Hành xử đẹp của CSGT Đà Nẵng: Hải Dương cũng nhắc nhở?!
Phó Chánh văn phòng, Ban ATGT tỉnh Hải Dương khẳng định luôn chú trọng tuyên truyền, giáo dục và tiến hành nhắc nhở người dân theo quy định.
Ban ATGT tỉnh Hải Dương: Nhắc nhở đúng quy định
Liên quan đến cách hành xử đầy nhân văn của CSGT Đà Nẵng đối với những người vi phạm giao thông khiến cộng đồng mạng quan tâm và thích thú thời gian qua, phóng viên báo Đất Việt tiếp tục có thêm cuộc trao đổi với ông Vũ Đức Hạnh, Phó chánh văn phòng Ban ATGT Hải Dương.
Ông Hạnh khẳng định, chủ trương tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu và chấp hành đúng các quy định của luật giao thông đường bộ luôn được Ban ATGT tỉnh Hải Dương chú trọng và đẩy mạnh.
“Chúng tôi luôn gắn trách nhiệm tuyên truyền cho các cán bộ Đảng viên, các cấp chính quyền ở địa phương. Ngoài ra Ban ATGT tỉnh cũng đẩy mạnh việc giáo dục, nhắc nhở người dân thông qua hệ thống loa đài, phát thanh, truyền hình sâu rộng trong địa bàn xã, phường, thị trấn.
Song song với việc nhắc nhở thì cũng phối hợp chặt chẽ với lực lượng CSGT tỉnh tiến hành các biện pháp xử phạt theo đúng quy định của pháp luật”, ông Hạnh khẳng định.
Lực lượng CSGT Hải Dương tiến hành xử lý người vi phạm giao thông. Ảnh: Duongbo.vn
Theo Phó Chánh văn phòng Ban ATGT Hải Dương, đơn vị này và CSGT Hải Dương phối hợp nhịp nhàng, những trường hợp nào đáng nhắc nhở sẽ nhắc nhở, những trường hợp nào vi phạm thì phải kiên quyết xử lý theo luật.
Ông Hạnh nêu dẫn chứng: “Có những hành vi có thể nhắc nhở mà không phạt hành chính như hành vi chở hàng quá tải đến 10%, ngược lại nếu nhiều hơn quy định cho phép thì bắt buộc phải xử lý. Các biện pháp nhắc nhở, giáo dục là rất tốt nhưng việc xử phạt phải làm theo các quy định của pháp luật, không thể trường hợp xử phạt bằng tiền mà lại nhắc nhở, như vậy là sai quy định”.
Video đang HOT
Nói thêm về trường hợp CSGT Đà Nẵng xử phạt bằng kẹo, ông Hạnh cho rằng đó là cách làm riêng của thành phố này và phía Hải Dương không áp dụng các biện pháp như vậy.
“Trong suốt thời gian qua, chúng tôi chưa nhận được bất cứ thông tin nào của người dân phản ánh về việc bị CSGT xử phạt nặng, chưa hợp lý, hợp tình”, ông Hạnh cho biết thêm.
Doanh nghiệp Vận tải Hải Dương: Mong xử lý đúng quy định
Trao đổi về cách hành xử đầy nhân văn của CSGT Đà Nẵng, đại diện vận tải Tấn Minh (huyện Kim Thành, Hải Dương) khẳng định đó là mơ ước không chỉ của lái xe mà của tất cả các doanh nghiệp vận tải.
“Đây là việc làm đầy nhân văn, tình người. Nó khiến cho khoảng cách giữa người bị phạt và người phạt trở nên gần gũi hơn. Tôi cũng mong muốn CSGT Hải Dương có những biện pháp hay như thế nhưng thực sự mà nói rất khó. Chưa bao giờ từ trước tới giờ, tôi thấy CSGT ở địa phương nhắc nhở, tuyên truyền mà không phạt cả”, anh Hiến – Đại diện công ty cho biết.
Anh Hiển cho biết thêm: “Nhiều khi di chuyển trên đường, tôi thấy lái xe như đi vào trận địa. Ở 1 số tuyến đường trên QL5 đi qua Hải Dương nhiều khi có đến 4 chốt CSGT đứng đó. Chưa qua trạm này đã tới chốt khác rồi, cảm giác rất lo lắng. Thậm chí ở đoạn đường từ thị trấn Nam Sách đi Sao Đỏ nhiều hôm còn bị ách tắc giao thông vì nhiều xe bị dừng lại để xử phạt”, anh Hiến cho biết thêm.
