Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong Lan Thương (phần 5)
Nang Khiêm, huyện cực Nam của tỉnh Thanh Hải, ở trên độ cao hơn 4.000m so với mực nước biển. Nơi đây được mệnh danh là ‘cái nôi văn hóa’ của Châu tự trị dân tộc Tạng Ngọc Thụ.
Dòng Trát Khúc, sông đầu nguồn của Mekong – Lan Thương đi qua 2 huyện thuộc Châu tự trị dân tộc Tạng Ngọc Thụ ở tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc. Đó là Tạp Đa và Nang Khiêm. Có lẽ do sự tiện lợi trong đi lại, người dân của cả 2 huyện này đều thích sử dụng xe máy, đặc biệt là ở huyện Nang Khiêm.
Nang Khiêm là huyện nằm ở cực Nam của tỉnh Thanh Hải trên độ cao hơn 4.000m so với mực nước biển. Nơi đây được mệnh danh là “cái nôi văn hóa” của Châu tự trị dân tộc Tạng Ngọc Thụ, với dân số gần 120.000 người tính đến cuối năm 2019.
Sản phẩm gốm đen Nang Khiêm.
Địa phương này nổi tiếng với gốm đen Tây Tạng có lịch sử hơn 4.000 năm cùng công nghệ trộn đất sét và nung 3 lần bằng phân bò đặc biệt, cũng như điệu múa cổ Trác Căn Mã (Zhuogenma) từng được mệnh danh là múa cung đình và hiện là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh Thanh Hải.
Xe máy xếp dọc vỉa hè trên đường phố huyện lỵ Nang Khiêm.
Nhưng có lẽ một trong những điều gây ấn tượng mạnh đối với những người lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này, đó là xe máy. Người dân Tạng ở đây sử dụng khá nhiều loại phương tiện này, từ đàn ông, phụ nữ, đến học sinh và cả các Lạt ma, tức các vị sư của Phật giáo Tạng truyền.
Chị Ích Tây, một nhân viên khách sạn người Tạng tại Nang Khiêm.
Chị Ích Tây (Yixi), một nhân viên khách sạn người Tạng ở Nang Khiêm, hàng ngày đều đi làm bằng xe máy.
“Từ đây đến nhà tôi chỉ có 5km, rất gần. Do vậy, mỗi ngày tôi đều đi xe máy đi làm. Tôi thấy đi xe máy rất tiện lợi và cũng an toàn. Nhưng khi ra đường phải đội mũ bảo hiểm, vì đây là quy định của chính quyền”, chị chia sẻ.
Cảnh sát giao thông được bố trí nhiều trên đường phố.
Có lẽ do người dân sử dụng nhiều xe máy nên lực lượng cảnh sát giao thông ở huyện lỵ Nang Khiêm cũng được bố trí dày hơn so với các thành phố lớn ở Trung Quốc. Đã có xe máy thì phải có các hàng sửa chữa xe máy và tắc đường cũng là “đặc sản” không thể thiếu ở đây, dù chỉ xảy ra cục bộ.
Video đang HOT
Ùn tắc cục bộ trên đường phố Nang Khiêm
Người ta có thể thấy xe máy được để ở mọi nơi tại huyện lỵ Nang Khiêm, nhưng đa phần chưa có biển. Trao đổi với phóng viên, một người dân đi xe có biển cho biết, vì xe của anh phân khối lớn nên phải đăng ký, còn những chiếc xe khác thì không.
Anh còn cho biết thêm, đợt này cảnh sát giao thông địa phương đang ra quân xử lý nghiêm các lỗi như không đội mũ bảo hiểm hoặc chở quá 2 người, nên vấn đề đăng ký biển xe hiện chưa thấy nhắc đến.
Điều này ngay lập tức đã được kiểm chứng bởi một nhóm người tham gia giao thông bị công an chặn lại đưa vào lề đường. Những người đi sai làn cũng bị nhắc nhở.
Một chiếc xe phân khối lớn hiếm hoi có biển.
