Hậu vụ án giết người từ va chạm giao thông ở huyện Thường Tín, Hà Nội: Những vệt đắng còn lại…
Chồng bị tuyên án 20 năm, con trai duy nhất lĩnh án tử hình, nỗi đau của người đàn bà ấy nhân đôi. “Số phận quá nghiệt ngã với tôi” – bà Lê Thị Bính cất giọng đau xót…
Đổ cho rượu, tội thêm nặng!
Đứng sau vành móng ngựa là một mái đầu điểm bạc và một mái đầu xanh. Họ là hai cha con. Cả Đỗ Lê Tại, SN 1962 và Đỗ Lê Trọng, SN 1986 – trú tại xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, Hà Nội – đều bị buộc tội “Giết người”. Kết cục không đáng có xảy đến chỉ vì va chạm trên đường.
Trả lời HĐXX, Tại đổ lỗi cho rượu: “Tối đó, bị cáo và con ăn nhậu ở nhà một người bạn”. Nhưng, vị chủ tọa cho hay, phạm tội trong khi ngà ngà say còn là tình tiết tăng nặng nên bị cáo nín lặng.
Tối 28-11-2010, sau khi ăn cơm ở nhà một người bạn ở xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, Hà Nội, Tại chở con trai về nhà. Đi đến đoạn cầu vượt Khê Hồi thuộc xã Hà Hồi, Trọng cầm lái thay bố và bắt đầu phóng lạng lách, “đánh võng”. Đúng lúc ấy, anh Phạm Văn Tài, trú tại xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, Hà Nội chở vợ và con trai đi phía sau cùng chiều với xe máy của Trọng. Anh Tài đã điều khiển xe máy vượt lên trước và nói: “Đi như chúng mày thì đâm đầu vào ô tô chết đi”. Hai bên đã đường ai nấy đi nhưng Tại lại bảo con quay xe lại để “xem con nhà nào mà ăn nói láo vậy”. Trọng và Tại đuổi theo và ép anh Tài dừng xe.
- Mày không biết tao là ai à mà dám chửi? – Tại hỏi.
Vừa dứt lời, Tại xông vào tát anh Tài
Video đang HOT
- Đánh chết mẹ nó đi! – nghe bố hô, Trọng xông vào đấm, đá anh Tài rồi rút con dao bấm để trong túi áo đâm liên tiếp nhiều nhát vào ngực, bụng nạn nhân. Chị Đỗ Thị Tuyết Nhung (vợ anh Tài) hoảng hốt, tri hô và một số người dân gần đó chạy ra can ngăn. Anh Tài bị thương nhưng vẫn cố lết vào nhà chị Lê Thị Hà
Trọng vẫn truy đuổi đến cùng. Tóm được anh Tài, Trọng đè xuống giường rồi dùng dao đâm tiếp vào đầu, ngực, bụng anh Tài. Gây án xong, bố con Trọng bỏ chạy, mặc nạn nhân tử vong.
Bố con bị cáo Tại nghe tòa sơ thẩm tuyên án
Những vệt đắng…
Anh Tài là trụ cột của gia đình nên bà Đỗ Thị Tâm hụt hẫng trước sự ra đi của con trai. Sớm góa bụa, bao lâu nay bà Tâm dựa vào cậu cả để nuôi bốn đứa con còn lại. Bà thêm xót xa khi giờ đây, con dâu cũng rơi vào cảnh góa bụa như mình. Bé Phạm Huy M., con trai của anh Tài, chị Nhung được bảy tuổi nhưng thời gian bên nhau của đôi vợ chồng trẻ này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Anh Tài mải miết với những chuyến hàng từ Bắc vào Nam và M. đã quen với sự vắng mặt của bố. Nhưng lần này bé thấy bố đi công tác lâu thế!
Mất mát của người lớn, mất mát của con trẻ, những nỗi đau chất chồng khiến gia đình bị hại không thể kiềm chế cảm xúc. Họ cho rằng, Trọng “thoát” án tử hình là hình phạt quá nhẹ. Sự phẫn uất ấy đã đổ dồn sang chị Lê Thị Bính, vợ của Tại và mẹ của Trọng. Suốt phiên tòa, người ta thấy người phụ nữ này cúi gằm mặt, tránh cái nhìn soi mói và những lời thóa mạ. Khi tòa vừa dứt lời tuyên án, chị rảo bước khỏi phòng xử án. Nhưng chị trốn không kịp.
Có ai đó giật tóc, đập túi bụi vào đầu chị. Trong vô thức, chị tháo chạy và nhào về chiếc xe chở chồng và con. Tại nhìn vợ đau đáu, Trọng cũng không kìm được nước mắt. Đám đông vẫn không buông tha, chị Bính hoảng sợ đến xây xẩm mặt mày. Chị bị thương ở mặt và đã “tố” sự việc với Công an phường Trần Hưng Đạo, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội để làm rõ những người đã tấn công mình.
