Hậu vụ án “bầu” Kiên: Vì sao một Phó phòng của ACB bị khởi tố?
Cùng với việc tuyên án sơ thẩm đối với Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP.Hà Nội đã ra quyết định khởi tố hai vụ án hình sự “Kinh doanh trái phép” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Với diễn biến mới này, “siêu lừa” Huyền Như sẽ lại trích xuất ra Tòa với tư cách người làm chứng thêm lần nữa?
Bị khởi tố vì tiếp tay cho “siêu lừa” Huyền Như?
HĐXX căn cứ vào các Điều 13, 100, 104 Bộ luật Tố tụng Hình sự thấy hành vi của Huỳnh Thị Bảo Ngọc (Phó phòng Quản lý quỹ của ACB) có dấu hiệu đồng phạm với Như về tội lừa đảo nên quyết định khởi tố vụ án về tội lừa đảo theo quy định tại Điều 139 BLHS và gửi quyết định khởi tố này đến VKSND TP.Hà Nội.
Trước đó, tại phiên tòa xét xử bầu Kiên và đồng phạm, Huỳnh Thị Bảo Ngọc đến tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ngọc là một trong hai người được Kế toán trưởng của ACB – Nguyễn Văn Hòa – ủy quyền đi gửi tiền tại các ngân hàng, có nhiệm vụ liên hệ, thương lượng lãi suất, kỳ hạn, hoa hồng tại các ngân hàng, trong đó có Vietinbank. Sau đó, 19 nhân viên của hai người này là những người trực tiếp đứng tên gửi tiền.
Hội đồng xét xử TAND TP.Hà Nội tuyên án vụ bầu Kiên
Tại tòa, Ngọc thừa nhận là người cung cấp thông tin cá nhân của 19 nhân viên để phía Vietinbank mở tài khoản, sau đó chuyển tiền vào tài khoản dẫn đến kết cục bị Như lừa đảo, chiếm đoạt mất 718 tỷ đồng. HĐXX nhận định, số tiền sau khi ACB chuyển vào tài khoản các cá nhân ở Vietinbank đã bị Như lợi dụng sơ hở Điểm 1.6 của Hợp đồng đã trích chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản của cá nhân ACB sang tiền tiết kiệm; lợi dụng cá nhân ACB không quan tâm đến gửi tiền, không lấy thẻ tiết kiệm, Như đã làm thủ tục tất toán hợp đồng, làm giả các lệnh chi, thế chấp thẻ tiết kiệm đó để vay lại tiền của Vietinbank Chi nhánh TP.HCM rồi chiếm đoạt.
Như còn dùng thủ đoạn gian dối để làm giả toàn bộ hợp đồng gửi tiền, hồ sơ mở tài khoản cá nhân, làm lệnh chi giả của các chủ thẻ do ACB không nhận thẻ tiết kiệm, không theo dõi những biến động trong tài khoản sau khi tiền đã chuyển vào tài khoản. Các bị cáo Nguyễn Đức Kiên, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải, Huỳnh Quang Tuấn đã có hành vi thống nhất ban hành chủ trương ủy thác tiền gửi cho các cá nhân đã làm trái Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và đã bị HĐXX tuyên phạm tội “ Cố ý làm trái”.
Vậy, vì sao Huỳnh Thị Bảo Ngọc là người của ACB đem tiền đi gửi lại bị khởi tố đồng phạm lừa đảo với Như? HĐXX nhận định, để Như chiếm đoạt được số tiền lớn như vậy là có sự tiếp tay, giúp sức của Ngọc trong việc làm các thủ tục mở tài khoản, chuyển tiền, bản thân Ngọc đã được hưởng lợi 3,7 tỷ đồng.
HĐXX thấy Ngọc có dấu hiệu đồng phạm với Như về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần khởi tố vụ án yêu cầu Cơ quan Điều tra Bộ Công an, VKSNDTC điều tra làm rõ hành vi này đối với Ngọc để xử lý theo quy định của pháp luật.