Anh Tài Nhân Trát Tây (Cairen Zhaxi), một cảnh sát giao thông đang xử lý các trường hợp vi phạm cho biết: “Gần như mỗi gia đình ở đây đều có từ 2-3 chiếc xe máy. Họ bị giữ xe chủ yếu là do không đội mũ bảo hiểm. Chúng tôi sẽ giáo dục họ, sau đó cho đi.”
Các địa phương dọc sông đầu nguồn Mekong – Lan Thương ở tỉnh Thanh Hải thường không quá lớn, đường xá đi lại khá nhỏ với địa hình phức tạp, nên xe máy là phương tiện được người dân ở đây ưu tiên lựa chọn.
Một tiệm sửa xe máy
Có lẽ hiếm có vùng nào trên đất Trung Quốc sử dụng nhiều xe máy đến vậy như ở Nang Khiêm. Điều này khiến những người đã từng đến Đông Nam Á có cảm giác như đang đi ở một nơi nào đó trên đất Việt Nam hay Thái Lan. Đặc biệt hơn khi chủ nhân của những chiếc xe máy này là người dân tộc Tạng, một dân tộc luôn gắn với Phật giáo Tạng truyền huyền bí. Và phải chăng sử dụng xe máy rộng rãi cũng là một đặc điểm chung của những người dân sinh sống dọc dòng Mekong – Lan Thương, dù ở vùng núi cao hanh khô, lạnh lẽo nơi đầu nguồn trên cao nguyên Thanh Tạng, Trung Quốc hay những vùng đất ấm áp, trù phú nơi hạ nguồn tại các quốc gia Đông Nam Á./.
Thêm một số hình ảnh ở Nang Khiêm:
Bảo tháp Phật Tạng.
Chùa Gaer nằm ở lưng chừng núi tại Nang Khiêm.
Phụ nữ Tạng trong trang phục truyền thống ở Nang Khiêm.
Đàn ông Tạng trong trang phục truyền thống
Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong: Dừng chân ở Tạp Đa
Chặng thứ ba của hành trình là điểm đến đầy mong đợi - huyện Tạp Đa, nơi phát nguyên của Mekong-Lan Thương.
Tuy nhiên, đoàn chỉ có thể dừng chân ở huyện lỵ, nơi cách km0 của dòng sông về mặt địa lý khoảng 170km do đoạn đường cuối cùng để lên nơi này hiện vẫn là đầm lầy, cỏ hoang, cây dại và chưa có đường.
Huyện Tạp Đa, nằm ở độ cao 4200m so với mặt nước biển, tổng diện tích 35.000km2, với gần 63.000 dân tính theo số liệu đến cuối năm 2014. Trong tiếng Tạng, "Đa" có nghĩa là đầu nguồn, Tạp Đa có nghĩa là thượng nguồn sông Trát Khúc. Trong khi Trát Khúc có nghĩa là "dòng nước chảy ra từ núi" và đây cũng là dòng chính dùng để tính độ dài của Mekong-Lan Thương.
Một đoạn dòng sông Trát Khúc từ trên cao.
Vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã thí điểm thực thi các biện pháp bảo vệ các dòng sông đầu nguồn, nhằm đảm bảo nguồn nước cho hàng trăm triệu người dân nước này dưới hạ lưu. Riêng với Lan Thương, chính quyền huyện Tạp Đa, nơi khởi nguồn của dòng sông đang tìm tòi các phương cách để vừa phát triển các hình thức du lịch cao cấp, khảo sát và nghiên cứu khoa học, vừa đảm bảo nguồn sống cho người dân nơi đầu nguồn.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV, ông Lý Chấn Bân, Phó Chánh văn phòng Huyện ủy Tạp Đa cho biết, địa phương này đang thúc đẩy 5 công việc chính, gồm xác định chiến lược lấy bảo vệ môi trường sinh thái làm nền tảng cho công tác xây dựng địa phương.
