Hành trình vượt lên số phận của người phụ nữ nhiễm HIV
Phát hiện chồng nhiễm căn bệnh thế kỷ, chị đi khám và bàng hoàng nhận kết quả mình cũng dính virus HIV. Đau đớn hơn, hai con của chị cũng chung số phận. Vượt lên nỗi oan nghiệt, chị và các con luôn cố gắng tìm cách để “hồi sinh”.
Thoạt nhìn chị Nguyễn Thị H. (SN 1982, ngụ phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa, Thanh Hóa) không ai nghĩ người đàn bà ấy lại có một số phận đớn đau và nghiệt ngã đến như vậy. Chồng chết vì HIV, bản thân chị cùng hai con đều mang trong mình căn bệnh thế kỷ, tưởng như chị không thể tìm đâu hy vọng để đứng dậy. Thế nhưng vượt lên tất cả, chị đã nỗ lực vươn lên từ bóng tối số phận, thắp sáng niềm tin được sống và cống hiến.
Kể về cuộc đời mình, người đàn bà ấy lại nước mắt lưng tròng. Chị nhớ lại, năm 2001 chị lập gia đình với một thanh niên cùng thành phố, niềm vui nhân lên khi chị sinh liên tiếp 2 cô con gái kháu khỉnh. Ngày ngày, chị bán trà đá còn anh là lao động tự do. Cuộc sống yên bình cứ trôi đi. Thế rồi, đầu năm 2006, chồng chị lâm bệnh, gia đình đưa anh đi khắp các bệnh viện nhưng không tìm ra bệnh.
“Một lần đến bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, thấy người anh có nhiều biểu hiện của người có HIV/AIDS nên bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm và tôi choáng váng khi hay tin anh nhiễm HIV. Nghĩ mình có thể cũng bị lây nhiễm nên tôi cũng đi khám rồi mọi thứ như sụp đổ khi bệnh viện cho biết tôi cũng bị lây từ anh căn bệnh thế kỷ. Bà con làng xóm xì xào, quán nước của tôi cũng đóng cửa vì không còn ai đến uống nữa”, chị kể.
“Cuối năm 2006 chồng chết, tôi đã âm thầm đưa 2 đứa con gái đi xét nghiệm và cuộc sống như chấm hết trước mắt tôi, khi 2 đứa con gái bé bỏng đều nhiễm HIV. Đã nhiều lần muốn tìm đến cái chết cho xong, nhưng thương 2 đứa trẻ tôi lại cố gắng sống cùng các con” – chị H. kể lại.
Gạt những giọt nước mắt của mình, chị H. tiếp tục kể về những ngày tháng chìm nổi, lênh đênh những ngày sống chung với bệnh và sự kỳ thị của xã hội. Chị bảo hành trình tìm trường cho con theo chữ mới thật gian nan với chị. Lúc đầu đưa con đến lớp, cũng như bao đứa trẻ khác, con của chị cũng được chào đón. Thế nhưng, chỉ sau ít ngày khi biết cháu bị nhiễm HIV, nhà trường đã viện đủ mọi lý do như 2 cháu đang nhỏ, ốm yếu để không nhận. Chị lại phải mang con ra cơ sở tư thục, học được 1 thời gian thì nhà trường lại gọi lên gợi ý cho con chị nghỉ học vì sợ lây sang các trẻ khác. Cuối cùng chị chấp nhận để con ở nhà.
Chị H. kể lại cuộc đời bất hạnh và hành trình vượt lên số phận của mình
Đến tuổi lên cấp I, thấy bạn bè cùng trang lứa mỗi ngày đến trường, hai con của chị H. lại đòi mẹ cho đi học. Không cầm lòng được, chị lại tất tả chạy khắp nơi xin cho con theo học. Nhưng cũng như những lần trước, chỉ học được ít hôm, nhà trường lại gọi chị lên nói chuyện rồi trả lại tiền đóng góp và không cho 2 đứa con chị theo học. Không còn cách nào khác, chị đành lên phường nhờ can thiệp nhưng phường cũng không giúp được vì lý do trường đã nhận đủ học sinh.
