Hãy lấy mảnh gương ác ra khỏi trái tim người thầy và những đứa trẻ
Phiếu khảo sát học sinh bị ép tát bạn 231 cái bộc lộ yếu kém về năng lực và nhân cách hiệu trưởng. Người lớn đã biến 23 đứa trẻ thành những kẻ tàn nhẫn, vô tri, có thể cả dối trá.
Tôi đã cố quên sự việc đau lòng giáo viên trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) bắt học sinh tát bạn 231 cái như cố quên vụ cô ép trò uống nước giẻ lau; nữ hiệu trưởng đi taxi vào sân trường làm gẫy chân học trò, sau đó phát phiếu khảo sát cho cán bộ, giáo viên, học sinh khẳng định không có chuyện đó.
Mấy ngày nay, khi vụ việc khiến dư luận nhức nhối là Ban giám hiệu THCS Duy Ninh tiến hành khảo sát 23 học sinh bị ép tát bạn với 19 câu hỏi vô cảm, phản giáo dục, tôi không thể tiếp tục im lặng nữa.
Không thể chấp nhận bản điều tra học sinh tát bạn
Đọc 19 câu hỏi và sau đó là kết quả khảo sát với con số tát mạnh, tát vừa, tát nhẹ, tôi không thể không cho rằng người nghĩ ra “sáng kiến” này có vấn đề về đạo đức.
Nếu cô giáo bắt học sinh tát bạn nhận thức được sai lầm và biết phục thiện, nhiều người có thể xem xét tha thứ phần nào cho hình phạt phản giáo dục, có thể xem xét cái tát thứ 231 như giọt nước tràn ly của nữ giáo viên, và cũng có thể suy nghĩ thêm về lời cầu xin vì thành tích lố bịch, đáng xấu hổ của hiệu trưởng… Nhưng, tuyệt đối không thể chấp nhận cách hành xử của những người làm công tác giáo dục với tập thể học sinh trong và sau khi xảy ra sự việc.
TS Trịnh Thu Tuyết – nguyên giáo viên Ngữ văn, trường THPT Chu Văn An, Hà Nội. Ảnh: NVCC.
Phần lớn dư luận căm phẫn cô giáo vì lệnh trừng phạt phản giáo dục, xót thương cho em bé lớp 6 bị tổn thương đau đớn cả về thể chất và tinh thần, và nổi giận vì thái độ vô cảm của cô hiệu trưởng khi trả lời báo chí.
Trong tâm thế của người từng gắn bó gần 40 năm trong ngành giáo dục, tôi thấy sợ hãi và phẫn nộ khi hình dung tâm trạng của 23 học sinh trong lớp 6/2 trường THCS Duy Ninh bị buộc tát bạn mình. Sau đó, những em này phải điền giấy khảo sát về cô giáo, bạn bị đánh và chính mình.
Theo tâm lý mang nhân tính thông thường nhất của con người, không ai có thể bình thản dày vò đồng loại. Hồi còn nhỏ, khi dùng que nghịch trêu đàn kiến trong nhà, bà ngoại tôi nói: “Con đừng làm đau những con kiến này, chúng cũng biết đau, biết buồn, biết sợ như con người. Nếu làm nó chết, những con kiến khác sẽ buồn lắm”.
Bao năm qua, tôi vẫn nhớ lời dạy ấy để biết cảm nhận nỗi đau không chỉ của đồng loại. Lời bà giúp tôi tránh cái ác và biết phẫn nộ trước cái ác.
Nghe chuyện về 230 cái tát thật sự xót xa cho những đứa trẻ, hoặc cho sự tàn nhẫn vô cảm và đặc biệt ích kỷ được đào luyện trong cả quá trình giáo dục; hoặc cho nỗi đau ngây thơ trong lòng chúng – phải làm đau bạn mình, dù thương bạn cũng không dám nhẹ tay.
Những đứa trẻ phải ngoan ngoãn tát bạn thật lực, dù không có mặt cô giáo. Phải chăng chúng đã bị tê liệt hoàn toàn khả năng phản ứng của những nhân cách độc lập? Chúng sợ cái gì? Sợ sự tố giác của những bạn cùng lớp hay uy lực vô hình của giáo viên vẫn hiện hữu, bất chấp cô ở đâu?
