HDBank dự kiến mở thêm 23 chi nhánh, phòng giao dịch trong năm 2019
Với 23 chi nhánh, phòng giao dịch mở mới trong năm 2019, Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP HCM ( HDBank) sẽ nâng tổng hệ thống mạng lưới điểm giao dịch lên con số 308 điểm.
HDBank là ngân hàng có tốc độ phát triển mạng lưới dẫn đầu hệ thống với 308 chi nhánh, PGD trên cả nước
Với tiềm lực tài chính vững mạnh cùng hiệu quả hoạt động vượt trội, HDBank vừa trở thành một trong số rất ít ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê chuẩn kế hoạch mở mới 23 chi nhánh, phòng giao dịch trong năm 2019.
Hoàn tất kế hoạch này, HDBank sẽ sở hữu 308 chi nhánh và phòng giao dịch, và là ngân hàng có tốc độ phát triển mạng lưới dẫn đầu hệ thống những năm gần đây.
Kết thúc năm 2018, HDBank đã hoàn tất mở mới 45 điểm giao dịch ngân hàng trên cả nước, nhằm phục vụ cho chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ và SME. Số lượng điểm giao dịch tài chính tiêu dùng cũng tăng thêm 2.323, đạt 13.825 điểm giao dịch, tiếp tục dẫn đầu toàn ngành tài chính tiêu dùng về quy mô mạng lưới.
Hệ thống mạng lưới rộng lớn giúp HDBank và HD Saison phục vụ hiệu quả gần 7 triệu khách hàng, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, nơi người dân chưa có nhiều điều kiện tiếp cận các dịch vụ ngân hàng và tài chính tiêu dùng hiện đại.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, để được cấp phép mở mới chi nhánh và phòng giao dịch, các NHTM phải tuân thủ đầy đủ các quy định về quy mô vốn, các hệ số đảm bảo an toàn hoạt động, hiệu quả kinh doanh cao, tỷ lệ nợ xấu thấp, đồng thời phải có hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ hiệu quả.
Cùng với việc mở rộng mạnh mẽ mạng lưới điểm giao dịch, năm 2018 HDBank đã ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế cao nhất từ trước đến nay, đạt 4.005 tỷ đồng và tăng 65,7% so với năm 2017. Trong đó, hoạt động dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, khi đạt mức lãi thuần 438 tỷ đồng, gấp hơn hai lần năm 2017. Thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng tăng hơn 2 lần, lên 298 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần đạt 7.646 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước dù dư nợ tín dụng trong năm chỉ tăng 18,2%. Tổng thu nhập hoạt động đạt 9.438 tỷ đồng, tăng 25,7%.
Quy mô tài sản của HDBank đến 31/12/2018 đạt 216.108 tỷ đồng, tăng trưởng 14,1% so với năm 2017. Tổng huy động đạt 191.588 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng 14,0% lên 16.828 tỷ đồng và đã sẵn sàng đáp ứng tiêu chuẩn Basel II khi được ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Video đang HOT
Năm 2019, HDBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 5.077 tỷ đồng, đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng sản phẩm dịch vụ và giữ vững vị trí số 1 thị trường về mạng lưới điểm giao dịch ngân hàng hàng và tài chính tiêu dùng.
Theo thuonggiaonline
Ngân hàng ứng phó với việc bị siết tăng trưởng tín dụng
80% nguồn thu của các ngân hàng Việt đến từ hoạt động cho vay, nên việc bị siết tăng trưởng tín dụng sẽ khiến lợi nhuận các ngân hàng sụt giảm trong bối cảnh nguồn thu từ dịch vụ chưa tăng kịp và các ngân hàng đã và đang lên kế hoạch ứng phó trong trường hợp này.
Hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2019 của nhiều ngân hàng sẽ thấp hơn năm 2018.
Cho vay liên ngân hàng sẽ được đẩy mạnh
Một nghiên cứu của Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) cho biết, năm 2018, tăng trưởng cho vay của HDBank - Ngân hàng mẹ đã sử dụng hết hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng, trong khi công ty con là HD Saison mới chỉ sử dụng 1/3 hạn mức.
Cho vay khách hàng hợp nhất tăng trưởng 17,8%, đạt 123.130 tỷ đồng, trong đó tăng trưởng cho vay của HDBank mẹ là 18,3%, đạt 112.470 tỷ đồng. Cho vay ngắn hạn và cho vay trung - dài hạn tăng trưởng 19,7% và 16,8%. HDBank vẫn duy trì hơn 50% tổng dư nợ cho các khoản cho vay ngắn hạn.
Do đó, HDBank không lo lắng quá nhiều về quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung hạn được thắt chặt từ tháng 1/2019 (giảm xuống 40% từ 45% trong năm 2018).
"Cho vay khách hàng cá nhân vẫn đóng góp lớn nhất trong cơ cấu hoạt động của HDBank, với mức tăng trưởng 37-38% trong năm 2018", nghiên cứu của HSC cho biết.
Dù vậy, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thắt chặt tăng trưởng tín dụng, theo HSC, sẽ vẫn ảnh hưởng tới HDBank.
Cụ thể, trong năm 2018, HDBank đã mở thêm 40 chi nhánh và phòng giao dịch mới, nâng tổng số chi nhánh và phòng giao dịch lên con số 284 (tăng 18,8%) và bắt đầu đẩy mạnh cho vay từ quý I/2018 (tăng 11,5% so với đầu năm) và do đó sử dụng toàn bộ hạn mức tăng trưởng tín dụng ban đầu trong quý II/2018 (tăng 16,2% so với đầu năm).