“Thấy các con ham học mà bị đối xử kỳ thị, tôi lại lặn lội về trường tiểu học ở quê ngoại xin cho các cháu học. May mắn là dù nhà trường biết chuyện nhưng vẫn cho các cháu theo học, không những thế trường này còn động viên gia đình và các con tôi cố gắng học hành. 2 cháu vừa học xong cấp 1, giờ tôi lại bắt đầu đi tìm trường cho các cháu vào cấp 2. Cũng may trường cấp 2 cũng không kỳ thị, xa lánh mà dang rộng vòng tay đùm bọc mẹ con tôi. Nhờ đó mà tôi mới có nghị lực để sống được đến ngày hôm nay” – chị H. nhớ lại.
Video đang HOT
Sau một thời gian vượt qua được cú sốc về tâm lý, chị H. đã bình tâm trở lại, chị lên Trung tâm HIV thành phố Thanh Hóa. Tại đây, chị được cán bộ động viên, chia sẻ, giúp đỡ chị quên đi bệnh tật để sống. Cả 3 mẹ con chị được cấp thuốc ARV điều trị hàng tháng. Sau đó, chị tham gia vào nhóm đồng đẳng “Lai Ghép”, đây là nhóm đi tuyên truyền vận động những người nghiện ma túy, gái bán dâm biết được căn bệnh thế kỷ để có cách phòng tránh tốt nhất. Hay chia sẻ cho những người HIV/AIDS về điều trị ARV hoặc những kiến thức có liên quan. Nhờ vậy nhiều trường hợp đã được tiếp cận và điều trị hiệu quả.Với lòng nhiệt huyết, chẳng mấy chốc chị H. đã trở thành chỗ dựa tin cậy đối với những người cùng cảnh ngộ.
Được sự quan tâm của các thành viên trong nhóm mà chị dần quên đi căn bệnh trong người, hăng say trong công việc, tạo niềm vui cho mình. Không chỉ là một thành viên tích cực, chị H. còn đảm đang việc nhà khi cùng bố mẹ đẻ lập trang trại chăn nuôi lợn, gà…
Trải qua những ngày tháng đớn đau, trái tim đã chai lì đi những vết thương, người phụ nữ ấy lại khát khao được sống, được cống hiến. Vì các con, chị đã bước ra từ bóng tối và “hồi sinh” trở lại.
Chị tâm sự: “Tôi nghĩ cuộc sống đã quá đỗi bất hạnh rồi, giờ mình không tự đứng lên khẳng định mình thì suốt đời sẽ sống trong mặc cảm, lo âu. Mình không phải sống cho mình nữa mà sống cho các con mình. Chúng nó vẫn cần có mẹ..”
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Tiến Ngọc, Phó Trưởng Khoa Truyền thông Trung tâm HIV/AIDS Thanh Hóa cho biết: “Chị H. là một trong số những người nhiễm HIV có nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Mặc dù chồng, con và chính bản thân mang trong mình căn bệnh thế kỷ nhưng chị vẫn lạc quan để sống, nhiệt tình trong các hoạt động của các nhóm tuyên truyền về phòng chống HIV. Chị đã giúp cho rất nhiều người cùng cảnh ngộ vượt lên số phận để sống có ích cho xã hội. Biết hoàn cảnh của chị khó khăn nên Trung tâm cũng thường xuyên quan tâm giúp đỡ, chia sẻ về vật chất lẫn tinh thần”.
Nguyễn Thùy
Theo Dantri
Chuyện hoàn lương của một nữ mại dâm: Làm lại từ đầu vì con
Hà, 29 tuổi, liên tục hỏi tôi 3 hay 4 lần gì đó "chị đã gặp nhiều người như em chưa?". Tôi nói thật là chưa bao giờ. Đây là lần đầu tiên tôi nói chuyện với một người từng làm gái mại dâm.