Kết hợp với việc thí điểm bảo vệ Vườn quốc gia đầu nguồn Tam Giang thực hiện 4 năm nay, thúc đẩy toàn diện việc bảo vệ sinh thái đầu nguồn sông Lan Thương và đầu nguồn phía Nam sông Trường Giang; động viên cán bộ và toàn thể người dân địa phương tham gia bảo vệ, quản lý và tuần tra sinh thái, bố trí các nhân viên quản lý bảo vệ sinh thái, cũng như thiết lập các vị trí việc làm tương tự, khuyến khích người dân từ người sử dụng trở thành người quản lý bảo vệ và hưởng lợi từ môi trường sinh thái bằng các chính sách; thí điểm việc thu gom, phân loại, giảm lượng và xử lý rác thải ở các vùng cao nguyên, khu vực có độ cao lớn so với mực nước biển và khu vực chăn thả ở vùng sâu vùng xa; đưa giáo dục bảo vệ môi trường vào nhà trường.
Ông Lý Chấn Bân, Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Tạp Đa.
Cũng theo quan chức này, khu vực sông Lan Thương trong Vườn Quốc gia đầu nguồn Tam Giang có người dân chăn thả sinh sống và cư trú, do vậy huyện Tạp Đa đang phải tìm hướng đi nhằm vừa đảm bảo tính nguyên bản của sinh thái, tính đa dạng của sinh học, vừa đảm bảo cuộc sống và các nhu cầu cơ bản của người dân.
Theo đó, hiện nay, các hoạt động khảo sát khoa học và nghiên cứu khoa học cần thiết có thể sẽ được xem xét và cho phép tiến hành, các hoạt động thương mại hoặc cá nhân khác có thể sẽ không được chấp thuận, đặc biệt tại xã Ngang Trại, vùng lõi của đầu nguồn sông Mekong-Lan Thương.
Ông nói: "Ước tính, trong 3 năm gần đây, tại xã Ngang Trại, có khoảng 100 đoàn tầm 300-400 người được đi vào vùng lõi. Hơn một nửa trong số đó là làm công tác tuyên truyền đối ngoại, giới thiệu tình hình xây dựng và thí điểm ở khu bảo tồn. Ngoài ra, chúng tôi còn đón các đoàn sinh viên đến tiến hành nghiên cứu khoa học và triển khai những hoạt động kinh doanh nhượng quyền, như chèo thuyền mạo hiểm cao cấp."
Đường hầm số 1 trên sông Lan Thương được khánh thành thông xe vào năm 2014. Đường hầm này đã giúp rút ngắn rất nhiều đường đến huyện Tạp Đa.
Theo ông Lý Chấn Bân, cách làm của Tạp Đa có thể sẽ được nhân rộng ra các Vườn quốc gia khác ở Trung Quốc nếu thực hiện thành công.
Thú vị hơn khi Tạp Đa còn được mệnh danh là "quê hương của đông trùng hạ thảo" (gọi tắt là trùng thảo) ở Thanh Hải, Trung Quốc. Mặc dù nằm trên cao nguyên, nhưng thị trấn huyện lỵ Tạp Đa khá nhộn nhịp nhờ vào các hoạt động giao dịch trùng thảo và thương mại khác. Cuộc sống của người dân nơi đây cũng thuộc hàng khá giả so với những người Tạng ở những nơi khác.
Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về đông trùng hạ thảo ở Tạp Đa, nơi hình thành những giọt nước đầu tiên đổ về sông Cửu Long trước khi đổ ra Biển Đông của Mekong-Lan Thương./.
Một ngôi trường tiểu học ở huyện lỵ Tạp Đa.
Buổi học thư pháp Tạng của trẻ em ở Tạp Đa.
Trẻ tiểu học người Tạng biểu diễn sử thi Gesar, một nhân vật anh hùng trong truyền thuyết của người Tạng.
Hàng thủ công của người Tạng ở Tạp Đa.
Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong-Lan Thương (phần 2) Chặng dừng chân tiếp theo của đoàn phóng viên trên hành trình về với đầu nguồn Mekong-Lan Thương trên đất Trung Quốc là thành phố Ngọc Thụ thuộc Châu tự trị dân tộc Tạng Ngọc Thụ, tỉnh Thanh Hải. Nhắc đến thành phố Ngọc Thụ, không ít người nhớ đến trận động đất nghiêm trọng 7,1 độ richter đã cướp đi sinh mạng...