Đây có phải những hạt mầm đầu tiên gieo trồng cái ác cùng tâm lý nô lệ? Và những phiếu khảo sát sau vụ việc đau lòng tiếp tục bộc lộ sự kém cỏi trong cả năng lực và nhân cách những người làm giáo dục.
Họ đã biến 23 đứa trẻ với nét chữ còn vụng về, gạch xóa, trở thành những kẻ tàn nhẫn, vô tri và có thể phải dối trá. Triết lý giáo dục nào có thể dung túng phương pháp dạy học chuyên quyền, tàn bạo và giả dối ấy?
Thành quả giáo dục là những đứa trẻ vô cảm
Tôi đã muốn khóc khi đọc hai câu trả lời của một bé chỉ hơn cháu ngoại mình vài tuổi: Câu 11: Sau khi tát, bạn N. có ra máu không? – không biết! Câu 12: Sau khi tát, cả lớp có ai bật khóc không? – không.
Bảng câu hỏi và “lời khai” của một học sinh trong lớp. Ảnh: Người Lao Động.
Có lẽ, những người khảo sát đã rất hài lòng với hai câu trả lời cho thấy vết thương của bé N. chắc không nghiêm trọng và không có gì khiến cả lớp phải xúc động.
Họ có nghĩ rằng hai câu trả lời “không” và “không biết” đã tái hiện bức tranh giáo dục khủng khiếp mà họ tạo nên. Thành phẩm giáo dục của họ là những đứa trẻ hoặc vô cảm (khi không hề quan tâm để biết má bạn có ra máu sau 231 cái tát không; cũng không thấy có gì cần buồn, thương mà khóc), hoặc hèn nhát, giả dối khi chối bỏ cả sự thật các em nhìn thấy.
Đừng nghĩ rằng việc này cũng như mọi sự khác trên đời, rồi sẽ nhạt dần và biến mất trên “dòng thời gian”. Người ta sẽ quên chuyện này, đó là sự thật. Nhưng có một sự thật khác là những đứa trẻ vô tư, trong sáng đã bị gieo mầm ác, như mảnh gương rơi vào tim bé Kay trong truyện Bà chúa Tuyết.
Những mảnh gương như thế, khi không được lấy ra, cứ dày lên, băng giá dần trong trái tim trẻ thơ. Nó thành nếp sống, nếp nghĩ, thành tâm hồn và nhân cách của cả lớp người. Để một mai, con cháu ta sống trong vương quốc giá băng, không còn tình người.
Xin hãy lấy mảnh gương ác ra khỏi trái tim người thầy và những đứa trẻ!
Cô giáo bắt học sinh tát bạn 231 cái Cô Nguyễn Thị Phương Thủy, giáo viên trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) bắt học sinh tát bạn 231 cái.
TS Trịnh Thu Tuyết
Nguyên giáo viên THPT Chu Văn An, Hà Nội
Theo Zing
231 cái tát thì chuẩn quốc gia để làm gì?
Mọi hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe người khác đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Dư luận đang bàng hoàng, sục sôi trước sự việc một cô giáo ở Quảng Bình cho các học sinh trong lớp tát bạn đến nỗi nhập viện. Nguyên nhân của hành vi phản giáo dục, phi đạo đức được cho là xuất phát từ áp lực trường chuẩn bị đón nhận chuẩn quốc gia mức độ II...
Cô giáo Thủy trao đổi về sự việc.
Không phải người đầu tiên
Chuyện xảy ra tại lớp 6.2 Trường THCS Duy Ninh, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Chiều 19/11, học sinh của lớp là H.L.N lỡ nói tục trên sân trường, đội cờ đỏ nghe thấy và ghi lại.
Theo quy định thì lớp có học sinh nói tục bị trừ 5 điểm thi đua. Để "giáo dục" học sinh N., cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy (SN 1977, chủ nhiệm lớp) đã bắt 23 học sinh lớp 6.2, mỗi em tát em N 10 cái thật mạnh, nếu ai tát nhẹ thì tát lại 10 cái.