Tôi hơi lo lắng một chút khi Hà ngồi trước mặt. Trái ngược với giọng nói nhẹ, trẻ và khá ngọt khi hẹn qua điện thoại, cô trông già hơn chục tuổi, khuôn mặt gầy sát, đen sạm, má rỗ, đôi mắt nhìn chằm chằm vào người đối diện. Cô đang hút thuốc, mắt nhìn thẳng vào tôi, còn tôi tự hỏi không biết chúng tôi có thể nói chuyện với nhau không.
Tôi đành bắt đầu bằng những câu hỏi xã giao, kiểu sống ở đâu, với ai, nhà có gần đây không... Khi Hà bắt đầu nói chuyện, tôi thấy dễ chịu hơn. Người đàn bà có vẻ ngoài bất cần đời này không phải là một bức tường đóng kín, cô ấy là cánh cửa đang từ từ mở ra. Và tôi thấy một thế giới khác.
Cô đơn trong gia đình
"Sao mẹ không ăn cơm? Mẹ ăn cơm đi chứ!" - đứa con trai 7 tuổi của Hà tròn mắt hỏi, khi cả nhà đang ăn cơm thì Hà về. Như mọi lần, bố mẹ Hà im lặng, tiếp tục bữa ăn của mình, không nói lời nào.
Hà sống cùng trong ngôi nhà này, nhưng là "sống cùng" theo nghĩa như vậy. Hà ăn riêng, ngủ riêng, hầu như không nói chuyện. Đi đi về về một phòng trên gác hai, nếu có ốm bệnh nằm đó thì mẹ Hà cũng mặc kệ. Kể cả con trai Hà, mọi việc ăn uống, chăm sóc, đưa đón... cũng đều do bố mẹ Hà đảm nhiệm. Hà không được ngủ với con, không được đưa con đi chơi. Có lần, Hà thèm tắm cho con quá, bảo con vào mẹ tắm cho, nhưng cô bị ngăn lại. Mẹ Hà bảo với cháu: "Không được để mẹ đụng vào người, lây bệnh!".
Hà bị nhiễm HIV, chắc là do một lần dùng chung kim tiêm nào đó mà cô cũng không nhớ rõ."Không thể trách bố mẹ được. Ông bà là dân lao động, hiểu biết có hạn, với lại, ông bà đã già rồi vẫn phải nuôi con cho em", cô nói.
Anh minh hoa
"Lấy chồng đã hại cuộc đời em!", Hà kể. Hà lấy chồng năm 16 tuổi, một chàng trai hơn 2 tuổi, đã được bố mẹ cảnh báo trước là nghiện ngập. Trong một lần chồng thách thức "chơi không", sẵn tính hiếu thắng trẻ con, cô chặc lưỡi "chơi thì chơi, sợ gì!". Hà nghiện, chồng bị bắt đi cai, bố mẹ chồng đuổi cô ra khỏi nhà và cô bắt đầu đi làm gái. Mười năm sám hối trong tù của đứa con nghịch tử
Hà cười cười và gật gật đầu khi tôi hỏi về việc lên giường với một người xa lạ, làm sao để chấp nhận và vượt qua cảm giác đó. "Đúng là rất ghê! Nhưng với một con nghiện thì mỗi sáng thức dậy điều đầu tiên xuất hiện trong đầu là "làm sao để có tiền mua thuốc? - cô giải thích- một ngày trung bình hết 500 nghìn tiền thuốc, lấy đâu ra, bằng cách nào?".
Tôi hỏi quãng thời gian đó, có lúc nào Hà nghĩ đến việc bỏ công việc này không. Hà lắc đầu, làm gì có lúc nào mà nghĩ! Nói ngắn gọn, cô chìm trong phê để quên đi cảm giác ghê và vượt qua cảm giác ghê để có tiền phê, trong 8 năm liền.
Đàn ông tìm đến Hà họa hoằn mới có người hỏi chuyện, đó là những giây phút tủi thân hiếm hoi. Hà thấy cuộc đời mình sao đến nông nỗi này và muốn thay đổi. Nhưng cảm giác đó đi qua rất nhanh, bởi: "Làm sao để thay đổi, muốn bắt đầu lại phải có tiền và có vốn. Ai giúp mình? Không ai giúp cả!".
