Hành trình mang thai gian nan, sinh xong còn khổ cực gấp trăm lần của mẹ sinh 3 ở Trà Vinh
Để có được 3 bé trai kháu khỉnh đáng yêu, chị Anh Nguyễn đã phải vượt qua muôn trùng thử thách, khổ cực.
Hình ảnh những em bé sinh đôi, sinh 3 bụ bẫm đáng yêu, “đẻ một lần xong luôn nhiệm vụ” vẫn khiến các mẹ trầm trồ thích thú. Nhưng ít ai biết được để sinh một lần như thế, mẹ phải trải qua những thử thách lớn thế nào và đánh đổi biết bao nhiêu thứ để hoàn thành nhiệm vụ. Câu chuyện của chị Anh Nguyễn (hiện đang sống tại Trà Vinh) – mẹ của 3 bé sinh 3 hiện hơn 8 tháng tuổi sẽ giúp các mẹ hình dung rõ hơn về những đớn đau, khổ cực mà một người mẹ mang đa thai có thể phải gánh chịu.
Ít ai biết để có được 3 em bé đáng yêu như thế này, mẹ đã phải trải qua rất nhiều thử thách.
Mang thai nặng nề, nằm ngửa 2 phút cũng không thở nổi
Khi phát hiện mang thai lần 2, chị Anh mừng rỡ khôn cùng, bởi bé gái đầu lòng đã được 6 tuổi mà chị thả mãi mới cấn bầu. “5 tuần, mình đi siêu âm, có túi thai trong tử cung. 6 tuần, mình bị ra máu, đi siêu âm bác sĩ bảo động thai, dặn dò nghỉ ngơi. Nhưng mình vẫn cố đi làm, hẹn 2 tuần sau đi siêu âm lại. 8 tuần, bác sĩ bảo song thai một túi ối, trường hợp này không tốt bằng 2 thai 2 túi ối. 11 tuần, bác sĩ giật mình bảo sao kỳ quá, phát hiện ra 3 thai hai túi ối, độ mờ da gáy hơn 3.0mm có nguy cơ bị down rất cao. Bác sĩ bảo mình đi bệnh viện Từ Dũ xét nghiệm thêm”.
Hành trình mang thai ba cực “như trời đày”, gian nan từng ngày và cuộc sống sau sinh trầm cảm vì mệt mỏi của mẹ 8X Đọc ngay
Nghe lời bác sĩ, chị Anh khăn gói tìm đến khu vực khám tiền sản của bệnh viện Từ Dũ làm xét nghiệm máu. Hôm sau nhận được thông báo qua điện thoại rằng máy không đọc được chỉ số 3 thai mà chỉ đọc được 1 thai hoặc 2 thai. Đến 13 tuần, chị Anh ra máu rất nhiều, tự mình vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ thăm khám siêu âm, bảo bị động thai và tư vấn cho ở lại dưỡng thai, sức khỏe mẹ không tốt có thể giảm bớt thai. Nhưng vì điều kiện không cho phép, chị xin về nhà nằm nghỉ và nhất mực giữ cả 3 thai.
Những ngày sau đó, sức khỏe chị Anh vẫn chưa tốt. Tuần 14, bác sĩ siêu âm bảo nước ối nhiều khiến bụng to hơn tuần thai, muốn kéo dài thai kỳ thì phải rút bớt nước ối ra ngoài khoảng hơn 3,5 lít. Nguy cơ bị sẩy thai cao vì mẹ mang thai và sinh 3.
Cả thai kỳ, chị Anh cảm thấy mệt đến mức không bao giờ nằm ngửa được, chỉ cần nằm ngửa 2 phút cũng không thở nổi. Sau khi rút bớt nước ối, chị được bác sĩ chỉ định phải nằm nghỉ một tuần không được làm việc, theo dõi có bị rỉ ối hay vỡ ối, ra máu… Nhưng may mắn là những vấn đề này chị không gặp phải.
Mang thai mệt mỏi, làm việc vất vả, chị Anh chẳng có bức ảnh bầu nào chụp lại. Đây là những hình ảnh đầu tiên mà chị còn lưu giữ được khi con mới chào đời.