Mặc dù thương bạn nhưng lớp trưởng phải đứng ra tổ chức tát bạn theo chỉ đạo, còn cô Thủy bỏ ra ngoài. Khi tát được nửa chừng, thấy cô Thủy xuất hiện ở hành lang quan sát, một bạn hỏi: "Cô ơi có tát nữa không?".
Cô ra lệnh: "Tát lúc nào đủ thì thôi". Bị tát quá đau, em N buột miệng "Em ghét cô" liền bị cô trực tiếp tát cho 1 cái. Tổng số, N bị 231 cái tát mạnh. Sau khi bị tát, N. bị sưng hai má, khó ăn uống nên được đưa nhập viện.
Nói về nguyên nhân dẫn đến hành động của mình, cô Thủy cho rằng: "Do nhà trường xây dựng chuẩn mức độ II, các tiêu chí thi đua rất ngặt nghèo, trong khi đó lớp 6.2 của cô chủ nhiệm thường xuyên bị xếp chót bảng nên rất áp lực".
Còn bà Phạm Thị Lệ Anh - Hiệu trưởng nhà trường lý giải: "Đội quy định nếu lớp học có em học sinh nói tục là bị trừ 5 điểm, nên đã tạo áp lực cho giáo viên chủ nhiệm. Vì muốn lớp tiến bộ nên cô Thuỷ đã giáo dục học sinh, nhưng biện pháp của cô đưa ra không đúng, mong phụ huynh thông cảm".
Điều đáng nói nữa là sau khi sự việc xảy ra, nhà trường và chính quyền địa phương đến gia đình học sinh N. để thăm hỏi nhưng chủ yếu là thuyết phục gia đình không làm to chuyện vì trường sắp đạt trường chuẩn quốc gia.
Cô giáo cũng đã đến nhà học sinh đưa 10 triệu đồng và xin tha thứ nhưng gia đình đã trả lại. Lớp trưởng lớp 6.2 cho hay, việc thực hiện tát bạn Nhật là do cô chủ nhiệm quy định từ trước nên lớp thực hiện.
Trước đây đã có 9 - 10 bạn bị tát như thế vì nói tục, tuy nhiên không nặng như bạn Nhật vừa bị. "Trước cũng có bạn bị tát vì nói tục rồi. Nhiều bạn ghét bạn Nhật nên tát rất mạnh nên bạn Nhật mới bị sưng mặt lên như thế. Em cũng không muốn tiếp tục với hình phạt như thế này nữa", em này cho hay.
Tạm đình chỉ, công an vào cuộc
Bà Phạm Thị Lệ Anh cho hay, cô Thủy là giáo viên dạy môn Toán và công nghệ của. Sau khi xảy ra sự việc, Ban giám hiệu nhà trường cũng đã họp để giải quyết vụ việc. Nhận chỉ đạo từ Phòng Giáo dục và Đào tạo, trường sẽ tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với cô Thủy, sau đó sẽ đưa ra biện pháp xử lý kỷ luật phù hợp.
Liên quan đến sự việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, sau khi nắm được thông tin sự việc, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Sở GD&ĐT kiểm tra và có báo cáo.
Văn bản của Bộ nêu rõ: "Sự việc vi phạm đạo đức nhà giáo nghiêm trọng này đã khiến dư luận hết sức bất bình, gây ảnh hưởng xấu đến ngành". Công an huyện Quảng Ninh cũng đã vào cuộc xác minh. "Dù nguyên nhân là gì, nhà trường cũng phải xử lý nghiêm vì cách xử phạt học sinh của giáo viên như vậy là hoàn toàn không được" , bà Nghĩa cho biết.
Luật sư Phạm Văn Lượng - Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng: trong trường hợp này ngoài việc làm đơn tố cáo hành vi của cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy tới nhà trường thì gia đình học sinh Nhật có thể tố giác về hành vi cố ý gây thương tích, và làm nhục người khác.