Video đang HOT
Huỳnh Thị Bảo Ngọc.
Theo diễn biến tại phiên tòa xử vụ bầu Kiên và các đồng phạm vừa qua, Như khai tiền hoa hồng do 19 cá nhân gửi là trên 13 tỷ đồng đã được Như tách làm hai khoản: trên 10 tỷ chuyển vào tài khoản các cá nhân, còn 3,7 tỷ chuyển vào tài khoản của chị gái Ngọc.
Tuy nhiên, Ngọc khai trước tòa rằng không biết mối quan hệ của chị gái mình và Như, cũng như không biết khoản tiền 3,7 tỷ nói trên, đó là việc của hai người, không liên quan đến mình. Ngọc cũng khai không quen biết Như, chỉ biết nhau khi gọi qua tổng đài của Vietinbank và được nhân viên của tổng đài giới thiệu gặp Như để trao đổi về việc gửi tiền.
Với Nguyễn Văn Hòa, Kế toán trưởng của ACB, chỉ đạo Ngọc mang tiền gửi ở ngân hàng khác nhưng không bị xử lý vì thái độ khai báo thành khẩn, tích cực giúp đỡ cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án.
Ngọc không có quyền kháng cáo bản án
Theo một Luật sư (LS) tham gia vụ án thì bản án xử Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm vừa qua, Ngọc không có quyền kháng cáo và hậu quả pháp lý của quyết định khởi tố này sẽ phải điều tra, nếu truy tố thì xét xử độc lập với vụ của Như. “Thông thường, vụ án có đồng phạm vì phải nhập với nhau để xét xử, làm rõ tội phạm nhưng ở vụ này, Như lừa đảo đã xét xử giai đoạn phúc thẩm nên không thể nhập vào, chỉ có thể nhập vào nếu vụ của Như xử phúc thẩm mà bị hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Nếu xử độc lập thì Như lại phải hầu tòa một lần nữa ở vụ án của đồng phạm”.
Quyết định khởi tố thứ hai, căn cứ kết quả xét hỏi tại tòa và các tài liệu hồ sơ vụ án, HĐXX thấy có dấu hiệu phạm tội “Kinh doanh trái phép” tại ACB và Vietbank nên ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Kinh doanh trái phép”.
Nhận định về quyết định khởi tố này, LS Vũ Xuân Nam bào chữa cho Nguyễn Đức Kiên cho biết: “Với quyết định khởi tố này, chưa rõ hành vi cụ thể “Kinh doanh trái phép” gì nhưng theo tôi, có thể liên quan đến việc các ngân hàng này mua trái phiếu của các Cty của Nguyễn Đức Kiên phát hành”./.
Theo Pháp luật Việt Nam
Vợ Bầu Kiên bị kiến nghị điều tra vì nghi giúp chồng trốn thuế
TAND Hà Nội cho rằng bà Đặng Ngọc Lan (vợ ông Nguyễn Đức Kiên) giúp sức tích cực cho chồng trốn thuế hơn 25 tỷ đồng nên kiến nghị điều tra.
Bà Đặng Ngọc Lan trong phiên tòa xét xử chồng.
Trong bản án tuyên ngày 9/6, TAND Hà Nội kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ hành vi của bà Lan và Nguyễn Thúy Hương (em gái bị cáo Nguyễn Đức Kiên) trong việc giúp sức tích cực cho ông Kiên trốn thuế 25 tỷ đồng. "Nếu phát hiện những người này này vi phạm thì phải xử lý theo quy định pháp luật", bản án kiến nghị.