Video đang HOT
“Bác sĩ dặn mình trong 2 tuần sẽ trả kết quả, dặn phải canh chừng điện thoại. Thời gian đó không có lúc nào mình rời điện thoại và thấy mã vùng thành phố gọi đến là sợ bắn cả người. Cả tuần trời không dám ngủ. May mắn đến ngày trả kết quả thì mọi thứ bình thường”, chị Anh kể lại.
18 tuần xét nghiệm, chị Anh bị tiểu đường thai kỳ. Bác sĩ tư vấn cần ăn uống kiêng khem, nếu đường trong máu cao sẽ nguy hiểm tới thai nhi và nếu không tiết chế được thì nguy cơ mất tim thai rất cao. Chị nghe lời bác sĩ, cố gắng nấu ăn ở nhà để hạn chế đường, ít tinh bột, không ăn bánh ngọt, trái cây ngọt, không uống sữa bầu, mỗi ngày cố gắng uống 1 lít sữa không đường.
22 tuần siêu âm, cả 3 thai đều bị giãn nhẹ não thất. Bác sĩ phải theo dõi sát sao, khám thai theo lịch hẹn. Mỗi lần khám thai là phải test đường sau 2 giờ ăn. 27 tuần, một thai bị tim to, hở van ba lá, dính nhẹ lá vách van ba lá. Chị được bác sĩ bệnh viện Từ Dũ và bệnh viện Nhi đồng 2 hội chẩn chặt chẽ để tìm ra phương án xử lý, sinh theo chỉ định sản khoa, sau khi sinh xong, bé sẽ được chuyển sang bệnh viện Nhi đồng 2..
Sau bao nhiêu cay đắng, mấy mẹ con cũng có thể tận hưởng những ngày tháng tuy vất vả nhưng vẫn còn giữ được nụ cười bên nhau.
27 tuần, có một thai bị tim, bác sĩ bảo cần chọc ối lại xét nghiệm cho kết quả chắc chắn, có thể chấm dứt thai đó. Tuy nhiên chị Anh quyết định để vậy, không chọc ối nữa vì cũng không có phương án giải quyết tốt, thai đã lớn nên chị quyết định tùy theo ý trời.
Cả thai kỳ dài dằng dặc, chị Anh không thể tự nấu ăn cho mình được, chị cho bé đầu về quê ở nhà ông bà nội, mình chị ở lại Thành phố Hồ Chí Minh để theo dõi thai kỳ và làm việc kiếm thêm tiền.
32 tuần, chị bị xuất huyết chân răng, không cầm được máu, phải đi bệnh viện răng để bác sĩ khám và cầm máu. Mãi mới cầm được máu, máu chảy nhiều vô kể, phải hơn 1 lít. Ngày hôm sau, cũng là khi chị có dấu hiệu sinh, bụng đau, tự mình bắt xe ôm vào bệnh viện đi sinh. “Mình vào làm thủ tục với dáng lom khom, vừa đau, vừa mệt, vừa lo lắng hồi hộp tự ngồi ghi giấy. Thủ tục kí cam kết đều là mình tự làm vì gấp quá chồng và người thân không đến kịp. Đi cùng mình chỉ có mẹ chồng hơn 70 tuổi, tóc bạc trắng, lưng đã còng nên cũng không phụ giúp được nhiều. Đến lượt vào phòng khám đã mở ba phân, bác sĩ cho mổ ngay. 8h25 phút ngày 28/9/2018, 3 bé trai chào đời với cân nặng 1400g, 1650g, 1800g. Các con được đưa vào khoa sơ sinh”, chị kể lại.
Những ngày sau sinh bế tắc đến mức chỉ muốn trốn đi thật xa
Trong phòng hồi sức, được các cô y tá gọi dậy sau mấy giờ đồng hồ gây mê, câu đầu tiên chị hỏi là: “Con em có khỏe mạnh không, bé gái hay bé trai?”, bởi chị thậm chí còn chẳng biết sau bao nhiêu thử thách trong suốt thai kỳ, khuôn mặt con thế nào. Khi được đẩy ra ngoài, nhìn thấy người nhà và thấy chồng, nước mắt chị chực trào. Chồng chị ở quê nên không kịp đưa vợ đi sinh, anh lại còn phải trông lo bé đầu nên chị càng thiệt thòi nhiều hơn.