Sau đó, HDBank tạm ngừng tăng trưởng cho vay trong toàn bộ quý III/2018 và vào cuối quý IV/2018 được phép tiếp tục cho vay. Bởi vậy, với định hướng thắt chặt hơn nữa tăng trưởng tín dụng của NHNN trong năm 2019 và một vài năm tới, HDBank có thể sẽ gặp khó khăn trong việc tối ưu hóa hiệu quả của hệ thống chi nhánh và phòng giao dịch mới thành lập.
Tình trạng này có thể được giải quyết nếu HDBank được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng lớn hơn sau khi hoàn tất sáp nhập với PG Bank, nhưng khả năng hạn mức mới có thể cao hơn mức 30% là rất thấp và mức 20-25% có lẽ là thực tế hơn.
Điều chỉnh giảm lợi nhuận
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, do tỷ lệ an toàn vốn của VietinBank đã tới mức tối thiểu nên từ tháng 9/2018 đến cuối năm, VietinBank không thể tăng trưởng tín dụng, trong khi nhu cầu vốn của nền kinh tế rất lớn, đặc biệt là trong thời gian tới đây khi tăng trưởng kinh tế của đất nước tiếp tục cải thiện, nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng sẽ tăng mạnh mẽ.
Nếu VietinBank không thể tăng trưởng tín dụng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, cũng như tham gia tài trợ vốn cho các dự án quan trọng của đất nước, từ đó tác động tới tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng.
Thực tế 3 năm gần đây, tăng trưởng tín dụng của VietinBank thường đến gần giới hạn do không được tăng vốn điều lệ. Trong bối cảnh tín dụng vẫn là nguồn thu chính, điều này khiến tăng trưởng lợi nhuận bị hạn chế.
Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường vào đầu tháng 12/2018, VietinBank đã phải điều chỉnh giảm lợi nhuận riêng lẻ xuống 6.200 tỷ đồng (hợp nhất 6.700 tỷ đồng) và đến cuối năm, VietinBank báo lãi năm 2018 đạt khoảng 6.834 tỷ đồng (giảm so với kế hoạch là 10.800 tỷ đồng).
"Do phương án tăng vốn chưa được phê duyệt nên trong năm 2018, VietinBank đã phải giảm dư nợ cho vay trong quý IV/2018 (trên 26.000 tỷ đồng)", ông Thọ nói.
Tổng giám đốc VietinBank Nguyễn Minh Bình cho biết, VietinBank đặt ra 2 kịch bản kế hoạch kinh doanh cho năm 2019, với điều kiện bỏ ngỏ là việc liệu có được phê duyệt kế hoạch tăng vốn hay không.
Cụ thể, ở kịch bản 1, trong trường hợp không được phê duyệt tăng vốn, VietinBank đặt kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản 5%, tăng trưởng tín dụng 6,8%, lợi nhuận trước thuế ước đạt 9.500 tỷ đồng. Với kịch bản 2 là được phê duyệt tăng vốn, mức tăng trưởng tín dụng sẽ cao hơn, nhưng vẫn chưa có con số cụ thể.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank trong cuộc gặp mặt báo chí ngày hồi giữa tháng 8/2018 cho biết, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 điều chỉnh giảm từ 1.800 tỷ đồng xuống còn 1.200 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân điều chỉnh, ông Thắng cho biết: Thứ nhất, kế hoạch đầu năm xây dựng dựa trên mức tăng trưởng tín dụng là 20%, nhưng phê duyệt của NHNN chỉ là 14% khiến LienVietPostBank phải điều chỉnh các chỉ tiêu tổng tài sản, huy động vốn và dư nợ thị trường 1 để tương ứng với room tín dụng cho phép, nên lợi nhuận cũng phải điều chỉnh.
Thứ hai, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng bị siết lại giai đoạn 2018-2019, LienVietPostBank xác định chiến lược là tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trong đó ưu tiên phát triển mạng lưới.
Cụ thể, chỉ tính riêng số lượng điểm giao dịch của LienVietPostBank được mở mới trong 6 tháng đầu năm 2018 là 95 phòng giao dịch bưu điện nâng cấp, 2 chi nhánh và 1 phòng giao dịch trực thuộc, tức là gần bằng một nửa trong tổng số hơn 200 chi nhánh, phòng giao dịch được mở trong suốt 9 năm hoạt động từ 2008 đến 2017.
"Mở rộng mạng lưới sẽ làm tăng chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, hạ tầng công nghệ và đặc biệt là chi phí nhân sự, quản lý..., trong khi room tín dụng lại thấp khiến lợi nhuận của các ngân hàng sụt giảm. Nếu chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng vẫn thấp trong năm 2019, kịch bản của năm 2018 không loại trừ khả năng sẽ lặp lại", các chuyên gia phân tích nhận định.
Nhuệ Mẫn
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
HDBbank lọt top 200 ngân hàng hàng đầu khu vực Với kết quả sinh lời ấn tượng từ hoạt động kinh doanh cốt lõi trong năm 2018, HDBank vừa nâng thứ bậc trong Top 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương theo công bố của The Asian Banker. Đây là năm thứ 2 liên tiếp HDBank lọt vào danh sách uy tín này. HDBank hiện nằm ở...