Trong phiên xử kéo dài nửa tháng (20/5-9/6), hai người phụ nữ này đều có mặt tại tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Theo cáo buộc, bằng việc được chồng ủy quyền, bà Lan với tư cách tổng giám đốc B&B ký hợp đồng ủy thác đầu tư với Ngân hàng ACB kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam. Biết được về việc miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009, ông Kiên đã để bà Lan ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với bà Hương. Bà Hương lại ủy thác cho chính B&B đầu tư kinh doanh vàng ghi sổ. Bầu Kiên sau đó chuyển toàn bộ lợi nhuận kinh doanh vàng của B&B cho bà Hương thụ hưởng để không phải nộp thuế.
Trước đó trong một số lần bị thẩm vấn, bà Lan cho rằng, năm 2009, công ty B&B bị thua lỗ 268 tỷ đồng. Nếu nhà chức trách có kết luận việc công ty không nộp thuế thì cơ quan thuế có trách nhiệm hướng dẫn để bà làm các thủ tục, chứ bà không trốn. Ngược với nội dung trình bày của vợ ông Kiên, đại diện B&B tại tòa lại cho hay năm đó doanh nghiệp này "hoạt động có lãi". Tổng cục thuế cũng khẳng định "có lãi" và theo luật thì phải nộp thuế. Cũng căn cứ tài liệu B&B cung cấp trong đợt thanh tra năm 2009, Cục Thuế Hà Nội xác định công ty này không lỗ.
Bị truy hỏi về những mâu thuẫn này, trước tòa, bà Lan cho hay không tham gia điều hành ở Công ty B&B, mọi việc do ông Kiên thực hiện, bà không biết gì về hoạt động của công ty. Tin chồng không làm gì sai nên khi ông đưa giấy tờ gì bà đều ký, việc này thực hiện ở nhà vì lúc đó bà đang nghỉ sinh con.
Bà Nguyễn Thúy Hương cũng cho hay khi được anh trai gợi ý đầu tư đã đồng ý. "Về hoạt động ủy thác, tôi không có năng lực nên ủy thác cho B&B đầu tư hộ", bà Hương trình bày. Lời khai của bà Hương cho thấy với việc hợp tác cùng anh trai, bà không phải ký quỹ, kinh doanh có lãi thì hưởng 99%, trả 1% phí ủy thác; nếu lỗ thì phải chịu 100%.
Bà cho hay, khi nhận 68 tỷ đồng do B&B chuyển tiền lãi cho, bà đã chuyển vào tài khoản cá nhân ông Kiên. Bà giải thích đây là cho anh trai vay, không có hợp đồng.
Nguyễn Đức Kiên cũng thừa nhận, khi ký hợp đồng ủy thác thì vợ mới sinh, còn em gái mới chuyển từ nghề giáo viên sang kinh doanh nên ông là người điều hành. "Tôi đồng ý cho em gái kinh doanh giá vàng và nhận lời giúp em kinh doanh. Vợ tôi không làm gì chỉ ký giấy tờ cần thiết", cựu phó chủ tịch HĐQT ACB trình bày.
Đánh giá việc làm của 3 người này, VKS cho rằng B&B không có phép kinh doanh uỷ thác đầu tư và kinh doanh vàng. Bà Hương không được uỷ thác ký kinh doanh vàng nước ngoài, cũng không đăng ký kinh doanh vàng theo quy định nhà nước. Bà Hương là người ký hợp đồng uỷ thác với công ty B&B, đặt cọc tiền để kinh doanh song trên thực tế không thực hiện bất kỳ giao dịch nào.
Viện dẫn Nghị quyết 32 về việc toàn bộ thu nhập cá nhân không phải nộp thuế, VKS cho biết Công ty B&B đã vi phạm pháp luật khi chuyển tiền cho bà Hương và không kê khai để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Sau khi nhận tiền, bà Hương lại chuyển cho anh trai - thực chất là hành vi trốn thuế.