Thế nhưng, cách đây 6 năm, Hà đã tự nguyện đi cai nghiện. Hà muốn bỏ ma túy, bỏ nghề làm gái, bắt đầu lại từ đầu.
Bởi vì có con Con đường lầm lỡ của má mì 'buôn' trinh thiếu nữ
Khi nhìn vào con, lần đầu tiên trong đời Hà muốn thay đổi. Hà nghĩ con mình bé dại, ông bà già không sống được bao lâu nữa, rồi con Hà cũng lớn lên và nhìn vào mẹ. Hà muốn con thấy mình là một bà mẹ bình thường, đi làm một công việc bình thường kiếm tiền nuôi con.
Hà phát hiện mình nhiễm HIV chính vào lúc cô ở trại cai nghiện, quyết tâm từ bỏ tất cả, làm lại cuộc đời. Bố mẹ Hà muốn cô không bao giờ quay trở về nhà nữa, không được lại gần con nữa. Giây phút ấy, là lúc Hà cảm thấy thương chính mình nhất. Mọi thứ như đóng sập lại đúng lúc cô muốn bắt đầu, cô cảm thấy mình mất tất cả.
Người đàn bà mà lúc mới gặp tôi nghĩ là đầu gấu, bây giờ mắt ươn ướt. Cô bảo khóc nhiều quá rồi nên bây giờ xúc động cũng không thấy nước mắt nữa, cho dù nhiều đêm tỉnh dậy thấy hai dòng nước lăn dài trên má.
Ba năm nay, sau khi rời khỏi trại cai nghiện, Hà bỏ nghề cũ, đi bán trà đá buổi tối ở vỉa hè. Hà nghĩ, đằng nào thì cũng chết trước bố mẹ mình, may ra ở cùng con vài năm nữa, nhưng còn ngày nào thì sẽ cố gắng làm lụng, tích cóp, lo cho con được từng nào hay từng đó. "Mỗi ngày, em kiếm được khoảng 50 nghìn đồng. Những ngày đi làm đầu tiên sau 8 năm làm gái, em nhận ra rằng kiếm tiền khó khăn như thế nào. Trước đó, mỗi lần "đi khách" em cũng được 300 - 500 nghìn", Hà nói. Nhưng cảm giác cầm trên tay đồng tiền đó, mua quần áo, đồ dùng học tập cho con bằng đồng tiền đó, với Hà rất khác trước. Hà cười rất tươi: "Ba tháng sau khi đi làm, em dẫn con đi tới nhà sách, mua cho con món đồ chơi đầu tiên. Hạnh phúc lắm. Đó là đồ chơi xếp hình giá 70 nghìn đồng".
Sau một buổi nói chuyện dài và buồn về quá khứ, tôi muốn hỏi một câu khiến cô vui lên: Hình ảnh nào, hay khoảnh khắc nào đó về con khiến em cảm thấy mạnh mẽ hơn, có động lực sống tiếp hơn? Hà mỉm cười: "Khi nhìn con học bài, em thấy tương lai của con còn phía trước, rằng ông bà đã già rồi, em phải kèm con học".
Hà nói, bây giờ không buồn nữa, cô đang đăng ký một lớp học nghề ở CSAGA, ước mong có một nghề ổn định để kiếm tiền nuôi con trong thời gian còn lại. Tôi nhìn khuôn mặt hi vọng của Hà lúc đó và nghĩ rằng thực ra chúng tôi không có gì xa lạ, chúng tôi đều giống nhau và giống tất cả những người làm cha làm mẹ trên thế gian này, đều có thể thay đổi vì con và cố gắng làm việc mỗi ngày để con mình có một tương lai tốt hơn.
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Theo Gia đình Xã hội
Bi kịch mang tên "sống thử" ở khu công nghiệp Họ là những nữ công nhân sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm, dễ bị cuốn vào các cuộc tình chớp nhoáng. Trong quan hệ yêu đương, họ quá dễ dãi hoặc chưa có kỹ năng tự bảo vệ mình nên có thể trở thành nạn nhân của nạn nạo phá thai, bị bạo lực cả tinh thần lẫn thể xác và có...