tin đồn về việc này chỉ là tuyên truyền. Nó không đúng sự thật", Baradar cho biết.
Baradar, người được tin sẽ trở thành lãnh đạo tiếp theo của Afghanistan, hôm 21/8 đã đến thủ đô Kabul, không lâu sau khi trở lại Afghanistan sau 20 năm sống lưu vong. Tại đây, Baradar có cuộc họp với "các thủ lĩnh thánh chiến, các chính trị gia về việc thành lập một chính phủ toàn diện".
Một phát ngôn viên của Taliban cho biết, lực lượng này dự kiến sẽ công bố cơ cấu chính phủ mới ở Afghanistan trong vài tuần tới. Người phát ngôn khẳng định, mô hình chính phủ mới tuy không hẳn là một nền dân chủ theo định nghĩa của phương Tây, nhưng sẽ bảo vệ quyền lợi của tất cả mọi người.
"Các chuyên gia về luật pháp, tôn giáo và chính sách đối ngoại của Taliban sẽ công bố cơ cấu điều hành mới trong vài tuần tới", người phát ngôn của Taliban nói với Reuters hôm 21/8.
Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan hôm 15/8 sau khi chiếm hầu hết lãnh thổ nước này, trong đó có thủ đô Kabul. Tổng thống Ashraf Ghani, người đứng đầu chính phủ Afghanistan được phương Tây hậu thuẫn, đã kịp chạy ra nước ngoài trước khi các tay súng chiếm dinh tổng thống.
Hiện chưa rõ cơ cấu quyền lực trong chính quyền mới do Taliban lập ra, nhưng nhiều người dự đoán, Baradar sẽ đóng vai trò quan trọng trong bộ máy này và rất có thể là vị trí tương đương tổng thống.
Baradar thành lập Taliban vào năm 1994 cùng với 3 thủ lĩnh khác và đảm nhận vai trò là đại diện đàm phán của lực lượng này trong các cuộc hòa đàm ở Doha, Qatar. Năm 2010, ông bị bắt tại Karachi, Pakistan sau một chiến dịch chung giữa Mỹ và Pakistan.
Baradar được phóng thích vào năm 2018 theo đề nghị của chính phủ Mỹ để ông có thể đóng vai trò là đại diện Taliban tham gia hòa đàm. Năm ngoái, thủ lĩnh này đã liên lạc với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và trở thành thủ lĩnh đầu tiên của tổ chức này liên hệ với một tổng thống Mỹ. Baradar được cho là có tư tưởng ủng hộ đối thoại với Mỹ.
Người phát ngôn Taliban Zabiullah Mujahid ngày 19/8 cũng tuyên bố lực lượng này mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị với mọi quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ.
"Thế giới không nên sợ chúng tôi. Chúng tôi cần được công nhận. Chúng tôi muốn có quan hệ hữu nghị với tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Mỹ", Mujahid cho biết.
Sau khi kiểm soát thủ đô Kabul, Taliban dường như đã thể hiện một hình ảnh rất khác so với trước đây. Giới quan sát cho rằng đây là chiến lược của Taliban nhằm thay đổi hình ảnh thành một lực lượng có trách nhiệm phù hợp để điều hành một quốc gia.
Tại cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi nắm quyền kiểm soát thủ đô Kabul hôm 16/8, người phát ngôn Mujahid cho biết Taliban "không muốn có bất kỳ kẻ thù nào dù là bên trong hay bên ngoài đất nước", đồng thời khẳng định có "sự khác biệt rất lớn" giữa lực lượng Taliban bây giờ và 20 năm trước.
Người nổi tiếng mạng xã hội Afghanistan lo sợ bị Taliban trả thù Những người trẻ có ảnh hưởng trên mạng xã hội Afghanistan đã "lui về ở ẩn" hoặc bỏ trốn vì lo sợ có thể gặp nguy hiểm khi Taliban lên nắm quyền. (Ảnh minh họa: Aljazeera). Mạng xã hội của nữ ca sĩ nổi tiếng Sadiqa Madadgar cũng giống như bất kỳ người trẻ có ảnh hưởng nào khác ở Afghanistan cho đến...