Luật sư Lượng cũng cho rằng, đối với hành vi của cô giáo Thủy hoàn toàn có thể bị khởi tố hình sự theo Khoản 1 Điều 134 BLHS 2015 vì Nhật mới chỉ 11 tuổi. Đánh giá về hành vi của cô giáo Thủy, luật sư Lượng cho rằng, về phương diện pháp luật, cô giáo Thủy đã xâm hại nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm và sức khỏe của em Nhật.
Đó là quyền cơ bản của công dân được pháp luật bảo vệ. Về phương diện đạo đức, cô giáo Thủy đã đi ngược lại những chuẩn mực đạo đức của nghề giáo - nghề mà cả xã hội tôn kính trong một xã hội với truyền thống "Tôn sư trọng đạo của người Việt", với phương châm "Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy".
Học sinh lớp 6 vẫn còn nhỏ tuổi, nhận thức còn hạn chế nên cô giáo càng không thể vì thế mà tự cho phép mình được "dạy bảo" bằng hình thức trái pháp luật và trái quy tắc đạo đức nghề giáo viên. Hành vi này không những đi ngược lại những giá trị cao quý của nhà giáo mà còn là hành xâm phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em.
Về hành vi khách quan, việc bắt các cháu học sinh tát bạn có thể theo cô giáo là cách "dạy bảo" nhưng dưới góc độ pháp lý đã xâm hại đến quyền được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe.
Mọi hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe người khác đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tùy theo tính chất mức độ tổn hại về sức khỏe của học sinh bị tát thì cô giáo có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc tội Hành hạ người khác.
Ở góc độ khác, nhiều ý kiến cũng bày tỏ quan điểm về "triết lý giáo dục" thông qua vụ việc này: Nghe lệnh cô giáo chủ nhiệm, tất cả học sinh răm rắp nghe lời. Dù có thể một số cháu không muốn vậy nhưng không phản kháng và không phản ánh.
Cách giáo dục răm rắp, tiêu diệt phản biện, tiêu diệt tranh luận, dần dần và từng chút một đã làm hoen ố ý thức vốn rất trong trắng của các em học sinh, thành nếp nghĩ vô cùng nguy hiểm. Bởi không răm rắp sẽ bị loại bỏ, thiểu số phục tùng đa số, kiểu giáo dục "đồng phục suy nghĩ", "đồng phục ý tưởng", "đồng phục chấp hành" đã biến cả một lớp học và lớn hơn là cả một thế hệ thành thứ "đồng phục hành động" dù là hành động sai trái, đau lòng.
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Quốc Vương nhấn mạnh, nếu như "quyền uy" là quà tặng tự nguyện của học sinh cho người thầy thì quyền lực là thứ mà bản thân người giáo viên có thể đơn phương quyết định. Những giáo viên "quyền lực" là những người không hề chú ý đến người xung quanh nhìn mình là người như thế nào, đánh giá mình như thế nào.
Họ coi hành động, lời nói của mình là tuyệt đối và duy nhất đúng. Họ cũng luôn có tham vọng ép người khác phải tuân lệnh. Trong trường hợp người khác không nghe theo, họ sẽ dùng sức mạnh để cưỡng ép.
Chính vì thế, khi xây dựng một nền giáo dục lành mạnh thực sự vì con người, vì tương lai của xã hội cũng như của nhân loại thì người giáo viên "quyền lực" là thứ không một ai có lương tâm mong muốn. Theo lô-gíc đó, một nền giáo dục đầy rẫy những giáo viên "quyền lực" sẽ không bao giờ sinh ra những thế hệ học sinh có tư duy độc lập, có lòng dũng cảm và luôn biết làm người tự do...
Lành Vũ - Nguyễn Mỹ
Theo phapluatplus
Ý kiến giáo viên: "Lòng tin giáo dục trôi theo 231 cái tát" "Nghề gieo chữ lấy sự yêu mến của học trò, sự của tin tưởng huynh và kính trọng của xã hội làm tôn chỉ nhưng giờ đây lòng tin yêu có lẽ đã trôi theo cái tát điếng người kia. Chúng tôi sẽ lại phải chịu nhiều gian nan hơn để gây dựng lòng tin với xã hội". Đây là tâm sự của...