Sau sinh, chị Anh còn bị ứ sản dịch, phải nằm thêm 5 ngày để truyền kháng sinh. Cơ thể kiệt sức, bác sĩ bảo nếu không hết sản dịch sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Nằm viện 10 ngày, thấy ai cũng được ôm ấp cho con bú, chị Anh lại tủi thân vô cùng. Nhất là khi chị xuất viện mà không được đón con về nhà cùng. Các bé còn non yếu nên phải ở lại để chăm sóc đặc biệt, mẹ vì yếu cũng không được vào thăm con.
3 bé hiện được hơn 8 tháng tuổi, trộm vía sức khỏe bình thường.
Những ngày về nhà đợi chờ, chị Anh đều cố gắng vắt những giọt sữa ít ỏi để chồng mang vào cho con. 22 ngày, chị được gọi vào ấp bé. Nhìn thấy con bé nhỏ xíu xiu, người toàn vết lấy ven, băng keo mà chỉ biết khóc. Bé sinh non nhẹ cân nằm lồng kính nên khi ra ngoài phải rất nhẹ nhàng cẩn thận, canh từng cơn tím tái, ngừng thở, cho ăn bằng muỗng hai tiếng một lần.
“Người ta thì chăm một bé có 2-3 người, còn mình thì ít người mà đông con nên rất vất vả. Bác sĩ dặn là ấp kangaroo đến tuần thứ 40 nhưng mình ấp được có 2 ngày vì không có người ấp. Bé sinh non nhẹ cân nên phải khám theo dõi định kỳ, nhưng do hoàn cảnh nên mấy mẹ con phải về quê. Ông bà nội ngoại đều khó khăn, ở xa nên cũng không giúp đỡ được gì nhiều. Mình không được ở cữ ngày nào mà phải xoay mòng mòng như một cỗ máy để chăm sóc con khi đón được con về”, chị Anh mệt nhọc kể lại.
Không có thời gian nghỉ ngơi, lại vất vả, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần nên chị stress vô cùng, sữa ít dần đi. Từng em bé cứ vặn mình là ọc sữa nên mẹ phải thức canh con, 3 đứa cùng khóc quấy nên mỗi ngày đều như cực hình với người mẹ. Ăn uống, bỉm sữa, tắm giặt cho 3 con đều một mình mẹ làm, cho đến rơ lưỡi, cắt móng tay chân. Một ngày quay cuồng, sáng thức dậy là vệ sinh cá nhân cho 3 bé, chiều thay đồ cho con ngủ, con ngoan lúc nào lại tranh thủ giặt quần áo…
Chăm 3 bé bận rộn khiến chị Anh ước có 10 phút ngả lưng buổi trưa cũng không được.
Chị Anh và con gái lớn nay đã 7 tuổi.
“Nhiều khi mình ước được nằm nghỉ lưng khoảng 10 phút buổi trưa cũng không nổi. Bé này khóc, bé kia đòi ngủ, bé nữa thì đi ị… Có bữa được ăn sáng, có bữa lại không, mình nhiều lúc còn không có thời gian tắm rửa cho bản thân nữa. Hai lần mổ, sức khỏe của mình không còn tốt nữa. Lưng đau nhức vì phải ngồi suốt ngày, chân tay đau, tóc rụng hói cả đầu, đầu thường đau váng vất. Nhưng chưa là gì nếu so với cả nỗi lo gánh nặng cơm áo, bỉm sữa, điện nước, sinh hoạt hàng ngày và một đống nợ trên đầu. Rất nhiều lần mẹ khóc, con khóc, đã đôi lúc muốn buông bỏ tất cả, muốn trốn đi thật xa, thậm chí còn đánh con. Sau những lúc trầm cảm như vậy, mình lại bình tĩnh tự an ủi bản thân, phải cố gắng để làm người mẹ tốt, chăm sóc cho các con”, chị Anh tâm sự.