Không mong CSGT Hải Dương nhắc nhở, giải thích, tuyên truyền, mong muốn duy nhất của doanh nghiệp vận tải này là được xử đúng, có lý, có tình.
“Chúng tôi chỉ có yêu cầu tất cả mọi cái đều phải xử bình đẳng. Nếu lái xe có lỗi, có dấu hiệu vi phạm mới xử phạt, nếu không có lỗi thì thôi. CSGT cần làm việc có lý, có tình hơn nữa, chứ đừng cứng nhắc xử phạt theo các quy định”, anh Hiến chia sẻ.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thụ – Giám đốc Công ty vận tải hành khách Thắng Lợi cho biết việc CSGT nhắc nhở người vi phạm chỉ thấy có ở Đà Nẵng và 1 số tỉnh thành miền Trung như Quảng Ngãi, Nha Trang áp dụng.
“Ở Hải Dương thì không làm được, tôi chưa thấy CSGT tiến hành nhắc nhở mà không phạt bao giờ, cứ vi phạm lỗi là phạt thôi. Ở Đà Nẵng và một số tỉnh thành khác, lực lượng CSGT thường xuyên tiến hành tuyên truyền, giải thích các lỗi vi phạm. Như vậy là rất tốt”.
Giám đốc Công ty vận tải hành khách Thắng Lợi cũng cho rằng, để tránh việc bị CSGT xử phạt một cách vô lý, người dân cần chủ động quan sát và nâng cao ý thức của bản thân hơn nữa.
“Các lái xe và doanh nghiệp cần tự trang bị cho mình những kiến thức về luật, phải hiểu luật và áp dụng đúng vào thực tế. Lúc nào cũng phải làm chủ các cung đường, để không gặp phải những trường hợp khó xử”, ông Thụ cho biết thêm.
Theo_Báo Đất Việt
Chống buôn lậu hàng giả: Đường dây ổ nhóm lớn chưa xử lý được
Lực lượng quản lý thị trường muốn điều tra, trinh sát chuyên sâu những vụ án lớn đều phải phối hợp với lực lượng công an.
Càng về cuối năm và cận Tết Nguyên đán, các đối tượng buôn hàng lậu hàng giả, hàng kém chất lượng càng sử dụng nhiều hành vi, thủ đoạn gian lận tinh vi để gom hàng, vận chuyển đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song với những động thái sửa đổi một số cơ chế chính sách cũng như ban hành các kế hoạch cụ thể, quyết liệt của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) cho thấy những quyết tâm đấu tranh, ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại.
Hiện nay, hoạt động buôn lậu lại "nóng" trên nhiều địa bàn khắp cả nước. Trên tuyến biên giới và cửa khẩu đường bộ khu vực phía Bắc và miền Trung, nổi lên hoạt động buôn lậu ma túy, thuốc nổ, pháo, thực phẩm, mỹ phẩm, gia cầm... Trên các vùng biển Đông Bắc, miền Trung và vùng biển Tây Nam lại nổi lên tình trạng buôn lậu xăng dầu, than, quặng, gỗ, thuốc lá điếu... Trong khi đó, tại các cảng hàng không quốc tế, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại hàng cấm, hàng có giá trị kinh tế lớn và các loại hàng hóa có thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn xảy ra.
Theo Ban Chỉ đạo 389, năm 2015, lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 200.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 12.000 tỉ đồng. Một số vụ buôn lậu lớn được phát hiện như bắt gần 32kg cocain vận chuyển từ Nam Mỹ về Việt Nam; Vụ bắt giữ 490 bánh heroin tại Hà Nội; bắt giữ 611.000 lít dầu lậu trên vùng biển Kiên Giang, hơn 1 tấn ngà voi ở Đà Nẵng, hơn 200 container hàng cấm nhập ở TPHCM...Mặc dù bắt giữ được nhiều vụ, nhưng số vụ được chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự quá ít, như quản lý thị trường bắt giữ 3.000 vụ, nhưng mới đề nghị khởi tố 11 vụ.
Nhiều đường dây tội phạm về buôn lậu, hàng giả lớn vẫn chưa được phối hợp xử lý. (Ảnh minh họa: KT)
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, trong công tác chống buôn lậu, hàng giả vẫn còn nhiều khó khăn.