Không chỉ bị xác định trốn thuế bằng thủ đoạn tinh vi, lắt léo, trong phần tuyên án hôm qua, đánh giá về hành vi cố ý làm trái của ông Kiên, HĐXX cho rằng ông Kiên đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật nói chung, pháp luật về ngân hàng nói riêng để cạnh tranh không lành mạnh, tạo ra dòng tiền ảo, chuyển tiền từ ngân hàng này sang ngân hàng khác làm tăng trưởng tín dụng ảo, lợi nhuận ảo và tăng trưởng giá trị cổ phiếu ảo... Sự cạnh tranh không lành mạnh và không dựa trên quy luật thị trường bị bóp méo nhằm tạo lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.
Hành vi ông Kiên và 5 đồng phạm là cựu lãnh đạo cao cấp Ngân hàng ACB bị xác định đã gây lũng đoạn thị trường tài chính tiền tệ trong nước, ảnh hưởng xấu đến chính sách tài chính quản lý. Nếu không có sự can thiệp kịp thời thì đã xảy ra hậu quả xấu.
Theo bản án cùa TAND Hà Nội, từ ngày 15/5/2007 đến 3/8/2008, ông Kiên thông qua 6 công ty do mình làm chủ tịch HĐQT hoặc chủ tịch hội đồng thành viên để tổ chức hoạt động kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng trái quy định với tổng số tiền gần 21.500 tỷ đồng.
Qua B&B, ông trốn thuế hơn 25 tỷ đồng, qua Công ty ACBI ông bị cáo buộc lừa chiếm đoạt 246 tỷ đồng trong thương vụ bán 20 triệu cổ phần của Công ty thép Hoà Phát (đã thế chấp tại ngân hàng) cho Công ty TNHH Một thành viên thép Hoà Phát.
Ông Kiên còn cùng cựu tổng giám đốc Lý Xuân Hải, 3 cựu phó chủ tịch HĐQT ACB là Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, cựu phó tổng giám đốc Huỳnh Quang Tuấn thống nhất uỷ thác cho các cá nhân gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Trong số này có 718 tỷ đồng vào Vietinbank và đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank TP HCM) chiếm đoạt.
Ngoài ra, với hành vi thống nhất, ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, những người này còn bị buộc tội đã ra chủ trương đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB trái quy định của nhà nước, gây thiệt hại gần 688 tỷ đồng.
TAND Hà Nội tuyên phạt ông Kiên 20 tháng tù về tội Kinh doanh trái phép, 6 năm 6 tháng về tội Trốn thuế, 20 năm về tội Lừa đảo, 18 năm do Cố ý làm trái. Tổng hợp hình phạt bị cáo phải chấp hành là 30 năm; nộp phạt bổ sung 75 tỷ do trốn thuế và 100 triệu đồng về hành vi lừa đảo.
Đồng tội danh Cố ý làm trái, cựu tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải lĩnh 8 năm tù; bị cáo Lê Vũ Kỳ án 5 năm, Trịnh Kim Quang lĩnh 4 năm, Phạm Trung Cang 3 năm tù, Huỳnh Quang Tuấn chịu hình phạt 2 năm.
Bị cáo Trần Ngọc Thanh (giám đốc ACBI) lĩnh 5 năm 6 tháng tù về tội Lừa đảo, bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (kế toán ACBI) nhận 5 năm.
Đặc biệt, sau phần tuyên án, TAND Hà Nội tuyên bố khởi tố vụ án "kinh doanh trái phép tại ngân hàng ACB và Vietbank" và khởi tố vụ án "đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với Huỳnh Thị Huyền Như của Huỳnh Thị Bảo Ngọc (Phó phòng quản lý quỹ Ngân hàng ACB)
Theo Xahoi
Tuyên án "bầu Kiên": Băn khoăn mức án dành cho các bị cáo Ngày 9/6, Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên án "bầu Kiên" và các đồng phạm, đồng thời công bố 2 quyết định khởi tố vụ án hình sự tại tòa...Đó là những bản án nghiêm khắc dành cho các bị cáo, được dư luận đồng tình. Nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, việc điều tra, truy tố, xét xử, tuyên án đối...