Tại và chị Bính sinh được ba người con thì Trọng là con trai duy nhất. Cho đến giờ, chị Bính vẫn không tin bất hạnh ập xuống gia đình mình. Chị từng kỳ vọng ở Trọng khi bị cáo tốt nghiệp trường trung cấp y với tấm bằng loại giỏi. Vì thế, xin việc làm với Trọng không mấy khó khăn. Lẽ ra, công tác tại một đơn vị y tế, Trọng phải ý thức hơn ai hết về đạo đức, vậy mà…
Giận con nhưng chị càng trách chồng nhiều hơn. Nếu Tại không về hùa thì Trọng làm sao to gan đến thế. Nếu Tại can ngăn con kịp thời…
Chuyện nhà, chuyện người khiến chị dằn vặt và suy sụp. Sống gần nhà với nạn nhân, chị Bính đã phải chuyển chỗ ở vì bị họ nhiếc móc. Chị cũng không dám buôn bán ở chợ Vồi, xã Hà Hồi vì sợ bị trả thù. Thời gian này, các con gái của chị bán miến tại nhà một người quen để ba mẹ con cầm cự qua ngày. “Chuỗi ngày nặng nề này bao giờ mới chấm dứt, tôi quá mệt mỏi và sa sút tinh thần. Không biết tôi có trụ được đến ngày mở phiên tòa phúc thẩm hay không” – chị Bính than thở.
Biết tội ác mà chồng và con mình gây ra không thể xin tha thứ, chị Bính muốn tạ lỗi bằng việc gửi chút tiền bồi thường. Nhưng chị không dám tới gặp gia đình bị hại mà gửi 40 triệu đồng qua cơ quan tố tụng.
Lý do bị cáo kháng cáo
Tại, Trọng không phủ nhận tội “Giết người” nhưng mong được giảm tội nên cả hai đã làm đơn kháng cáo. Luật sư Đinh Duy Hải, Đoàn luật sư TP Hà Nội, bào chữa cho Tại, Trọng cho rằng, ở vụ án này, thủ tục tố tụng bị vi phạm.
Thứ nhất, sau vụ xô xát, Tại, Trọng đến CA xã Hà Hồi đầu thú và CA huyện Thường Tín đã thực hiện bắt khẩn cấp hai bị cáo ngay tại trụ sở UBND xã Hà Hồi. Nhưng hồ sơ vụ án không thể hiện các biên bản về việc đầu thú của họ.
Thứ hai, tại Bản kết luận Giám định số 03 ngày 04-1-2011 của Phòng Kỹ thuật hình sự – CA TP Hà Nội, giám định dấu vết sinh học trong vụ án kết luận: “Mẫu máu của nạn nhân và của cả hai bị cáo đều cùng nhóm máu; các mẫu vật gửi đến giám định bao gồm con dao bấm, quần áo, giầy vải, ga giường có dính máu người, thuộc nhóm máu B”.
Như vậy theo bản kết luận giám định trên, các mẫu vật gửi giám định ký hiệu từ M1 đến M8 được thu giữ tại hiện trường, thu giữ của bị cáo Đỗ Lê Trọng, Đỗ Lê Tại, bị hại Phạm Văn Tài, chị Lê Thị Hà đều dính chất màu nâu (nghi là máu). CQĐT đã lấy mẫu máu của Trọng, Tại và của anh Tài làm xét nghiệm. Nhưng, bản kết luận giám định đã không kết luận cụ thể, chi tiết mẫu vật nào gửi giám định có dính máu của bị hại hay của bị cáo, mà chỉ kết luận chung chung là các mẫu vật gửi đến giám định ký hiệu từ M1 đến M8 có dính máu người thuộc nhóm máu B. Điều đáng nói, ở vụ án này cả bị hại và bị cáo đều bị mất nhiều máu. Trọng bị thương ở tay khi giằng co con dao bấm với bị hại ở trên giường nhà chị Lê Thị Hà, bị cáo Tại bị thương ở mép cánh trái tay.
Thứ ba, trong hồ sơ vụ án không thấy có quyết định phân công ĐTV điều tra vụ án này. Điều này đồng nghĩa với việc, tài liệu mà ĐTV thu thập trong hồ sơ vụ án không hợp pháp.
Ông Hải đã đề nghị HĐXX – TAND TP Hà Nội áp dụng tiết c của Điều 179 Bộ luật Tố tụng Hình sự để ra quyết định trả hồ sơ vụ án để CQĐT điều tra bổ sung những thiếu sót đã nêu. Nhưng tòa cấp sơ thẩm đã không chấp thuận yêu cầu của luật sư.
Được biết, ngày 8-7-2011, vụ án được xét xử phúc thẩm. Vậy, bố con Trọng có được TAND TC giảm án không?. Trong khi đó, gia đình bị hại chưa nguôi nỗi mất người thân và họ đề nghị tăng nặng hình phạt với hai bị cáo.
Theo PLXH