"Quản lý thị trường mới xử lý ở nội địa, các đường dây ổ nhóm lớn chưa xử lý được. Nhiều lần lãnh đạo bộ yêu cầu phải xử lý được những vụ lớn hơn nhưng quản lý thị trường không được phép điều tra, trinh sát chuyên sâu. Những vụ lớn đều phải phối hợp với bên công an điều tra mới làm được. Vấn đề cốt lõi là con người, trong nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, xây dựng lực lượng quản lý thị trường là nhiệm vụ cấp bách lâu dài", ông Lam nói.
Theo ông Dương Xuân Sinh, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, hiện một số cơ chế, chính sách còn không ít hạn chế, vướng mắc dễ bị các đối tượng lợi dụng. Trong khi đó, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn, tuyến đường, địa bàn để hoạt động... cũng gây nên nhiều khó khăn đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại. Thực tế này đòi hỏi các bộ, ngành chức năng sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách.
Đáng chú ý là ban hành quy định chặt chẽ hơn về chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng buôn lậu, vận chuyển trái phép, bày bán hàng hóa nhập lậu ngang nhiên trên thị trường. Ngoài ra, việc quản lý hoạt động thương mại biên giới cũng nghiêm ngặt hơn, khống chế số lần và số lượng mua hàng miễn thuế, ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách cư dân biên giới đưa hàng thẩm lậu vào nội địa.
Ông Dương Xuân Sinh, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho rằng, phương thức thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu có thay đổi lớn so với trước khi lợi dụng hóa đơn chứng từ, lợi dụng sự ưu đãi tiêu chuẩn miễn thuế 2 triệu đồng/người/ngày của hàng hóa cư dân biên giới. Đặc biệt sau khi Ban chỉ đạo 389 có sự chỉ đạo quyết liệt thì không còn cảnh đoàn xe buôn lậu đi trên đường.
Một điểm nổi bật nữa là lần đầu tiên Chính phủ ra Nghị quyết 41 với giải pháp tổng thể mang tính hệ thống từ việc sửa đổi cơ chế chính sách, tăng cường cho các lực lượng chức năng, cho đến phân công phân trách địa bàn, lực lượng trong mặt trận chống buôn lậu.
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tình hình buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng trong nước cấu kết với nước ngoài lợi dụng chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư hoặc các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại để vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng kém chất lượng, giả mạo xuất xứ các nước vào nội địa. Điều đáng lo ngại là có những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu...
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, Ban Chỉ đạo đã chủ động xây dựng kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt trước và trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Điểm mới là năm 2016 sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương vùng trọng điểm và có đánh giá cụ thể để xác định trách nhiệm.
"Ban chỉ đạo chủ trì xây dựng kế hoạch cao điểm để đấu tranh xử lý đối với hành vi sản xuất, buôn bán vận chuyển tiêu thụ phân bón giả, thuốc thú y giả, thực phẩm giả...liên quan đến nhóm hàng ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Theo đó, kế hoạch này sẽ xác định cụ thể trách nhiệm từng ngành từng cấp, địa phương. Tuyên truyền và xử lý cán bộ nào làm ngơ hoặc bao che. Năm 2016 cũng sẽ đổi mới và tăng cường công tác kiểm tra. Theo đó có hệ thống cảnh sát chống buôn lậu. Lực lượng này là nòng cốt để đấu tranh phòng ngừa xử lý đối với đường dây ổ nhóm lớn", ông Cẩn cho biết.
Thời gian tới, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia sẽ tiếp tục kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng triển khai các phương án đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp bắt giữ và xử lý kịp thời, hiệu quả; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, có dấu hiệu tiếp tay cho buôn lậu./
Việt Hà
Theo_VOV
Tài xế kéo lê CSGT: Vì sao bị khởi tố tội giết người? Luật sư Lê Văn Kiên - Trưởng văn phòng Luật sư Ánh sáng Công lý cho biết, hành vi kéo lê chiến sỹ Cảnh sát Giao thông như báo chí đăng tải có thể xử lý người vi phạm về tội giết người. Tin tức báo Đời sống & Pháp luật đã đăng tải, sáng 12/12, tài xế Đoàn Văn Chuyên (24 tuổi,...