Trải qua muôn vàn gian nan, từng ngày nhọc nhằn đi qua, những kỷ niệm khi mang thai và sinh 3 thật khó quên đối với chị Anh. Hiện cả 3 bé cũng đã cứng cáp hơn và đã được 9 tháng tuổi, sức khỏe trộm vía bình thường. Nhìn nụ cười của các con, chị Anh lại có động lực nhiều hơn trên hành trình làm mẹ.
Theo Helino
Cặp song sinh cùng trứng khác tinh trùng
Hai em bé sinh đôi ở Brisbane (Australia) chỉ giống nhau 78% về mặt di truyền do trứng của mẹ thụ tinh với hai tinh trùng của bố.
Ban đầu, quá trình mang thai của sản phụ 28 tuổi dường như hoàn toàn bình thường. Kết quả siêu âm ở tuần thứ sáu cho thấy một nhau thai và hai túi ối, chứng tỏ người mẹ chuẩn bị đón một cặp song sinh cùng trứng.
Tám tuần trôi qua, kết quả siêu âm của người phụ nữ trên khiến các bác sĩ kinh ngạc. Cặp song sinh được xác định là một trai và một gái trong khi thông thường anh/chị em song sinh cùng trứng phải giống nhau về giới tính.
Để điều tra sâu hơn, nhóm chuyên gia thuộc Viện Sức khỏe và Tiến bộ Y sinh, Đại học Công nghệ Queensland (QUT) tiến hành xét nghiệm di truyền nước ối. Kết quả, phần ADN thừa hưởng từ mẹ của hai em bé khớp nhau 100% nhưng phần ADN từ bố lại chỉ tương đồng 50%. Như vậy, về mặt di truyền, cặp song sinh này giống nhau 78%.
Ảnh: Shutterstock.
Theo IFL Science, hiện tượng như cặp song sinh trên được gọi là song sinh nửa cùng trứng, một dạng trung gian đặc biệt của song sinh cùng trứng và song sinh khác trứng.
Song sinh cùng trứng xảy ra khi một tinh trùng thụ tinh với một trứng, sau đó tế bào chia làm đôi. Hai cá thể song sinh cùng trứng có bộ gene giống nhau 100%.
Song sinh khác trứng xảy ra khi hai trứng thụ tinh với hai tinh trùng khác nhau, sau đó mỗi trứng trở thành một phôi riêng biệt. Cặp song sinh này có nhau thai riêng nhưng cùng chung tử cung nên ADN giống nhau 50%, tương tự các anh chị em không phải sinh đôi.
Đối với song sinh nửa cùng trứng như hai em bé ở Brisbane, một trứng thụ tinh với hai tinh trùng, tạo ra ba nhiễm sắc thể. Ba nhiễm sắc thể này chia đều ra 2 tế bào, sau đó trở thành hai phôi thai. Điều này khiến cặp song sinh sở hữu phần ADN từ mẹ giống hệt nhau nhưng lại khác về ADN từ bố. Một số nhà khoa học còn gọi đây là dạng sinh đôi thứ ba.
Cặp song sinh Brisbane chào đời bằng phương pháp đẻ mổ và có các chỉ số bình thường. Do biến chứng y khoa, bé gái phải cắt bỏ chân phải và buồng trứng. Các bác sĩ cho biết hiện cặp song sinh này đã bốn tuổi và phát triển tốt.
Đây là trường hợp song sinh nửa cùng trứng còn sống thứ hai trên thế giới. Ca đầu tiên xảy ra tại Mỹ năm 2007. Cặp song sinh cũng giống nhau 100% về ADN của mẹ nhưng khác nhau về ADN của bố. Một em bé lưỡng tính vừa có tinh hoàn, vừa có buồng trứng còn bé kia là nam. Cặp sinh đôi này cũng phát triển bình thường.
Minh Nguyên
Theo VNE
Kì lạ cặp song sinh ra đời cách nhau 12 ngày Một cặp song sinh ở Anh được sinh ra cách nhau đến tận 12 ngày. Một bà mẹ 32 tuổi ở Anh vừa khiến giới y học nước này sửng sốt khi lập kỷ lục sinh hai em bé sinh đôi cách nhau đến 12 ngày, Daily Mail đưa tin. Cô Vicky Green, 32 tuổi, trợ lý giảng dạy tại trường giáo dục...